Bài tham luận 1 : KỸ NĂNG KẾT HỢP VÀ TẠO TỪ MỚI CỦA THI SĨ NGUYỄN XUÂN VĂN



Khi vạch kế hoạch viết tác phẩm Sứ Điệp Tình Thường, có lẽ nhà thơ Nguyễn Xuân Văn đã tốn rất nhiều công sức để làm sao chuyển thể bộ Tân ước qua văn vần mà không làm cho người đọc nhàm chán khi tránh lập lại những từ ngữ thông thường, bằng cách kết hợp các thủ pháp của nghệ thuật làm thơ một cách thật linh động. Điều đó có thể minh chứng qua những cách kết hợp sau đây của tác giả.

I- KỸ NĂNG KẾT HỢP ĐIỆP TỪ, TÁCH TỪ VÀ CÂU ĐỐI XỨNG:

Ví dụ 1: Ôi! lòng tin kém dường nào
Giống như kẻ ngoại lo vào lo ra
Lo ăn mặc, lo cửa nhà
Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên. (1709 – 1712)

Để diễn tả tâm trạng của kẻ thiếu lòng tin, qua 3 câu thơ, tác giả đã sử dụng 6 lần điệp từ “lo” để nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại cái lo quá sức không cần thiết, kết hợp với phương pháp tách từ “vào” và “ra” để nhấn mạnh thêm tâm trạng không lúc nào an tâm, đồng thời sử dụng câu đối xứng “lo cau trổ muộn, lo già hết duyên” để diễn tả hết cái lo vật chất “ăn mặc, cửa nhà” đến cái lo tinh thần.

Ví dụ 2: Ăn làm sao? Nói làm sao?
Đất không nhận diện, / trời nào điểm danh.
Nghe lời Ta biết thực hành
Khôn ngoan nên mẫu, / trung thành nên gương. (1791 – 1794)

Tác giả tách từ “ăn nói’, “đất trời”, “gương mẫu” để tạo thành những vế đối trong trong cả hai câu tám để nhấn mạnh cái nội dung chính là phải “nghe lời Ta”.

Ví dụ 3: Thừa cơ nước đục sóng ngầm
àm cho, cho lỡ cho lầm một phen
Ra tay đổi trắng thay đen
Sao cho, cho hạ cho hèn mới thôi. (3651 – 3654)

Khi sử dụng điệp từ “cho” và tách từ ‘lỡ lầm”, “hèn hạ” tác giả đã khiến cho âm mưu của bọn thầy thông biệt phái nhằm gài bẩy Chúa Giêsu trong vụ xử người đàn bà ngoại tình nhằm mục đích miệt thị Ngài trở trên nặng nề gấp bội.

Ví dụ 4: Nung không chảy, / cháy không tiêu
Càng không chết được, / càng nhiều đắng cay. (5015 – 5016)
Với thủ pháp tách từ “nung cháy” kèm vận dụng điệp từ “càng” khiến cho cả hai vế trong mỗi câu trở nên đối xứng một cách tài tình.

Ví dụ 5: Dựng nên nhân loại từ đầu
Một đôi nam nữ, / một khâu vợ chồng. (5101 – 5102)
Hai vế đối xứng của câu tám thật hay, cái đôi nam nữ ấy là cuộc hôn nhân đầu tiên mà Thiên Chúa đã tác hợp nên vợ chồng.

Ví dụ 6: Mặc cho suy ngắn luận dài
Mắt mù quáng mắt, / lòng chai đá lòng
Không còn phân biệt đục trong
Để mong hối cải, / để hòng an thuyên. (5827 – 5828)

Chỉ vỏn vẹn trong 2 câu thơ mà tác giả đã vận dụng phương pháp tách từ “suy luận” kết hợp với điệp từ “mắt”, “lòng” tạo nên vế đối thật chỉnh. Cái “mù quáng” và “chai đá” đó còn được nhấn mạnh thêm ở câu tám với vế đối “Để mong hối cải” / “Để hòng an thuyên”.

