Hai cuộc ly giáo quan trọng trong lịch sử Giáo hội Công giáo

I. Các Giáo phái

Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã đề cập đến việc thành lập giáo hội qua lời Ngài nhắn nhủ Phêrô: "Phêrô, này con là đá, trên viên đá này thầy sẽ xây giáo hội của thầy" (Mt 16,16-19). Chúa còn cầu nguyện giáo hội này được nên một như Chúa Cha và Chúa Con là một. Thế nhưng, đáng buồn thay, giáo hội dựa trên Phêrô đã không là một như Chúa mong muốn.

Giáo hội lúc ban đầu, đi theo Chúa chỉ là nhóm 12 tông đồ và một số các môn đệ. Họ không có hiến pháp, hiến chương hoặc nội quy gì cả. Theo thời gian, con số những người tin vào Chúa tăng lên rất nhanh. Ðể đáp ứng nhu cầu, các tông đồ đã phải chọn 7 vị được gọi là phó tế hầu trợ giúp thêm cho các ngài trong các công việc bác ái giúp anh chị em chung quanh (Tông đồ Công vụ, đoạn 6). Ðồng thời nhằm thích ứng với những đòi hỏi mới, các ngài đã phải cùng nhau nhóm họp tại Giêrusalem, tìm những phương cách rao giảng tin mừng cho thích hợp. Cũng trong những phiên họp đầu tiên này mà danh từ Công đồng được xử dụng. Các ngài đã đồng ý rằng không cần buộc những người tân tòng phải hoàn toàn tuân giữ các luật điều trong cựu ước, nhưng chú trọng nhiều đến niềm tin vào Ðức Kitô (TÐCV đoạn 15). Giáo hội là một, dù tin mừng được loan truyền ra đến các nước Ai Cập, Syria, Tiểu Á, Hy Lạp và Roma.

Trong thời gian bị bách hại 300 năm đầu và những thế kỷ sau đó, điểm quan trọng người ta nhận ra là, đã không xảy ra cuộc ly giáo nào quan trọng, hoặc nếu có thì rất giới hạn, như của nhóm Nestorians và Monophysites. Những nhóm này chẳng mấy ai theo. Thường thì sự ly giáo kết thúc bằng việc nhóm nhỏ đó tàn lụi đi hoặc trở lại Công giáo. Tuy nhiên, vào lúc bình an, không bị bách hại, thì xảy ra 2 cuộc ly giáo rất quan trọng. Một, vào thế kỷ 11 với anh em Chính thống giáo, và một, vào thế kỷ 16 với anh em Tin lành. Những cuộc ly giáo này được gọi là những bất đồng đau đớn làm tổn thương thân mình Ðức Kitô. Sau đó, xuất hiện tên gọi như "Công giáo La Mã" để phân biệt với "Chính thống giáo" và "Tin lành".

1. Công Giáo (La Mã). Khởi nguồn từ niềm tin rằng thánh Phêrô, vị cầm đầu hội thánh đã tử đạo và được chôn cất tại Roma, những giám mục thành Roma, được nhìn nhận như kế vị Ngài, coi sóc toàn thể hội thánh. Theo lịch sử thì vai trò của Ðức Giáo Hoàng vào thuở ban đầu chỉ nhằm giải quyết những dị biệt giữa các giáo hội địa phương. Về sau, vì có nhiều lời yêu cầu và Công việc đòi hỏi, vị giáo hoàng đã phải can thiệp thêm vào các vấn đề của giáo hội địa phương, do đó, cũng có những lần gây ra khó chịu với các giáo hội này.

