(Colombo)
Đức Cha Mario Zenari
Sri Lanka đang đứng trước một tương lai mờ mịt khi mùa Giáng Sinh đang đến gần, tuy nhiên, “điều cần thiết là cần tiếp tục cầu nguyện và giữ niềm hy vọng cho một nền hòa bình”. Khâm sứ Tòa Thánh tại Ceylon, Đức Cha Mario Zenari, vẫn tin tưởng là xứ sở này có thể tìm lại được hòa bình và ổn định sau khi chứng kiến sự tàn phá thê thảm của tsunami, cái chết của một chính trị gia Công Giáo ngay trong thánh lễ Giáng Sinh tại Vương Cung Thánh Đường Batticaloa, và việc tái tục chiến tranh tại vùng Đông Bắc.

“Trung tâm điểm của vấn nạn là chúng ta cần một thay đổi sâu xa, một sự hoán cải con tim của tất cả những ai quan tâm đến cuộc xung đột đau thương hiện nay”.

Trong hai ngày 6 và 7/12/2006, Đức Cha Mario Zenari đã đi thăm Jaffna, nơi đang diễn ra cuộc khủng hoảng nhân đạo trước làn sóng tản cư của dân chúng sau khi giao tranh ác liệt giữa quân đội chính phủ và quân du kích Hổ Tamil bộc phát.

Ngay sau khi đến nơi, Đức Khâm Sứ Tòa Thánh đã được Đức Giám Mục địa phương là Đức Cha Thomas Savundaranayagam, và các linh mục sở tại cho biết về hoàn cảnh cụ thể của dân chúng trong vùng.

Trong thánh lễ sáng 7/12, Đức Cha Mario Zenari đã mời gọi những tu sĩ hiện diện” kinh nghiệm và thông truyền lòng thương xót của Chúa Giêsu với những anh chị em tại Sri Lanka, để họ có thể thấy và yêu thương những người láng giềng với ánh mắt nhân từ của Chúa Giêsu. Với tất cả mọi người, các hoạt động bác ái và cứu trợ của chúng taphải tiếp tục thể hiện tình yêu sâu xa của chúng ta bằng cách nhấn mạnh đến những giá trị nhân bản và phẩm giá con người”.

Trong chuyến viếng thăm, Đức Cha đã gặp bà vợ của ông Vimalathas, người đã biến mất cùng với cha Jim Brown tại một chốt kiểm soát của quân đội tại Allaipiddy. Khi sang Rôma, Đức Cha đã trình chuyện này lên với Đức Thánh Cha.

Thảm cảnh nhân đạo tại Sri Lanka
Trẻ em cũng bị giết
Đức Cha cho biết Đức Thánh Cha đã bày tỏ quan ngại trước vô số những vi phạm nhân quyền nhắm vào người Công Giáo tại Sri Lanka.

Tại Sri Lanka, người Công Giáo chỉ được coi là công dân hạng hai và bị nhiều chèn ép rất khắc nghiệt. Đặc biệt, căng thẳng giữa Phật Giáo và Công Giáo tại nước này đã lên rất cao từ tháng 7/2004 cho đến nay.

Tình trạng nguy hiểm nhất hiện nay là nạn bắt cóc, thủ tiêu và đột nhiên biến mất, cũng như các hình thức bạo lực khác nhắm vào người Công Giáo tại Sri Lanka.

Trong thông báo đưa ra hôm 26/9/2006, Đức Tổng Giám Mục Oswald Gomis cho thông tấn xã Công Giáo Fides biết là những biến cố này xảy ra tại phía Bắc, phiá Đông và nhiều phần của hòn đảo này với những đe doạ nghiêm trọng cho sự thánh thiêng của sinh mạng con người, sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo và các sắc dân, cũng như sinh hoạt hàng ngày của dân chúng.

Hội Đồng Các Linh Mục cho biết nếu nhà cầm quyền không có giải pháp thích đáng, tình hình có thể lặp lại như những năm trong thập niên 80. Trừ khi những vi phạm luật pháp nghiêm trọng này được giải quyết không sợ hãi và thiên vị, tình hình ngày càng thêm tồi tệ và có khả năng dẫn đất nước đến chỗ vô chính phủ.

Hội Đồng Các Linh Mục đau buồn trước việc cha Thiruchelvam Jim Brown, linh mục chính xứ Jaffna và vị phụ tá của ngài, cũng như một số giáo dân Công Giáo đã đột nhiên biến mất. Hôm 21/9/2006, tất cả các Đức Giám Mục đã ký chung một thư cho tổng thống Mahinda Rajapakse để yêu cầu điều tra vụ này.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Công Giáo và Phật Giáo Sri Lanka đã trở nên căng thẳng do Luật Cấm Cải Đạo do các nhà sư trong phong trào Jathika Hela Urumaya đưa ra vào tháng 7 năm 2004. Luật này đưa ra những điều khoản vô lý và có nhiều điều vi phạm trầm trọng hiến pháp Sri Lanka.