Ví dụ 7: Tố gian, tố dối một hồi
Bên mâu bên thuẫn, tố bồi lẫn nhau. (7863 – 7872)
Tính “gian dối”, cái “mâu thuẫn” càng trở nên nặng nề hơn khi được tác giả kết hợp thủ pháp tách từ “gian”, “dối” và “mâu”, “thuẩn” với điệp từ “tố”.

Ví dụ 8: Nhổ vào mặt, khạc vào đầu
Thi nhau bứt tóc giựt râu tơi bời. (7921 – 7922)

Hai động từ ghép “khạc nhổ” khi tách từ vẫn mang ý nghĩa độc lập nhưng nó lại được làm tăng thêm ý nghĩa khinh miệt khi đối tượng của nó được nhấn mạnh là “mặt”, “đầu” nhờ điệp từ “vào”.

II- KỸ NĂNG KẾT HỢP ĐIỆP TỪ, ĐIỆP NGỮ VÀ ĐẢO NGỮ:

Ví dụ 1: Được mời dự tiệc cao lương
Cùng ta kết nghĩa thịt xương thâm tình
Cùng nhau như bóng với hình
Trong hình có bóng, trong mình có Ta
Cùng nhau máu thịt hợp hoà
Trong thịt có máu, trong Ta có mình. (2789 – 1794)

Để diễn đạt mầu nhiệm của Bí Tích Thánh Thể và sự hợp nhất một cách trọn vẹn với Mình Máu Thánh Chúa, Linh mục Thi sĩ Nguyễn Xuân Văn đã sử dụng các điệp từ “trong”, “bóng”, “hình”, “máu”, “thịt”, “Ta”, “mình” và các điệp ngữ “cùng nhau” với cách đảo ngữ “trong Ta có mình”, “trong mình có Ta” làm cho ta có cảm tưởng nó đan xen một cách mật thiết mà không cách nào tách ra được. Phải là một người có kỹ năng sử dụng từ ngữ điêu luyện thì mới có thể vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn như vậy.

Ví dụ 2: Lại càng bị xéo bị dày
Lại càng dập mặt rách mày tả tơi
Lại càng đuối sức mòn hơi
Liệt gân rũ cốt rã rời tay chân
Cực thân cực xác một phần
Cực tâm cực trí ngàn lần thêm kinh.
Khổ lòng bằng vạn khổ hình
Tội đền vạ chịu công linh nào vừa. (8655 – 8662)

Trên đường khổ nạn, tác giả đã khéo dùng điệp ngữ “lại càng”, tách từ “cực khổ” và tạo thành các điệp từ “cực” và “khổ” đã làm tăng nỗi khổ đau của Đức Kitô lên bội phần.

III- KỸ NĂNG KẾT HỢP ĐIỆP TỪ, TỪ ĐỒNG NGHĨA, CÂU ĐỐI XỨNG:

Ví dụ 1: Gọi Thầy là Chúa là Thầy
Ý vừa đúng ý, / lời hay phải lời. (6797 – 6798)

Tác giả đã bố trí điệp từ ‘ý” và “lời” tạo thành hai vế đối xứng trong câu tám với từ đồng nghĩa “đúng’ và “phải” thật hay.

Ví dụ 2: Tuyên xong bản án bất công
Nghe lòng như bị mũi chông đâm vào
Nặng nề xuống khỏi toà cao
Vừa dơ dáng mặt, / vừa ngao ngán đời. (8571 – 8574)

Cách kết hợp điệp từ “vừa” với các từ láy “dơ dáng” và “ngao ngán” cùng vần “áng” tạo nên hai vế đối không những đã hay mà khi đọc lên còn tạo nên vần điệu thật êm tai.