2. Chính Thống Giáo. Ðến thế kỷ 11, khoảng năm 1054, xảy ra cuộc ly giáo quan trọng nơi những giáo hội phương đông. Thực ra, phương đông là phương đông của Âu Châu chứ không phải là Ðông Phương hoặc Châu Á. Ðó là các quốc gia Hy Lạp, Bulgaria và Liên Sô. Lúc đầu chỉ là những nghi thức khác biệt giữa 2 nhóm về việc dùng bánh không men (theo nghi thức La-tinh của Roma) hoặc bánh có men (Hy Lạp) khi cử hành bí tích thánh thể. Tuy việc nhỏ nhưng cũng gây ra bất đồng tại sao nhóm này khác nhóm kia. Ðến sau xảy ra những chuyện trọng đại hơn liên quan về đức tin. Giáo hội Roma tin rằng Chúa Thánh Thần do bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, còn Chính thồng giáo thì tin rằng Chúa Thánh Thần bởi Chúa Cha mà thôi.

Ngày nay có những giáo phái Chính thống giáo quan trọng là: Liên sô, Rumania, Bulgaria, Hy lạp... Năm 1964, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI và Ðức Giáo Chủ Athenagoras, Giáo chủ thành Constantinople, đã cùng ôm hôn và rút vạ tuyệt thông cho nhau. Bây giờ có nhiều chi nhánh Chính thống trở về hiệp nhất với Công giáo và vẫn giữ nguyên nghi thức, ngôn từ, tập tục riêng. Họ chọn tên "Công giáo Hy Lạp; Công giáo Ukraine" để phân biệt với Công giáo Roma. Chương trình đại kết cũng đang được chú trọng rất nhiều trong Giáo hội Công giáo.

3. Tin Lành. Trong cuộc ly giáo giữa Công giáo và Chính thống được kể là "nhẹ" thì cuộc ly giáo với Tin lành gây ra nhiều đau đớn hơn. Vào thời trung cổ, người Công giáo phổ biến nhiều tập tục nhằm giúp tăng trưởng thêm lòng đạo đức như hành hương, xin ân xá, làm việc đền tội, noi gương các thánh ăn chay, hãm mình, phạt xác... Trong khi sống những bí tích và "á bí tích" này, một vài lạm dụng hoặc quá khích xảy ra. Thực ra, những thói quen truyền thống đó đã khởi nguồn từ cựu ước hoặc manh nha trong tân ước. Ăn chay, hãm mình là những việc làm rõ ràng và cụ thể được cả Tân và Cựu ước đề cao; hành hương được nhắc nhở nhiều nơi Tân ước, khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem; các ân xá - hình thức tha phần phạt của tội - bắt nguồn từ sự tha thứ và giúp thống hối vào những năm toàn xá...

Nhiều nhóm canh tân giáo hội như các dòng tu Phanxicô, Ðaminh, Cistercien, Carthusian đã cố gắng chỉnh đốn, giải thích một số tập tục không còn hợp thời. Mọi người hiểu rằng canh tân giáo hội là một việc làm của từng thời đại, nghĩa là chúng ta phải liên tục canh tân Giáo hội, canh tân đời sống của mình. Ngay cả bây giờ, vào thế kỷ 21 nầy, chúng ta cũng cần đổi mới.

Trong khi các dòng tu canh tân giáo hội cách chậm rãi thì vào thế kỷ 16, có một phong trào muốn canh tân cách mạnh mẽ và mau lẹ hơn. Người được coi như khai sáng phong trào này là Luther chắc cũng không ngờ rằng, sau ông, Tin lành bị chia ra quá nhiều nhánh và có quá nhiều mâu thuẫn với nhau như vậy. Cho đến hôm nay, theo Edward O'Conner trong "The Catholic Vision" trang 36 thì có đến 20,000 giáo phái tin lành cùng tin vào Ðức Kitô!!!? Theo Edward thì mỗi nhà thờ Tin lành có quyền cắt nghĩa Thánh kinh theo kiểu riêng của mình, nghĩa là một giáo phái. Ðúng ra, Tin lành, mà người Công giáo gọi là "thệ phản" tức là phản lại lời thề, là một phong trào hơn là tôn giáo cố định. Các vị khai sáng và chủ trương những hệ phái lớn nhiều khi cắt nghĩa Thánh kinh một cách rất mâu thuẫn nhau, như những anh em theo Anh Giáo và Episcopalians thì chấp nhận truyền thống, nhưng không chấp nhận quyền bính Ðức Giáo Hoàng; Luther cho phép truyền thống nếu không ngược lại với Thánh kinh; Calvin thì cho rằng những gì mà Thánh kinh không hiển nhiên đề cập đến thì phải được loại trừ; người theo thanh giáo hoặc chủ trương cải cách tận căn thì cứng rắn hơn nữa trong việc áp dụng Thánh kinh. Nhưng lại có giáo phái như tin lành Mormon chủ trương rằng để đối phó với nạn trai thiếu, gái thừa, đàn ông được phép lấy 4 vợ! Ðiều này có nghĩa rằng các mục sư tin lành có quyền giải thích Thánh kinh theo ân sủng nhận được từ Thánh Thần.

