TRUYỀN GIÁO CHO NGƯỜI KƠ HO
Cha Đaminh Nguyễn Huy Trọng
Một cơ hội thuận tiện cho con được công khai dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, đội ơn Đức Cha đã cho con được nói về anh em Kơ Ho, ở một cuộc hội thảo có tầm cỡ hồi trung tuần trong tháng 5 vừa rồi.
Chắc hẳn Đức Cha đã có nhiều suy tư, dự tính, rồi mới quyết định vậy. Nhưng theo con nghĩ có một ý cũng không sai, là Đức Cha muốn tôn vinh anh em Kơ Ho, muốn cắm mốc cho một chặng đường truyền giáo của Giáo phận.
Vinh dự này chỉ mình Đức Cha mới hội đủ điều kiện và xứng đáng. Nên khi Đức Cha “nhờ” con viết để Đức Cha có thêm căn cứ nói, thì con đã viết thoải mái. Nhưng khi Đức Cha bảo con viết tóm lại để con nói, thì con có lo sợ thực sự.
Vì vâng lời và nhờ ơn Chúa, con cũng đã vượt qua. Con sung sướng vô vàn vì anh em Kơ Ho đã có cùng có tên tuổi với các tên tuổi khác.
Tuần thường huấn năm ngoái, đề tài “Giáo lý và truyền giáo” đã được Cha Giuse Nguyễn Hưng Lợi khai triển. Trong đó Cha đã dành hơn 2/3 thời lượng nói về việc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận Đà Lạt. Qua gợi ý có tính lịch sử, đã nói lên rất nhiều điều đáng chúng ta quan tâm suy nghĩ và tiếp nối.
Năm nay đề tài có khác là “Truyền giáo cho người Kơ Ho”. Nhưng nội dung chính, thì quả là Cha Lợi đã nói hết rồi. Con cứ vâng lời, cầu nguyện, suy nghĩ, viết và bây giờ nói. Con cũng vâng lời cả Cha Sơn nữa, vì đề tài được trao cho cả hai, mà Cha Sơn thì nói là kính đàn anh.
Nói về một đề tài mà chính mình đã có dự phần trực tiếp thì có khác gì học sinh đi thi mà trúng tủ, làm gì mà phải đắn đo thoái thác cho phiền lòng Bề Trên. Nhưng trớ trêu ở chỗ là nói cho những người cũng có can dự như mình hay hơn mình nhiều, đã biết tỏng hết rồi, thì cũng không đơn giản. Xin các Cha hy sinh ráng nghe.
Trước hết con xin dựa vào Lời Chúa và Giáo Hội cho chắc ăn và vững bụng cái đã.
Is 60,3-5 :
3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4 Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi :
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hơng.
5 Trước cảnh đĩ, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lịng ngươi rạo rực, vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muơn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
Mt 28,18-20 :
18 Đức Giê-su đến gần, nĩi với các ơng :
"Thầy đã được trao tồn quyền trên trời dưới đất.
19 Vậy anh em hãy đi
và làm cho muơn dân trở thành mơn đệ,
làm phép rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều
Thầy đã truyền cho anh em.
Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
Mc 16,15-16.20 :
15 Người nĩi với các ơng :
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi lồi thọ tạo.
16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ;
cịn ai khơng tin, thì sẽ bị kết án.
20 Cịn các Tơng Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi,
cĩ Chúa cùng hoạt động với các ơng,
và dùng những dấu lạ kèm theo
mà xác nhận lời các ơng rao giảng.
Lc 24.46-48 :
46 Và Người nĩi :
"Cĩ lời Kinh Thánh chép rằng :
Đấng Ki-tơ phải chịu khổ hình,
rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;
47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muơn dân,
bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem,
kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
Ga 20,19b-22 :
Đức Giê-su đến, đứng giữa các ơng và nĩi :
"Bình an cho anh em ! "
20 Nĩi xong, Người cho các ơng xem tay và cạnh sườn.
Các mơn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nĩi với các ơng :
"Bình an cho anh em !
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."
22 Nĩi xong, Người thổi hơi vào các ơng và bảo :
"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.”
Cv 1,6-8 :
6 Bấy giờ
những người đang tụ họp ở đĩ hỏi Người rằng :
"Thưa Thầy, cĩ phải bây giờ là lúc
Thầy khơi phục vương quốc Ít-ra-en khơng ? "
7 Người đáp : "Anh em khơng cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã tồn quyền sắp đặt,
8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.
Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy
tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri
và cho đến tận cùng trái đất."
Sứ điệp Truyền giáo lần thứ 77 năm 2003 :
Số 4. Mọi tín hữu đều được kêu gọi sống thánh thiện và thi hành sứ vụ truyền giáo.
Số 5. Điều cấp bách là chuẩn bị những sứ giả Tin Mừng có khả năng và thánh thiện. Điều cần thiết là không được để cho nhiệt tình nơi các tông đồ suy giảm đi, đặc biệt trong sứ vụ truyền giáo “đến với muôn dân”
Số 6. Nhiệm vụ linh hoạt công việc truyền giáo phải tiếp tục là một cam kết nghiêm túc và nhất quán của mỗi người được thanh tẩy và của mỗi cộng đoàn Giáo Hội.
Và một câu chót do con nhớ lại Lời Chúa, nội dung là : Nước Thiên Chúa là nước vĩnh cữu, trong đó có mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi tiếng nói. Và con xin thêm : chắc chắn phải có dân tộc và tiếng nói Kơ Ho.
Con có trích hơi nhiều, nhưng đây là chủ ý của con. Con kể đây là phần chính yếu, làm nền tảng cho điều con trình bày sau đây.
I. Ngược dòng thời gian
Phần này có một số mốc thời gian, và sự kiện có liên quan, con lấy lại ở bài của Cha Lợi nói năm ngoái. Con cho đây cũng là tư liệu quý, đáng nhớ. Có điều theo con biết thì cũng cần điều chỉnh lại vài chỗ.
Năm 1918, Cha Nicolas đã có tiếp xúc khá nhiều với anh em Dân tộc quanh Đà Lạt. Cụ thể hơn nữa là còn làm phòng học, nơi ở cho các em Dân tộc.
Năm 1927, ngày 24 tháng 01, Linh mục Jean Cassaigne được đặt làm Cha sở đầu tiên của Giáo xứ Di Linh. Ngài đã làm quen ngay với anh em Dân tộc, đặt biệt các bệnh nhân cùi người Dân tộc.
Và ngày 07-12-1927, ngài đã rửa tội cho một người Dân tộc Kơ Ho đầu tiên là bà Ka Truêt, thánh hiệu Maria (sổ Rửa tội Giáo xứ Di Linh, cuốn I, số 2). Tiếp theo là hàng trăm người Kơ Ho khác được lãnh Bí tích Thánh Tẩy ở các làng Dong Dòr, Klong Trau, Rơhàng-Ùng, Drongto, Kròt, Kala. ..
Năm 1940, Linh mục Jean Cassaigne mua một thửa đất sườn đồi thuộc làng Kala, rộng 90m dài 250m để làm Trung tâm truyền giáo cho toàn vùng Di Linh, còn gọi là Đồng Nai Thượng; giấy tờ mua bán và bản đồ hành chính đề ngày 21-05-1940 làm tại Di Linh và Đà Lạt.
Đã được chuẩn bị từ trước, nên cũng năm đó, Cha Cassaigne đã cho dọn đất, dựng nhà thờ, nhà xứ. Các thợ nề, thợ mộc chính làm ở đây đều còn sống gần như đủ khi con về Kala, và con đã hỏi đầy đủ về năm làm, cũng như các sự kiện có liên quan.
Trước năm 1940, khoảng năm 1933, Cha Cassaigne cũng đã cho làm tạm một nhà dạy giáo lý ở làng Kwil-Bùm, cách nhà thờ Kala hiện giờ hơn một cây số.
Năm 1952, mưa to, lũ lụt, núi lở, nên dân làng Kwil-Bùm về ở gần làng Kala. Hiện giờ đất làng Kwil-Bùm, anh em Rơglai căn cứ về ở.
Cũng trong thời gian trước khi làm nhà thờ Kala, Cha Cassaigne đã cho mở con đường piste từ Di Linh vào tới Kala. Nếu con đường có đi qua ruộng của ai, ngài đều mua lại hết, từng thửa. Một số giấy tờ đều còn lưu giữ. Con đường này sau đó được trải đá sơ sài, cho tới năm 1973, con mới nhờ công binh Mỹ đóng ở Tam Bố mở rộng và trải đá kỹ hơn.
Vì Cha Cassaigne được làm Giám mục Sài-gòn, nên hai năm đầu Cha Chauvel không thường xuyên ở Kala, cho đến cuối năm 1942 mới chính thức ở luôn. Có lẽ do đây mà có sự lầm lẫn trong các tư liệu.
(Những chi tiết trên đây muốn làm rõ, vì nó là mốc lịch sử khởi đầu cho công cuộc truyền giáo cho người Kơ Ho của Giáo phận.)
Những năm cuối thập niên 1950, có các Linh mục thừa sai Paris tới lập thêm một điểm truyền giáo mới, quen gọi là Trung tâm truyền giáo Di Linh Thượng, nằm ngay sau chợ Di Linh bây giờ.
Trên nguyên tắc, phạm vi truyền giáo của hai trung tâm này (Kala và Di-Linh) là các làng dân tộc khắp tỉnh Đồng Nai Thượng. Nhưng trong thực tế lại khoán trắng tất cả cho Trung tâm Kala, có Giáo xứ Di Linh hỗ trợ.
Cuối năm 1969, Linh mục Phêrô Trần Văn Khoa rời Kala, lập một điểm truyền giáo mới ở Đinh Trang Hòa (cây số 16) có tên là Trung tâm San Sẻ Dariam. Trước đó khoảng 1963-1964, cha Khoa đã khởi sự công việc truyền giáo tại Dà Gui và Dà Wai.
Ngày 15-01-1973, Linh mục Giuse Phạm Minh Sơn được cử về lập một điểm truyền giáo mới ở Gia
Lành, sau đó rời về Tam Bố.
Từ năm 1948, các Cha thừa sai Paris tới Đà Lạt và sinh hoạt truyền giáo khắp vùng đó kể cả Lạc Dương.
Từ năm 1958, các Cha Dòng Chúa Cứu Thế tới Fyan truyền giáo cho anh em khắp vùng đó, kể cả Đức Trọng.
Năm 1958, Trung tâm truyền giáo MLon được hình thành rồi tới các vùng phụ cận khắp huyện Dran. Có các Cha Lazarites tới tiếp tay từ năm 1961và chia nhau hoạt động.
Ngày 18-02-1961, Cha Laurensô Phạm Giáo Hóa được phái đến vùng Bảo Lộc chuyên lo truyền giáo cho anh em dân tộc khắp cả miền đó, kể cả cây số 16 cho tới Dà Gui. Ngoài một Trung tâm chính tại chính Bảo Lộc, ngài còn thành lập nhiều cứ điểm truyền giáo khác ở khắp nơi, có nhà thờ hẳn hoi. Ngài được nhiều giáo dân tình nguyện đến giúp việc truyền giáo.
Trên đây mới chỉ ra điểm khởi đầu của công việc truyền giáo của Giáo phận. Còn các chi tiết khác phải chính các nơi đó kể ra mới hết và mới đúng được.
Từ vài năm trước năm 1975 cho đến hôm nay (năm 2003) thì các Cha đã thấy rõ, công việc truyền giáo cho anh em Dân tộc bắt đầu được san sẻ cho các Giáo xứ lân cận đảm trách. Và cũng có thể nói đó là một thời kỳ trăm hoa đua nở rộ trên cánh đồng truyền giáo của Giáo phận chúng ta. Không thể kể ra hết được mọi công lao vất vả cộng với sự hăng say nhiệt tình để có một kết quả mà chúng ta hiện đang thấy.
Con xin xé lẻ một chút để nói đến ở đây một điều mà ít ai nhắc tới. Nếu được phép tôn vinh một Giáo xứ (Kinh) nào đó, thì phải kể Giáo xứ Di Linh lên hàng đầu. Vì bắt đầu từ đây mới có “hiện sự” của công việc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận. Và suốt hơn 70 năm qua, Giáo xứ Di Linh vẫn luôn là cái nôi cưu mang, sản sinh, nuôi dưỡng một số khá đông anh em tân tòng và giáo dân Kơ Ho. Ngay cả khi đã có các trung tâm truyền giáo chung quanh đảm trách chuyên biệt.
Ngày thành lập Giáo phận và có Đức Giám mục tiên khởi về điều hành công việc của Giáo phận, cũng là khởi điểm một bước ngoặt mới cho công cuộc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận. Vì có Chủ chăn chịu trách nhiệm trực tiếp, mọi thành viên phải liên hệ thường xuyên để được hướng dẫn, khích lệ và giúp đỡ. Các vị Chủ chăn đều dành sự ưu ái đặc biệt cho công tác này, nên cũng thường xuyên đi thăm viếng mục vụ.
Với Đức Cha Simon Hòa và Đức Cha Barthôlômêô kế vị, chắc hẳn không ai quên được những hình ảnh thân thương, những lời nói đầy thiện cảm, và cung cách trân trọng của hai ngài với công việc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận. Mỗi vị mỗi vẻ, nhưng đầy tình Chúa và tình người.
Đức Cha Simon Hòa với việc học đọc tiếng và vẻ mặt sung sướng mỗi khi cử hành Bí tích cho anh em Dân tộc. Đức Cha Barthôlômêô với nhiều lần lên tiếng nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quên cái ơn mà Thiên Chúa qua anh em Dân tộc đã giữ phần cho chúng ta là được ở trên phần đất này.
Chúng ta đã nói nhiều và được nghe nói nhiều về Đức Cha Phêrô của chúng ta hiện giờ. Một con người đã được tiền định cho công cuộc tuyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận. Ngài đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Từ tấm bé đã mắt thấy tai nghe, từ đó sinh tình và thể hiện nó trong đời là điều đương nhiên đối với ngài. Chúng ta hãy để ngài sống trọn cái ơn gọi đó trong tâm tình biết ơn và tạ ơn Chúa.
Tất cả các sự kiện tính theo thời gian trên đây, và mọi diễn tiến có liên hệ đều nhắc nhở chúng ta về tình yêu bao la của Thiên Chúa đã quan phòng, đưa đẩy, bảo vệ và giữ gìn.
Tất cả các vị có nêu tên hoặc chưa nêu tên, kể cả biết bao người vô danh đã có cộng tác ít nhiều trong công cuộc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận, dưới sự điều hành đầy nhiệt huyết của các chủ chăn, hẳn là đã được ơn Chúa soi sáng cách đặc biệt, được thấm nhiễm, được nuôi sống bằng Lời Chúa, để rồi thể hiện cách này cách khác trong sứ vụ được trao ban.
II. Giữa dòng thời gian
Con không bao giờ dám nghĩ tới hay muốn lạm bàn về cái huyền bí của không gian hay thời gian. Ngay cả từ ngữ mang tính nhiệm mầu mà Chúa Giêsu đã nói : “Giờ của Ta”. Con chỉ nghĩ rằng Thiên Chúa đang gọi và ban cho chúng ta sống trong một thời gian, một không gian và một giờ cụ thể của Ngài. Qua đó chúng ta có một ý tưởng, một quyết định thể hiện tối thiểu nào đó về quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở đây nhằm con người cụ thể là mỗi người chúng ta; và đối tượng cụ thể là anh em Dân tộc trong Giáo phận Đà Lạt chúng ta.
Chắc chắn không ai mà không nhìn nhận rõ ràng : thành quả của các vị tiền bối để lại quá lớn lao và đã trải qua vô vàn gian khổ, còn vượt qua cái giá xương máu. Tất cả đã trở thành nền tảng và cung cách chỉ đạo cho hôm nay và ngày mai.
Nói khác, chúng ta đã và đang thừa hưởng một gia tài truyền giáo có tính truyền thống xét về cả hai mặt nội tại và ngoại tại.
Nội tại là chính nội dung đặc thù của công tác truyền giáo theo nghĩa đen Lời căn dặn của Chúa Giêsu, là rao giảng Tin Mừng của Ngài cho mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi tiếng nói, là rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Ngoại tại là các công tác chuẩn bị trực tiếp cho sứ vụ trên : học ngôn ngữ, tìm hiểu phong tục tập quán, và diễn tả giáo lý của Chúa bằng tiếng bản địa.
Cả hai phương diện trên, các vị tiên phong đã làm rất nghiêm chỉnh và rất đáng nể phục. Có thể khẳng định, cuộc đời các ngài chỉ là vậy, chỉ có vậy.
Còn chúng ta, những người còn đang sống, kể từ ngày có mặt trên hiện trường, hay ở giữa dòng thời gian này, đã làm gì nên chuyện, để xứng đáng là người thừa kế cái gia tài truyền giáo có tính truyền thống trên. Trên nguyên tắc, đương nhiên thế hệ sau phải hơn thế hệ trước. Hậu sinh phải khả úy. Nhưng chắc chả ai dám mạnh bạo nghĩ mình đã hơn.
Tổng quát và mặt nổi thấy có nhiều điều tích cực :
* Về nhân sự chủ đạo có con số rất đáng nể.
* Về thành tích có trong sổ Bí tích càng đáng phục.
* Về các địa điểm có hữu trách đúng là Trời ban dồi dào.
* Về nhiều mặt khác đều có chất lượng cao, nhiều chỗ còn có cả văn bằng chứng nhận.
