Vô-thần và Tôn-giáo
Tôi còn nhớ cách đây khá lâu, có một nhóm người đề-xướng ra một tổ-chức gọi là mặt trận liên-tôn, nhằm liên-kết tín-đồ các tôn-giáo để cầm-cự với người vô-thần. Tôi không muốn đi vào phạm-vi lịch-sử để xem hai bên cư-xử với nhau, tranh-chấp với nhau như thế nào, vì đó không thuộc về sở trường của tôi. Tôi trộm nghĩ, về mặt lý-thuyết, đặt vấn đề theo lối đó có hai khuyết điểm. Một là có ngụ ý rằng người theo tôn-giáo, không những phải lấy lời nói lý-sự để thuyết-phục và lấy nếp sống gương mẫu để lôi cuốn thiên-hạ - đó là truyện dĩ-nhiên -, nhưng có khi còn cần phải dùng võ-lực, ít ra là để tự-vệ khi mình bị đàn áp. Hai là dưới cái nhìn hời-hợt và hấp-tấp, ta có cảm-tưởng là vô-thần và tôn-giáo là hai lập-trường hoàn-toàn đối-nghịch nhau, như thủy khắc hỏa.
Nói ra điểm thứ hai này, có thể có người trách tôi là có cái ẩn-ý, tìm ngụy-biện để chủ-trương rằng vô-thần và tôn-giáo không đối-nghịch nhau, cho nên cũng là một, hay ít ra cũng đi đôi với nhau được. Không, đó không phải là lập-trường của tôi. Tôi biết đã có người nghĩ như thế, và không phải là không có chút lý-sự, cho nên chủ-trương đó cũng đáng cho ta suy-nghĩ. Thực vậy, cách đây gần hai thế-kỷ, ông tổ thuyết vô-thần lối mới là L. Feuerbach, triết-gia người Đức (1804-1872), đã lý-luận như sau : người ta thờ thần-linh hay là thờ Thiên-Chúa (muốn cho hợp với hoàn-cảnh văn-hóa Việt-Nam, ta có thể thêm : thờ Trời, thờ Phật, thờ Thánh, thờ Tiên, thờ chư vị), thì chẳng qua là để cho mình tránh được bệnh-hoạn tai-ương, đồng thời được hưởng đủ cả mọi thứ phúc lộc thọ khang; như thế thì đã rõ : con người mới thực là mục-đích tối-cao của tôn-giáo, còn các vị mình thờ thì chỉ là phương-tiện mà thôi. Nếu quả là như thế thì tôn-giáo là vô-thần, tôn-giáo là vì mình chứ không phải là vì thần.
Như ta biết, quan- niệm lý-thuyết này đã được Karl Marx tiếp nhận, do đó ông tuyên-bố rằng từ nay không còn Chúa hay thần gì nữa, cho nên trong xã-hội mới, con người mới thực là Chúa, là thần đối với con người [1]. Câu tuyên-bố rất là thần-tình, khẩu-hiệu thật là đanh thép, nó đảo ngược hẳn lại cái ý-thức tôn-giáo của người ta, cho nên có người đã hào-hứng đi theo để đổi mới xã-hội. Có điều là Marx lúc đó còn thanh-niên, chưa có kinh-nghiệm về thực-hành, về chính-trị, cho nên chưa có thể nghĩ ra câu hỏi cụ-thể : Hỏi người nào là Chúa, là thần đối với người nào ? Hỏi ai là Chúa, ai là thần đối với ai ? Câu hỏi này rất là quan-trọng, vì xét về vận-mệnh của con người ta, thì tuy cùng là người cả, nhưng cái vị-trí trong câu hỏi, đứng bên này hay là bên kia, nó khác xa nhau một trời một vực!
Như thế đủ biết : vô-thần hay là không vô-thần, đó không phải là vấn-đề lý-thuyết suông trong lúc trà dư tửu hậu, nhưng nó có liên-quan thiết-thực tới vận-mệnh con người. Nói rộng ra một chút nữa, tôi không cho rằng các tôn-giáo đều như nhau cả, vì các tôn-giáo thường căn cứ vào những kinh-nghiệm nhân-sinh khác nhau và có những quan-niệm khác nhau về vận-mệnh con người.
Nhưng để bàn-luận cho đáo-lý, việc làm đầu tiên là phải dùng hai từ-ngữ ‘’vô-thần’’ và ‘’tôn-giáo’’ cho chính-danh.
Dùng danh-từ cho xác-đáng
Như đã nói trên đây, hai ý niệm ‘’vô-thần’’ và ‘’tôn-giáo’’ có vẻ xung-khắc nhau; nhưng thực ra, ‘’vô-thần’’, chưa chắc đã là vô-tôn-giáo, vì lẽ hai ý-niệm đó không có một nội-dung rõ-ràng.
Một đàng thì ý-niệm ‘’vô-thần’’ là một ý-niệm tiêu-cực Nội dung của nó tùy-thuộc vào ý-nghĩa của chữ ‘’thần’’. Cho nên phải biết ‘’thần’’ là gì thì mới biết ‘’vô-thần’’ là không chấp-nhận cái gì. Trong tín-ngưỡng của loài người ta thì có không biết bao nhiêu là thần, rồi quan-niệm người ta về thần cũng có nhiều thứ. Có thứ thần nội tại trong các sự-vật, các mãnh-lực trong trời đất; có thứ thần thì ở trong một thế-giới khác hẳn thế-giới hình-sắc này. Các tôn-giáo độc-thần thì quan-niệm rằng vị tối cao, gọi là YHWH, là Thiên-Chúa hay là Allah, thì có tính-cách siêu-việt, không giống một sự vật nào trong trời đất cả. Vì thế có nhiều loại vô-thần, và các loại ấy chưa chắc đã ăn nhằm gì với nhau. Nhiều khi người ta dùng ý-niệm tiêu-cực đó, phủ-nhận tất cả các thứ thần, để ngụ ý rằng mình muốn nói lên một lập-trường tích-cực, đó có thể là lập-trường nhân-bản, lấy con người làm trung-tâm, nhưng cũng có thể là lập-trường duy-nhiên, lấy trời đất, lấy vũ-trụ làm căn-bản, v.v.