Bên cạnh những vấn đề cắt nghĩa Thánh kinh thế nào cho chính xác, các hệ phái tin lành cũng không giải thích các bí tích giống nhau. Có hệ phái chấp nhận bí tích mình thánh Chúa, hệ phái lại coi việc cử hành bí tích này như sự tưởng niệm mà thôi. Rồi lại có hệ phái nói rằng việc linh mục nữ giới đã được nhắc nhở cách mặc nhiên (implicit) trong Thánh kinh, hệ phái cho rằng không thấy chỗ nào Thánh kinh nhắc nhở đến cả.

II. Vấn đề mấu chốt: Thánh kinh và Thánh truyền

Nhìn chung thì anh em Tin lành chấp nhận Thánh kinh nhưng không đồng ý với Thánh truyền. Trong khi đó Giáo hội Công giáo tin tưởng vào Thánh kinh, đồng thời cũng tôn trọng Thánh truyền và những lời dạy dỗ của các vị thánh khôn ngoan. Thánh truyền nghĩa là truyền thống thánh của giáo hội, khác với truyền thống tự nhiên của con người.

Giáo hội Công giáo lý luận nguồn gốc Thánh kinh khởi sự với truyền khẩu. Ðể bảo toàn nguyên ý và cũng để phổ biến cho thêm sâu rộng, các thánh sử viết lại Thánh kinh. Tiến trình hình thành đó, được áp dụng cho cả Cựu cũng như Tân ước như sau:

1. Truyền khẩu: dân chúng kể cho nhau nghe (bằng miệng) cảm nghiệm của họ về Thiên Chúa. Rồi họ kể cho bạn bè và con cháu nghe những cảm nghiệm này. Con cháu lại truyền cho đời kế tiếp những câu truyện, cảm nghiệm và kinh nghiệm đó.

2. Có những biến cố lớn xảy ra như những cuộc di cư, bị lưu đày, tai nạn xảy đến cho dân Do thái. Những biến cố này có thể làm mai một, phương hại hoặc méo mó những niềm tin, tập tục cổ truyền vẫn được truyền khẩu, do đó, các nhà biên niên sử và văn sĩ viết lại những câu truyện của đức tin cho hậu thế.

3. Xuất bản. Theo thời gian, những nhà biên niên sử, văn sĩ thu thập các tài liệu đã được biên soạn thành hệ thống, hiệu chính những gì chưa rõ, đem xuất bản và áp dụng cho cộng đoàn của mình.

Ðó là việc thành hình bộ Thánh kinh gồm 73 cuốn Cựu cũng như Tân ước. Tiến trình này không phải là đứt đoạn, thiếu liên hệ với nhau, nhưng nối kết và nằm chồng lên nhau.

Như đã trình bày ở trên, từ những khác biệt căn bản này về việc áp dụng Thánh kinh và Thánh truyền, nhiều vấn đề khác đã được nêu lên, mà ngay cả bây giờ chúng ta cũng đang phải đương đầu. Ở đây, chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận vấn đề căn bản mà người ta cho rằng chính vì vấn đề này Luther quyết định tách rời ra khỏi Giáo hội Công giáo.