* Và tất cả đang còn tiến mạnh theo chiều hướng này.
Cái bảng thành tích này nếu nằm trong tay các nhà tổng kết chuyên nghiệp hôm nay thì hết chỗ cho bất cứ ai muốn chen chân. Quả thực ai mà không khen, không phục, không hãnh diện...
Nhưng cũng theo thông lệ khi nói ra các mặt được, mặt nổi, thì cũng phải nói ra cái mặt chưa được, mặt chìm. Về điều này, thì khó lòng có ai đủ can đảm nói lên, nếu không được thật lòng cho phép.
Con xin dùng phương pháp tự phê, tự phê chân tình. Điều này con đã học được khi đi dự vài lần nhóm họp với các anh Tiểu đệ Chúa Giêsu ở Sài-gòn trước đây. Các anh gọi cho nó một cái tên là “sinh chứng”.
Con cảm thấy tự thâm tâm con có tiếng bảo phải xét lại, phải chấn chỉnh lại. Nói theo ngôn ngữ của Giáo Hội hôm nay là có cái gì đó phải ăn năn sám hối, cần phải nói lời xin lỗi vì lỗi tại tôi mọi đàng.
Mỗi khi nghe văng vẳng lời Chúa Giêsu nói : “Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi”; con thấy vừa thấm thía vừa giật mình. Cái giới từ “như” vừa đáng kính vừa đáng sợ. Chỉ có nó mới đem lại sự hạnh phúc đích thật cho con và qua con tới mọi người. Nhưng nó cũng đòi hỏi nơi con thật nhiều, đúng hơn là đòi hỏi hết. Con đã chấp nhận nó một cách dứt khoát khi bước lên lãnh chức Linh mục. Lý tưởng và con đường đạt tới lý tưởng quá rõ ràng. Nhưng khi va chạm thực tế con thấy con đã thiếu sót rất nhiều.
Thiếu sót cơ bản nhất là cho đến khi chính thức nhập cuộc, con chả có một ý tưởng sơ đẳng nào về vấn đề cụ thể này. Sinh sống cả 15 năm (1954-1969) trên đất đai của anh em, nhìn thấy anh em thường xuyên chung quanh mình, kể cả đã được nuôi bằng chính mồ hôi nước mắt của anh em nữa...mà con chưa một thoáng động tâm bén não về anh em. Còn nói chi đến việc sau này mình sẽ làm công việc hiện giờ.
Cầm “bài sai” vào Kala, dâng thánh lễ đầu tiên, ra mắt với anh em, con chỉ mới có thêm một tâm trạng là lúng túng. Rõ ràng anh em trước mặt mình đây khác xa mình vời vợi về mọi mặt, với mọi quan niệm phổ thông của mình trước đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hành trang học hỏi, ghi chép vất vả bao năm nay bỗng trở nên mây khói. Chỉ còn sót lại một điều là vâng lời với tất cả thiện chí.
Nhiều anh em linh mục Giáo phận, khi còn học ở chủng viện đã có may mắn hơn con nhiều về vấn đề này. Các thầy là con nhà tông : bố nào con nấy, hội nào dòng nấy. Các thầy được Đức Cha Simon Hòa đã dự kiến, tiên liệu. Các thầy đã có nhiều năm sống chung, có quen hơi bén tiếng Dân tộc. Nên khi làm linh mục và nhập cuộc xem ra dễ dàng.
Đã thành một truyền thống trong Giáo phận. Đức Cha Barthôlômêô trước đây và Đức Cha Phêrô hiện nay, cũng đã hành xử như vậy, để các thầy được hội nhập cảnh vật trước, và khỏi ngỡ ngàng sau này.
Con có ý nói rằng về phía các vị Bề Trên đã có chuyên tâm về vấn đề. Nhưng đáp ứng ra sao lại thuộc về phía chúng ta. Ngay cả những anh em Linh mục hiện giờ, nếu gặp trường hợp chưa được chuẩn bị như con, thì cũng chẳng có lý do gì mà thoái thác. Vì dù sao đây vẫn là nền tảng của Giáo Hội, là ưu tư hàng đầu của Giáo phận.
Con nhớ Đức Cha Barthôlômêô có nhắc nhở chung nhiều lần, và nhắc nhở riêng con khi ngài khuyến khích con viết tập từ điển Kơ Ho – Việt : “Chúng ta có một trách nhiệm rất nặng nề, về mọi mặt, với anh em Kơ Ho. Chúng ta phải trả giá, cho dù rất đắt. Nếu trong đời chúng ta mà để mất mát đi cái bản sắc của anh em thì ai dám nói là không có tội”.
Ngoài việc sợ tội mà viết, cho dù miệt mài 5 năm mới viết xong mà rồi cũng chẳng ưng ý. Nhưng con cũng cảm thấy đúng như lời Đức Cha nói.
Lịch sử nhân loại cứ tiến thoái liên tục. Biết bao dân tộc và ngôn ngữ cứ biến mất dần hằng năm, với biết bao phong tục tập quán hay, đẹp, thánh. Cái mất mát trước mắt thì người ta thờ ơ, coi như đồ bỏ. Nhưng sau một vài ngàn năm, người ta lại phải cất công, bỏ ra biết bao tài trí của cải, để đào bới, khảo nghiệm, ráp nối rồi suy đoán. Tìm được một mẫu xương, một vết chân cũng làm cho biết bao nhà khoa học phải đổ xô tới, học hỏi, ngỡ ngàng. Khi còn học Kinh Thánh ở chủng viện chắc không ai quên được cái giá trị của khoa khảo cổ.
Trước đây trong Giáo phận, chúng ta đã dựa quá nhiều vào các ơn gọi biệt sủng (?). Các thừa sai, các vị tình nguyện. Chắc chắn Chúa đã ra tay trước để đánh động mọi người chúng ta, chứ không phải để chúng ta ỷ lại. Cờ đến tay ai thì người đó phải phất. Thánh Phaolô có vẽ ra cho chúng ta một hình ảnh rất tích cực : cuộc chạy đua trên thao trường.
Cuộc đua tài hôm nay còn mang đậm màu sắc nghệ thuật, kỹ thuật và cả kỹ xảo vi tính. Con có ý nói chúng ta hôm nay đâu có thua các vị tiền bối bất cứ điều gì, kể cả ơn Chúa. Về nhiều mặt chúng ta còn vượt trội, kể cả hoàn cảnh thuận lợi. Ấy thế nhưng nếu làm một cuộc so sánh cho dù rất sơ sài cũng cho thấy chúng ta đã thua xa các vị một trời một vực.
Con chỉ xin kể lại hai vị tiền nhiệm của con tại Giáo xứ Kala.
Một Jean Cassaigne vượt trội về mọi mặt : tinh thần truyền giáo, công tác xã hội, hội nhập văn hóa. Một số tác phẩm bằng tiếng Kơ Ho đã được in ấn hẳn hoi từ thập niên 30 thế kỷ trước là những chứng tích nói lên rất nhiều điều.
Một Jacques Dournes với một thời khóa biểu làm việc mỗi ngày rất gắt gao. Chỉ với một thời gian rất vắn (5 năm), đã để lại cho đời một kho tư liệu có một không hai về anh em Kơ Ho. Rất nhiều nhà khoa học vẫn tìm tới như một gốc cội.
Các thừa sai khác ở khắp nơi trong địa bàn Giáo phận đều đã đóng góp phần mình một cách đáng nể. Vừa cụ thể vừa có chiều sâu. Đó là giáo lý, Phụng vụ và Kinh Thánh tiếng Kơ Ho.
Quả thật, từ thời sơ khai, Giáo Hội chúng ta đã có một tiếng nói chung, một ngôn ngữ của mọi ngôn ngữ, đó là Lưỡi Lửa Tình Yêu thiêu đốt lòng nhiệt tình của các Tông đồ, làm cho mọi nước, mọi dân, mọi tiếng nói, đều nghe ra được tiếng nói của quê hương mình, từ miệng mấy ông thuyền chài Galile.
Nhưng ngay sau đó thôi Thánh Phaolô đã chiêm niệm mầu nhiệm Nhập thể, mà khám phá ra rằng : phải trở thành người Hy lạp với người Hy lạp, người nô lệ với người nô lệ...
Nói đến người “Tây” thì cũng phải nói đến người “Ta” mới công bằng. Nhưng con xin các Cha và các người mà con có kể tên hay nhắc tới sau đây cũng chỉ vì Chúa và vì anh em thôi. Nếu con có phạm húy (kờs sơnđăn), thì con sẽ xin tiền Đức Cha mua rượu để bồi thường (cràs) và tẩy rửa (rào bơr). Con nói đến chỉ vì con thấy các vị xứng hợp hơn ở cái đoạn trình bày này :
Cha già cố Laurensô Phạm Giáo Hoá : “Con trâu” đầu đàn đã và đang được hiến tế (gơsơêt lơh-yàng) đúng nghi thức Kơ Ho. Chắc chắn đây là một hướng đi ngài đã chọn từ tấm bé do ơn Thiên Chúa tiền định. Nên cả đời ngài đã chẳng những cầu nguyện, lại còn “cậy cục” cho bằng được để làm công việc này. Và khi vào cuộc thì ngài đã hăng say tới mức độ nào thì không ai trong chúng ta không biết, không khâm phục. Tâm hồn, tính tình và bầu nhiệt huyết của một cụ già ngoài 80 tuổi, mà vẫn tươi trẻ như ngày nào cách đây hơn 40 năm, khi dấn bước vào các làng Dân tộc miền Bảo Lộc. Con không phải anh em Mà, nhưng con xin mượn lời ví von của họ tặng Cha già hai câu :
- Mhàm bồ, trơ-ồ kiăng = chảy máu đầu, cháy đen đuôi.
- Dum bla, kra bồ, trơ-ồ wăc = chín ngà, già đầu, cháy đen khoáy.
Cha Phêrô Trần Văn Khoa : Khi con về Kala cách đây 34 năm, có nghe càm ràm về ơn gọi này. Nhưng khi ở với và quen biết, thì con cho đây là một quà tặng Chúa ban nhưng không cho Giáo phận ở cái thời điểm đó. Chỉ sau Cha cố Hóa hai năm, Cha Khoa đơn độc đến với anh em Dân tộc ở Dà Gui, Dà Wai. Một vùng đất theo lịch sử, thì chỉ nghĩ tới cũng đã rùng mình. Một con người vừa có tâm hồn nghệ sĩ vừa có một tình yêu nồng nàn, sẵn sàng chịu đựng trong mọi tình huống và với mọi anh em nghèo, xấu số. Một người đa tài để làm công việc truyền giáo chuyên biệt này. Những buổi giáo lý của ngài rất sinh động, say mê lòng anh em. Khi về Kala với địa bàn rộng, dài. Ngài đi như thọc chuột khắp nơi. Một dấu vết (pơnời) ngài còn để lại là thói quen dịch thuật chung. Nếu không có ngài năng nổ điều động liên tục, và phác thảo trước công việc, thì anh em ở Di Linh và Bảo Lộc đã không có cơ hội gặp nhau liên tục suốt 5 năm trời, để bàn thảo và dịch thuật.
Về nội bộ công việc thì Cha già cố Lôrensô vừa là người chủ trì công đạo vừa móc hầu bao chi tiền ăn uống ngủ nghỉ. Chính Cha Khoa đã giúp con có nhiều ấn tượng đẹp và mạnh về anh em Dân tộc. Người Kơ Ho rất nhạy bén khi nhìn người, họ phân biệt tức khắc : người mình (cau he), hay là người ta (cau cau). Họ đã đặt biệt hiệu cho Cha Khoa là Dăm Jơng. “Dăm Jơng” đồng nghĩa với “crơng-gơs”.
Cha Giuse Phạm Minh Sơn : một thanh niên xung phong và cả xung kích trọn nghĩa. Cho dù bề ngoài và tính tươm tất chải chuốt chả hợp tí nào. Khi ở Kala được hai năm, nghe tin Đức Cha gửi ngài về phụ tá cho Cha cố Hóa, con giật mình không tin. Vì cái anh chàng thư sinh non choẹt này mà làm được gì. Quả thật chỉ có Chúa mới biết và cũng chính Ngài điều khiển mọi sự theo ý Ngài muốn. Xin các Cha cầu nguyện đặc biệt cho ngài. Vì ngoài công việc của một Cha xứ như ai, ngài còn phải đảm trách một nhiệm vụ có tính chuyên môn cao, và vì ngài cũng như con không được đào tạo chuyên ngành, nên đúng là vừa học vừa làm, rất vất vả. Xin mượn lời anh em Kơ Ho tặng Cha một câu ví-von : “Să mê găm dêt, ngke mê neh dàng”. Nhưng vì ngài cao hơn con, nên phải đổi lại một từ cho hợp : “Să mê găm bơnung, ngke mê neh dàng” : Thể xác mày còn non, sừng mày đã già. Xin Cha, nhờ ơn Chúa, kiên trì chịu đựng, vượt qua mọi trở ngại, thỏa mãn ước nguyện của Đức Cha, và cả tương lai công cuộc truyền giáo cho anh em Kơ Ho.
Về các nữ tu đã có công đầu trong công tác truyền giáo cho người Kơ Ho của Giáo phận, con chỉ biết có hai nhóm đã cư ngụ và làm việc tại Giáo xứ Kala.
1. Tu hội Tiểu Muội Chúa Giêsu. Năm 1953, các chị đã tới mua đất, làm nhà sàn, lợp tranh và ở tại làng Kròt Sơêk. Vì tình thế bắt buộc, các chị đã phải bỏ đi cuối năm 1967. Đời sống chứng tá theo tôn chỉ của Tu hội, đã góp rất nhiều cho công việc truyền giáo tại địa phương.
2. Hội dòng Nữ Tử Bác Ái. Khoảng đầu năm 1958, sau khi Cha Darriceau làm xong hai ngôi nhà ngay đầu nhà thờ Kala bây giờ, các chị đã tới ở. Mặc dù trên nguyên tắc là phục vụ anh chị em bệnh nhân phong cùi, nhưng các chị cũng đã tham gia tích cực mọi sinh hoạt đạo đức và bác ái trong Giáo xứ. Vì Đức Cha Cassaigne trở bệnh nặng, và cũng vì muốn chuyên tâm lo cho Viện phong, các chị đã rời Kala đầu năm 1970.
Một đoàn ơn gọi truyền giáo cho anh em Kơ Ho còn tuyệt vời hơn nữa của Giáo phận Đà Lạt. Đó là anh chị em giáo dân tình nguyện. Con chỉ nói riêng vùng Di Linh và Bảo Lộc. Có thể nói đây mới là đặc sủng Chúa ban cho từng cá nhân. Có điều lạ là đa phần họ không phải là người thuộc Giáo phận Đà Lạt. Cho nên cũng phải nói đây là đặc sủng dành riêng cho Giáo phận. Đúng là “đất lành chim đậu” (ù bơkah kòn sềm gơ rơêp). Từ “lành” thật khó chấp nhận với nhiều người. Thưa các Cha : sự cố rất hiếm, rất quý và rất đắc dụng. Con không dám mạo phạm, nhưng xét về nhiều mặt họ có phần trên cơ, ít là trong thời của họ. Tất cả đều khá rành ngôn ngữ. Nhiều người nói như “Thượng”, cả về ngôn từ lẫn giọng điệu. Cỡ như con và Cha Sơn cũng phải bái phục. Ngoài ơn Chúa, theo con nghĩ, có lẽ cũng vì nhiều người trong họ chỉ có học lực cấp tiểu học, hay hơn chút đỉnh, cộng vào đó là cuộc sống nông thôn miệt vườn bình dân của họ trước đó, không bị gò bó vào giờ giấc sinh hoạt. Tất cả dễ tạo một sự gần gũi, không có mặc cảm cho cả hai bên. Họ lặn lội làm ăn, xông xáo vào mọi nơi mọi xó. .. kể như “ba cùng” luôn với anh em.
Trước khi con về Kala, đã được Cha sở Di Linh thuật cho con nhiều điều về họ. Chính ngài cũng đã từng đi thăm họ ở tận nơi hẻo lánh họ sinh sống và hoạt động. Cảnh sống nghèo nàn và bệnh tật xảy đến cho họ đã làm ngài phải cám cảnh sa lệ. Họ sống như không cần ai biết đến. Chẳng đòi hỏi, kể cả lương thực qua ngày. Nhưng đời sống chứng nhân rất sinh động, nhiệt tình, cho dù họ chưa được huấn luyện gì trước đó.
Tự học hỏi và làm việc theo khả năng Chúa ban. Công việc thường xuyên là ngày đi làm với các gia đình Dân tộc để xin ăn; chiều và tối dạy giáo lý, cùng đọc kinh với anh em.
Con số họ cũng khá đông. Ngay tại Kala có lúc lên tới con số trên 20. Chính bên họ và qua họ mà nảy sinh các nhân sự người Dân tộc tham gia công tác truyền giáo, cách này cách khác.
Con nghĩ, trong sử ký truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận, nên trân trọng viết chung về họ vài dòng. Những hạt giống âm thầm vô danh đã gieo xuống, đã qua đi, đã chết, hay còn sót lại, quả thực đã góp phần không nhỏ cho thành quả hôm nay.
Trong sự quan phòng của Chúa, ai cũng hiểu, hạt giống gieo ở một chỗ, có thể nảy mầm, sinh hoa kết quả ở một chỗ khác. Mà thường chúng ta lại quên điều này.