Đàng khác, chữ ‘’tôn-giáo’’ cũng có nhiều nghĩa khác nhau. Ở Âu-châu người ta quen dùng chữ ‘’tôn-giáo’’ (religion) để chỉ liên-quan giữa người ta và các vị thần cao trọng hơn loài người ta. Khi ở miền Đông châu Á, những người theo văn-hóa Trung-quốc dịch chữ ‘’religion’’ là ‘’tôn(g)-giáo’’, thì hai chữ đó, theo từ-nguyên, có nghĩa là ‘’những điều tổ-tông dạy cho’’, nghĩa là không nói lên cái nội-dung của tôn-giáo, không nói gì đến thần-linh, cũng không nói gì đến liên-quan giữa người ta với các vị đó, mà chỉ nói đến cách-thức truyền-đạt. Chúng ta lại cũng hay dùng chữ ‘’đạo’’, nhưng chữ ấy có nghĩa cụ-thể là ‘’đường’’ mình đi, nếp sống mình theo, hạnh-kiểm mình có; vì vậy người ta có thể ăn ở cho ‘’phải đạo’’ mà không liên-quan gì đến thần-linh cả.
Xem như thế thì người ta dùng hai chữ ‘’tôn-giáo’’ để chỉ những niềm tin khác nhau, tin vào những đối-tượng khác nhau, với những lễ-nghi, những hành-động cũng rất phiền-tạp, lại nhằm những mục-đích khác nhau và có thể là mâu thuẫn với nhau nữa. Cho nên theo lý-thuyết thì lập-trường vô-thần chỉ phủ-nhận những tôn-giáo có tin, có thờ thần mà thôi.
Tuy nhiên khi các tôn-giáo thờ những thần khác nhau, thì tôn-giáo này có thể là vô-thần đối với tôn-giáo kia. Ví-dụ : đế-quốc Roma kết tội người theo đạo Thiên-Chúa là vô-thần, vì họ không thờ các thần của nhà nước và nhất là không coi hoàng-đế là thần-linh. Chưa hết, đôi khi ta còn thấy trong đạo Thiên-Chúa có những nhà thần-học tuyên-bố một cách có vẻ khiêu-khích rằng đạo Thiên-Chúa, đạo Chúa Giêsu, không phải là một tôn-giáo (religion), nhưng là một niềm tín-ngưỡng (foi / faith) : họ có ý nói rằng tôn-giáo (religion) là nỗ-lực của người ta, dùng tự-lực mà chiếm lấy thiên-đường, hay là để tự giải-thoát, còn niềm tín-ngưỡng là trông lên (ngưỡng) và tín-cẩn vào Thiên-Chúa, là tha-lực, để đạt tới vận-mệnh mà Chúa đã dự-tính cho mình. Vì thế có nhiều thứ vô-thần.
Tới đây ta có thể nhận xét rằng vô-thần và vô-tôn-giáo không phải là thái-độ nguyên-thủy của con người, vì lẽ rằng phải có ai tin thần-linh đã, phải có ai có tôn-giáo đã, thì mới có thể nghĩ đến việc phủ-nhận thần-linh và tôn-giáo. Người ta có thể phủ-nhận thần-linh và tôn-giáo vì nhiều lý-do. Một là vì thấy là không hợp với sở ước của mình. Nhưng khi có nhiều thần-linh, nhiều tôn-giáo, thì người ta có thể bỏ cái nào không hợp với tư-lợi, để chọn lấy cái có ích hơn. Vì thế chưa thực sự có vô-thần. Xưa nay thiếu gì người theo tôn-giáo mới, theo những vị thần có thế-lực hơn, để được lợi hay là để khỏi phải bị đàn-áp; thiếu gì người dùng công-danh, tư lợi, dùng chính-quyền, thậm chí dùng cả thánh-chiến để truyền đạo. Và như thế lại càng làm cho tôn-giáo thành ra khả nghi, đáng khước-từ, đối với người biết suy-nghĩ. Hai là người ta phủ-nhận thần-linh, tôn-giáo, vì thấy là không hợp lẽ. Nói thế khác, khi lý-trí người ta phát-triển, thì người ta cũng biết đứng lên trên cái cảm-tình tự-nhiên, cái ích lợi trước mắt, cái ước-vọng không lâu bền, để tìm cho ra cái gì hợp với lẽ phải. Vì thế tôn-giáo cũng phải có biến chuyển, không thể cứ giữ khư-khư lấy tất cả những gì cha ông truyền lại cho.
Sử-dụng lý-trí như thế có thể đem lại hai kết quả : một là đặt nghi-vấn về thần-linh, về tôn-giáo, để trừ bỏ đi những gì là không hợp lẽ, là mê-tín : hai là khi người ta chỉ biết có lý-trí, duy-lý, mà không xét đến các yếu-tố khác trong nhân-sinh, thì có thể đưa tới mâu-thuẫn giữa lý-trí và tôn-giáo, đưa tới vô-thần hay là vô-tôn-giáo.
Vô-thần và các thần trong thiên-nhiên
Trong các tôn-giáo dân-gian, không biết ai là giáo-tổ đã sáng lập ra, mà chỉ thấy truyền từ thế-hệ này sang thế-hệ khác, thì vũ-trụ này đầy dẫy các thần. Người ta trực-tiếp nhận ra các thần trong những cái mà mình cho là thiêng. Có thể đó là những mãnh-lực có tác-động mạnh trong các hiện-tượng tự-nhiên. Bên ta cũng như bên Tàu, người ta thờ năm bà ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ). Có nơi người ta thờ mặt trời (thái-dương), mặt trăng (thái-âm), và các tinh-tú, núi, sông, v.v. Có những cây, những con vật (bò, khỉ, rắn, ngũ hổ, cá ông voi, v.v.) được coi là thiêng và được thờ. Theo như đạo Lão thì mỗi cơ-quan trong thân-thể người ta đều có thần ở trong. Ta có thể kể thêm vào đó nhiều người sau khi chết thấy có hiển-linh, như Đức Thánh Trần Hưng Đạo, như các thành-hoàng, v.v.
Những mãnh-lực ấy có thể làm ích hay làm hại cho người ta. Làm ích thì người ta biết ơn, làm hại thì người ta kinh sợ : đó là hai tâm tình thường có trong tôn-giáo, cũng như ngoài tôn-giáo. Nếu là những mãnh-lực tự-nhiên, vô-tri vô-giác, thì người ta tìm cách làm chủ nó, hoặc là bằng kỹ-thuật và khoa-học, hoặc là bằng những câu thần-chú, khá thông-dụng trong tôn-giáo cổ-truyền Việt-Nam. Nếu là những thần có hiểu biết, có dục vọng, thì người ta cúng tế để cầu lợi, như khi mua bán hay là nịnh hót.