Ví dụ 3: Xin Cha tha thứ, Cha ơi!
Bắt đền sao nổi, / bắt bồi sao kham. (8867 – 8868)

Kiểu tách từ “đền bồi” kết hợp với điệp từ “bắt” để nhấn mạnh rồi hai từ đồng nghĩa “sao nổi”, “sao kham” tạo nên hai vế đối không những hay về hình thức mà còn làm nổi bật nội dung câu thơ mà tác giả muốn nói lên.

Ví dụ 4: Dốt nghề nhờ cậy ai đây?
Bạn lơ láo bạn, tình trây trúa tình. (4705 – 4706)

Kết hợp điệp từ “bạn”, “tình” với từ láy “lơ láo”, “trây trúa” tạo nên hai vế đối xứng không những hay về hình thức mà còn sâu sắc về nội dung “Bạn lơ láo bạn” / “Tình trây trúa tình”.

IV- KỸ NĂNG KẾT HỢP ĐẢO TỪ VÀ CÂU ĐỐI XỨNG:

Đảo từ là một thủ pháp rất thường được các thi sĩ sử dụng trong thơ. Cái hay của Nguyễn Xuân Văn là không sử dụng thủ pháp này một cách đơn thuần mà kết hợp tạo nên những vế đối trong thơ lục bát.

Ví dụ 1: Giựt mình cả bọn ngã nhào
Chẳng còn biết đất trời đâu mà rờ
Giây sau bừng tỉnh giấc mơ
Hoang mang đầu óc, / bơ phờ tóc tai. (7703 – 7704)

Trong câu văn bình thường thứ tự câu phải được viết như sau:

- Đầu óc hoang mang.
- Tóc tai bơ phờ.

V- KỸ NĂNG LẶP TỪ VÀ TÁCH TỪ:

Ví dụ 1: Bao giờ gặp cảnh đuổi xua
Quỷ ma biết cách chào thua chạy dài
Quanh quanh quẩn quẩn bên ngoài
Xa ngôi nhà cũ độ vài ba hôm. (4351 – 4354)

Tác giả tách từ “quanh quẩn” để tạo nên kiểu lặp từ “quanh quanh”. “quẩn quẩn” khiến cho ta cảm thấy bọn quỷ dữ vẫn còn chờ thời cơ để tiếp tục làm huỷ hoại con người.

Ví dụ 2: Lời quan thực thực hư hư
Nghe ra đâu phải nói từ ruột gan. (8259 – 8260)

Ứng dụng thủ pháp tách từ “thực hư” để tạo nên kiểu lặp từ “thực thực”, “hư hư”, tác giả đã làm cho người đọc biết được cá tính của Phi- la- tô là không dứt khoát khi giải quyết vấn đề, chứng tỏ sự thiếu trách nhiệm trong cương vị của một vị quan tổng trấn.

VI- KỸ NĂNG KẾT HỢP TỪ ĐỒNG NGHĨA VÀ TRÁI NGHĨA TRONG CÂU ĐỐI XỨNG:

Ví dụ 1: Nào đâu thấy Chúa cơ hàn
Mà đem cơm áo ủi an bao giờ
Chúa đâu lưu lạc bơ vơ
Để mong cửa trước, để chờ ngõ sau
Bao giờ thấy Chúa ốm đau
Ngày lo cơm cháo, đêm hầu thuốc thang. (6551 – 6556)

Tác giả dùng cặp từ trái nghĩa “cửa trước”, “ngõ sau”; “ngày lo”, “đêm hầu” và “cơm cháo”, “thuốc thang” để tạo nên các vế đối xứng khién cho người đọc không thể không lưu tâm đến nội dung mà tác giả muốn diễn đạt.

Ví dụ 2: Mấy lời bảo khẽ vào tai
Người trong bối rối, kẻ ngoài phân vân. (6839 – 6840)

Với cặp từ trái nghĩa “người trong”, “kẻ ngoài” kết hợp với cặp từ đồng nghĩa “bối rối”, “phân vân” tạo nên hai vế đối xứng thật hoàn chỉnh.