Bản thân con không được quyền kể mình vào con số các vị trên. Vì rõ ràng con chỉ là kẻ đến sau, hưởng dùng những cái đã dọn sẵn. Nhưng con cũng xin phép được kể về con, với tư cách là chiếc cầu nối “giữa dòng thời gian” và “xuôi dòng thời gian” (sẽ nói sau).
Vì chưa có sự chuẩn bị trực tiếp nào, nên khi nhập cuộc cũng thấy bơ vơ. Mọi sự bắt đầu từ a, b, c... nhưng con cũng suy nghĩ : Người ta làm được, mình sẽ làm được. Một giáo dân bình thường còn làm được, không lẽ một linh mục không làm được. Các thừa sai đã có công khai phá, sao mình không cuốc xới để trồng tỉa !
Con nghiệm ra, con cũng có một ơn tiền định nào đó. Từ khi đặt chân lên miền đất lành này, chưa hề có ý định sẽ rời khỏi đây. Luôn nhìn về phía trước mặt với những con người, những sự kiện, mà hình như mỗi ngày càng thôi miên mình, hớp hồn mình. Từ đó mà cũng càng ngày càng yêu mến hơn, nói dại một tí, đam mê hơn. Đối với con xem ra không còn vấn đề gì khác phải để tâm, phải liên hệ, phải đòi hỏi. Quá khích đến nỗi là chớ gì đừng có ai để ý đến mình, thăm nom mình, để chuyên tâm trọn vẹn. Nhưng chắc không phải là sợ có ai xí phần.
Càng ngày con càng thấy mở ra trước mắt một kho tàng vô giá, còn nguyên sinh mà dường như Thiên Chúa muốn dành riêng cho con từ thuở nào. Nhưng cũng càng ngày càng cảm thấy mình bất lực, vô phương đạt đáo, nếu không có ơn Trợ lực đặc biệt.
Con mạo muội bắt chước Thánh Phaolô mà nói : Con nói thực chứ không nói dỡn. Một điều hằng ray rứt lương tâm con mỗi ngày, đó là anh em Kơ Ho đã cho con quá nhiều, mà con lại thiếu nhạy cảm trong mọi cung cách để đáp ơn trả nghĩa. Cụ thể nhất là chính công việc mà con mang danh là đi truyền giáo. Con đi tới với anh em thì ít, mà anh em nhào tới với con thì nhiều. Ấy thế mà việc dạy giáo lý, chăm sóc ơn gọi làm con Chúa của anh em, con đã làm chưa thực nghiêm chỉnh và hết mình. Rất thường ỷ lại vào các anh chị em cộng sự.
Quả thực Chúa đã làm hết thay con. Từ việc đưa anh em tới, đến việc dẫn anh em đi trong ơn gọi này. Mỗi lần thấy anh em ở đây hay ở đó lũ lượt kéo nhau đi bộ hướng tới nhà Chúa trong các ngày Chúa nhật, lễ phép bước vào đồng loạt, rộn ràng lời kinh tiếng hát, với cả tâm hồn và thể xác đơn sơ, thành khẩn. Có ai dám nghĩ đó là công lao vất vả của mình.
Riêng con chỉ thầm cám ơn Chúa đã làm mọi điều kỳ diệu trong anh em. Cảnh tượng này như bó buộc con phải nghĩ, và khám phá ra được đôi điều gì đó cụ thể, để khích lệ anh em. Điều cụ thể mà con nói đây chính là những cái đã có sẵn, đang còn chất chứa trong niềm tin, trong tâm tư tình cảm hay phong tục tập quán của anh em. Con nghĩ rằng chắc chắn nó phải có một mối liên hệ thâm sâu nào đó, với đức tin mà anh em lãnh nhận hôm nay. Con cũng nghĩ rằng đây mới đúng là nghệ thuật “chài lưới người”, mà Chúa Giêsu đã nói và dạy dỗ các Tông đồ xưa kia, và các môn đệ hôm nay. Thế là con thấy cánh cửa đã mở sẵn, mời chào con bước vào tham quan, khám phá, học hỏi.
Có nhiều anh em cũng có quan tâm, đặt vấn đề với con, là trước mắt không còn thấy gì đáng tìm hiểu, hỏi hoài mà cũng chả có ai nói được gì. Trường hợp con khi tới Kala cũng vậy thôi. Năng nhặt chặt bị. Mấy ai vớ được của bao giờ. Vừa phải cố đấm ăn xôi, vừa phải liều, vừa phải đầu tư vô số kể về năng lực, thời giờ và tiền của. Ngoài ơn Chúa còn phải có tình thật sự, và chiếm được cảm tình của anh em nữa.
Theo con tìm hiểu, thì nguồn tư liệu ở bất cứ đâu cũng vẫn còn dồi dào. Kala là nơi còn ít nhất. Lý do nằm ở trong lịch sử dân tộc. Kala gần như là cái chặng chót của tiến trình. Chỉ được một cái là nó có tính tổng hợp và hòa hợp. Những lần có dịp lễ đây đó, được gặp anh em nói chuyện, con đã thấy rõ điều này. Nói khác, mọi điều dị biệt đều có thể đưa về một mối. Nó cũng nói lên cái đa dạng của một nền văn hóa chung.
Ví dụ từ ngữ, giọng nói ở mỗi miền mỗi khác. Lý do thì có nhiều. Nhưng có thể ví như người Việt ở Bắc Trung Nam. .. Các nhà ngôn ngữ học phải ngồi lại tìm ra một mẫu số chung, sau đó các nhà hành pháp cho áp dụng, nếu cần thì cũng có hình thức áp đặt. Nếu cứ ỷ y rồi cố chấp, hoặc tranh biện quá kỹ về những cái vụn vặt, thì vừa làm nản lòng những người có thiện chí, mà công việc sẽ cứ dậm chân tại chỗ.
Con đã nói hơi nhiều về con rồi. Xin gút lại ở đây cũng theo con suy nghĩ về ơn gọi của mình. Chúa đã hứa ở với và cùng làm việc với các Tông đồ. .. cho đến tận thế. Cái khúc chấm chấm này con tin là có con ở đó. Con còn thấy dường như lời hứa này càng ngày càng được thể hiện sắc nét hơn.
Cái mà chúng ta góp phần là chính ơn gọi Chúa ban, là các loại hành trang mà chúng ta học hỏi được cũng qua ơn Chúa ban. Chớ bao giờ dại dột cho mình phải là, hay phải được thế này thế nọ, cho dù có bằng cấp đầy mình, đã thông kinh thạo sử, đã sáng tác hay dịch ra được cả một thư viện. Càng không nên nghĩ mình bất xứng bất tài cho dù là thực đến mấy.
Mọi sự đều là bất lợi, đều chả xá kể gì trước sự khôn ngoan cao vời và tình yêu bao la của Thiên Chúa. Chỉ cần một điều mà thôi, cũng là một mối lợi vô cùng cao quý, là để Ngài hướng dẫn chúng ta trong và qua mọi tình huống. Cái mà Chúa đòi hỏi cũng là cái Chúa ban sẵn nơi chúng ta, đó là tấm lòng thành và sự nhạy cảm nắm bắt được cái đang diễn ra trước mắt. Một Gioan Maria Vianney vẫn luôn là tấm gương để đời cho mọi đấng bậc.
III. Xuôi dòng thời gian
Vấn đề lại động đến con và những người đương thời đang cùng chí hướng. Nói rõ hơn là tất cả chúng ta, hàng Linh mục của Giáo phận. Qua đây cũng có đôi điều suy nghĩ về hôm nay và ngày mai. Cái ngày mai sau hôm nay.
Đức Cha của chúng ta đã nhiều lần vừa tả cảnh Giáo phận, vừa tả tình của ngài đối với công tác truyền giáo cho anh em Dân Tộc : một bức tranh tuyệt đẹp mà chỉ có Thiên Chúa quan phòng mới vẽ nổi.
Không Giáo xứ nào trong Giáo phận mà không có bổn phận và trách nhiệm ít nhiều đến anh em Dân tộc. Và đương nhiên cũng không Linh mục nào trong Giáo phận được thờ ơ, lãnh đạm (ờ gơ jê ờ gơ jal) hay coi nhẹ được vấn đề truyền giáo cho anh em Dân tộc.
Càng già càng phải có tình cảm sâu đậm hơn. Càng trẻ càng phải có hăng say tích cực hơn. Mỗi lần nghe Đức Cha tả cảnh tả tình như vậy, thì trong lòng con luôn nảy sinh hai ý tưởng trái ngược nhau, càng ngày càng rõ nét :
Một đàng thấy Đức Cha nói rất mạnh, rất hào hứng như muốn bắt mọi người phải đồng tình, đồng hành. Nhưng khi hạ giọng lại quá nhẹ, đến nỗi ít ai để ý, hay có để ý thì cũng qua mất rồi, để lần sau nghe lại. Cùng lắm là gật đầu và tự nhủ tôi đã, đang và còn đang làm đây, và cách tôi làm cũng hay lắm chứ bộ.
Nếu con hiểu không lầm thì ý Đức Cha nói vậy mà không phải vậy mà thôi. Đức Cha còn muốn hơn thế nhiều. Cái nhiều này lại tuỳ hết vào sự tự do đáp ứng của mỗi người chúng ta, với ơn Chúa đã ban, trong hoàn cảnh cụ thể của Giáo phận. Quả thực nếu chúng ta sống đúng phương châm “Sentire cum Ecclesia”, mà Đức Cha là đại diện, thì tuyệt vời biết mấy. Ngược lại nếu chúng ta chỉ như vậy, thì Đức Cha cũng phải chịu vậy.
Đàng khác thấy Đức Cha cũng giống như hai vị tiềm nhiệm. Thẳng thắn nói lên các nguyên tắc cơ bản, bắt chính mình phải tuân thủ, dường như còn quá sức mình. Nhưng khi áp dụng cá biệt cho từng hoàn cảnh, từng nố. .. thì lại rất cảm thông, theo một nguyên tắc mà khi học luân lý thần học của tác giả Damen, chúng con gọi nôm na là nguyên tắc “gầm sàn” : để Chúa và Giáo Hội bù đắp. Mà anh em Linh mục chúng ta thì ai cũng thích nguyên tắc này. Con là người được cái ơn này nhiều nhất, qua cả ba Đức Cha. (Con giữ bản quyền, không kê khai, sợ làm gương mù và bị rút phép).
Ở đề mục này, con cũng có vài ý nghĩ riêng, con xin phép để nói, kẻo không có dịp nào được nói nữa.
Cần có sự khích lệ nhau cụ thể hơn, giúp đỡ nhau hiểu biết hơn để sẵn sàng hy sinh dấn thân vào cuộc hơn. Vì đây vừa là cơ bản vừa là mục tiêu trước mắt và lâu dài đặc thù của Giáo phận.
Nếu đã có các Linh mục Quản xứ, Phó xứ, chuyên biệt dành hầu hết khả năng và thời giờ cho giáo dân người Kinh, còn anh em Dân tộc nói chung mới chỉ là phụ thuộc hay số lẻ. Thì lúc này cần phải có sự nâng cấp thật sự, ít ra là cho công bằng. Con nghĩ điều này chẳng cần chờ Đức Cha hay Toà Giám mục phát động. Vì khi đã chỉ định thì cũng đương nhiên trao quyền. Trừ khi có điều gì khác thường. Đây là công việc bình thường, đã là như vậy từ trong nền tảng. Nói khác đã nằm sẵn trong ơn gọi của mỗi người.
Hiểu theo ý lời nói của Đức Cha Barthôlômêô : chính anh em Dân tộc đã cứu mang chúng ta chứ không phải ngược lại. Vậy có nên nghĩ đến bổn phận mà ngày nay hay nhắc tới đó là “đền ơn đáp nghĩa”.
Theo thói quen đạo đức thì mới chỉ gợi ra được một cái tên khá đẹp là trợ giúp hay chia sẻ. Đức Cha mới rỉ vào tai con mấy từ cũng rất thấm thía : tài năng và vật liệu Chúa ban là đề phục vụ anh em.
Trong bộ sưu tập của con hiện giờ có ba pho truyện cổ : một xuất xứ từ vùng Ryông Tô (Lâm Hà), do Đức Cha trao lại; một ở vùng Njrềng (Di Linh); một ở vùng Kơhing dà và Dà Gui, Dà Wai. Pho truyện cổ thứ ba này rất đặc biệt là kể ra được nhiều tên và địa danh làng cũ, kể cả nghĩa trang và chỗ kính Thần làng (Yàng lơgar). Kiểm tra qua các bô lão thì nó nằm hầu hết ở đường Tân Thanh, Tân Phát, Thánh Tâm, Tân Bùi bây giờ. Cũng theo các cụ kể thì cũng không lâu trước năm 1954. Con không dám đi sâu vào vấn đề sợ rắc rối, nhưng nếu ai muốn thì hiện giờ vẫn còn nhiều bô lão Dân tộc có thể chỉ ra vanh vách. Tấm bản đồ thời Pháp thuộc mà Cha Tổng Đại Diện muốn con tìm lại, cũng có chỉ ra nhiều điểm mà chúng ta hôm nay cần suy nghĩ.
Nên chăng phải dành thời giờ tìm hiểu về cái gọi là bản sắc Dân tộc, tình tự Dân tộc, hồn linh Dân tộc. Ngôn ngữ bình dân hay gọi là tâm tư tình cảm, phong tục tập quán Dân tộc. .... để chúng ta có cái gì đó mà học đòi bắt chước, hơn là bắt anh em phải học đòi bắt chước, một bất công hiển nhiên mà có khi ít ai nghĩ đến, hay nghĩ đến mà chẳng làm gì. Chúng ta có quyền hãnh diện nhiều điều về chúng ta, thì anh em cũng phải được quyền hãnh diện về họ. Xét về nhiều mặt thì chưa chắc ai đã hơn ai, nếu xét về mặt kẻ làm con Chúa và Giáo Hội thì hẳn phải coi chừng. Cẩn thận kẻo có ngày sẽ bị khoác cho những danh xưng chả ra gì, mà chính chúng ta đã cương quyết giũ sạch nó.
Nên chăng phải học nói tiếng Dân tộc. Một điều mà con ngại nói đến nhất, bởi chính con cho đến hôm nay vẫn đang trầy da tróc vẩy đọc lại các tư liệu để lần mò tìm hiểu. Một tấm gương sáng trước mặt cho con noi theo, là Cha già cố Hoá, cho đến hơn 80 tuổi đời rồi mà vẫn ngày đêm miệt mài cúi gầm mặt xuống trên những con kiến La tinh, rồi từ đó lần mò ra tiếng Kơ Ho.
Con được nghe rất nhiều lý luận có tính rất thực tế, kèm theo những hình ảnh rất thuyết phục, để khẳng định không cần học và nói tiếng Kơ Ho. Khi đã có một lập trường cứng ngắc như vậy thì dù có tài mấy cũng phải cắn răng. Con chỉ xin đặt một câu hỏi có tính mục vụ : đã có ai trong các Cha được người Dân tộc đến bàn chuyện linh hồn, tỏ bày tâm sự. .. xin một lời khuyên giải, an ủi. .. y như giáo dân người Kinh vẫn đến với các Cha hay không. Một câu hỏi khác có tính xã hội, các Cha có thường thấy anh em Dân tộc nói chuyện với nhau bằng tiếng Kinh không. Con dám khẳng định mọi câu trả lời đều đưa tới chối giội.
Nền tảng của vấn đề theo Kinh Thánh, Công đồng chung, huấn quyền của Giáo Hội, thì hẳn mọi người chúng ta đã nằm lòng. Việc Thiên Chúa sai Con Ngài xuống nhập thể vào một Dân tộc, nói một ngôn ngữ, theo nghiêm chỉnh một phong tục. .. hẳn phải là một mẫu gương, một tiền đề cho suy tư, thực hành của Giáo Hội nói chung, và mỗi người chúng ta nói riêng.
Con nghĩ ít ra mình phải biết đủ để phân biệt thị phi, khi nghe người này kẻ nọ nói về anh em. Con xin nêu một ví dụ : con cũng là người có mang tiếng là biết ít nhiều về anh em Kơ Ho, nhưng con đã tìm tòi và đã hỏi khá kỹ, mà không thấy có từ ngữ nào có ám chỉ về cái gọi là Lễ hội ăn trâu, hay Lễ hội cồng chiêng. Nhạc Dân tộc thì con có thấy và nghe vài ba lần, nó đang ngũ âm thì biến nó sang thất thanh. Một điều cơ bản nữa mà bản thân con chả biết ăn nói làm sao. Bởi vì nó liên hệ tới nhiều vấn đề chưa ai đủ thẩm quyền tài phán. Đó là danh xưng Dân tộc Kơ Ho, người ta cũng nói Dân tộc Mà, Dân tộc Làc, Dân tộc Sre,. .. rồi Crồng, Nwàng, Nộp, Jrài. ... và cả Mà ale Sre alăr nữa.
Vấn đề không đơn giản, vì nó là nền tảng. Lý luận trần gian nói rằng biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Chúng ta đã biết những gì về người Kơ Ho ? Họ gồm có những ai ? Họ ăn nói làm ăn sinh sống ra sao ? Họ có tin tưởng gì không ? Có tổ chức xã hội không ? Có phong tục tập quán đặc thù không ? Hàng trăm câu hỏi tương tự, có thể chẳng cần đặt ra cho ai, nhưng chắc hẳn với người truyền giáo không thể không phải đặt ra, câu trả lời cũng phải tương đối chứ không thể ỡm ờ.