Các loại thần này đã bị hai trào-lưu ở Tây-phương phê-bình kịch-liệt : đó là tư-tưởng duy-lý của triết-học Hi-lạp và tôn-giáo độc-thần từ dân-tộc Do-thái mà ra.
Tôn-giáo độc-thần của đạo Do-thái và đạo Giêsu Cứu Thế, chủ-trương rằng không có vật gì hữu-hình hữu-sắc trong thiên-nhiên, trong vũ-trụ này, là thần-linh cả, mà chỉ có một vị tối cao, đã tạo thành vũ-trụ, nhưng siêu-việt lên bên trên hay bên ngoài vũ-trụ này. Như thế là phủ-nhận tất cả các thần thiên-nhiên. Hơn nữa các vua chúa mà xưa nay thiên hạ coi là thần-linh, là Thiên-tử, cũng như bất cứ người nào, đều không phải là thần linh. Như thế là phủ nhận tất cả các nhân-thần. Vì thế mà, như đã nói trên đây, đế-quốc Roma kết tội người theo đạo Giêsu là vô-thần. Ngược lại những người đó không thể chấp-nhận những ông thần bà thần có đủ các nết xấu của người ta, ví dụ ông Thiên-vương Zeus (Jupiter) có tiếng là ‘’quảng-giao’’, không những đi lại với vô số các bà thần, mà còn quyến rũ bao nhiêu con gái của người trần-gian, còn bà Thiêu-hậu Hêra (Juno) thì cũng có tiếng là ghen không kém Hoạn-thư, và đánh ghen báo thù cả thần lẫn người.
Tư-tưởng duy-lý. Trước đây hơn 25 thế-kỷ, tư-tưởng duy-lý đã được các triết-gia Hi-lạp cổ võ, người Roma (La-tinh) cũng phát-triển thêm. Về phạm-vi tôn-giáo thì, tuy chưa đi đến chỗ phủ-nhận các thần-linh, nhưng cũng đã đặt ra nhiều vấn nạn về thần-linh. Ví-dụ như trong bài đối-thoại Euthyphron của Platon (-429 đến -347) thì Socrate gặp một người trong đoàn tăng-lữ vừa trong đền thờ thần bước ra liền hỏi thế nào là sùng đạo. Người kia trả lời : là làm những điều vừa ý thần-linh. Socrate vặn lại : thế nhưng có những cái vừa ý thần này thì lại không vừa ý thần khác, thì làm sao ? Thời ấy người ta thường nghĩ rằng tôn-giáo phát sinh ra vì người ta sợ chết và sợ thần-linh. Êpicure (-341 đến -270) dạy rằng không có gì phải sợ cả, vì một là bao lâu ta còn sống thì không có chết, mà khi chết thì không còn ta nữa, hai là các thần linh sống hạnh-phúc trong thế-giới riêng của các ngài, và không để ý gì đến thế-giới này cả, cho nên không đáng sợ : các ngài ấy có hay không cũng vậy thôi. Sextus Empiricus ( thế-kỷ II-III) có chủ-trương hoài-nghi, ông vịn cớ là có điều ác trong thế-giới này, để kết-luận là không có thần-linh. Lý-luận như sau : nếu thần-linh muốn trừ điều ác, nhưng không trừ được, thì tức là các ngài bất lực; nếu các ngài trừ được điều ác, nhưng lại không muốn trừ, thì tức là các ngài không tốt. Đã không tốt lại bất lực thì làm sao coi là thần-linh được ? Đó là về phía Hi-lạp. Còn về phía người Roma thì trong sách bàn về bản-tính các thần-linh (De natura deorum), Cicero (từ -106 đến -43) trưng dẫn ra thật nhiều quan-niệm về thần-linh, làm cho người ta không còn biết được thần-linh thực ra là thế nào. Lucretius (từ -98 đến -55) thì giải-thích vũ-trụ theo quan-điểm hoàn-toàn duy-vật, không cần gì đến thần-linh cả.
Ta có thể thêm vào đó một luồng từ-tưởng Đông-phương. Phật giáo không nhận có vị Thiên Chúa nào tác-tạo nên thế giới này, nhưng vẫn theo quan-niệm dân-gian của người Ấn-độ, tin có vô số thần-linh. Tuy vậy thần cũng chỉ là một trong sáu ngả đường đầu thai trong luân-hồi, cho nên vẫn phải trầm luân trong lục đạo, và vẫn cần được giải-thoát như ta. Hơn nữa ai nấy phải tự mình giải thoát lấy mình cho khỏi cái thế-giới ảo ảnh này, chứ không thể nhờ vả thần-linh, và có thành thần thì cũng chưa đi đến đâu cả. Lập-trường đó chưa hẳn là vô-thần, nhưng cũng tương-tự như thế. Thế nhưng khi Phật-giáo pha trộn vào tôn-giáo dân-gian, thì dân chúng vốn đã quen theo đa thần, cho nên coi Phật cũng là một trong các vị linh thiêng, Phật Thánh Tiên Thần, rồi người ta còn tôn Phật lên làm vị tối cao, vừa có lòng từ-bi lại có nhiều phép mầu. Đứng trong quan-điểm này thì người ta cầu Trời khấn Phật, không khác gì vị Thiên-Chúa trong các tôn-giáo khác. Như thế là vô-thần, là đa-thần, hay là độc-thần ? Người phàm thật khó mà biết.
Có điều chắc là ở Việt-Nam cũng như bên Trung-quốc, các thần phải được nhà vua ban cho sắc phong thì dân chúng mới được thờ cúng, cho nên vua Minh-Mệnh đã có lần tuyên-bố mình là chúa các thần. Nhiều khi cúng tế không có kết quả thì thần bị giáng chức hay là bị phạt nữa. Như thế nghĩa là người ta coi thần cũng không hơn người ta là bao nhiêu. Trái lại, tôn-giáo độc thần có quan-niệm cao siêu hơn nhiều về Thiên-Chúa.