VII- SỬ DỤNG CÂU ĐỐI XỨNG:

Câu đối là loại văn bản mang tính độc đáo của bản sắc văn hoá dân tộc và của văn hoá phương Đông. Đây là loại văn bản có tổ chức rất ngắn gọn chỉ gồm có hai câu được tổ chức theo kiểu kết cấu tương phản hay đối chọi nhau cả về hình thức âm thanh lẫn ý nghĩa. Nó là loại thơ 2 câu, thơ trang trí. Mỗi câu có 7 chữ, đứng riêng ra vẫn có ý nghĩa trọn vẹn.

Về mặt ngôn ngữ, câu đối được xây dựng trên cơ sở của “tính âm tiết”, một đặc điểm quan trọng của loại hình ngôn ngữ đơn lập, tiêu biểu là các ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Hán. Về mặt văn hoá, nó được xây dựng trên cơ sở triết lý âm dương lấy cân xứng để tạo nên hài hoà, lấy sự hoàn chỉnh để tạo nên vẻ đẹp có tính thẩm mỹ nghệ thuật.

Hiện nay với sự đa dạng của phong cách nghệ thuật, tính chất ngôn ngữ của câu đối cũng có nhiều biến đổi: ít có sự đối xứng hoàn toàn từng câu, từng chữ, mà lấy đối ý làm chủ yếu. Số chữ trong câu cũng không nhất thiết phải 7 chữ như trước mà mở rộng rất nhiều.

Dưới sự mở rộng đó, thi sĩ Nguyễn Xuân Văn đã vận dụng cách đối này trong thơ lục bát ngay trong mỗi một câu thơ. Bởi vì trong thơ lục bát không có sự cân đối về số chữ giữa hai câu với nhau. Cho nên với câu 6, tác giả sử dụng cách đối xứng 3 / 3 và trong câu 8 là cách đối xứng 4 / 4. Khi chia đối xứng như vậy thì không thể nào có sự đối về luật bằng mà chỉ có thể đối ý mà thôi nhưng vẫn làm tăng tính nghệ thuật và thẩm mỹ của tác phẩm nhờ tăng thêm nhạc điệu của câu thơ.

1- Đối xứng trong câu 6 chữ:

Ví dụ 1: Đồng dòng dõi, / xứng tông môn
Cùng nàng đủ lễ đính hôn ước nguyền. (111 – 112)

Ví dụ 2: Chúa vào mở sách chọn đề
Lời Kinh ý nghĩa đủ bề triển khai
Người phục lý, / kẻ phục tài
Có tên quỉ ám lai nhai nhất thời. (1113 – 1116)

Ví dụ 3: Thấy tận mắt, / nghe tận tai
Nhiều người công chính vọng hoài khi xưa. (2211 – 2212)

Ví dụ 4: Xuyên qua ý, / thấu qua lòng
Chúa ngầm giải đáp bằng vòng dụ ngôn. (4645 – 4646)

Ví dụ 5: Sông chưa cạn, / đá chưa mòn
Đức Tin rồi nữa có còn hay không?

Ví dụ 6: Giờ ly biệt, phút tử sinh
Làm sao kể hết tâm tình cho vơi. (6877 – 6878)

Ví dụ 7: Trời đẹp mặt, đất tươi mày
Qua cơn ác mộng là hay Thầy về. (7281 – 7282)

Ví dụ 8: Không giật ghế, / chẳng giành ngai
Đời không phải chỗ tranh tài hơn thua. (8265 – 8266)

Ví dụ 9: Không đũa ngọc, / chẳng mâm son
Mà nhiều hương vị thơm ngon lạ lùng. (9425 – 9426)

2- Đối xứng trong câu 8 chữ:

Ví dụ 1: Hờn duyên tủi phận với người
Chịu câu khinh bạc, / nhịn lời mỉa mai. (39 – 42)

