LTS. Trong niềm hân hoan của Năm Thánh mừng kỷ niệm 80 năm truyền giáo tại Đàlạt, chúng tôi giới thiệu phương cách mà Giáo Phận đang thực hiện, để ngôn ngữ của anh chị em Kơho đã được Tòa Thánh phê chuẩn cho áp dụng trong phụng vụ. Theo chỉ dẫn của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí tích được công bố trong huấn thị thứ năm, ngày 28/3/2001, ‘về việc sử dụng các ngôn ngữ bản xứ trong việc xuất bản các sách phụng vụ Rôma’, Giáo Phận đã dịch thuật sang ngôn ngữ Kơho các bản văn phụng vụ, giáo lý, kinh đọc, thánh ca

Đến nay, Giáo Phận đã được phép Tòa Thánh phê chuẩn GÙNG LƠH YÀNG (= Nghi thức Thánh Lễ) ngày 24/02/2005 và SRĂ LƠH-YÀNG ROMA (= Các lời nguyện chúa nhật, Tuần Thánh, Bát Nhật Giáng Sinh, Bát Nhật Phục Sinh, Phần riêng Các Thánh) ngày 08/11/2005. Mới đây, trong khóa họp thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đầu tháng 9/2006, bản dịch JƠNAU YAL NIĂM (các sách Tin Mừng) đã được Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn ngày 6-9-2006.


TƯỜNG TRÌNH

về việc dịch thuật Giáo lý và Phụng vụ sang tiếng nói Kơ Ho

I. Hiện trạng Dân Tộc Kơ Ho

Dân tộc Kơ Ho (nói tiếng Kơ Ho), chủ yếu lập cư rải rác khắp lãnh thổ tỉnh Lâm Đồng bây giờ. Có một số làng đã sinh sống lâu đời ở các tỉnh lân cận như Đắc-lắc, Kontum, Pleku, Bình Thuận, Quy Nhơn, Đồng Nai, Bình Dương. Dân số Kơ Ho tại Lâm Đồng khoảng trên 140.000. Số người Kơ Ho đã được Rửa tội theo đạo Công Giáo là trên 80.000.

Như vậy đây là một Dân Tộc bản địa khá đông. Họ có tiếng nói riêng nhưng không có chữ viết. Họ có niềm tin, nghi lễ, phong tục tập quán và tổ chức xã hội đặc thù.

Trong khoảng thời gian Truyền Giáo tương đối là vắn, họ đã gia nhập đạo Công Giáo khá đông (trên 50%). Lý do chỉ có thể giải thích được là do sự yêu thương quan phòng của Thiên Chúa qua Giáo Hội của Ngài. Nhưng cũng qua nhận định của nhiều nhà Truyền giáo, thì niềm tin và các sinh hoạt thuộc niềm tin của họ có nhiều điểm tương đồng với Lịch sử Cựu Ước. Dĩ nhiên không thể loại trừ đã có rất nhiều vị Tông đồ nhiệt thành, biết hội nhập thích đáng vào lịch sử và nếp sống của anh em Kơ Ho.

II. Diễn tiến công việc dịch thuật

1. Buổi sơ khai : cuối thập niên 20, thế kỷ 20

Linh mục Jean Cassaigne, sau khi nhận nhiệm sở Di Linh (1926), Ngài đã thấy ra ngay việc truyền giáo cho anh em Kơ Ho phải được ưu tiên. Lập tức Ngài lao ngay vào việc học tiếng Kơ Ho. Vừa học vừa ghi ký theo mẫu tự La-tinh. Đồng thời Ngài đã vận dụng ngôn ngữ này vào việc Truyền giáo.

Ngay giữa thập niên 30, Ngài đã cho in ấn ba cuốn sách nhỏ giúp cho những ai muốn làm quen và tìm hiểu Dân Tộc này.

a. Lexique Moi – Francais - Annamite, pour la région Djiring - Dalat. In tại nhà in Tân Định, Saigon. Giá bán 1 đồng (không rõ năm in).

b. Manuel de conversation Francais - Koho. 2e édition, Saigon, Imprimerie de l’union, 57, Rue L. Mossard, 1935.

c. Catéchisme Kơ Ho, Sara diat Bap Tang. Saigon, Imprimerie de L’union, 57, Rue L. Moscard, 1938.

Vào năm 1951, Ngài đã cho in ấn tại Pháp hai cuốn sách nữa với quy mô lớn hơn cả về nội dung và số trang, về kinh đọc, Giáo lý và Phụng vụ.

d. Duh Bap-Yang bal mơ Yesu, 1951, Les Presses Missionnaires, 184, Avenue de Verdum, Issy-les-Moubineaux.

e. Jat gung Yesu. Sara Jonau Bap-Yang (cùng năm và địa chỉ).

Cả năm tác phẩm trên hiện còn lưu trữ tại Thư viện Toà Giám Mục Đà lạt. Chắc chắn còn có các tác phẩm khác.. ....