Vô-thần và đạo Giêsu Cứu Thế
Như đã gợi ra trên đây, trong những tôn-giáo đa thần, hễ thần này không vừa ý thì người ta chọn thần khác, nhưng trong những tôn-giáo độc thần, hễ người ta không chịu được Thiên-Chúa, thì người ta chuyển dần-dần sang lập-trường vô-thần. Nói thế khác, vô-thần là một hiện-tượng mới có, và thường phát sinh ra từ trong những xã-hội đã theo tôn-giáo độc thần, đặc biệt nhất là ở Âu-châu, trong khuôn-khổ đạo Giêsu Cứu Thế. Biến chuyển đó đã đi theo nhiều giai-đoạn và có nội-dung rất phong-phú. Vì thế thiết-tưởng cũng nên trình-bày dài hơn.
a) Bối-cảnh lịch-sử và văn-hóa
Đạo Giêsu đã từ đạo Do-thái mà ra. Cả hai cùng chung một lịch-sử, một quan-niệm về Thiên-Chúa, cho nên khi gặp các tôn-giáo đa-thần thì có thái-độ khước-từ. Nhưng khi gặp dân-tộc và văn-hóa Hi-lạp, thì đã có một thái độ khác. Thực vậy, chính người Hi-lạp đã quen nghe các triết-gia của họ phê-bình các thần-linh của họ là có nhiều nết xấu, không cao-siêu, không thanh-cao hơn người ta, và có một số đã chịu phục quan-niệm độc thần của người Do-thái. Ngược lại, người Do-thái thấy rằng các nhà hiền-triết có thể dùng lý-trí mà đạt tới chỗ công nhận có một Thiên-Chúa. Vì thế trong Thánh-kinh của họ cũng có thâu nhận khá nhiều tư-tưởng của các nhà hiền-triết, như trong sách Khôn ngoan, sách Châm-ngôn.
Đến khi đi giảng đạo sang tới những miền theo văn-hóa Hi-lạp, thì đồ-đệ của Đức Giêsu tiếp-xúc với một lớp người quen dùng lời nói, dùng lý-luận và phép tu-từ (rhétorique) đề thuyết phục người khác. Cái thói quen đó đã có từ khi họ thiết lập chế-độ dân-chủ trong hoạt-động chính-trị : thay vì lấy võ-lực hay quyền-lực, thì họ lấy lý-luận để thuyết-phục nhau. Vì thế thánh Phê-rô đã căn-dặn giáo-hữu như sau : ‘’Khi có ai chất-vấn về niềm hi-vọng của anh em, thì anh em phải sẵn-sàng giải-thích lý-lẽ cho họ’’ (Pr 3, 15). Thế-nghĩa là người chứng-nhân của Chúa Giêsu, không thể cứ nhắm mắt mà tin, nhưng còn phải lấy trí khôn mà suy, rồi lấy lý-luận để giải-thích cho người khác ? Vì phải lấy lẽ mà suy, cho nên người theo đạo Chúa có thể tránh được những cái trực-giác chưa chắc-chắn, những tình-cảm quá chủ-quan có thể lôi cuốn đến chỗ mê-tín.
Lấy lẽ mà suy thì tất-nhiên là đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều câu thắc-mắc. Nếu giải quyết được, thì niềm tin của mình được thêm phần vững chãi; nhưng nếu không giải quyết nổi, thì niềm tin có thể bị lung-lay, và có thể đi tới vô-thần. Vì thế nhiều khi những người lãnh-đạo tôn-giáo sợ nguy, không dám để cho người ta lấy lẽ mà suy, cho nên hay dùng uy-quyền hay võ-lực để bênh vực cho đạo giáo. Nhưng giáo-hội của Chúa Giêsu không bi-quan như thế, vì tin rằng lý-trí là do Thiên-Chúa phú bẩm cho ta, cho nên niềm tin phải đi đôi với lý-trí. Các nhà thần-học thường dùng tư-tưởng triết-học của người đương thời, để minh-giáo là làm cho đạo giáo sáng tỏ ra. Ngày xưa thánh Augustinô (354-430) dùng triết-học của học-phái Platon, thánh Tôma (1225-1274) lại dùng tư-tưởng của học-phái Aristoteles, và ngày nay người ta lại dùng các tư-tưởng triết-học hiện-đại để nói cho người bây giờ hiểu.. Đó là con đường đưa tới thần-học, để làm sáng tỏ ý nghĩa của niềm tin trình-bày trong Thánh-kinh. Giáo-tông Gio-an Phao-lô II đã nhấn mạnh vào điểm đó trong thông-điệp Đức Tin và Lý-trí (Fides et Ratio, 15-10-1998). Thiếu óc suy luận và phê-bình thì khó tránh được mê-tín và những thói quen lợi-dụng tôn-giáo như phương-tiện vụ-lợi.
b) Đặt nghi-vấn về quan-niệm về Thiên-Chúa
Như đã trình bày trên đây, các nhà hiền-triết Hi-lạp và Roma đã đặt ra nhiều nghi-vấn về thần-linh : họ thấy các thần cũng có những nết xấu như người ta, lại có những cái sở thích nhiều khi mâu-thuẫn nhau, có người thấy rằng có thần hay không có thần, thì cuộc sống của người ta cũng vẫn như thế, mà vũ-trụ cũng xoay vần như thường. Và họ đã cho rằng nếu có thần-linh vừa có lòng tốt vừa có năng-lực, thì âu là đã không có điều ác trong thế-giới này. Lối suy-luận như thế cho đến ngày nay vẫn còn thịnh-hành, và có thể làm cho người ta bỏ đạo.
Luận-điệu đó cũng đã có lúc làm cho niềm tin của dân Do-thái lung lay. Họ tin có Thiên-Chúa săn sóc cho họ, và họ hát lên trong Thánh-vịnh 14, câu thứ 1 :’’Kẻ ngu-si tự nhủ : làm chi có ChúaTrời !’’. Nhưng khi gặp khó khăn, không thấy bàn tay Chúa giúp-đỡ, thì người ta ca-thán : ‘’Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?’’ (Thánh-vịnh 2, 22), hay là : ‘’Châu lệ là cơm bánh đêm ngày, khi thiên-hạ thường ngày cứ hỏi : Này Thiên-Chúa ngươi đâu ?’’ (Tv 42, 4).
Và như để trả lời cho câu hỏi đó, sách Phúc-âm thánh Gio-an, đồ-đệ của Chúa Giêsu, có viết : ‘’Thiên-Chúa chưa bao giờ có ai thấy cả’’ và thêm rằng : ‘’Nhưng Con Một vốn là Thiên-Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính người đã tỏ cho chúng ta biết’’ (Ga 1, 18).
Sau đó thì đồ-đệ Chúa Giêsu đã tìm cách dùng những ý-niệm triết-học để nói lên cho rõ Thiên Chúa là ai, là như thế nào. Cũng phải mất mấy thế-kỷ tranh-luận, mới đồng ý để cao-tuyên rằng có Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy vậy không phải ai cũng hiểu tín-điều đó như nhau, vì từ-ngữ không giống nhau trong các ngôn-ngữ khác nhau, cho nên vẫn có những chi-tiết hiểu khác nhau, rồi sinh ra ly-khai.