Ví dụ 2: Ông bà dáng dấp nghèo nàn
Người kinh bạc đuổi, / kẻ tàn bạo xua. (321 – 322)

Ví dụ 3: Thầy trò khăn gói đề huề
Hướng nhà quen lối, / bóng quê thạo đường. (1269 – 1270)

Ví dụ 4: Một hôm dân chúng gần xa
Vượt tràn sóng gió, / băng qua núi rừng. (1465 – 1466)

Ví dụ 5: Ôi lòng chai đá người ta
Lửa nung không chảy, / mưa sa chẳng sờn. (1929 – 1930)

Ví dụ 6: Con trai bị bố bỏ rơi
Gái xa hiền mẫu, / dâu rời mụ gia. (2577 – 2578)

Ví dụ 7: Chúng rằng: “Nhờ quỷ Dê- bu
Chở che phía trước, / hộ phù bên sau. (4285 – 4286)

Ví dụ 8: Hay là cho chúng thong dong
Xuống khe nước ngọt, / lên đồng cỏ thơm. (4481 – 4482)

Ví dụ 9: Vừa đi vừa giảng lần hồi
Sớm vùng thành thị, / chiều nơi xóm làng. (4489 – 4490)

Ví dụ 10: Chi bằng mời kẻ tật nguyền
Áo cơm túng thiếu, bạc tiền khó khăn. (4557 – 4558)

Ví dụ 11: Bao nhiêu của cải đâu còn
Chân tê sòng bạc, / gót mòn lầu xanh. (4825 – 4826)

Ví dụ 12: Hỡi quân ăn bẩn uống tồi
Ruột gan giả nghĩa, / miệng môi giả hình. (6271 – 6272)

Ví dụ 13: Bên trong dối trá ngang tàng
Độc ngâm đầy bụng, / ác mang nặng người. (6283 – 6284)

Ví dụ 14: Chúng con bền chí theo Thầy
Gian lao không bỏ, / đắng cay không rời. (6735 – 6736)

Ví dụ 15: Cùng nhau vinh hiển một nhà
Rượu thơm chung chén, / tiệc hoa đồng bàn. (6739 – 6740)

Ví dụ 16: Tô- ma cất giọng càu nhàu:
Rằng: “Nơi Thầy đến biết đâu mà dò?
Nếu Thầy không chỉ đường cho
Xa gần ai biết, / quanh co ai tường?” (6975 – 6978)

Ví dụ 17: Cho thế gian mở mắt ra
Thấy Con tận nghĩa, / thấy Cha tận tình. (7079 - 7080)

Ví dụ 18: Đoạn đường đau khổ còn dài
Đắng cay ngàn nỗi, / chông gai vô vàn. (7333 – 7334)

Ví dụ 19: Sau lưng đứa đẩy đứa xô
Dây da kéo cổ, / gậy thô đập đầu. (7777 – 7778)

Ví dụ 20: Kỳ hào tư tế quay cuồng
Như bầy quỷ ám, / như tuồng khùng điên
Chạy lui chạy tới liền liền
Tai nghe quỷ dục, / miệng khuyên sói gầm. (8387 – 8390)

Ví dụ 21: Trông Con thảm quá Con ơi!
Ngọc sa vũng lấm, / châu rơi bãi sình. (9103 – 9104)

Ví dụ 22: Rước thi thể Chúa đưa sang
Nước hoa rửa máu, / lụa vàng lau thương. (9153 – 9154)

Ví dụ 23: Các bà cúi mặt làm thinh
Nỗi e cứng miệng, / nỗi kinh ngại lời. (9221 – 9222)

Ví dụ 24: Cho muôn dân tỉnh mộng đời
Sương gieo ân tứ, / mưa rơi phúc lành. (9709 – 9710)

3- Đối xứng trong cả câu 6 và câu 8 chữ:

Ví dụ 1: Tay cầm bánh, / mắt nhìn trời
Xướng câu chúc tụng, / đọc lời tạ ơn. (6905 – 6906)

Ví dụ 2: Mặt biến sắc, / mắt lạc thần
Ngực thoi thóp thở, / người bần bật run. (8797 – 8798)

Ví dụ 3: Ngực căng cứng, ức vun cao
Thở ra khí uất, / hít vào nghẹn hơi. (8823 – 8824)

Ví dụ 4: Mẹ lo, Mẹ sợ biết bao
Chân run rẩy bước, / lòng xao xuyến buồn
Máu Con đổ, / lệ Mẹ tuôn
Hiệp công đền tội cho muôn ngàn đời. (8893 – 8896)

Với thủ pháp kết hợp tư, Sứ Điệp Tình Thường không chỉ đơn thuần là một bản chuyển thể Phúc âm mà còn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị về mặt văn học.

VIII- SỬ DỤNG THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ:

Trong kho tàng ngôn ngữ của dân tộc, thành ngữ, tục ngữ là những đơn vị có sẵn được hình thành từ lâu đời. Nó có đặc điểm là rất giàu hình ảnh và hình tượng.
Tác giả Sứ Điệp Tình Thường đã thường xuyên vận dụng thành ngữ, tục ngữ phục vụ cho mục đích xây dựng hình tượng tác phẩm.

Ví dụ 1: Nam nhi điểm mặt bốn phương
Anh hùng hào kiệt phải nhường cho Gioan. (1903 – 1904)

“Anh hùng hào kiệt”: anh là người có tài xuất chúng, hùng là người có sức mạnh khí phách, hào là tài giỏi hơn người, kiệt là là có tài năng hơn người.

Ví dụ 2: Tao nhân mặc khách xa gần
Được mời Chúa cũng góp phần chia vui. (2021 – 2022)

“Tao nhân mặc khách”: người tri thức, thích văn chương, thích sống cuộc đời thanh nhàn hợp với thiên nhiên.

Ví dụ 3: Hạt nhằm đất sỏi không may
Mọc lên độ một vài ngày nắng thiêu.
Hạt nhằm bụi rậm gai nhiều,
Nghẽn đi một sớm một chiều mà thôi. (2187 – 2190)

“Một sớm một chiều” : trong khoảng thời gian hết sức ngắn (khó có thể đạt được kết quả).

Ví dụ 4: Nhà nào huynh đệ tương tàn
Lại không sụp đổ tiêu tan cửa nhà. (4293 – 4294)

“Huynh đệ tương tàn”: anh em hoặc người cùng một nước tàn sát chém giết nhau.

Ví dụ 5: Thị thành là chốn ăn chơi
Ba que xỏ lá gặp thời “áp phe”
Vai mang gói bạc kè kè
Ma cô đĩ điếm vãn ve tối ngày
Đồng tiền không cánh mà bay
Giật mình tỉnh mộng trắng tay bao giờ. (4691 – 4698)

“Ba que xỏ lá”: một trò cờ bạc bịp bợm; những hạng người lừa lọc bịp bợm, đểu cáng.

“Không cánh mà bay”: tự dưng mất biến đi lúc nào không biết, mất rất nhanh và đột ngột.

Ví dụ 6: Đời tôi trúc chẻ ngói tan
Em tôi còn ở dương gian năm người. (5035 – 5036)

“Trúc chẻ ngói tan”: trúc chẻ là thế chẻ mạnh, chẻ được một mắt thì các đốt sau tự nứt toát hết; ngói tan là thế phá mái ngói, chỉ vỡ một hòn, thì các hòn khác tự xô xuống. Trong câu thơ này ý nói cuộc đời của ông phú hộ đã bỏ đi rồi không còn thể cứu vãn được nữa.

Ví dụ 7: Trời cao đất rộng muôn trùng
Ta đi không thể tháp tùng theo Ta. (6885 – 6886)

“Trời cao đất rộng”: trời cao không vươn tới, đất rộng không đi hết.