Vậy ai là người sẽ trả lời : Những người trong cuộc như chúng ta, chắc không ai ngây ngô đến nỗi khoán trắng cho người ngoài cuộc. Con nghĩ không ai trong chúng ta mà không có khả năng làm việc này. Hơn thế trong đầu các Cha từ khi chấp nhận vào cuộc, cũng đã có ít nhiều suy tư. Con được biết điều này qua những lần gặp gỡ truyện trò, có lẽ đã đến lúc phải công khai hoá nó trên giấy trắng mực đen, để Đức Cha và các cộng sự của Ngài sẽ chủ trì công đạo, cho chúng ta ít ra là một khái niệm chung trước mắt. Trong tương lai sẽ có câu trả lời khả đáng.
(Con có kinh nghiệm này, khi làm việc vì Chúa, cho anh em Dân tộc, gián tiếp hay trực tiếp, đều được bàn tay rộng, dài của Chúa trả công bội hậu. Càng làm càng được. Đem cái được đó ra đầu tư tiếp, lại sẽ càng được lời).
Một lần nữa con phải nói tới Đức Cha, ai bảo Đức Cha dễ bộc lộ tình cảm đối với anh em Dân tộc. Hơn một lần Đức Cha đã nói với con cố gắng làm sao để anh em mình đừng bị lợi dụng. Câu nói nghe nhẹ nhưng cân lên mới thấy nặng không vác xuể.
Cũng cần nói đến một sự thực nơi chính anh em Kơ Ho. Đó là do rất nhiều lý do chồng chéo đã tạo nên một lớp người tạm gọi là trí thức người Kơ Ho nhưng không có tý gì là trí thức Kơ Ho cả. Đến nỗi ngay cả những phong tục tập quán cơ bản và những từ ngữ chuyên dùng cũng không còn nhớ ra nổi. Nói có sách, mách có chứng. Các Cha thử hỏi các sinh viên Dân tộc vài từ sau đây xem họ trả lời ra sao : Sa ù; rê tăm tơngời mơ me bàp; lùp yồn; trơwơl dà toh; boh lòng poh; boh lòng pe jơêt; lik rê; bơrnoh boh brê; tòp bàng; jun tơrluêt ồs; sơnđwàng rơnùng; nđăt hìu; tơnõăt bơrtơu; mpong bơkràs; cau kòn-chi; kòn sơng lơgăr. .. Những từ như vậy có đầy rẫy trong phong tục tập quán.
Nếu ai dại dột hỏi họ sẽ được nghe trả lời rất hàm hồ, những người còn có lương tâm thì trả lời không biết (ờ git), không thấy (ờ goê). Lớp người này không phải là mới có. Khi con về Kala cũng đã gặp nhiều rồi. Kiểu như chính con đã hỏi mấy sinh viên công giáo Kinh là đã tin những gì về đạo mình, thì chưa thấy mấy ai trả lời rành rọt được (chỉ vì không thuộc kinh Tin kính).
IV. Hai câu hỏi được trả lời bằng nhiều kiểu
1. Học tiếng Kơ Ho có khó không ?
Nhiều người đã hỏi như vậy. Con trả lời trông trống : đây là một ngoại ngữ như mọi ngoại ngữ, khó hay dễ cũng tuỳ người. Trong Giáo phận chúng ta ít ra đã có một người, chỉ sau hơn một tháng trì chí đã nói được đủ các phép. Còn con thì bảy năm Tiểu chủng viện cũng miệt mài học tiếng La tinh, Pháp, Anh, mà chưa bao giờ được điểm 5/10. Nên học tiếng Kơ Ho cũng vậy thôi. Làm Linh mục tưởng thoát nạn, nào ngờ tránh hùm phải hạm. Nhưng như Chúa nhắc con : đây mới là ngôn ngữ mày phải học. Đúng hơn đây mới là sinh ngữ của mày. Thế là con lao vào học. May mắn cho con là gặp ngay 5 năm liên tiếp các Trung tâm Di Linh và Bảo Lộc họp nhau phiên dịch. Bây giờ thì chẳng những nói được mà lại cảm thấy nó ngon ngon nữa.
Chắc các Cha cũng quá hiểu : thành công hay hạnh phúc nhất của đời Linh mục, là nói được tiếng nói lòng dạ của anh em mình. Kinh Thánh Cựu Ước gọi là dùng tiếng nói của cha ông để dạy dỗ, khích lệ và khuyên bảo nhau. Công lao vất vả con học tiếng Kơ Ho, đã càng ngày càng được trả công bội hậu gấp trăm lần ngay ở đời này, còn cộng với cái gì thì con không nói.
Các Đức Cha Giáo phận, đặc biệt Đức Cha Phêrô, chẳng những muốn mà còn tạo mọi điều kiện để mỗi anh em Linh mục chúng ta, tìm và được hưởng những hạnh phúc trong chức vụ. Riêng con cho đến hôm nay, con đã tìm và hưởng được hạnh phúc gấp đôi. Vì từ khoảng 15 năm nay, con đã tập nói gần đúng được cái tình tự, cái nội lực, cái hồn linh tiếng nói của cha ông Kơ Ho. Một dạng tiếng nói mà ngay cả các bô lão Kơ Ho hôm nay, cũng ít khi được nghe thấy nói tới nữa. Cho nên khi nghe nói tới, thì các bô lão thấm thía trầm ngâm, các thế hệ trưởng tộc thì sực tỉnh, như muốn nhớ lại cái gì dó đã có ở tiềm thức. Chính các bô lão này sẽ giải thích tường tận cho đàn con cháu. Hạnh phúc nào bằng. Vật chất hay hư danh nào trả giá được. Xin các Cha cám ơn Chúa với con, cầu cho con đuợc cứ thế cho đến trọn đời. Và kính mời các Cha hãy vì Chúa và vì anh em Dân tộc, thử tiến vào. Con chưa hề nghe thấy một Dân tộc nào hiếu khách như Dân tộc Kơ Ho.
2. Truyền giáo cho anh em Kơ Ho có dễ không ?
Câu hỏi được đặt ra cho con sau bài nói ở Toà Tổng Giám mục Sài-gòn. Con trả lời bằng cách so sánh con số : Việt Nam sau hơn 500 năm truyền giáo thì cứ 100 người có khoảng 7 người Công giáo. Anh em Kơ Ho chúng con, sau hơn 70 năm truyền giáo thì cứ 2 người đã có hơn 1 người được rửa tội.
Câu hỏi phải được đặt ra tiếp : do đâu mà được vậy ? Có phải do các vị truyền giáo, khởi từ Linh mục Jean Cassaigne, với tất cả niềm tin và nhiệt tình tông đồ ? Có phải khởi sự lôi cuốn bằng những điếu thuốc lá, cái kẹo. .. như cha Lợi có nhắc tới trong bài nói năm ngoái ? Có phải do Giáo phận chúng ta, những thập niên vừa qua, đã biết khéo léo bố trí đều khắp các nhân sự có tài và đầy nhiệt tâm ?. .. Câu hỏi cứ đặt ra, và câu trả lời là đúng cả. Nhưng con nghĩ mới chỉ đúng cái phần đuôi của một bài trường ca Kơ Ho. Nếu không có một nghệ sỹ nhân dân ưu tú cầm chịch, thì cái phần đuôi của bài trường ca này, nó sẽ ve vẩy tứ phương tám hướng, thì cũng lắm chuyện phải bàn. Nếu không tìm về căn cội (lồ yau krau pàng) của vấn đề, thì rất dễ sai phạm và bé cái lầm.
Con nhớ lại câu tục ngữ mà Chúa Giêsu nhắc lại : Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng (Ga 4,37) ! Vậy thì ai đã gieo ? Con chỉ hội ra nó khi tìm hiểu về niềm tin nơi anh em Kơ Ho. Nói khác, chính anh em đã dạy con cắt nghĩa từ ngữ này. Đúng tới cỡ nào con không dám bàn, con chỉ thấy nó rất ổn. Người gieo đây là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Hay nói theo Kitô học thì là Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Cách cắt nghĩa này và cái phạm trù đặt ra đây xin các Cha kiểm tra lại. Nếu có lệch lạc cách nào thì cứ áp dụng nguyên tắc “gầm sàn” trên đây.
Vậy ra là toàn thể Giáo Hội nói chung, và mỗi người chúng ta nói riêng, chỉ là những thợ gặt. Có làm đúng việc này mới đáng ăn công. Mọi công lao vất vả vỡ đất khai hoang, cuốc xới, chọn giống, gieo trồng, chăm bón, trừ sâu. .. là do Chúa hết. Tài khéo và nhiệt tình của chúng ta là phải gặt đúng thời vụ, gặt sớm hay muộn đều có hại như nhau. Phải gặt đúng cách kẻo rơi rụng thất bát. Làm sao đem được hết hoa lợi vào kho Trời. “Lèt mơ Yàng, mbràng mơ kòi”: coi thường lúa là qua mặt Thần linh
Con thấy Giáo phận chúng ta nói chung, và mỗi Giáo xứ nói riêng, thật tốt số trời. Linh mục tu sĩ nào cũng tràn đầy sinh lực, nhiệt huyết. Văn cổ gọi là “binh giáp tàng hung trung”. Từ ngữ Kơ Ho gọi là “ngăc-ngờ pờ tơlờng”. Địa danh nào cũng thấy phong cảnh tuyệt diệu. Có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Bất cứ lúc nào cũng có thể giơ liềm vung hái ra gặt được. Đây mới là nhiệm vụ chính, và đem lại thành quả vĩnh viễn. Mọi cái khác chỉ như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao. Sự ra đi của Cha già Giuse và Cha trẻ Phêrô, mới và còn nói lên lời là ở đây.
Tìm hiểu niềm tin của anh em Kơ Ho xưa kia và nhìn thấy đức tin của anh em bây giờ, con nghiệm ra rõ ràng bàn tay quyền lực của Thiên Chúa đã quan phòng hết, đã sửa soạn hết cho chúng ta rồi. Nếu không, không thể tìm ra lý giải. Cũng chính nhờ đó mà chúng ta khỏi có lo phải trả lời theo kiểu trần gian. Chuyện người Kơ Ho xin theo đạo nhiều là chuyện đương nhiên. Đừng hỏi cái hiện tại trước mắt. Hãy tìm hiểu lịch sử đức tin qua Cựu Ước, rồi áp dụng vào lịch sử niềm tin của anh em Kơ Ho, sẽ có câu trả lời thoả đáng nhất. Mọi kiểu trả lời bây giờ chỉ là vòng vo tam quốc. Càng trả lời càng mắc kẹt.
Nếu chúng ta đã nhận Kinh Thánh Cựu Ước là con đường Thiên Chúa đã nhẫn nại chịu đựng, để sửa soạn cho Tin Mừng Tân Ước thể hiện. Thì theo con cũng có thể áp dụng được cách nào đó khá đúng và nghiêm chỉnh, cả về mặt tôn giáo lẫn xã hội, nơi niềm tin và truyền thống của anh em Kơ Ho. Con có lạm dụng ngôn từ và nói rằng : Niềm tin và truyền thống của anh em Kơ Ho như là tiền mạc khải vậy.
Xin đan cử :
Nghi thức tế lễ (lơh Yàng) đúng truyền thống là phải có một tế vật. Tế vật này thay thế cho thân phận con người, kính dâng lên Thần linh để tri ân và cảm tạ (git jơnau mơ ưn ngài), để cầu xin và chuộc đền (răc dăn mơ tơwài). Sau khi giết sinh vật, thì việc đầu tiên là lấy máu nó bôi lên sừng bàn thờ (ngke jơnào), trên trán các người có liên hệ, trên cửa chính nhà và các linh vật trong nhà, đặc biệt hai chiếc hũ tượng trưng cho gia tiên (drăp me).
Người Kơ Ho độc thần hay đa thần, phiếm thần ?
Theo tìm hiểu của con, đặc biệt qua các câu gọi thần (hòi Yàng) thì phải nói là độc thần. Các dạng khác nếu có là đến sau. Độc thần đến nỗi không có tượng thờ, chỉ có bàn thờ trống không. Độc thần đến nỗi không chấp nhận bất cứ một thứ thần ngoại lai nào, cho dù là bò vàng. .. (cái mà con gọi là linh vật trên đây chỉ là hình ảnh các cặp vợ chồng tiên tổ, hoặc chính các vật dụng dùng để thờ cúng; tất cả đều phải đặt dưới bàn thờ Thần linh).
Điều này dẫn đến việc con đã dám suy nghĩ rằng : Thiên Chúa đã dẫn dắt, che chở, gìn giữ niềm tin nơi anh em Kơ Ho kỹ hơn nơi dân Do Thái xưa. Cho nên khi rao giảng Đức Kitô cho anh em mà nói rằng : Ngài vừa là tư tế (cau kơiơng Yàng) vừa là của lễ (phan lơh Yàng) được tế sát (gơsơt lơh Yàng) thay thế hết mọi sự, kể cả bản thân chúng ta, thì việc tin nhận này xem ra vừa thuận hợp vừa thực tế. Có điều nói đi vẫn phải nói lại, là Chúa đã chuẩn bị sẵn sàng hết rồi, hay nói theo kiểu lời trối của Cha trẻ Phêrô mới đây : Chúa có cách của Chúa, con có cách của con, nhưng con phải làm sao cho cái cách của con tháp nhập được vào cái cách của Chúa cho nó đồng hình đồng dạng.
Về xã hội cũng vậy. Vì đã có Thần linh của mình rồi, nên cuộc sống xã hội của anh em Kơ Ho rất độc lập và tự lập. Mọi sự đã có trưởng tộc cầm cân nảy mực. Không có cái gì ngoại lai có thể thẩm nhập. Nhiều cái cho đến hôm nay vẫn “phép vua thua lệ làng”, kể cả phép đạo nữa. Chúng ta đừng vội nóng lòng sốt ruột, coi chừng sẽ đưa tới những tai hoạ khôn lường. Điều gì là nền tảng thuộc đức tin thì ráng cắt nghĩa và đưa vào càng sớm càng tốt. Dù vậy cũng cần có một thời gian thích ứng tối thiểu. Điều gì là phụ thuộc thì chậm rãi một chút đâu có sao. Đấy là nói những phụ thuộc của nền tảng. Còn những phụ thuộc mình đã tự tạo ra cho mình, cho Giáo xứ mình, mà bắt một Dân tộc khác phải theo thì quả là hết nói.
Con xin nêu một ví dụ, mà bản thân con vẫn ray rứt, mỗi khi nghe nói tới. Đó là việc tổ chức để điều hành tổng quát cũng như chi tiết một Giáo xứ, theo kiểu các Giáo xứ Kinh. Có nên và phải áp dụng càng sớm càng tốt cho một Giáo xứ Dân tộc, hay với người Dân tộc không ? Hay trước đó phải có thời gian đủ, để tìm hiểu các hình thức tổ chức xã hội theo truyền thống của anh em Dân tộc đã. .. Thú thực con chưa tìm ra một hình mẫu nào vừa phổ quát vừa thuyết phục. Con chỉ biết hiện giờ con đang ky cóp nhặt từng hạt lúa. Nếu đem vào tổ chức lại chẳng may sót một ai thì khốn. Cái số đông dễ tự phụ và lấn át cái số nhỏ, tạo ra những mặc cảm, xa lìa, thui chột và chết ngộp. Nhiều bạn bè đến với con có đặt vấn đề thì con mới chỉ trả lời cho qua. Nhưng thật sự con cũng có trăn trở. Hy vọng các thế hệ tiếp nối có sáng kiến gì hơn, và ra sức thi hành. Con đã trông chờ điều này từ nhiều năm, qua các tờ trình hằng năm. Nhưng những đòi hỏi cấp thiết trước mắt của Giáo phận về nhân sự, thì cứ tạm bằng lòng vậy. Hiện tại vẫn thấy còn nghiêm chỉnh, khả đáng. Nhưng về lâu về dài hẳn là không được.
Những điều con vừa nói, các Cha thấy rõ không phải là một bài thuyết trình, mà chỉ là đôi điều chia sẻ đã chất chứa từ lòng con. Nếu có sơ sót hay không đúng, xin các Cha thông cảm, tha thứ.
Để kết luận ngang chừng này, con lại phải mượn lời của Đức Cha thôi, anh em Kơ Ho gọi là “ngui rơnđềh klìu” : nghĩa đen là “mượn oai hùm”. Sau bài nói của con ở Sài-gòn, Đức Cha đã nói đại ý là : Nếu ai đã thực tâm đi vào công cuộc truyền giáo cho anh em Dân tộc rồi, thì không ai muốn ra hay đang tâm ra khỏi đó.
Với con, hôm nay lời nói trên quả là đúng. Nhưng cái vạn sự khởi đầu nan cũng không tránh khỏi do dự ngại ngần. Điều này đã có một bài học rất sinh động từ Phúc Âm. Khi có nhiều thanh niên hăm hở sẵn sàng theo Chúa. Và cho dù Chúa đã giải đáp ổn thoả hết.
Con tin rằng : con thuyền truyền giáo của Giáo Hội, do chính Chúa vừa cầm lái vừa chèo chống, đương nhiên sẽ tới bến. Dù có ai hay không có ai. Nhưng hạnh phúc cho ai được ở và sinh hoạt trên con thuyền đó.
Kala, ngày 04/08/2003
Lễ Thánh Gioan Maria Vianey
nguồn:www.simonhoadalat.com
Cha Đaminh Nguyễn Huy Trọng
Một cơ hội thuận tiện cho con được công khai dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, đội ơn Đức Cha đã cho con được nói về anh em Kơ Ho, ở một cuộc hội thảo có tầm cỡ hồi trung tuần trong tháng 5 vừa rồi.