Đến thời Trung-cổ người ta ý-thức được rằng, vì Thiên-Chúa là siêu-việt, cho nên từ-ngữ ta dùng để nói về Ngài bao giờ cũng là bất-cập, không có thể nói đúng hẳn, nhưng chỉ nói hơi đung-đúng, một cách tương-đối. Đại-khái là như sau. Khi áp-dụng vào Thiên-Chúa một từ-ngữ, ví-dụ như nói ‘’Thiên Chúa hiểu biết ‘’ thì phải để ý ba điều này : một là nói tích cực rằng Thiên Chúa thực có hiểu biết, hai là Thiên-Chúa hiểu biết không như ta, nghĩa là không có những khuyết-điểm như ta, ba là Thiên-Chúa hiểu biết một cách siêu-việt. Vì thế ta thường nói Ngài là vị thượng-trí. Tình-trạng đó tiếng la-tinh gọi là analogia [2]. Vì không để ý đến ba điều đó mà triết học cận-đại (ví dụ như triết học Feuerbach) dễ chuyển sang vô-thần.
Vẫn biết là cần phải dùng lý-luận, dùng từ-ngữ triết-học để nói về Thiên-Chúa cho người ta hiểu được, nhưng quan niệm analogia làm cho ta nhận ra rằng ta chỉ hiểu được một cách tương-đối, và tựu chung có nhiều chỗ vẫn kể là hiểu không được.
Trong cái phần hiểu được (một cách tương-đối), mà khoa thần-học đã cho ta biết, thì lại có tiềm-tàng một cái nguy-hiểm lớn mà ít ai để ý tới, là : ở đây ta không nói với Thiên-Chúa, không đối-đàm với Ngài, như là một vị ở ngôi thứ hai (la deuxième personne), nhưng ta nói về Thiên-Chúa như nói về một đề-tài của tri-thức, một sự-vật, đứng ở ngôi thứ ba (à la troisième personne). Và như thế những điều ta nói lên được về Thiên-Chúa đều phải tùy vào đòi hỏi và cơ-cấu của trí khôn trí hiểu của ta [3]; nếu Thiên-Chúa còn là gì khác nữa ở ngoài khuôn-khổ trí khôn ta, thì ta không biết và cũng không muốn biết đến. Thái-độ đó đưa tới thuyết duy-thần (déisme) [4], và thuyết duy-thần là một bước đi tới vô-thần ngày nay.
c) Đặt nghi-vấn về những hiệu-quả không thể chấp nhận được của tôn-giáo
Thứ nhất là có những người, tiếng là có đạo, nhưng không thực hành những điều dạy trong đạo, cho nên làm cho người ta có ác cảm với đạo : có đạo cũng không hơn gì ai !
Thứ hai là ngay trong những xã-hội rất sùng đạo, người ta vẫn thấy có những lối sống, những hành-động hay định-chế có hại cho con người và xã-hội. Có khi người ta trách người có đạo là trốn việc đời, không làm gì cả để giúp cho xã hội phát-triển. Có khi người ta trách các vị hữu-trách trong giáo-hội là tham của, tham quyền cố vị, rồi nhân danh Chúa mà vi-phạm nhân-quyền, bạo-động (thánh-chiến, bách-hại hay lên án tử-hình những người không đồng ý-kiến). Đó là cái tệ mà có nhiều tôn-giáo hay tông-phái đã mắc phải. Vào thời Phục-hưng ở Âu-châu, chiến tranh tôn-giáo đã làm cho người ta suy nghĩ nhiều. Một người có đạo như triết-gia Hòa-lan Hugo Grotius (1583-1645) đã chủ-trương rằng muốn sống bằng yên trong xã-hội và giữa các dân-tộc, thì phải biết tôn-trọng nhân quyền, etsi deus non daretur, công-thức la-tinh này có hai nghĩa, một là về mặt thực-hành : như thể là không có Thiên-Chúa, hai là về mặt lý-thuyết : cho dù không có Thiên-Chúa đi nữa. Vì lý-do rằng chỉ vì quá tựa vào tôn-giáo mà người ta không hòa-thuận được với nhau. Vì thế dần dần người ta tránh không để cho tôn-giáo can-thiệp vào chính-trị, nghĩa là vừa không lấy tôn-giáo làm nền tảng tuyệt đối cho nhà nước, vừa không để cho ai lấy quyền-lực nhà nước để cho một tôn-giáo được độc-quyền.
Thứ ba là về mặt thực-hành thì ở Âu-châu người ta đã quen làm như thể là không có Thiên-Chúa. Thực vậy, cũng như trên đây về mặt chính-trị, thì ngoài ra trên bình-diện khoa-học, triết-học, đạo-đức, người ta cũng không thấy cần phải đưa Thiên-Chúa ra làm giả-thuyết để giải-thích nữa. Về mặt chính-trị và đạo đức thì người ta muốn tự-lập, mà không cần phải nương tựa vào ai cả. Riêng giáo-hội công-giáo thì vì đã quá quen đem Thiên-Chúa ra làm nền tảng cho xã-hội và đạo-đức, cho nên đã phải mất khá lâu thời gian mới dám chấp-nhận chế độ dân-chủ và quyền tự-do của cá-nhân.
d) Đặt nghi-vấn về sự hiện-hữu của Thiên-Chúa
Theo đà tiến trên đây, người ta tìm cách minh-chứng là không có Thiên-Chúa, nhất là từ thế-kỷ XIX trở đi.
Học-thuyết duy-nghiệm và duy-khoa-học thì từ trong nguyên-tắc đã không dùng tới giả-thuyết Thiên-Chúa để giải-thích vũ-trụ, cho nên chủ-trương rằng chỉ những cái gì là vật-chất hữu-hình, hữu-sắc, mới là có thực. Cho nên nếu Thiên-Chúa là ‘’vô hình vô tượng’’, thì dĩ-nhiên là không có thực. Nhưng chẳng lẽ ta phải coi tất cả những hiện-tượng tâm-linh thường hướng dẫn hành-động của người ta là không có thực ?
Sau đó thì có một số nhà tư-tưởng đem ra một chủ-trương vô-thần lối mới. Họ nhận là chúng ta có ý-niệm Thiên-Chúa, nhưng ý-niệm ấy không phát sinh ra từ thực-thể là Thiên-Chúa, nhưng là do nội-tâm ta tác tạo nên, làm cho ta nghĩ lầm là Thiên-Chúa có thực. Sau đây xin đan cử ra hai nhân-vật điển-hình.