Ví dụ 8: Cùng nhau một hội một thuyền
Thương nhau như cắt máu chuyền cho nhau. (6893 – 6894)

“Một hội một thuyền’: cùng chung một hoàn cảnh, một cảnh ngộ hoặc một bè phái phe cánh.

Ví dụ 9: Gặp khi gió táp mưa sa
Nhớ rằng Thầy đã phán qua mọi lời. (7213 – 7214)

“Gió táp mưa sa”: gió đập mạnh, mưa nặng hạt. Chỉ sự phũ phàng của thiên nhiên đối với hoa cỏ cây cối, ngầm chỉ sự vùi dập phũ phàng của cuộc đời đối với thân phận mong manh của con người.

Ví dụ 10: Đánh thôi đất thảm trời sầu
Khắp người toé máu nát nhầu thịt da. (8441 – 8442)

“Đất thảm trời sầu”: cảnh u buồn đau khổ.

IX- CẢI BIÊN THÀNH NGỮ VÀ TỤC NGỮ:

Đặc biệt là tác giả phối hợp cả phương pháp tách từ, đảo ngữ và cải biên các thành ngữ và tục ngữ một cách hết sức sáng tạo.

1- Đảo ngữ thành ngữ:

Ví dụ 1: Bấy lâu dãi nắng dầm mưa
Quần chưa biến sắc, áo chưa thay màu. (2399 – 2400)

“Dãi nắng dầm mưa” là đảo thành ngữ “dầm mưa dãi nắng”.

Ví dụ 2: Chúa rằng: “Không phải thế đâu
Cháu con tất phải giống màu cha ông
Không giống cánh, cũng giống lông
Chỉ làm những việc tổ tông đã làm. (3785 – 3788)

“Không giống cánh, cũng giống lông” là đảo thành ngữ “Không giống lông, cũng giống cánh”.

Ví dụ 3: Dù ai lớn mật gan lì
Không sao cướp được điều gì nơi Cha. (4239 – 4240)

“Lớn mật gan lì” là cải biên và đảo thành ngữ “to gan lớn mật” chỉ kẻ ương bường liều lĩnh.

Ví dụ 4: Nước Tôi không bởi gian trần
Tôi không mãi mã chiêu quân bao giờ. (8251 – 8252)

“Mãi mã chiêu quân” là cải biên và đảo thành ngữ “ chiêu binh mãi mã” chỉ sự mộ quân mua ngựa, tập hợp lực lượng xây dựng thêm vây cánh.

2. Cải biên thành ngữ:

Ví dụ 1: Âm thầm tính chuyện bôn đào
Ba mươi sáu chước, chước nào hay hơn. (281 – 282)

“Ba mươi sáu chước, chước nào hay hơn” là cải biên thành ngữ “Ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn”

Ví dụ 2: Phần thầy dạy các con rằng
Dĩ ác báo ác sao bằng thi ân. (1595 – 1596)

Trong câu thơ trên “Dĩ ác báo ác” là cải biên thành ngữ “Dĩ ân báo oán” là lấy ân đức báo lại oán thù.

Ví dụ 3: Luật truyền: yêu bạn ghét thù
Song Thầy bảo thật: cho dù địch nhân
Hãy yêu chẳng khác người thân
Thi ân cho kẻ vong ân bạc tình. (1605 – 1608)

“Vong ân bạc tình” là cải biên thành ngữ Hán- Việt “Vong ân phụ nghĩa” nói về sự không nhớ đến công ơn những người đã cưu mang giúp đỡ mình, bội phản lại tình nghĩa bấy lâu có được.