Chắc hẳn Đức Cha đã có nhiều suy tư, dự tính, rồi mới quyết định vậy. Nhưng theo con nghĩ có một ý cũng không sai, là Đức Cha muốn tôn vinh anh em Kơ Ho, muốn cắm mốc cho một chặng đường truyền giáo của Giáo phận.
Vinh dự này chỉ mình Đức Cha mới hội đủ điều kiện và xứng đáng. Nên khi Đức Cha “nhờ” con viết để Đức Cha có thêm căn cứ nói, thì con đã viết thoải mái. Nhưng khi Đức Cha bảo con viết tóm lại để con nói, thì con có lo sợ thực sự.
Vì vâng lời và nhờ ơn Chúa, con cũng đã vượt qua. Con sung sướng vô vàn vì anh em Kơ Ho đã có cùng có tên tuổi với các tên tuổi khác.
Tuần thường huấn năm ngoái, đề tài “Giáo lý và truyền giáo” đã được Cha Giuse Nguyễn Hưng Lợi khai triển. Trong đó Cha đã dành hơn 2/3 thời lượng nói về việc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận Đà Lạt. Qua gợi ý có tính lịch sử, đã nói lên rất nhiều điều đáng chúng ta quan tâm suy nghĩ và tiếp nối.
Năm nay đề tài có khác là “Truyền giáo cho người Kơ Ho”. Nhưng nội dung chính, thì quả là Cha Lợi đã nói hết rồi. Con cứ vâng lời, cầu nguyện, suy nghĩ, viết và bây giờ nói. Con cũng vâng lời cả Cha Sơn nữa, vì đề tài được trao cho cả hai, mà Cha Sơn thì nói là kính đàn anh.
Nói về một đề tài mà chính mình đã có dự phần trực tiếp thì có khác gì học sinh đi thi mà trúng tủ, làm gì mà phải đắn đo thoái thác cho phiền lòng Bề Trên. Nhưng trớ trêu ở chỗ là nói cho những người cũng có can dự như mình hay hơn mình nhiều, đã biết tỏng hết rồi, thì cũng không đơn giản. Xin các Cha hy sinh ráng nghe.
Trước hết con xin dựa vào Lời Chúa và Giáo Hội cho chắc ăn và vững bụng cái đã.
Is 60,3-5 :
3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi,
vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước.
4 Đưa mắt nhìn tứ phía mà xem,
tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi :
con trai ngươi từ phương xa tới,
con gái ngươi được ẵm bên hơng.
5 Trước cảnh đĩ, mặt mày ngươi rạng rỡ,
lịng ngươi rạo rực, vui như mở cờ,
vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả,
của cải muơn dân nước sẽ tràn đến với ngươi.
Mt 28,18-20 :
18 Đức Giê-su đến gần, nĩi với các ơng :
"Thầy đã được trao tồn quyền trên trời dưới đất.
19 Vậy anh em hãy đi
và làm cho muơn dân trở thành mơn đệ,
làm phép rửa cho họ
nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều
Thầy đã truyền cho anh em.
Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
Mc 16,15-16.20 :
15 Người nĩi với các ơng :
"Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin Mừng cho mọi lồi thọ tạo.
16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ;
cịn ai khơng tin, thì sẽ bị kết án.
20 Cịn các Tơng Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi,
cĩ Chúa cùng hoạt động với các ơng,
và dùng những dấu lạ kèm theo
mà xác nhận lời các ơng rao giảng.
Lc 24.46-48 :
46 Và Người nĩi :
"Cĩ lời Kinh Thánh chép rằng :
Đấng Ki-tơ phải chịu khổ hình,
rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;
47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muơn dân,
bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem,
kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
Ga 20,19b-22 :
Đức Giê-su đến, đứng giữa các ơng và nĩi :
"Bình an cho anh em ! "
20 Nĩi xong, Người cho các ơng xem tay và cạnh sườn.
Các mơn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.
21 Người lại nĩi với các ơng :
"Bình an cho anh em !
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em."
22 Nĩi xong, Người thổi hơi vào các ơng và bảo :
"Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.”
Cv 1,6-8 :
6 Bấy giờ
những người đang tụ họp ở đĩ hỏi Người rằng :
"Thưa Thầy, cĩ phải bây giờ là lúc
Thầy khơi phục vương quốc Ít-ra-en khơng ? "
7 Người đáp : "Anh em khơng cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã tồn quyền sắp đặt,
8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em.
Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy
tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri
và cho đến tận cùng trái đất."
Sứ điệp Truyền giáo lần thứ 77 năm 2003 :
Số 4. Mọi tín hữu đều được kêu gọi sống thánh thiện và thi hành sứ vụ truyền giáo.
Số 5. Điều cấp bách là chuẩn bị những sứ giả Tin Mừng có khả năng và thánh thiện. Điều cần thiết là không được để cho nhiệt tình nơi các tông đồ suy giảm đi, đặc biệt trong sứ vụ truyền giáo “đến với muôn dân”
Số 6. Nhiệm vụ linh hoạt công việc truyền giáo phải tiếp tục là một cam kết nghiêm túc và nhất quán của mỗi người được thanh tẩy và của mỗi cộng đoàn Giáo Hội.
Và một câu chót do con nhớ lại Lời Chúa, nội dung là : Nước Thiên Chúa là nước vĩnh cữu, trong đó có mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi tiếng nói. Và con xin thêm : chắc chắn phải có dân tộc và tiếng nói Kơ Ho.
Con có trích hơi nhiều, nhưng đây là chủ ý của con. Con kể đây là phần chính yếu, làm nền tảng cho điều con trình bày sau đây.
I. Ngược dòng thời gian
Phần này có một số mốc thời gian, và sự kiện có liên quan, con lấy lại ở bài của Cha Lợi nói năm ngoái. Con cho đây cũng là tư liệu quý, đáng nhớ. Có điều theo con biết thì cũng cần điều chỉnh lại vài chỗ.
Năm 1918, Cha Nicolas đã có tiếp xúc khá nhiều với anh em Dân tộc quanh Đà Lạt. Cụ thể hơn nữa là còn làm phòng học, nơi ở cho các em Dân tộc.
Năm 1927, ngày 24 tháng 01, Linh mục Jean Cassaigne được đặt làm Cha sở đầu tiên của Giáo xứ Di Linh. Ngài đã làm quen ngay với anh em Dân tộc, đặt biệt các bệnh nhân cùi người Dân tộc.
Và ngày 07-12-1927, ngài đã rửa tội cho một người Dân tộc Kơ Ho đầu tiên là bà Ka Truêt, thánh hiệu Maria (sổ Rửa tội Giáo xứ Di Linh, cuốn I, số 2). Tiếp theo là hàng trăm người Kơ Ho khác được lãnh Bí tích Thánh Tẩy ở các làng Dong Dòr, Klong Trau, Rơhàng-Ùng, Drongto, Kròt, Kala. ..
Năm 1940, Linh mục Jean Cassaigne mua một thửa đất sườn đồi thuộc làng Kala, rộng 90m dài 250m để làm Trung tâm truyền giáo cho toàn vùng Di Linh, còn gọi là Đồng Nai Thượng; giấy tờ mua bán và bản đồ hành chính đề ngày 21-05-1940 làm tại Di Linh và Đà Lạt.
Đã được chuẩn bị từ trước, nên cũng năm đó, Cha Cassaigne đã cho dọn đất, dựng nhà thờ, nhà xứ. Các thợ nề, thợ mộc chính làm ở đây đều còn sống gần như đủ khi con về Kala, và con đã hỏi đầy đủ về năm làm, cũng như các sự kiện có liên quan.
Trước năm 1940, khoảng năm 1933, Cha Cassaigne cũng đã cho làm tạm một nhà dạy giáo lý ở làng Kwil-Bùm, cách nhà thờ Kala hiện giờ hơn một cây số.
Năm 1952, mưa to, lũ lụt, núi lở, nên dân làng Kwil-Bùm về ở gần làng Kala. Hiện giờ đất làng Kwil-Bùm, anh em Rơglai căn cứ về ở.
Cũng trong thời gian trước khi làm nhà thờ Kala, Cha Cassaigne đã cho mở con đường piste từ Di Linh vào tới Kala. Nếu con đường có đi qua ruộng của ai, ngài đều mua lại hết, từng thửa. Một số giấy tờ đều còn lưu giữ. Con đường này sau đó được trải đá sơ sài, cho tới năm 1973, con mới nhờ công binh Mỹ đóng ở Tam Bố mở rộng và trải đá kỹ hơn.
Vì Cha Cassaigne được làm Giám mục Sài-gòn, nên hai năm đầu Cha Chauvel không thường xuyên ở Kala, cho đến cuối năm 1942 mới chính thức ở luôn. Có lẽ do đây mà có sự lầm lẫn trong các tư liệu.
(Những chi tiết trên đây muốn làm rõ, vì nó là mốc lịch sử khởi đầu cho công cuộc truyền giáo cho người Kơ Ho của Giáo phận.)
Những năm cuối thập niên 1950, có các Linh mục thừa sai Paris tới lập thêm một điểm truyền giáo mới, quen gọi là Trung tâm truyền giáo Di Linh Thượng, nằm ngay sau chợ Di Linh bây giờ.
Trên nguyên tắc, phạm vi truyền giáo của hai trung tâm này (Kala và Di-Linh) là các làng dân tộc khắp tỉnh Đồng Nai Thượng. Nhưng trong thực tế lại khoán trắng tất cả cho Trung tâm Kala, có Giáo xứ Di Linh hỗ trợ.
Cuối năm 1969, Linh mục Phêrô Trần Văn Khoa rời Kala, lập một điểm truyền giáo mới ở Đinh Trang Hòa (cây số 16) có tên là Trung tâm San Sẻ Dariam. Trước đó khoảng 1963-1964, cha Khoa đã khởi sự công việc truyền giáo tại Dà Gui và Dà Wai.
Ngày 15-01-1973, Linh mục Giuse Phạm Minh Sơn được cử về lập một điểm truyền giáo mới ở Gia
Lành, sau đó rời về Tam Bố.
Từ năm 1948, các Cha thừa sai Paris tới Đà Lạt và sinh hoạt truyền giáo khắp vùng đó kể cả Lạc Dương.
Từ năm 1958, các Cha Dòng Chúa Cứu Thế tới Fyan truyền giáo cho anh em khắp vùng đó, kể cả Đức Trọng.
Năm 1958, Trung tâm truyền giáo MLon được hình thành rồi tới các vùng phụ cận khắp huyện Dran. Có các Cha Lazarites tới tiếp tay từ năm 1961và chia nhau hoạt động.
Ngày 18-02-1961, Cha Laurensô Phạm Giáo Hóa được phái đến vùng Bảo Lộc chuyên lo truyền giáo cho anh em dân tộc khắp cả miền đó, kể cả cây số 16 cho tới Dà Gui. Ngoài một Trung tâm chính tại chính Bảo Lộc, ngài còn thành lập nhiều cứ điểm truyền giáo khác ở khắp nơi, có nhà thờ hẳn hoi. Ngài được nhiều giáo dân tình nguyện đến giúp việc truyền giáo.
Trên đây mới chỉ ra điểm khởi đầu của công việc truyền giáo của Giáo phận. Còn các chi tiết khác phải chính các nơi đó kể ra mới hết và mới đúng được.
Từ vài năm trước năm 1975 cho đến hôm nay (năm 2003) thì các Cha đã thấy rõ, công việc truyền giáo cho anh em Dân tộc bắt đầu được san sẻ cho các Giáo xứ lân cận đảm trách. Và cũng có thể nói đó là một thời kỳ trăm hoa đua nở rộ trên cánh đồng truyền giáo của Giáo phận chúng ta. Không thể kể ra hết được mọi công lao vất vả cộng với sự hăng say nhiệt tình để có một kết quả mà chúng ta hiện đang thấy.
Con xin xé lẻ một chút để nói đến ở đây một điều mà ít ai nhắc tới. Nếu được phép tôn vinh một Giáo xứ (Kinh) nào đó, thì phải kể Giáo xứ Di Linh lên hàng đầu. Vì bắt đầu từ đây mới có “hiện sự” của công việc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận. Và suốt hơn 70 năm qua, Giáo xứ Di Linh vẫn luôn là cái nôi cưu mang, sản sinh, nuôi dưỡng một số khá đông anh em tân tòng và giáo dân Kơ Ho. Ngay cả khi đã có các trung tâm truyền giáo chung quanh đảm trách chuyên biệt.
Ngày thành lập Giáo phận và có Đức Giám mục tiên khởi về điều hành công việc của Giáo phận, cũng là khởi điểm một bước ngoặt mới cho công cuộc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận. Vì có Chủ chăn chịu trách nhiệm trực tiếp, mọi thành viên phải liên hệ thường xuyên để được hướng dẫn, khích lệ và giúp đỡ. Các vị Chủ chăn đều dành sự ưu ái đặc biệt cho công tác này, nên cũng thường xuyên đi thăm viếng mục vụ.
Với Đức Cha Simon Hòa và Đức Cha Barthôlômêô kế vị, chắc hẳn không ai quên được những hình ảnh thân thương, những lời nói đầy thiện cảm, và cung cách trân trọng của hai ngài với công việc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận. Mỗi vị mỗi vẻ, nhưng đầy tình Chúa và tình người.
Đức Cha Simon Hòa với việc học đọc tiếng và vẻ mặt sung sướng mỗi khi cử hành Bí tích cho anh em Dân tộc. Đức Cha Barthôlômêô với nhiều lần lên tiếng nhắc nhở mọi người đừng bao giờ quên cái ơn mà Thiên Chúa qua anh em Dân tộc đã giữ phần cho chúng ta là được ở trên phần đất này.
Chúng ta đã nói nhiều và được nghe nói nhiều về Đức Cha Phêrô của chúng ta hiện giờ. Một con người đã được tiền định cho công cuộc tuyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận. Ngài đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Từ tấm bé đã mắt thấy tai nghe, từ đó sinh tình và thể hiện nó trong đời là điều đương nhiên đối với ngài. Chúng ta hãy để ngài sống trọn cái ơn gọi đó trong tâm tình biết ơn và tạ ơn Chúa.
Tất cả các sự kiện tính theo thời gian trên đây, và mọi diễn tiến có liên hệ đều nhắc nhở chúng ta về tình yêu bao la của Thiên Chúa đã quan phòng, đưa đẩy, bảo vệ và giữ gìn.
Tất cả các vị có nêu tên hoặc chưa nêu tên, kể cả biết bao người vô danh đã có cộng tác ít nhiều trong công cuộc truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận, dưới sự điều hành đầy nhiệt huyết của các chủ chăn, hẳn là đã được ơn Chúa soi sáng cách đặc biệt, được thấm nhiễm, được nuôi sống bằng Lời Chúa, để rồi thể hiện cách này cách khác trong sứ vụ được trao ban.
II. Giữa dòng thời gian
Con không bao giờ dám nghĩ tới hay muốn lạm bàn về cái huyền bí của không gian hay thời gian. Ngay cả từ ngữ mang tính nhiệm mầu mà Chúa Giêsu đã nói : “Giờ của Ta”. Con chỉ nghĩ rằng Thiên Chúa đang gọi và ban cho chúng ta sống trong một thời gian, một không gian và một giờ cụ thể của Ngài. Qua đó chúng ta có một ý tưởng, một quyết định thể hiện tối thiểu nào đó về quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở đây nhằm con người cụ thể là mỗi người chúng ta; và đối tượng cụ thể là anh em Dân tộc trong Giáo phận Đà Lạt chúng ta.
Chắc chắn không ai mà không nhìn nhận rõ ràng : thành quả của các vị tiền bối để lại quá lớn lao và đã trải qua vô vàn gian khổ, còn vượt qua cái giá xương máu. Tất cả đã trở thành nền tảng và cung cách chỉ đạo cho hôm nay và ngày mai.
Nói khác, chúng ta đã và đang thừa hưởng một gia tài truyền giáo có tính truyền thống xét về cả hai mặt nội tại và ngoại tại.
Nội tại là chính nội dung đặc thù của công tác truyền giáo theo nghĩa đen Lời căn dặn của Chúa Giêsu, là rao giảng Tin Mừng của Ngài cho mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi tiếng nói, là rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Ngoại tại là các công tác chuẩn bị trực tiếp cho sứ vụ trên : học ngôn ngữ, tìm hiểu phong tục tập quán, và diễn tả giáo lý của Chúa bằng tiếng bản địa.
Cả hai phương diện trên, các vị tiên phong đã làm rất nghiêm chỉnh và rất đáng nể phục. Có thể khẳng định, cuộc đời các ngài chỉ là vậy, chỉ có vậy.
Còn chúng ta, những người còn đang sống, kể từ ngày có mặt trên hiện trường, hay ở giữa dòng thời gian này, đã làm gì nên chuyện, để xứng đáng là người thừa kế cái gia tài truyền giáo có tính truyền thống trên. Trên nguyên tắc, đương nhiên thế hệ sau phải hơn thế hệ trước. Hậu sinh phải khả úy. Nhưng chắc chả ai dám mạnh bạo nghĩ mình đã hơn.
Tổng quát và mặt nổi thấy có nhiều điều tích cực :
* Về nhân sự chủ đạo có con số rất đáng nể.
* Về thành tích có trong sổ Bí tích càng đáng phục.
* Về các địa điểm có hữu trách đúng là Trời ban dồi dào.