Người thứ nhất là Feuerbach (1804-1872) nhận thấy là có hai kinh-nghiệm căn-bản làm cho ta thấy rằng mình là hữu-hạn và vì thế phải có một thực tại vô-hạn bên ngoài ta : đó là kinh-nghiệm về tình yêu và về cái chết [5]. Còn những đặc-tính mà ta gán cho Thiên-Chúa, thì ông cho rằng nguồn gốc của nó không phải là ở bên ngoài ta, nhưng chính là do ta nhận ra được ở trong nội-tâm ta và ở ngay trong vũ-trụ, chứ không cần phải có thiên-Chúa nào để giải-thích cả. Hai đặc-tính ‘’thượng-trí’’ và ‘’tình yêu’’ thì ta nghiệm được trong khi tiếp-xúc với người đồng loại. Dĩ nhiên là hai đặc-tính đó đều là hữu-hạn nơi cá-nhân, nhưng nhân-loại, tất cả mọi người hợp lại, thì tất nhiên thành ra vô-hạn. Hai đặc-tính khác là ‘’hằng có đời đời’’ và ‘’phép-tắc vô cùng’’, thì đúng là đặc-tính của vũ-trụ thiên-nhiên. Thế rồi, vì lẽ rằng chúng ta đều là hữu-hạn cả, người ta liền gán bốn đặc-tính đó cho cái thực thể, mà trên đây ta đã nhận là cần phải có một cách vô hạn, rồi phóng ngoại ra thành một vị Thiên-Chúa. Feuerbach cho rằng đưa Thiên-Chúa ra để giải-thích như thế là rắc-rối, nhận-định như thế là sai lầm, lại là thiếu thành-thực, vì người ta thờ Chúa, chẳng qua là thờ chính mình, vì mục-đích là để cho mình được phú quí thọ khang ninh. Sau cùng thì nhận-định đó lại làm cho người ta mơ ước hão-huyền mà không để tâm lo cho cuộc sống bây giờ.
Người thứ hai là Sigmund Freud (1856-1939), ông tổ của môn phân-tâm-học. Ông này cho rằng người ta khi chưa vượt qua được giai-đoạn thơ ấu, chưa trưởng-thành, thì thấy mình cần người cha bảo-vệ, tùy-thuộc vào người cha, mà không sao gỡ ra được, cho nên cái hình-ảnh nội-tâm về người cha đó được phóng ngoại ra vào Thiên-Chúa, là cha ở trên trời.
Tới đây tôi mới chỉ trình bày chứ không tranh luận, vì phải có nhiều điều-kiện mới tranh-luận được cho đáo lý. Nhưng chỉ xin đưa ra đây một nhận xét của triết gia người Đức là Eduard Hartmann, về cái ý-niệm ‘’phóng-ngoại’’, mà cả hai triết-gia trên đây đều dùng. Lập-luận của Hartmann như sau : không phải vì Thiên-Chúa là một phóng-tượng phù hợp với cái sở ước của tôi mà bó buộc phải có Ngài, đó là lẽ dĩ nhiên; nhưng cũng không phải vì Thiên-Chúa là một phóng-tượng phù-hợp với cái sở ước của tôi mà bó buộc không thể có Ngài. Nói nôm na là : không phải vì tôi mơ ước có Thiên-Chúa, mà tất-nhiên là phải có Thiên-Chúa; nhưng không phải vì tôi mơ ước có Thiên-Chúa, mà tất-nhiên là không thể có Thên-Chúa. Nói thế khác, cái phóng-tượng của lòng mơ ước không minh chứng được là có Thiên-Chúa, nhưng cũng không minh-chứng được là không cóThiên-Chúa.
Nhận xét về đạo Thiên-Chúa
Ngày nay các nhà thần-học đã chú-ý nghe những lời phê-bình và vấn-nạn do suy-luận đưa tới. Và họ đã xét lại một số quan-niệm, tuy đã được người theo đạo truyền lại từ lâu, nhưng thực ra là do tôn-giáo dân-gian pha vào, cho nên không hợp với Thánh-kinh cho lắm.
Thực vậy, trong hoàn cảnh văn-hóa mới của con người đã trưởng-thành, thì sau khi đọc Thánh-kinh (trước đây ít người biết đọc biết viết !), người ta khám phá ra một vị Thiên-Chúa, đối với người ta thì tự xưng là cha nhân-từ, vừa biết trọng tự-do lựa chọn của con người, vừa có lòng săn-sóc cho con người. Thật là khác xa vị Thiên-vương (Zeus, Jupiter) theo như quan-niệm của người Hi-lạp và người Roma thời Thượng-cổ, vừa ghen-tương vừa hống-hách, lấy uy-quyền mà nạt-nộ ra oai, lấy sấm sét mà trừng phạt đàn áp, không cho loài người ngóc đầu lên, rồi lại hoặc là vô-tình, hoặc là đùa bỡn với vận-mệnh con người. Lại cũng khác hình-ảnh của ông Trời, như nhà thơ Nguyễn Du nhắc tới trong truyện Kiều (câu 3241-3244) :
Ngẫm hay muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mói được phần thanh cao.
Nhận xét về mối liên-quan giữa đạo Thiên-Chúa và vô-thần
Trên đây tôi đã gợi ra ý-kiến là giữa đạo Thiên-Chúa và lập-trường vô-thần không phải là không có một chút liên-quan. Nói cho đúng thì đó không phải là liên-quan trực-tiếp, như khi Feuerbach đưa ra câu nhận xét : ‘’Thần-học đã thành ra vô-thần từ lâu rồi’’. Nhận xét ấy, một phần thì vì lý-do tôi đã trình-bày ra trên đây về thần-học, một phần thì vì vào thời đó đã có một số nhà thần-học trong tông-phái Tin-lành ăn nói như là không còn đức tin nữa, như Hegel, Strauss, Feuerbach. Mối liên-quan đó thực ra là gián-tiếp, do việc người ta dùng lý-trí để suy-luận về tôn-giáo, rồi sau đó thì lựa chọn khác nhau.