Từ trước năm 1940, đã bắt đầu có các Linh mục người Pháp khác tới phụ lực với Cha Cassaigne trong công tác Truyền giáo cho anh em Kơ Ho tại Di Linh. Nhất là từ khi có Nhà thờ và Nhà xứ Kala (1940), thì nơi đây là địa điểm vừa thực hành vừa làm giàu thêm các tác phẩm trên.

2. Thời trăm hoa đua nở

Từ sau năm 1950, có khá đông các Linh mục Thừa sai tới Đà Lạt, và các Trung Tâm Truyền Giáo cho anh em Kơ Ho được thành lập ở nhiều vùng khác nhau : Tại Đà Lạt, Ryôngtô, Đơn Dương, Bảo Lộc. Ngay tại Di Linh, ngoài Kala, còn có thêm 3 Trung Tâm Truyền Giáo khác nữa.

Vì nhu cầu mục vụ cấp thiết tại chỗ, nên các Linh mục ở mỗi địa phương đã cùng với các Giảng viên Giáo lý người Kơ Ho hình thành các bản văn giáo lý, kinh đọc, phụng vụ, bài hát.. .......... riêng cho mỗi vùng. Xét về nhiều mặt, các bản văn này đã đáp ứng kịp thời và rất hữu ích. Cụ thể là khắp nơi, con số người Kơ Ho được lãnh Bí tích Rửa tội càng ngày càng đông.

Con số đầu sách bằng tiếng Kơ Ho, in ronéo, hoặc in ấn hẳn hoi, thuộc mọi thể loại, đặc biệt là Giáo lý, Thánh ca, Phụng vụ đều có khá nhiều tại mỗi Trung Tâm.

3. Thời làm việc chung

Vào năm 1969, các Linh mục coi sóc anh em Kơ Ho ở hai huyện Di Linh và Bảo Lộc đã họp bàn và đi tới quyết định là nên dịch chung và sử dụng chung một số bản văn nền tảng : các kinh đọc hằng ngày, một số phần trong Sách lễ Rôma và các Bí tích, cũng như các nghi thức làm phép.

Được Đức Giám Mục Giáo Phận khích lệ đặc biệt, nên đã thành lập ra một ban phiên dịch, với ba Linh mục cùng đứng ra điều hành. Đó là cha Laurent Phạm Giáo Hoá, cha Chistian Grison và cha Phêrô Trần Văn Khoa. Có các Linh mục trẻ phụ tá khác lần lượt tham gia. Bên cạnh các ngài, phải kể đến con số đông đảo các Giảng viên Giáo lý người Kơ Ho. Cũng có mời được vài vị trí thức Dân Tộc cùng góp ý.

Bản văn gốc được dựa vào để phiên dịch là bản La tinh đang được Giáo Hội sử dụng. Cha Khoa và các cộng sự của ngài thảo bản dịch trước, sau đó được toàn thể bàn bạc, sửa chữa và quyết định.

Sau hơn năm năm kiên trì, miệt mài làm việc chung. Mỗi tháng họp chung ít là một lần, mỗi lần hai ngày một đêm, lần lượt ở các Trung tâm Truyền giáo Bảo Lộc và Di Linh. Kết quả là đã đồng thuận được các bản văn đã có dự tính trên đây. Cụ thể là các kinh đọcđã được sử dụng chung rộng rãi ở Di Linh và Bảo Lộc.

4. Thời hoàn chỉnh

Từ năm 1980. Đức Cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, và sau đó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, luôn thúc giục, khích lệ và tạo mọi điều kiện để hoàn thiện thêm một bước các bản văn đã dịch, đồng thời tiếp tục dịch thêm các bản văn còn thiếu. Các Linh mục phụ trách và các cộng sự viên đã cùng nhau làm việc từng tuần lễ một, nhiều năm liên tiếp để hoàn thiện và bổ túc.

Cũng trong khoảng thời gian này, các Linh mục và các Giảng viên Giáo lý ở Di Linh đã dịch ra được trên 300 Bài hát thông dụng để dùng trong các buổi Phụng vụ. Đồng thời cũng xem lại và bổ túc cuốn Giáo lý phổ thông đã được một số người dịch và cho sử dụng trước đây.

Từ năm 1994, Đức Giám Mục Giáo Phận xét thấy cần phải tích cực hơn nữa để bản văn Phụng vụ có thể được Toà Thánh công nhận, nên đã khích lệ anh em làm sao để bản văn được nghiêm chỉnh và đầy đủ hơn. Lúc này con số Linh mục rành tiếng Kơ Ho đã khá đông, nên công việc mau hơn rất nhiều.

Từ năm 2001, Đức Giám Mục Giáo Phận muốn tiến thêm một bước nữa, là cho tập họp các bản văn Kinh Thánh đã dịch ở các nơi lại, giao cho một Linh mục có khả năng chịu trách nhiệm, dựa theo bản văn La-tinh mới nhất, được Toà Thánh công nhận, để làm ra một bản văn chung cho mọi miền sử dụng tiếng Kơ Ho. Công việc đã được tiến hành rất tích cực.

Làm tại Giáo xứ Kala, 07/07/2004

Linh mục Đaminh Nguyễn Huy Trọng

www.simonhoadalat.com