* Về nhiều mặt khác đều có chất lượng cao, nhiều chỗ còn có cả văn bằng chứng nhận.
* Và tất cả đang còn tiến mạnh theo chiều hướng này.
Cái bảng thành tích này nếu nằm trong tay các nhà tổng kết chuyên nghiệp hôm nay thì hết chỗ cho bất cứ ai muốn chen chân. Quả thực ai mà không khen, không phục, không hãnh diện...
Nhưng cũng theo thông lệ khi nói ra các mặt được, mặt nổi, thì cũng phải nói ra cái mặt chưa được, mặt chìm. Về điều này, thì khó lòng có ai đủ can đảm nói lên, nếu không được thật lòng cho phép.
Con xin dùng phương pháp tự phê, tự phê chân tình. Điều này con đã học được khi đi dự vài lần nhóm họp với các anh Tiểu đệ Chúa Giêsu ở Sài-gòn trước đây. Các anh gọi cho nó một cái tên là “sinh chứng”.
Con cảm thấy tự thâm tâm con có tiếng bảo phải xét lại, phải chấn chỉnh lại. Nói theo ngôn ngữ của Giáo Hội hôm nay là có cái gì đó phải ăn năn sám hối, cần phải nói lời xin lỗi vì lỗi tại tôi mọi đàng.
Mỗi khi nghe văng vẳng lời Chúa Giêsu nói : “Như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi”; con thấy vừa thấm thía vừa giật mình. Cái giới từ “như” vừa đáng kính vừa đáng sợ. Chỉ có nó mới đem lại sự hạnh phúc đích thật cho con và qua con tới mọi người. Nhưng nó cũng đòi hỏi nơi con thật nhiều, đúng hơn là đòi hỏi hết. Con đã chấp nhận nó một cách dứt khoát khi bước lên lãnh chức Linh mục. Lý tưởng và con đường đạt tới lý tưởng quá rõ ràng. Nhưng khi va chạm thực tế con thấy con đã thiếu sót rất nhiều.
Thiếu sót cơ bản nhất là cho đến khi chính thức nhập cuộc, con chả có một ý tưởng sơ đẳng nào về vấn đề cụ thể này. Sinh sống cả 15 năm (1954-1969) trên đất đai của anh em, nhìn thấy anh em thường xuyên chung quanh mình, kể cả đã được nuôi bằng chính mồ hôi nước mắt của anh em nữa...mà con chưa một thoáng động tâm bén não về anh em. Còn nói chi đến việc sau này mình sẽ làm công việc hiện giờ.
Cầm “bài sai” vào Kala, dâng thánh lễ đầu tiên, ra mắt với anh em, con chỉ mới có thêm một tâm trạng là lúng túng. Rõ ràng anh em trước mặt mình đây khác xa mình vời vợi về mọi mặt, với mọi quan niệm phổ thông của mình trước đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hành trang học hỏi, ghi chép vất vả bao năm nay bỗng trở nên mây khói. Chỉ còn sót lại một điều là vâng lời với tất cả thiện chí.
Nhiều anh em linh mục Giáo phận, khi còn học ở chủng viện đã có may mắn hơn con nhiều về vấn đề này. Các thầy là con nhà tông : bố nào con nấy, hội nào dòng nấy. Các thầy được Đức Cha Simon Hòa đã dự kiến, tiên liệu. Các thầy đã có nhiều năm sống chung, có quen hơi bén tiếng Dân tộc. Nên khi làm linh mục và nhập cuộc xem ra dễ dàng.
Đã thành một truyền thống trong Giáo phận. Đức Cha Barthôlômêô trước đây và Đức Cha Phêrô hiện nay, cũng đã hành xử như vậy, để các thầy được hội nhập cảnh vật trước, và khỏi ngỡ ngàng sau này.
Con có ý nói rằng về phía các vị Bề Trên đã có chuyên tâm về vấn đề. Nhưng đáp ứng ra sao lại thuộc về phía chúng ta. Ngay cả những anh em Linh mục hiện giờ, nếu gặp trường hợp chưa được chuẩn bị như con, thì cũng chẳng có lý do gì mà thoái thác. Vì dù sao đây vẫn là nền tảng của Giáo Hội, là ưu tư hàng đầu của Giáo phận.
Con nhớ Đức Cha Barthôlômêô có nhắc nhở chung nhiều lần, và nhắc nhở riêng con khi ngài khuyến khích con viết tập từ điển Kơ Ho – Việt : “Chúng ta có một trách nhiệm rất nặng nề, về mọi mặt, với anh em Kơ Ho. Chúng ta phải trả giá, cho dù rất đắt. Nếu trong đời chúng ta mà để mất mát đi cái bản sắc của anh em thì ai dám nói là không có tội”.
Ngoài việc sợ tội mà viết, cho dù miệt mài 5 năm mới viết xong mà rồi cũng chẳng ưng ý. Nhưng con cũng cảm thấy đúng như lời Đức Cha nói.
Lịch sử nhân loại cứ tiến thoái liên tục. Biết bao dân tộc và ngôn ngữ cứ biến mất dần hằng năm, với biết bao phong tục tập quán hay, đẹp, thánh. Cái mất mát trước mắt thì người ta thờ ơ, coi như đồ bỏ. Nhưng sau một vài ngàn năm, người ta lại phải cất công, bỏ ra biết bao tài trí của cải, để đào bới, khảo nghiệm, ráp nối rồi suy đoán. Tìm được một mẫu xương, một vết chân cũng làm cho biết bao nhà khoa học phải đổ xô tới, học hỏi, ngỡ ngàng. Khi còn học Kinh Thánh ở chủng viện chắc không ai quên được cái giá trị của khoa khảo cổ.
Trước đây trong Giáo phận, chúng ta đã dựa quá nhiều vào các ơn gọi biệt sủng (?). Các thừa sai, các vị tình nguyện. Chắc chắn Chúa đã ra tay trước để đánh động mọi người chúng ta, chứ không phải để chúng ta ỷ lại. Cờ đến tay ai thì người đó phải phất. Thánh Phaolô có vẽ ra cho chúng ta một hình ảnh rất tích cực : cuộc chạy đua trên thao trường.
Cuộc đua tài hôm nay còn mang đậm màu sắc nghệ thuật, kỹ thuật và cả kỹ xảo vi tính. Con có ý nói chúng ta hôm nay đâu có thua các vị tiền bối bất cứ điều gì, kể cả ơn Chúa. Về nhiều mặt chúng ta còn vượt trội, kể cả hoàn cảnh thuận lợi. Ấy thế nhưng nếu làm một cuộc so sánh cho dù rất sơ sài cũng cho thấy chúng ta đã thua xa các vị một trời một vực.
Con chỉ xin kể lại hai vị tiền nhiệm của con tại Giáo xứ Kala.
Một Jean Cassaigne vượt trội về mọi mặt : tinh thần truyền giáo, công tác xã hội, hội nhập văn hóa. Một số tác phẩm bằng tiếng Kơ Ho đã được in ấn hẳn hoi từ thập niên 30 thế kỷ trước là những chứng tích nói lên rất nhiều điều.
Một Jacques Dournes với một thời khóa biểu làm việc mỗi ngày rất gắt gao. Chỉ với một thời gian rất vắn (5 năm), đã để lại cho đời một kho tư liệu có một không hai về anh em Kơ Ho. Rất nhiều nhà khoa học vẫn tìm tới như một gốc cội.
Các thừa sai khác ở khắp nơi trong địa bàn Giáo phận đều đã đóng góp phần mình một cách đáng nể. Vừa cụ thể vừa có chiều sâu. Đó là giáo lý, Phụng vụ và Kinh Thánh tiếng Kơ Ho.
Quả thật, từ thời sơ khai, Giáo Hội chúng ta đã có một tiếng nói chung, một ngôn ngữ của mọi ngôn ngữ, đó là Lưỡi Lửa Tình Yêu thiêu đốt lòng nhiệt tình của các Tông đồ, làm cho mọi nước, mọi dân, mọi tiếng nói, đều nghe ra được tiếng nói của quê hương mình, từ miệng mấy ông thuyền chài Galile.
Nhưng ngay sau đó thôi Thánh Phaolô đã chiêm niệm mầu nhiệm Nhập thể, mà khám phá ra rằng : phải trở thành người Hy lạp với người Hy lạp, người nô lệ với người nô lệ...
Nói đến người “Tây” thì cũng phải nói đến người “Ta” mới công bằng. Nhưng con xin các Cha và các người mà con có kể tên hay nhắc tới sau đây cũng chỉ vì Chúa và vì anh em thôi. Nếu con có phạm húy (kờs sơnđăn), thì con sẽ xin tiền Đức Cha mua rượu để bồi thường (cràs) và tẩy rửa (rào bơr). Con nói đến chỉ vì con thấy các vị xứng hợp hơn ở cái đoạn trình bày này :
Cha già cố Laurensô Phạm Giáo Hoá : “Con trâu” đầu đàn đã và đang được hiến tế (gơsơêt lơh-yàng) đúng nghi thức Kơ Ho. Chắc chắn đây là một hướng đi ngài đã chọn từ tấm bé do ơn Thiên Chúa tiền định. Nên cả đời ngài đã chẳng những cầu nguyện, lại còn “cậy cục” cho bằng được để làm công việc này. Và khi vào cuộc thì ngài đã hăng say tới mức độ nào thì không ai trong chúng ta không biết, không khâm phục. Tâm hồn, tính tình và bầu nhiệt huyết của một cụ già ngoài 80 tuổi, mà vẫn tươi trẻ như ngày nào cách đây hơn 40 năm, khi dấn bước vào các làng Dân tộc miền Bảo Lộc. Con không phải anh em Mà, nhưng con xin mượn lời ví von của họ tặng Cha già hai câu :
- Mhàm bồ, trơ-ồ kiăng = chảy máu đầu, cháy đen đuôi.
- Dum bla, kra bồ, trơ-ồ wăc = chín ngà, già đầu, cháy đen khoáy.
Cha Phêrô Trần Văn Khoa : Khi con về Kala cách đây 34 năm, có nghe càm ràm về ơn gọi này. Nhưng khi ở với và quen biết, thì con cho đây là một quà tặng Chúa ban nhưng không cho Giáo phận ở cái thời điểm đó. Chỉ sau Cha cố Hóa hai năm, Cha Khoa đơn độc đến với anh em Dân tộc ở Dà Gui, Dà Wai. Một vùng đất theo lịch sử, thì chỉ nghĩ tới cũng đã rùng mình. Một con người vừa có tâm hồn nghệ sĩ vừa có một tình yêu nồng nàn, sẵn sàng chịu đựng trong mọi tình huống và với mọi anh em nghèo, xấu số. Một người đa tài để làm công việc truyền giáo chuyên biệt này. Những buổi giáo lý của ngài rất sinh động, say mê lòng anh em. Khi về Kala với địa bàn rộng, dài. Ngài đi như thọc chuột khắp nơi. Một dấu vết (pơnời) ngài còn để lại là thói quen dịch thuật chung. Nếu không có ngài năng nổ điều động liên tục, và phác thảo trước công việc, thì anh em ở Di Linh và Bảo Lộc đã không có cơ hội gặp nhau liên tục suốt 5 năm trời, để bàn thảo và dịch thuật.
Về nội bộ công việc thì Cha già cố Lôrensô vừa là người chủ trì công đạo vừa móc hầu bao chi tiền ăn uống ngủ nghỉ. Chính Cha Khoa đã giúp con có nhiều ấn tượng đẹp và mạnh về anh em Dân tộc. Người Kơ Ho rất nhạy bén khi nhìn người, họ phân biệt tức khắc : người mình (cau he), hay là người ta (cau cau). Họ đã đặt biệt hiệu cho Cha Khoa là Dăm Jơng. “Dăm Jơng” đồng nghĩa với “crơng-gơs”.
Cha Giuse Phạm Minh Sơn : một thanh niên xung phong và cả xung kích trọn nghĩa. Cho dù bề ngoài và tính tươm tất chải chuốt chả hợp tí nào. Khi ở Kala được hai năm, nghe tin Đức Cha gửi ngài về phụ tá cho Cha cố Hóa, con giật mình không tin. Vì cái anh chàng thư sinh non choẹt này mà làm được gì. Quả thật chỉ có Chúa mới biết và cũng chính Ngài điều khiển mọi sự theo ý Ngài muốn. Xin các Cha cầu nguyện đặc biệt cho ngài. Vì ngoài công việc của một Cha xứ như ai, ngài còn phải đảm trách một nhiệm vụ có tính chuyên môn cao, và vì ngài cũng như con không được đào tạo chuyên ngành, nên đúng là vừa học vừa làm, rất vất vả. Xin mượn lời anh em Kơ Ho tặng Cha một câu ví-von : “Să mê găm dêt, ngke mê neh dàng”. Nhưng vì ngài cao hơn con, nên phải đổi lại một từ cho hợp : “Să mê găm bơnung, ngke mê neh dàng” : Thể xác mày còn non, sừng mày đã già. Xin Cha, nhờ ơn Chúa, kiên trì chịu đựng, vượt qua mọi trở ngại, thỏa mãn ước nguyện của Đức Cha, và cả tương lai công cuộc truyền giáo cho anh em Kơ Ho.
Về các nữ tu đã có công đầu trong công tác truyền giáo cho người Kơ Ho của Giáo phận, con chỉ biết có hai nhóm đã cư ngụ và làm việc tại Giáo xứ Kala.
1. Tu hội Tiểu Muội Chúa Giêsu. Năm 1953, các chị đã tới mua đất, làm nhà sàn, lợp tranh và ở tại làng Kròt Sơêk. Vì tình thế bắt buộc, các chị đã phải bỏ đi cuối năm 1967. Đời sống chứng tá theo tôn chỉ của Tu hội, đã góp rất nhiều cho công việc truyền giáo tại địa phương.
2. Hội dòng Nữ Tử Bác Ái. Khoảng đầu năm 1958, sau khi Cha Darriceau làm xong hai ngôi nhà ngay đầu nhà thờ Kala bây giờ, các chị đã tới ở. Mặc dù trên nguyên tắc là phục vụ anh chị em bệnh nhân phong cùi, nhưng các chị cũng đã tham gia tích cực mọi sinh hoạt đạo đức và bác ái trong Giáo xứ. Vì Đức Cha Cassaigne trở bệnh nặng, và cũng vì muốn chuyên tâm lo cho Viện phong, các chị đã rời Kala đầu năm 1970.
Một đoàn ơn gọi truyền giáo cho anh em Kơ Ho còn tuyệt vời hơn nữa của Giáo phận Đà Lạt. Đó là anh chị em giáo dân tình nguyện. Con chỉ nói riêng vùng Di Linh và Bảo Lộc. Có thể nói đây mới là đặc sủng Chúa ban cho từng cá nhân. Có điều lạ là đa phần họ không phải là người thuộc Giáo phận Đà Lạt. Cho nên cũng phải nói đây là đặc sủng dành riêng cho Giáo phận. Đúng là “đất lành chim đậu” (ù bơkah kòn sềm gơ rơêp). Từ “lành” thật khó chấp nhận với nhiều người. Thưa các Cha : sự cố rất hiếm, rất quý và rất đắc dụng. Con không dám mạo phạm, nhưng xét về nhiều mặt họ có phần trên cơ, ít là trong thời của họ. Tất cả đều khá rành ngôn ngữ. Nhiều người nói như “Thượng”, cả về ngôn từ lẫn giọng điệu. Cỡ như con và Cha Sơn cũng phải bái phục. Ngoài ơn Chúa, theo con nghĩ, có lẽ cũng vì nhiều người trong họ chỉ có học lực cấp tiểu học, hay hơn chút đỉnh, cộng vào đó là cuộc sống nông thôn miệt vườn bình dân của họ trước đó, không bị gò bó vào giờ giấc sinh hoạt. Tất cả dễ tạo một sự gần gũi, không có mặc cảm cho cả hai bên. Họ lặn lội làm ăn, xông xáo vào mọi nơi mọi xó. .. kể như “ba cùng” luôn với anh em.
Trước khi con về Kala, đã được Cha sở Di Linh thuật cho con nhiều điều về họ. Chính ngài cũng đã từng đi thăm họ ở tận nơi hẻo lánh họ sinh sống và hoạt động. Cảnh sống nghèo nàn và bệnh tật xảy đến cho họ đã làm ngài phải cám cảnh sa lệ. Họ sống như không cần ai biết đến. Chẳng đòi hỏi, kể cả lương thực qua ngày. Nhưng đời sống chứng nhân rất sinh động, nhiệt tình, cho dù họ chưa được huấn luyện gì trước đó.
Tự học hỏi và làm việc theo khả năng Chúa ban. Công việc thường xuyên là ngày đi làm với các gia đình Dân tộc để xin ăn; chiều và tối dạy giáo lý, cùng đọc kinh với anh em.
Con số họ cũng khá đông. Ngay tại Kala có lúc lên tới con số trên 20. Chính bên họ và qua họ mà nảy sinh các nhân sự người Dân tộc tham gia công tác truyền giáo, cách này cách khác.
Con nghĩ, trong sử ký truyền giáo cho anh em Dân tộc của Giáo phận, nên trân trọng viết chung về họ vài dòng. Những hạt giống âm thầm vô danh đã gieo xuống, đã qua đi, đã chết, hay còn sót lại, quả thực đã góp phần không nhỏ cho thành quả hôm nay.
Trong sự quan phòng của Chúa, ai cũng hiểu, hạt giống gieo ở một chỗ, có thể nảy mầm, sinh hoa kết quả ở một chỗ khác. Mà thường chúng ta lại quên điều này.