Ví dụ 4: Cho dù không phải gà nhà
Chẳng nên chuốt cựa để mà chọi nhau
Ai không ăn trước đá sau
Tức là ủng hộ có đâu ngại gì? (3329 – 3332)

“Ăn trước đá sau” là cải biên thành ngữ “Ăn trước trả sau”

Ví dụ 5: Nầy Ta bảo thật các ngươi
“Một người tội lỗi cải hồi hoàn lương
Thiên thần hoan hỉ phi thường
Reo vui nhộn cả thiên đường khác chi?” (4669 – 4672)

“Cải hồi hoàn lương” là tác giả cải biên thành ngữ “cải ác hoàn lương”.

Ví dụ 6: Lão rằng: “Khốn nạn thân tôi!
Thời gian đâu để đền bồi nữa đây?
Hỡi ơi mang kiếp đoạ đày!
Hết còn trời rộng đất dày kêu than. (5031 – 5034)

“Trời rộng đất dày” là cải biên thành ngữ “Trời cao đất rộng”.

Ví dụ 7: Nàng rằng: “Khổ lắm ông ơi!
Ví dù ông đã cất Người đi đâu
Nghe tôi khẩn thiết van cầu
Xin cho: “Hợp Phố đưa châu trở về. ” (9289 – 9292)

Tác giả đã cải biên thành ngữ “Châu về Hợp Phố” thành câu “Hợp Phố đưa châu trở về”.

X- KỸ NĂNG GHÉP TỪ ĐỂ TẠO CỤM TỪ MỚI:

Đây chính là tính sáng tạo của nhà thơ khi đã nắm bắt được tất cả các thủ pháp sử dụng từ để tạo ra những cụm từ mới giúp cho ngôn ngữ tiếng Việt ngày càng phong phú hơn.

Ví dụ 1: Nếu con yêu kẻ yêu con
Bèo qua đúc lại thì còn công chi. (1615 – 1616)

Tác giả tách từ “qua lại” để ghép với từ “bánh bèo”, “bánh đúc” và cải biên thành ngữ “Bánh ít trao đi bánh quy trao lại” để tạo nên một thành ngữ mới “bèo qua đúc lại”.

Ví dụ 2: Ngoài ra tôi thích từ bi
Ăn gừng trả mật phiền gì anh đâu? (5241 – 5242)

Tác giả cải biên thành ngữ “ăn cám trả vàng” để tạo một thành ngữ mới “ăn gừng trả mật” mà không làm thay đổi nội dung ngữ nghĩa.

Ví dụ 3: Cai- pha hắng giọng lấy oai
Truyền đem can phạm đối khai trước toà.
Hằm hằm một bọn trảo nha
Lôi người bị trói đứng ra giữa phòng. (7861 – 7862)

Từ “đối khai” hàm nghĩa là công khai đối chất.

Từ “trảo nha” hàm nghĩa là bọn nha đinh tra khảo.

Ví dụ 4: “Tôi dù là kẻ vong ân
Ông là tên bợm sát nhân lộng hành
Tôi đem bán máu người lành
Tội tôi quá nặng không đành cam tâm. ”
Cai- pha nghiêm mặt âm trầm
Hội đồng cưởi khỉnh ầm ầm quát lên. (8063 - 8068)

Từ “âm trầm” hàm nghĩa thâm trầm và âm hiểm.

Ví dụ 5: Tha tên ác quỷ hung thần
Trao Con Thiên Chúa cho quân lý hình
Tức thì cả một cơ binh
Mật xà, gan sấu sinh linh coi thường. (8421 – 8424)

Từ “mật xà” là túi mật của con rắn, ý nói là sự ác độc.

Từ “gan sấu” là lá gan của cá sấu, ý nói về sự hung dữ.

Ví dụ 6: Lần đầu lúc Chúa hiện ra
Môn nhân đủ mặt, Tô- ma thiếu mày. (9505 – 9506)
Nhà thơ dùng thủ pháp tách từ “đủ thiếu” và ‘”mặt mày” để ghép thành từ mới là “đủ mặt” và “thiếu mày”.
(còn tiếp)