Ân sủng trong ơn cứu chuộc:

Luther, nguyên là một linh mục công giáo, trong suốt cuộc đời cứ bị dằn vặt giữa hai ý tưởng công bằng (1) và bác ái (2): Chúa yêu thương và muốn cứu rỗi loài người, con người cũng muốn được cứu rỗi, nhưng luôn luôn hướng chiều về tội. Vậy ân sủng cứu chuộc do bởi đâu? Do bởi bác ái hay do bởi Công bằng? Ðâu là sự kết hợp giữa thương yêu và Công bằng trong ơn cứu chuộc? Ðâu là ơn Chúa và đâu là sức cố gắng của con người?

Với Luther, trọn vẹn ơn cứu chuộc được quy vào ý tưởng quan trọng: công chính hóa (justification). Con người cần công chính hóa vì tổ tiên đã phạm tội. Tội làm con người mất ân sủng với Thiên Chúa và với chính mình. Tội làm con người hư đi và dễ hướng chiều về sự ác. Ðức Kitô đến để công chính hóa, tẩy xóa tội lỗi khiến con người trở nên trong sạch. Vì vậy Giáo hội Công giáo trong bài ca đêm phục sinh đã gọi tội nguyên tổ là tội hồng phúc. Qua tội nguyên tổ, người thấy rõ tình Chúa yêu thương mình hơn, và qua tội nguyên tổ, người được Chúa yêu thương hơn.

Luther chủ trương rằng con người trở nên công chính không do công trạng mình nhưng do lòng nhân từ của Chúa. Công nghiệp con người bị giới hạn, cho nên dù có lập công đến thế nào đi nữa thì cũng bị giới hạn, không thể tự cứu chuộc. Chỉ có ơn Chúa mới chuộc tội con người. Ðiều này có nghĩa rằng công bằng nhường bước cho bác ái trong ơn cứu chuộc, và cũng chính vì bác ái chứ không vì công bằng mà Chúa sinh ra làm người.

Giáo hội Công giáo không phản đối ý tưởng này nhưng nhấn mạnh người phải cộng tác với ơn Chúa. Tân ước qua thánh Giacôbê 2,22 dạy "con người được công chính hóa qua các việc họ làm và không phải chỉ do đức tin" cùng với lời nhắn nhủ của thánh Augustin "Chúa dựng nên con không cần con, nhưng không thể cứu chuộc con nếu không có sự cộng tác của con", Giáo hội Công giáo chủ trương rằng con người không tự cứu chuộc, nhưng do ơn Chúa và với sự cộng tác của người, họ được cứu chuộc. Sự khác biệt khi cắt nghĩa ơn công chính hóa mà thánh Phaolô nhắc nhở trong thư gửi giáo đoàn Roma (Roma 3,28) và Giacôbê 2,24 đã là đề tài tranh luận giữa anh em Tin lành và Công giáo cho đến tận ngày nay.

Từ những điểm chính quan trọng trên, những lời dạy dỗ của Công giáo và Tin lành cũng trở nên khác biệt. Luther chủ trương con người được cứu độ là do tình thương của Thiên Chúa, cho nên hoặc là được cứu độ hoặc là được luận phạt. Ðiều này nghĩa rằng Luther và các giáo hội Tin lành phủ nhận tội nặng, nhẹ mà chỉ công nhận tội và ân sủng cứu chuộc. Giáo hội Công giáo, dựa theo công bằng tự nhiên, phán đoán của lý trí và những luật lệ khởi nguồn từ Cựu ước như tội rất nặng thì bị ném đá cho chết, tội nặng thì đi lưu đày một thời gian, tội nhẹ thì bị đánh đòn... lý luận hình phạt tương xứng với tội, vì không thể nào chấp nhận được rằng tội nói dối nhỏ cũng bị phạt ngang với tội giết người, ăn cắp con gà cũng bị trừng trị như ăn cắp hàng triệu đô la. Do đó, Công giáo nhắc nhở đến việc xin Chúa tha thứ không chỉ tội, nhưng còn phân biệt tội nặng và tội nhẹ.

Lm. Ðào Quang Chính, OP

(Trích dẫn từ Nguyệt San Trái Tim Ðức Mẹ số 267, tháng 3 năm 2000)