Ý-kiến đó có vẻ là khiêu-khích thật, nhưng thiết-tưởng cũng nên tìm hiểu xem vì cớ gì mà quan-niệm vô-thần đã được thành-hình ở Âu-châu, chính ngay trong nền văn-hóa do đạo Thiên-Chúa định-hình gần hai nghìn năm. Ý-kiến đó không phải là do tôi lẩm-cẩm nghĩ ra, nhưng đã có người thông-minh hơn tôi nghĩ ra trước. Xin đan-cử ra đây hai nhân-vật tượng-trưng cho hai lập-trường rất khác nhau. Nhân-vật thứ nhất là triết-gia cộng-sản Ernst Bloch, đã làm giáo-sư đại-học Leipzig tại Đông-Đức. Năm 1968 ông xuất-bản một cuốn sách có cái nhan-đề khiêu-khích là ‘’Vô-thần trong đạo Thiên-Chúa’’, và ngay ở trang bìa ông cho in ra câu này : ‘’Chỉ có người vô-thần mới có thể là tín-hữu tốt của đạo Thiên-Chúa, chỉ có người theo đạo Thiên-Chúa mới có thể là người vô-thần tốt’’ [6]. Nhân-vật thứ hai là một nhà thần-học đương-thời, linh-mục Adolphe Gesché, giáo-sư đại-học công-giáo Louvain-la-Neuve (Bỉ). Vị này mới đăng trong Tạp-chí Thần-học Louvain (Revue théologique de Louvain, tập 33, năm 2002, trang 187-210) một bài cũng không kém phần khiêu-khích : Le Christianisme comme athéisme suspensif. Réflexions sur le ‘’Etsi Deus non daretur’’, tôi tạm dịch đề-tài cho dễ hiểu như thế này : Đạo Thiên-Chúa, xét như là chủ-trương vô-thần còn treo lửng đó. Suy-nghĩ về câu ‘’Như thể (Cho dù) không có Thiên-Chúa’’.
Tôi nghĩ không cần nhắc lại những lời giải-thích trên đây về câu ‘’Etsi Deus non daretur’’. E. Bloch viết trong sách đã dẫn trên đây : ‘’Chủ-trương vô-thần thực là di-sản của cái năng-lực phê-bình tôn-giáo đã được phát-triển ra trong đạo Do-thái và đạo Giêsu Cứu Thế’’ (trang 194). Đúng như vậy : tất cả những sự-vật trong thiên-nhiên, tất cả những nhân-vật, kể cả các vị đế-vương, các lãnh-tụ chính-trị, mà bao nhiêu tôn-giáo coi là thần, là thiêng, thì hai đạo thờ Thiên-Chúa đó đã phủ-nhận từ lâu rồi. Đó thực là một kiểu vô-thần. Có điều là sau đó thì lại đến lượt đạo Thiên-Chúa bị những nhà vô-thần đưa ra tòa án lý-trí.
Riêng vị Thiên-Chúa của hai đạo đó, thì không phải là một vật gì hữu-hình hữu-sắc, đập vào mắt, vào giác-quan người ta một cách trực-tiếp không chối cãi được, nhưng phải suy-luận mới nhận ra được. Có thể suy-luận về vạn vật trong trời đất, mà nhận ra vị Thiên Chúa đã tạo thiên lập địa. Có thể suy xét về lịch-sử dân Do-thái - như các vị ngôn-sứ (hay tiên-tri) đã làm - mà nhận ra thần-khí của Chúa hướng-dẫn, săn sóc thân mật và giáo-hóa cho người ta tới chỗ hoàn-hảo, đạt tới vận-mệnh của mình. Có thể suy-xét về đời sống nhân-ái và huấn-từ của Đức Giêsu, mà nhận ra hiện-diện của Thiên-Chúa ở giữa nhân-loại. Cộng-đồng tín-hữu thì nhận ra như thế. Nhưng có nhiều người cũng thấy những sự-kiện như thế, nhưng không nhận ra tất cả như thế, hay là không nhận ra gì hết, vì chỉ nhận biết những gì hữu-hình hữu sắc.
Đủ biết là người ta có tự-do suy-nghĩ và chấp-nhận hay là không chấp-nhận quan-niệm ấy về Thiên-Chúa. Không chấp-nhận thì thôi, nhưng nếu chấp-nhận thì cái nhìn về nhân-sinh, về người khác, về xã-hội và về vận-mệnh của mình, tất-nhiên có khác đi, rồi nếp sống, hành-động và những niềm hi-vọng cũng khác nữa, ví-dụ khác người có quan-niệm về nhân-sinh như cụ Nguyễn Du, mà ta vừa nhắc tới trên đây. Người ta tin, thường là vì đã sống trong một cộng-đoàn có tín-ngưỡng, đã gặp và tín-nhiệm được vào những chứng-nhân của đạo, và thấy rằng sống như thế là phải, là có ý-nghĩa. Tuy vậy cái tâm-trạng vô-thần vẫn còn ‘’treo lửng’’ đó, vì người ta có thể gặp trắc-trở trong đời sống, gặp hoạn-nạn, rồi mất hi-vọng, mất tín-ngưỡng. Và nhất là vì, như thánh Gio-an đã dạy, ’’ Thiên-Chúa chưa bao giờ có ai thấy cả’’.
Còn một điều khác cũng nên nói ra cho rõ. Có nhiều tôn-giáo, như thường thấy trong văn-hóa Ấn-độ, có chủ-trương tự-qui, qui về bản-thân con người, tìm biết mình là gì, ra công tập-tành, khổ-hạnh, để tự mình làm chủ tất cả bộ máy tâm-lý (giác-quan, tưởng-tượng, tư-tưởng, ký-ức, v.v.) và sinh-lý (hô-hấp, tuần-hoàn, tứ chi, v.v.), đưa tới những tác-động lạ-lùng phi-thường, nhưng đồng thời lại cho rằng cái bản-ngã của mình chỉ là ảo-ảnh, và vì thế phải tiêu-diệt nó đi để qui-hồi đồng-nhất với cái Đại-Ngã là thực-thể tuyệt-đối duy-nhất. Có người khác cho rằng trước mắt và bên ngoài ta có một số đạo là đường đi, ai nấy tùy nghi lựa chọn cho hợp sở thích. Đạo Thiên Chúa, tuy có nhấn mạnh vào đời sống nội-tâm, nhưng còn có chủ-trương tha-qui, căn cứ vào sự gặp-gỡ một vị Thiên-Chúa mà mình nhận ra, rồi thuận tình trả lời bằng nếp sống vị-tha, tham-gia vào việc tu, tề, trị, bình, bắt liên-lạc, đối đáp, tin-tưởng, mà không đánh mất bản-ngã của mình, tuy biết rằng mình là hữu hạn.