Bản thân con không được quyền kể mình vào con số các vị trên. Vì rõ ràng con chỉ là kẻ đến sau, hưởng dùng những cái đã dọn sẵn. Nhưng con cũng xin phép được kể về con, với tư cách là chiếc cầu nối “giữa dòng thời gian” và “xuôi dòng thời gian” (sẽ nói sau).
Vì chưa có sự chuẩn bị trực tiếp nào, nên khi nhập cuộc cũng thấy bơ vơ. Mọi sự bắt đầu từ a, b, c... nhưng con cũng suy nghĩ : Người ta làm được, mình sẽ làm được. Một giáo dân bình thường còn làm được, không lẽ một linh mục không làm được. Các thừa sai đã có công khai phá, sao mình không cuốc xới để trồng tỉa !
Con nghiệm ra, con cũng có một ơn tiền định nào đó. Từ khi đặt chân lên miền đất lành này, chưa hề có ý định sẽ rời khỏi đây. Luôn nhìn về phía trước mặt với những con người, những sự kiện, mà hình như mỗi ngày càng thôi miên mình, hớp hồn mình. Từ đó mà cũng càng ngày càng yêu mến hơn, nói dại một tí, đam mê hơn. Đối với con xem ra không còn vấn đề gì khác phải để tâm, phải liên hệ, phải đòi hỏi. Quá khích đến nỗi là chớ gì đừng có ai để ý đến mình, thăm nom mình, để chuyên tâm trọn vẹn. Nhưng chắc không phải là sợ có ai xí phần.
Càng ngày con càng thấy mở ra trước mắt một kho tàng vô giá, còn nguyên sinh mà dường như Thiên Chúa muốn dành riêng cho con từ thuở nào. Nhưng cũng càng ngày càng cảm thấy mình bất lực, vô phương đạt đáo, nếu không có ơn Trợ lực đặc biệt.
Con mạo muội bắt chước Thánh Phaolô mà nói : Con nói thực chứ không nói dỡn. Một điều hằng ray rứt lương tâm con mỗi ngày, đó là anh em Kơ Ho đã cho con quá nhiều, mà con lại thiếu nhạy cảm trong mọi cung cách để đáp ơn trả nghĩa. Cụ thể nhất là chính công việc mà con mang danh là đi truyền giáo. Con đi tới với anh em thì ít, mà anh em nhào tới với con thì nhiều. Ấy thế mà việc dạy giáo lý, chăm sóc ơn gọi làm con Chúa của anh em, con đã làm chưa thực nghiêm chỉnh và hết mình. Rất thường ỷ lại vào các anh chị em cộng sự.
Quả thực Chúa đã làm hết thay con. Từ việc đưa anh em tới, đến việc dẫn anh em đi trong ơn gọi này. Mỗi lần thấy anh em ở đây hay ở đó lũ lượt kéo nhau đi bộ hướng tới nhà Chúa trong các ngày Chúa nhật, lễ phép bước vào đồng loạt, rộn ràng lời kinh tiếng hát, với cả tâm hồn và thể xác đơn sơ, thành khẩn. Có ai dám nghĩ đó là công lao vất vả của mình.
Riêng con chỉ thầm cám ơn Chúa đã làm mọi điều kỳ diệu trong anh em. Cảnh tượng này như bó buộc con phải nghĩ, và khám phá ra được đôi điều gì đó cụ thể, để khích lệ anh em. Điều cụ thể mà con nói đây chính là những cái đã có sẵn, đang còn chất chứa trong niềm tin, trong tâm tư tình cảm hay phong tục tập quán của anh em. Con nghĩ rằng chắc chắn nó phải có một mối liên hệ thâm sâu nào đó, với đức tin mà anh em lãnh nhận hôm nay. Con cũng nghĩ rằng đây mới đúng là nghệ thuật “chài lưới người”, mà Chúa Giêsu đã nói và dạy dỗ các Tông đồ xưa kia, và các môn đệ hôm nay. Thế là con thấy cánh cửa đã mở sẵn, mời chào con bước vào tham quan, khám phá, học hỏi.
Có nhiều anh em cũng có quan tâm, đặt vấn đề với con, là trước mắt không còn thấy gì đáng tìm hiểu, hỏi hoài mà cũng chả có ai nói được gì. Trường hợp con khi tới Kala cũng vậy thôi. Năng nhặt chặt bị. Mấy ai vớ được của bao giờ. Vừa phải cố đấm ăn xôi, vừa phải liều, vừa phải đầu tư vô số kể về năng lực, thời giờ và tiền của. Ngoài ơn Chúa còn phải có tình thật sự, và chiếm được cảm tình của anh em nữa.
Theo con tìm hiểu, thì nguồn tư liệu ở bất cứ đâu cũng vẫn còn dồi dào. Kala là nơi còn ít nhất. Lý do nằm ở trong lịch sử dân tộc. Kala gần như là cái chặng chót của tiến trình. Chỉ được một cái là nó có tính tổng hợp và hòa hợp. Những lần có dịp lễ đây đó, được gặp anh em nói chuyện, con đã thấy rõ điều này. Nói khác, mọi điều dị biệt đều có thể đưa về một mối. Nó cũng nói lên cái đa dạng của một nền văn hóa chung.
Ví dụ từ ngữ, giọng nói ở mỗi miền mỗi khác. Lý do thì có nhiều. Nhưng có thể ví như người Việt ở Bắc Trung Nam. .. Các nhà ngôn ngữ học phải ngồi lại tìm ra một mẫu số chung, sau đó các nhà hành pháp cho áp dụng, nếu cần thì cũng có hình thức áp đặt. Nếu cứ ỷ y rồi cố chấp, hoặc tranh biện quá kỹ về những cái vụn vặt, thì vừa làm nản lòng những người có thiện chí, mà công việc sẽ cứ dậm chân tại chỗ.
Con đã nói hơi nhiều về con rồi. Xin gút lại ở đây cũng theo con suy nghĩ về ơn gọi của mình. Chúa đã hứa ở với và cùng làm việc với các Tông đồ. .. cho đến tận thế. Cái khúc chấm chấm này con tin là có con ở đó. Con còn thấy dường như lời hứa này càng ngày càng được thể hiện sắc nét hơn.
Cái mà chúng ta góp phần là chính ơn gọi Chúa ban, là các loại hành trang mà chúng ta học hỏi được cũng qua ơn Chúa ban. Chớ bao giờ dại dột cho mình phải là, hay phải được thế này thế nọ, cho dù có bằng cấp đầy mình, đã thông kinh thạo sử, đã sáng tác hay dịch ra được cả một thư viện. Càng không nên nghĩ mình bất xứng bất tài cho dù là thực đến mấy.
Mọi sự đều là bất lợi, đều chả xá kể gì trước sự khôn ngoan cao vời và tình yêu bao la của Thiên Chúa. Chỉ cần một điều mà thôi, cũng là một mối lợi vô cùng cao quý, là để Ngài hướng dẫn chúng ta trong và qua mọi tình huống. Cái mà Chúa đòi hỏi cũng là cái Chúa ban sẵn nơi chúng ta, đó là tấm lòng thành và sự nhạy cảm nắm bắt được cái đang diễn ra trước mắt. Một Gioan Maria Vianney vẫn luôn là tấm gương để đời cho mọi đấng bậc.
III. Xuôi dòng thời gian
Vấn đề lại động đến con và những người đương thời đang cùng chí hướng. Nói rõ hơn là tất cả chúng ta, hàng Linh mục của Giáo phận. Qua đây cũng có đôi điều suy nghĩ về hôm nay và ngày mai. Cái ngày mai sau hôm nay.
Đức Cha của chúng ta đã nhiều lần vừa tả cảnh Giáo phận, vừa tả tình của ngài đối với công tác truyền giáo cho anh em Dân Tộc : một bức tranh tuyệt đẹp mà chỉ có Thiên Chúa quan phòng mới vẽ nổi.
Không Giáo xứ nào trong Giáo phận mà không có bổn phận và trách nhiệm ít nhiều đến anh em Dân tộc. Và đương nhiên cũng không Linh mục nào trong Giáo phận được thờ ơ, lãnh đạm (ờ gơ jê ờ gơ jal) hay coi nhẹ được vấn đề truyền giáo cho anh em Dân tộc.
Càng già càng phải có tình cảm sâu đậm hơn. Càng trẻ càng phải có hăng say tích cực hơn. Mỗi lần nghe Đức Cha tả cảnh tả tình như vậy, thì trong lòng con luôn nảy sinh hai ý tưởng trái ngược nhau, càng ngày càng rõ nét :
Một đàng thấy Đức Cha nói rất mạnh, rất hào hứng như muốn bắt mọi người phải đồng tình, đồng hành. Nhưng khi hạ giọng lại quá nhẹ, đến nỗi ít ai để ý, hay có để ý thì cũng qua mất rồi, để lần sau nghe lại. Cùng lắm là gật đầu và tự nhủ tôi đã, đang và còn đang làm đây, và cách tôi làm cũng hay lắm chứ bộ.
Nếu con hiểu không lầm thì ý Đức Cha nói vậy mà không phải vậy mà thôi. Đức Cha còn muốn hơn thế nhiều. Cái nhiều này lại tuỳ hết vào sự tự do đáp ứng của mỗi người chúng ta, với ơn Chúa đã ban, trong hoàn cảnh cụ thể của Giáo phận. Quả thực nếu chúng ta sống đúng phương châm “Sentire cum Ecclesia”, mà Đức Cha là đại diện, thì tuyệt vời biết mấy. Ngược lại nếu chúng ta chỉ như vậy, thì Đức Cha cũng phải chịu vậy.
Đàng khác thấy Đức Cha cũng giống như hai vị tiềm nhiệm. Thẳng thắn nói lên các nguyên tắc cơ bản, bắt chính mình phải tuân thủ, dường như còn quá sức mình. Nhưng khi áp dụng cá biệt cho từng hoàn cảnh, từng nố. .. thì lại rất cảm thông, theo một nguyên tắc mà khi học luân lý thần học của tác giả Damen, chúng con gọi nôm na là nguyên tắc “gầm sàn” : để Chúa và Giáo Hội bù đắp. Mà anh em Linh mục chúng ta thì ai cũng thích nguyên tắc này. Con là người được cái ơn này nhiều nhất, qua cả ba Đức Cha. (Con giữ bản quyền, không kê khai, sợ làm gương mù và bị rút phép).
Ở đề mục này, con cũng có vài ý nghĩ riêng, con xin phép để nói, kẻo không có dịp nào được nói nữa.
Cần có sự khích lệ nhau cụ thể hơn, giúp đỡ nhau hiểu biết hơn để sẵn sàng hy sinh dấn thân vào cuộc hơn. Vì đây vừa là cơ bản vừa là mục tiêu trước mắt và lâu dài đặc thù của Giáo phận.
Nếu đã có các Linh mục Quản xứ, Phó xứ, chuyên biệt dành hầu hết khả năng và thời giờ cho giáo dân người Kinh, còn anh em Dân tộc nói chung mới chỉ là phụ thuộc hay số lẻ. Thì lúc này cần phải có sự nâng cấp thật sự, ít ra là cho công bằng. Con nghĩ điều này chẳng cần chờ Đức Cha hay Toà Giám mục phát động. Vì khi đã chỉ định thì cũng đương nhiên trao quyền. Trừ khi có điều gì khác thường. Đây là công việc bình thường, đã là như vậy từ trong nền tảng. Nói khác đã nằm sẵn trong ơn gọi của mỗi người.
Hiểu theo ý lời nói của Đức Cha Barthôlômêô : chính anh em Dân tộc đã cứu mang chúng ta chứ không phải ngược lại. Vậy có nên nghĩ đến bổn phận mà ngày nay hay nhắc tới đó là “đền ơn đáp nghĩa”.
Theo thói quen đạo đức thì mới chỉ gợi ra được một cái tên khá đẹp là trợ giúp hay chia sẻ. Đức Cha mới rỉ vào tai con mấy từ cũng rất thấm thía : tài năng và vật liệu Chúa ban là đề phục vụ anh em.
Trong bộ sưu tập của con hiện giờ có ba pho truyện cổ : một xuất xứ từ vùng Ryông Tô (Lâm Hà), do Đức Cha trao lại; một ở vùng Njrềng (Di Linh); một ở vùng Kơhing dà và Dà Gui, Dà Wai. Pho truyện cổ thứ ba này rất đặc biệt là kể ra được nhiều tên và địa danh làng cũ, kể cả nghĩa trang và chỗ kính Thần làng (Yàng lơgar). Kiểm tra qua các bô lão thì nó nằm hầu hết ở đường Tân Thanh, Tân Phát, Thánh Tâm, Tân Bùi bây giờ. Cũng theo các cụ kể thì cũng không lâu trước năm 1954. Con không dám đi sâu vào vấn đề sợ rắc rối, nhưng nếu ai muốn thì hiện giờ vẫn còn nhiều bô lão Dân tộc có thể chỉ ra vanh vách. Tấm bản đồ thời Pháp thuộc mà Cha Tổng Đại Diện muốn con tìm lại, cũng có chỉ ra nhiều điểm mà chúng ta hôm nay cần suy nghĩ.
Nên chăng phải dành thời giờ tìm hiểu về cái gọi là bản sắc Dân tộc, tình tự Dân tộc, hồn linh Dân tộc. Ngôn ngữ bình dân hay gọi là tâm tư tình cảm, phong tục tập quán Dân tộc. .... để chúng ta có cái gì đó mà học đòi bắt chước, hơn là bắt anh em phải học đòi bắt chước, một bất công hiển nhiên mà có khi ít ai nghĩ đến, hay nghĩ đến mà chẳng làm gì. Chúng ta có quyền hãnh diện nhiều điều về chúng ta, thì anh em cũng phải được quyền hãnh diện về họ. Xét về nhiều mặt thì chưa chắc ai đã hơn ai, nếu xét về mặt kẻ làm con Chúa và Giáo Hội thì hẳn phải coi chừng. Cẩn thận kẻo có ngày sẽ bị khoác cho những danh xưng chả ra gì, mà chính chúng ta đã cương quyết giũ sạch nó.
Nên chăng phải học nói tiếng Dân tộc. Một điều mà con ngại nói đến nhất, bởi chính con cho đến hôm nay vẫn đang trầy da tróc vẩy đọc lại các tư liệu để lần mò tìm hiểu. Một tấm gương sáng trước mặt cho con noi theo, là Cha già cố Hoá, cho đến hơn 80 tuổi đời rồi mà vẫn ngày đêm miệt mài cúi gầm mặt xuống trên những con kiến La tinh, rồi từ đó lần mò ra tiếng Kơ Ho.
Con được nghe rất nhiều lý luận có tính rất thực tế, kèm theo những hình ảnh rất thuyết phục, để khẳng định không cần học và nói tiếng Kơ Ho. Khi đã có một lập trường cứng ngắc như vậy thì dù có tài mấy cũng phải cắn răng. Con chỉ xin đặt một câu hỏi có tính mục vụ : đã có ai trong các Cha được người Dân tộc đến bàn chuyện linh hồn, tỏ bày tâm sự. .. xin một lời khuyên giải, an ủi. .. y như giáo dân người Kinh vẫn đến với các Cha hay không. Một câu hỏi khác có tính xã hội, các Cha có thường thấy anh em Dân tộc nói chuyện với nhau bằng tiếng Kinh không. Con dám khẳng định mọi câu trả lời đều đưa tới chối giội.
Nền tảng của vấn đề theo Kinh Thánh, Công đồng chung, huấn quyền của Giáo Hội, thì hẳn mọi người chúng ta đã nằm lòng. Việc Thiên Chúa sai Con Ngài xuống nhập thể vào một Dân tộc, nói một ngôn ngữ, theo nghiêm chỉnh một phong tục. .. hẳn phải là một mẫu gương, một tiền đề cho suy tư, thực hành của Giáo Hội nói chung, và mỗi người chúng ta nói riêng.
Con nghĩ ít ra mình phải biết đủ để phân biệt thị phi, khi nghe người này kẻ nọ nói về anh em. Con xin nêu một ví dụ : con cũng là người có mang tiếng là biết ít nhiều về anh em Kơ Ho, nhưng con đã tìm tòi và đã hỏi khá kỹ, mà không thấy có từ ngữ nào có ám chỉ về cái gọi là Lễ hội ăn trâu, hay Lễ hội cồng chiêng. Nhạc Dân tộc thì con có thấy và nghe vài ba lần, nó đang ngũ âm thì biến nó sang thất thanh. Một điều cơ bản nữa mà bản thân con chả biết ăn nói làm sao. Bởi vì nó liên hệ tới nhiều vấn đề chưa ai đủ thẩm quyền tài phán. Đó là danh xưng Dân tộc Kơ Ho, người ta cũng nói Dân tộc Mà, Dân tộc Làc, Dân tộc Sre,. .. rồi Crồng, Nwàng, Nộp, Jrài. ... và cả Mà ale Sre alăr nữa.
Vấn đề không đơn giản, vì nó là nền tảng. Lý luận trần gian nói rằng biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Chúng ta đã biết những gì về người Kơ Ho ? Họ gồm có những ai ? Họ ăn nói làm ăn sinh sống ra sao ? Họ có tin tưởng gì không ? Có tổ chức xã hội không ? Có phong tục tập quán đặc thù không ? Hàng trăm câu hỏi tương tự, có thể chẳng cần đặt ra cho ai, nhưng chắc hẳn với người truyền giáo không thể không phải đặt ra, câu trả lời cũng phải tương đối chứ không thể ỡm ờ.