Tưởng cũng nên nhắc lại là từ giữa năm 2004, các nhà sư trong phong trào Jathika Hela Urumaya đã liên tục biểu tình trước quốc hội Sri Lanka để áp lực quốc hội nước này phải thông qua một dư luật hoàn toàn trái với hiến pháp. 8 vị cao tăng Phật Giáo nước này đã soạn thảo ra một dự luật cấm dân chúng Sri Lanka cải đạo từ tôn giáo này sang tôn giáo khác.

Theo dự luật chống cải đạo, những ai muốn xin cải đạo sang đạo khác phải nộp đơn xin phép chính quyền địa phương trước khi cải sang đạo khác trong một khoản thời gian ấn định và chính quyền triệt để ngăn cấm việc cải đạo bằng "các phương thế ma giáo". Thế nào là "phương thế ma giáo" được diễn dịch rất mơ hồ và tuỳ tiện đến mức trên thực tế có hiệu lực ngăn cấm bất cứ một hành động bác ái nào của các tổ chức xã hội Công Giáo.

Những ai vi phạm luật này sẽ bị phạt 150,000 rupees (khoảng 1500 Mỹ Kim) cùng với 5 năm tù giam.

Cha Antony Victor Sosay, giám đốc chương trình dịch vụ gia đình tại giáo phận Mannar nằm cách thủ đô Colombo 230 km về phía Bắc nhận xét với phóng viên thông tấn xã UCAN rằng dự luật này "phản bội quyền tự do lương tâm và có thể rất nguy hiểm cũng như đe dọa phương hại những quyền căn bản của chúng ta không chỉ trong vấn đề truyền giáo mà cả trong việc phụng tự".

Hồi tháng Năm vừa qua, các Giám Mục Sri Lanka đã gởi thư cho các đại biểu quốc hội nước này yêu cầu đừng bỏ phiếu cho dự luật cấm cải đạo sắp được đưa ra trước quốc hội.

Theo các Đức Giám Mục, dự luật này đi ngược lại với điều 10 và điều 14 hiến pháp Sri Lanka theo đó quyền tự do tín ngưỡng được bảo đảm, mọi công dân được tự do lương tâm và tự do hành đạo.

Các Đức Giám Mục lấy làm tiếc rằng trong quá khứ các cá nhân và các nhóm tại Sri Lanka đã bóp méo những hình ảnh về Kitô Giáo, tạo ra những thành kiến chẳng hạn như Kitô Giáo đang hủy diệt những truyền thống đã có từ ngàn xưa về văn hóa và tôn giáo.

Các Đức Giám Mục nhấn mạnh rằng không ai có thể bị cưỡng bức cải đạo và việc cải đạo là điều gì đó liên quan giữa cá nhân và Thiên Chúa. Các Đức Giám Mục nhấn mạnh nhu cầu thiết lập một Ủy Ban Liên Tôn để bàn thảo vấn đề này cách cặn kẽ. Các ngài nhấn mạnh rằng việc thông qua dự luật này cách vội vã sẽ không có lợi cho tinh thần đoàn kết quốc gia và sự chung sống hài hòa giữa các tôn giáo tại Sri Lanka. Các Đức Giám Mục nhấn mạnh rằng nhiều phần trong dự luật này đã bị tòa án Tối Cao Sri Lanka tuyên bố “vi hiến”. Tuy nhiên, 8 vị cao tăng Phật Giáo tỏ ra làm ngơ trước sự kiện này.

Các Đức Giám Mục Sri Lanka cho biết trái với những luận điệu cho rằng Kitô Giáo chỉ xuất hiện tại nước này trong thời kỳ bị Anh đô hộ, Kitô Giáo đã có mặt tại Sri Lanka từ thời Thánh Tôma trong thế kỷ thứ nhất. Hơn thế nữa, các Kitô hữu đã góp phần rất đáng kể trong việc giành lại độc lập cho đất nước. Tuy nhiên, từ năm 1960 cho đến nay, các Kitô hữu tại Sri Lanka chịu sự áp bức tôn giáo công khai: không cho xây trường học, không cho xây nhà thờ và ngay cả tấn công đánh đập các Kitô hữu trong các thánh đường.

Trong lá thư các Đức Giám Mục cho biết dự luật không giúp cho sự hài hòa tôn giáo nhưng trái lại sẽ làm cho tình hình vi phạm tôn giáo tại Sri Lanka trở nên trầm trọng hơn. Các Đức Giám Mục nhấn mạnh rằng tự do tôn giáo là một phần không thể thiếu được của nhân quyền và mong các dân biểu bỏ phiếu chống lại dự luật để bảo vệ tự do, bình đẳng, nhân quyền và tình huynh đệ tại Sri Lanka.

Trong tổng số 19 triệu dân, Sri Lanka có 69% dân số theo Phật Giáo, 15% theo Ấn Giáo, 8% theo Hồi Giáo và 8% theo Kitô Giáo. Trong tổng số 1,5 triệu người Kitô hữu, Công Giáo có 1,3 triệu tín hữu.