Cũng nên nói thêm cho rõ cái điểm dị-biệt giữa tri-thức khoa-học và niềm tin. Khoa-học căn-cứ vào những sự-kiện đã có, đã xảy ra theo định-luật nhân-quả tất-định, từ đó có thể trù-tính những hiện-tượng tất-nhiên sẽ có. Còn niềm tin, lòng tin-tưởng, thì hướng về tương-lai, và không tùy vào những cái tất-nhiên sẽ có, nhưng tùy vào dự-định tự-do của người khác trong liên-lạc tương giao.
Vì thế tôi trộm nghĩ : niềm tin vào Thiên-Chúa - cũng tương-tự như lòng tin-tưởng vào người khác - không phải là cái gì hiển-nhiên như ‘’hai với hai là bốn’’, như sự-vật trước mắt, nhưng tựa vào ý-nghĩa nhân-sinh và ý-định muốn thắng vượt lên trên cái tâm-trạng không tín-cẩn, cái tâm-trạng vô-thần vẫn còn ‘’treo lửng’’ đó, mà ai nấy lúc nào cũng có tự-do ngả theo.
Tuy nhiên, sau khi tự-do lựa chọn trong hai ngả đường thì vẫn chưa hết vấn-đề.
Những người theo đạo thờ một Thiên-Chúa trên trời, thì đôi khi cũng có khuynh-hướng cho rằng người lãnh-đạo ở dưới đất này, không những về tôn-giáo, mà cả về chính-trị nữa, là người đại-diện của Thiên-Chúa, có một vị-trí không kém gì Thiên-Chúa, lấy quyền Thiên-Chúa mà giáo-hóa và cai-trị, ‘’muốn làm sao thì nên làm vậy’’. Nghĩa là quên đi rằng chỉ có một mình Thiên-Chúa là Chúa mà thôi.
Đến lượt người vô-thần, sau khi đã bỏ hết các thần-linh ở trên trời, thì vẫn còn cái khuynh-hướng thường tình người ta, là tự tạo ra một số thần-linh ở dưới đất, tuy là không lâu bền, nhưng vẫn đủ để tiếp-tục tôn thờ, mà tôn-thờ như là một nhu-cầu, không có không được. Ví-dụ như các thứ thần-tượng ngày nay : các thứ hoa-khôi hoa-hậu, những người giật giải quán-quân trong các cuộc đua thể-thao, thi hát xướng, đấu quyền Anh, thi võ Việt, thi đánh vật. Trong thế-kỷ XX vừa qua ta còn thấy có nhiều chính-khách độc-tài, đã sát hại hàng triệu sinh-linh, thế mà khi còn sống đã được tôn thờ, hay là đã bắt nhân-dân tôn thờ, quá thần-linh, rồi khi chết thì thiên-hạ khóc hơn là khóc cha mẹ.
Về điểm này thiết-tưởng người ta chưa đi xa hơn đạo Thiên-Chúa, chưa dứt khoát được với các ông thiên-tử, các ông thần-linh ở dưới đất này. Chính vì thế mà, như tôi đã nói ở đầu bài này, khi Marx chủ trương rằng, sau khi đã thanh-toán hết các thần-linh, thì con người phải là Thiên-Chúa đối với con người, thì ta cần phải hỏi ngay : ai là Chúa, là thần, đối với ai ? Vì cái vận-mệnh của người ta rất là khác nhau, tùy theo chỗ đứng trong câu hỏi đó : đứng ở chỗ chữ ‘’ai’’ trước, hay là ở chỗ chữ ‘’ai’’ sau ?
--------------------------------------------------------------------------------
[1] ‘’Công việc phê-bình tôn-giáo chấm dứt bằng kết quả sau đây : con người là đấng tối cao đối với con người, vì thế bổn-phận tuyệt đối là phải đánh đổ tất cả các mối liên-quan trong đó con người bị hạ thấp thành nô-lệ, bơ-vơ, và bị khinh-miệt’’ (trong bài ‘’Phê-bình Triết-lý Pháp-luật của Hegel’’ (1843-1844), Marx-Engels, Tác-phẩm toàn tập, MEGA, bộ I, tập 2, tr 177). Đấng tối cao đây là Thiên-Chúa
[2] Trong bản dịch Hán-văn cuốn Summa contra gentiles của thánh Tôma, dịch là Bác dị đại toàn (Hương-cảng công-giáo chân-lý học-hội, Đài trung Quang khải xuất-bản xã phát-hành, trang 474), dịch-giả Lữ Mục Địch (Lu Mù Dí) phiên-dịch chữ ‘’analogia’’ làm nhiều kiểu, như : ‘’thông-chỉ-từ’’, ‘’đồng-danh thông-chỉ’’, ‘’tỷ-loại-từ’’, ‘’dị-loại-tương-thông’’, siêu-loại-từ’’, ‘’dị-loại-cộng-hữu-đích-công-danh’’. Thực ra phải biết tùy chỗ mà dùng, đồng thời phải giải-thích mới hiểu được.
[3] Vì thế mà Voltaire và Feuerbach nói đùa rằng : buổi đầu thì Thiên-Chúa tạo thành con người theo như hình ảnh của Ngài, nhưng ngày nay thì con người tạo thành vị Thiên-Chúa theo như hình ảnh của mình.
[4] Thuyết duy-thần (déisme) là quan-niệm cho rằng có một vị Thiên-Chúa, thượng-trí, tạo thành vũ-trụ và các định-luật tự-nhiên, nhưng lại chủ-trương thêm rằng bên ngoài những điều mà lý-trí tự-nhiên ta biết được, thì Thiên-Chúa không có mặc-khải cho biết thêm điều gi siêu-nhiên cả. Do đo chỉ có tôn-giáo tự-nhiên, chứ không có tôn-giáo được mặc-khải do các vị ngôn-sứ (người ta quen dịch lầm là tiên-tri) dạy thêm. Nói thế khác, chỉ có Thiên-Chúa của các nhà hiền-triết, chứ không có Thiên-Chúa của Abraham, của Isaac, của Jacob, của Giêsu (hay là của Mohammed).
[5] Feuerbach có tìm ra một câu nói thật khéo : ngôi mộ của con người ta mới thực là sinh-quán của các thần-linh. Như đã xem trên đây người xưa thường cho rằng vì sợ và vì không hiểu biết những hiện-tượng trong vũ-trụ mà người ta bầy đặt ra tôn-giáo.
[6] ‘’Nur ein Atheist kann ein guter Christ sein, nur ein Christ kann ein guter Atheist sein’’, trang bìa của sách Atheismus im Christentum, Tác-phẩm toàn tập (Gesamtausgabe), tập 14, Nxb Suhrkamp, Frankfurt/Main.
Nguồn www.dunglac.net