Vậy ai là người sẽ trả lời : Những người trong cuộc như chúng ta, chắc không ai ngây ngô đến nỗi khoán trắng cho người ngoài cuộc. Con nghĩ không ai trong chúng ta mà không có khả năng làm việc này. Hơn thế trong đầu các Cha từ khi chấp nhận vào cuộc, cũng đã có ít nhiều suy tư. Con được biết điều này qua những lần gặp gỡ truyện trò, có lẽ đã đến lúc phải công khai hoá nó trên giấy trắng mực đen, để Đức Cha và các cộng sự của Ngài sẽ chủ trì công đạo, cho chúng ta ít ra là một khái niệm chung trước mắt. Trong tương lai sẽ có câu trả lời khả đáng.
(Con có kinh nghiệm này, khi làm việc vì Chúa, cho anh em Dân tộc, gián tiếp hay trực tiếp, đều được bàn tay rộng, dài của Chúa trả công bội hậu. Càng làm càng được. Đem cái được đó ra đầu tư tiếp, lại sẽ càng được lời).
Một lần nữa con phải nói tới Đức Cha, ai bảo Đức Cha dễ bộc lộ tình cảm đối với anh em Dân tộc. Hơn một lần Đức Cha đã nói với con cố gắng làm sao để anh em mình đừng bị lợi dụng. Câu nói nghe nhẹ nhưng cân lên mới thấy nặng không vác xuể.
Cũng cần nói đến một sự thực nơi chính anh em Kơ Ho. Đó là do rất nhiều lý do chồng chéo đã tạo nên một lớp người tạm gọi là trí thức người Kơ Ho nhưng không có tý gì là trí thức Kơ Ho cả. Đến nỗi ngay cả những phong tục tập quán cơ bản và những từ ngữ chuyên dùng cũng không còn nhớ ra nổi. Nói có sách, mách có chứng. Các Cha thử hỏi các sinh viên Dân tộc vài từ sau đây xem họ trả lời ra sao : Sa ù; rê tăm tơngời mơ me bàp; lùp yồn; trơwơl dà toh; boh lòng poh; boh lòng pe jơêt; lik rê; bơrnoh boh brê; tòp bàng; jun tơrluêt ồs; sơnđwàng rơnùng; nđăt hìu; tơnõăt bơrtơu; mpong bơkràs; cau kòn-chi; kòn sơng lơgăr. .. Những từ như vậy có đầy rẫy trong phong tục tập quán.
Nếu ai dại dột hỏi họ sẽ được nghe trả lời rất hàm hồ, những người còn có lương tâm thì trả lời không biết (ờ git), không thấy (ờ goê). Lớp người này không phải là mới có. Khi con về Kala cũng đã gặp nhiều rồi. Kiểu như chính con đã hỏi mấy sinh viên công giáo Kinh là đã tin những gì về đạo mình, thì chưa thấy mấy ai trả lời rành rọt được (chỉ vì không thuộc kinh Tin kính).
IV. Hai câu hỏi được trả lời bằng nhiều kiểu
1. Học tiếng Kơ Ho có khó không ?
Nhiều người đã hỏi như vậy. Con trả lời trông trống : đây là một ngoại ngữ như mọi ngoại ngữ, khó hay dễ cũng tuỳ người. Trong Giáo phận chúng ta ít ra đã có một người, chỉ sau hơn một tháng trì chí đã nói được đủ các phép. Còn con thì bảy năm Tiểu chủng viện cũng miệt mài học tiếng La tinh, Pháp, Anh, mà chưa bao giờ được điểm 5/10. Nên học tiếng Kơ Ho cũng vậy thôi. Làm Linh mục tưởng thoát nạn, nào ngờ tránh hùm phải hạm. Nhưng như Chúa nhắc con : đây mới là ngôn ngữ mày phải học. Đúng hơn đây mới là sinh ngữ của mày. Thế là con lao vào học. May mắn cho con là gặp ngay 5 năm liên tiếp các Trung tâm Di Linh và Bảo Lộc họp nhau phiên dịch. Bây giờ thì chẳng những nói được mà lại cảm thấy nó ngon ngon nữa.
Chắc các Cha cũng quá hiểu : thành công hay hạnh phúc nhất của đời Linh mục, là nói được tiếng nói lòng dạ của anh em mình. Kinh Thánh Cựu Ước gọi là dùng tiếng nói của cha ông để dạy dỗ, khích lệ và khuyên bảo nhau. Công lao vất vả con học tiếng Kơ Ho, đã càng ngày càng được trả công bội hậu gấp trăm lần ngay ở đời này, còn cộng với cái gì thì con không nói.
Các Đức Cha Giáo phận, đặc biệt Đức Cha Phêrô, chẳng những muốn mà còn tạo mọi điều kiện để mỗi anh em Linh mục chúng ta, tìm và được hưởng những hạnh phúc trong chức vụ. Riêng con cho đến hôm nay, con đã tìm và hưởng được hạnh phúc gấp đôi. Vì từ khoảng 15 năm nay, con đã tập nói gần đúng được cái tình tự, cái nội lực, cái hồn linh tiếng nói của cha ông Kơ Ho. Một dạng tiếng nói mà ngay cả các bô lão Kơ Ho hôm nay, cũng ít khi được nghe thấy nói tới nữa. Cho nên khi nghe nói tới, thì các bô lão thấm thía trầm ngâm, các thế hệ trưởng tộc thì sực tỉnh, như muốn nhớ lại cái gì dó đã có ở tiềm thức. Chính các bô lão này sẽ giải thích tường tận cho đàn con cháu. Hạnh phúc nào bằng. Vật chất hay hư danh nào trả giá được. Xin các Cha cám ơn Chúa với con, cầu cho con đuợc cứ thế cho đến trọn đời. Và kính mời các Cha hãy vì Chúa và vì anh em Dân tộc, thử tiến vào. Con chưa hề nghe thấy một Dân tộc nào hiếu khách như Dân tộc Kơ Ho.
2. Truyền giáo cho anh em Kơ Ho có dễ không ?
Câu hỏi được đặt ra cho con sau bài nói ở Toà Tổng Giám mục Sài-gòn. Con trả lời bằng cách so sánh con số : Việt Nam sau hơn 500 năm truyền giáo thì cứ 100 người có khoảng 7 người Công giáo. Anh em Kơ Ho chúng con, sau hơn 70 năm truyền giáo thì cứ 2 người đã có hơn 1 người được rửa tội.
Câu hỏi phải được đặt ra tiếp : do đâu mà được vậy ? Có phải do các vị truyền giáo, khởi từ Linh mục Jean Cassaigne, với tất cả niềm tin và nhiệt tình tông đồ ? Có phải khởi sự lôi cuốn bằng những điếu thuốc lá, cái kẹo. .. như cha Lợi có nhắc tới trong bài nói năm ngoái ? Có phải do Giáo phận chúng ta, những thập niên vừa qua, đã biết khéo léo bố trí đều khắp các nhân sự có tài và đầy nhiệt tâm ?. .. Câu hỏi cứ đặt ra, và câu trả lời là đúng cả. Nhưng con nghĩ mới chỉ đúng cái phần đuôi của một bài trường ca Kơ Ho. Nếu không có một nghệ sỹ nhân dân ưu tú cầm chịch, thì cái phần đuôi của bài trường ca này, nó sẽ ve vẩy tứ phương tám hướng, thì cũng lắm chuyện phải bàn. Nếu không tìm về căn cội (lồ yau krau pàng) của vấn đề, thì rất dễ sai phạm và bé cái lầm.
Con nhớ lại câu tục ngữ mà Chúa Giêsu nhắc lại : Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng (Ga 4,37) ! Vậy thì ai đã gieo ? Con chỉ hội ra nó khi tìm hiểu về niềm tin nơi anh em Kơ Ho. Nói khác, chính anh em đã dạy con cắt nghĩa từ ngữ này. Đúng tới cỡ nào con không dám bàn, con chỉ thấy nó rất ổn. Người gieo đây là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Hay nói theo Kitô học thì là Chúa Cha qua Chúa Con trong Chúa Thánh Thần. Cách cắt nghĩa này và cái phạm trù đặt ra đây xin các Cha kiểm tra lại. Nếu có lệch lạc cách nào thì cứ áp dụng nguyên tắc “gầm sàn” trên đây.
Vậy ra là toàn thể Giáo Hội nói chung, và mỗi người chúng ta nói riêng, chỉ là những thợ gặt. Có làm đúng việc này mới đáng ăn công. Mọi công lao vất vả vỡ đất khai hoang, cuốc xới, chọn giống, gieo trồng, chăm bón, trừ sâu. .. là do Chúa hết. Tài khéo và nhiệt tình của chúng ta là phải gặt đúng thời vụ, gặt sớm hay muộn đều có hại như nhau. Phải gặt đúng cách kẻo rơi rụng thất bát. Làm sao đem được hết hoa lợi vào kho Trời. “Lèt mơ Yàng, mbràng mơ kòi”: coi thường lúa là qua mặt Thần linh
Con thấy Giáo phận chúng ta nói chung, và mỗi Giáo xứ nói riêng, thật tốt số trời. Linh mục tu sĩ nào cũng tràn đầy sinh lực, nhiệt huyết. Văn cổ gọi là “binh giáp tàng hung trung”. Từ ngữ Kơ Ho gọi là “ngăc-ngờ pờ tơlờng”. Địa danh nào cũng thấy phong cảnh tuyệt diệu. Có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Bất cứ lúc nào cũng có thể giơ liềm vung hái ra gặt được. Đây mới là nhiệm vụ chính, và đem lại thành quả vĩnh viễn. Mọi cái khác chỉ như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao. Sự ra đi của Cha già Giuse và Cha trẻ Phêrô, mới và còn nói lên lời là ở đây.
Tìm hiểu niềm tin của anh em Kơ Ho xưa kia và nhìn thấy đức tin của anh em bây giờ, con nghiệm ra rõ ràng bàn tay quyền lực của Thiên Chúa đã quan phòng hết, đã sửa soạn hết cho chúng ta rồi. Nếu không, không thể tìm ra lý giải. Cũng chính nhờ đó mà chúng ta khỏi có lo phải trả lời theo kiểu trần gian. Chuyện người Kơ Ho xin theo đạo nhiều là chuyện đương nhiên. Đừng hỏi cái hiện tại trước mắt. Hãy tìm hiểu lịch sử đức tin qua Cựu Ước, rồi áp dụng vào lịch sử niềm tin của anh em Kơ Ho, sẽ có câu trả lời thoả đáng nhất. Mọi kiểu trả lời bây giờ chỉ là vòng vo tam quốc. Càng trả lời càng mắc kẹt.
Nếu chúng ta đã nhận Kinh Thánh Cựu Ước là con đường Thiên Chúa đã nhẫn nại chịu đựng, để sửa soạn cho Tin Mừng Tân Ước thể hiện. Thì theo con cũng có thể áp dụng được cách nào đó khá đúng và nghiêm chỉnh, cả về mặt tôn giáo lẫn xã hội, nơi niềm tin và truyền thống của anh em Kơ Ho. Con có lạm dụng ngôn từ và nói rằng : Niềm tin và truyền thống của anh em Kơ Ho như là tiền mạc khải vậy.
Xin đan cử :
Nghi thức tế lễ (lơh Yàng) đúng truyền thống là phải có một tế vật. Tế vật này thay thế cho thân phận con người, kính dâng lên Thần linh để tri ân và cảm tạ (git jơnau mơ ưn ngài), để cầu xin và chuộc đền (răc dăn mơ tơwài). Sau khi giết sinh vật, thì việc đầu tiên là lấy máu nó bôi lên sừng bàn thờ (ngke jơnào), trên trán các người có liên hệ, trên cửa chính nhà và các linh vật trong nhà, đặc biệt hai chiếc hũ tượng trưng cho gia tiên (drăp me).
Người Kơ Ho độc thần hay đa thần, phiếm thần ?
Theo tìm hiểu của con, đặc biệt qua các câu gọi thần (hòi Yàng) thì phải nói là độc thần. Các dạng khác nếu có là đến sau. Độc thần đến nỗi không có tượng thờ, chỉ có bàn thờ trống không. Độc thần đến nỗi không chấp nhận bất cứ một thứ thần ngoại lai nào, cho dù là bò vàng. .. (cái mà con gọi là linh vật trên đây chỉ là hình ảnh các cặp vợ chồng tiên tổ, hoặc chính các vật dụng dùng để thờ cúng; tất cả đều phải đặt dưới bàn thờ Thần linh).
Điều này dẫn đến việc con đã dám suy nghĩ rằng : Thiên Chúa đã dẫn dắt, che chở, gìn giữ niềm tin nơi anh em Kơ Ho kỹ hơn nơi dân Do Thái xưa. Cho nên khi rao giảng Đức Kitô cho anh em mà nói rằng : Ngài vừa là tư tế (cau kơiơng Yàng) vừa là của lễ (phan lơh Yàng) được tế sát (gơsơt lơh Yàng) thay thế hết mọi sự, kể cả bản thân chúng ta, thì việc tin nhận này xem ra vừa thuận hợp vừa thực tế. Có điều nói đi vẫn phải nói lại, là Chúa đã chuẩn bị sẵn sàng hết rồi, hay nói theo kiểu lời trối của Cha trẻ Phêrô mới đây : Chúa có cách của Chúa, con có cách của con, nhưng con phải làm sao cho cái cách của con tháp nhập được vào cái cách của Chúa cho nó đồng hình đồng dạng.
Về xã hội cũng vậy. Vì đã có Thần linh của mình rồi, nên cuộc sống xã hội của anh em Kơ Ho rất độc lập và tự lập. Mọi sự đã có trưởng tộc cầm cân nảy mực. Không có cái gì ngoại lai có thể thẩm nhập. Nhiều cái cho đến hôm nay vẫn “phép vua thua lệ làng”, kể cả phép đạo nữa. Chúng ta đừng vội nóng lòng sốt ruột, coi chừng sẽ đưa tới những tai hoạ khôn lường. Điều gì là nền tảng thuộc đức tin thì ráng cắt nghĩa và đưa vào càng sớm càng tốt. Dù vậy cũng cần có một thời gian thích ứng tối thiểu. Điều gì là phụ thuộc thì chậm rãi một chút đâu có sao. Đấy là nói những phụ thuộc của nền tảng. Còn những phụ thuộc mình đã tự tạo ra cho mình, cho Giáo xứ mình, mà bắt một Dân tộc khác phải theo thì quả là hết nói.
Con xin nêu một ví dụ, mà bản thân con vẫn ray rứt, mỗi khi nghe nói tới. Đó là việc tổ chức để điều hành tổng quát cũng như chi tiết một Giáo xứ, theo kiểu các Giáo xứ Kinh. Có nên và phải áp dụng càng sớm càng tốt cho một Giáo xứ Dân tộc, hay với người Dân tộc không ? Hay trước đó phải có thời gian đủ, để tìm hiểu các hình thức tổ chức xã hội theo truyền thống của anh em Dân tộc đã. .. Thú thực con chưa tìm ra một hình mẫu nào vừa phổ quát vừa thuyết phục. Con chỉ biết hiện giờ con đang ky cóp nhặt từng hạt lúa. Nếu đem vào tổ chức lại chẳng may sót một ai thì khốn. Cái số đông dễ tự phụ và lấn át cái số nhỏ, tạo ra những mặc cảm, xa lìa, thui chột và chết ngộp. Nhiều bạn bè đến với con có đặt vấn đề thì con mới chỉ trả lời cho qua. Nhưng thật sự con cũng có trăn trở. Hy vọng các thế hệ tiếp nối có sáng kiến gì hơn, và ra sức thi hành. Con đã trông chờ điều này từ nhiều năm, qua các tờ trình hằng năm. Nhưng những đòi hỏi cấp thiết trước mắt của Giáo phận về nhân sự, thì cứ tạm bằng lòng vậy. Hiện tại vẫn thấy còn nghiêm chỉnh, khả đáng. Nhưng về lâu về dài hẳn là không được.
Những điều con vừa nói, các Cha thấy rõ không phải là một bài thuyết trình, mà chỉ là đôi điều chia sẻ đã chất chứa từ lòng con. Nếu có sơ sót hay không đúng, xin các Cha thông cảm, tha thứ.
Để kết luận ngang chừng này, con lại phải mượn lời của Đức Cha thôi, anh em Kơ Ho gọi là “ngui rơnđềh klìu” : nghĩa đen là “mượn oai hùm”. Sau bài nói của con ở Sài-gòn, Đức Cha đã nói đại ý là : Nếu ai đã thực tâm đi vào công cuộc truyền giáo cho anh em Dân tộc rồi, thì không ai muốn ra hay đang tâm ra khỏi đó.
Với con, hôm nay lời nói trên quả là đúng. Nhưng cái vạn sự khởi đầu nan cũng không tránh khỏi do dự ngại ngần. Điều này đã có một bài học rất sinh động từ Phúc Âm. Khi có nhiều thanh niên hăm hở sẵn sàng theo Chúa. Và cho dù Chúa đã giải đáp ổn thoả hết.
Con tin rằng : con thuyền truyền giáo của Giáo Hội, do chính Chúa vừa cầm lái vừa chèo chống, đương nhiên sẽ tới bến. Dù có ai hay không có ai. Nhưng hạnh phúc cho ai được ở và sinh hoạt trên con thuyền đó.
Kala, ngày 04/08/2003
Lễ Thánh Gioan Maria Vianey
nguồn:www.simonhoadalat.com