BƯỚC ĐẦU ĐÁNH GIÁ TÁC PHẨM SỨ ĐIỆP TÌNH THƯƠNG CỦA LINH MỤC NGUYỄN XUÂN VĂN (Bài 1)



LỜI NGỎ



Kính thưa Cha chánh xứ, hạt trưởng hạt Tuy Hoà.

Kính thưa Quí Cha, Quí Sơ.

Kính thưa các Thi sĩ, Văn sĩ và Nhạc sĩ.

Kính thưa Hội đồng giáo xứ Tuy Hoà.

Kính thưa Ban tổ chức.

Kính thưa tất cả cộng đoàn Dân Chúa đang có mặt hôm nay.

Trước hết con xin cám ơn tất cả đã dành cho con sự ưu ái này. Con thật bất ngờ, khi được Cha hạt trưởng mời đóng góp một chút gì đó, trong buổi tọa đàm lễ giỗ giáp 5 năm của Cố LM thi sĩ Nguyễn Xuân Văn.

Vì phải chạy với công việc và thời gian, nên việc trình bày của con hôm nay sẽ tóm gọn dưói dạng một đề tài nghiên cứu văn học. Đã là một đề tài thì chỉ nói được một khía cạnh nhỏ bé nào đó mà thôi. Bởi vậy xin Quí Cha cùng Quí Vị thứ lỗi cho con nếu việc trình bày không được đầy đủ và khúc chiết cho lắm.

Con xin được phép bắt đầu.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Sự phát triển của thơ đạo

Từ đầu thế kỷ XVI, đạo Công Giáo đã bắt đầu truyền vào Việt Nam. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có ghi như sau: “Năm Nguyên Hòa nguyên niên (1533) đời Vua Lê Trang Tông, có một dương nhân tên là I-ni-khu đi đường biển lén vào giảng đạo Gia-Tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân, và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”. Nếu lấy thời gian này làm mốc lịch sử truyền giáo thì thơ đạo Việt Nam cũng đã bắt đầu xuất hiện từ đó. Tuy nhiên các bài thơ được ghi chép còn lưu truyền cho đến nay là những bài thơ của các thánh tử đạo Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và thế kỷ thứ XVIII.

Ví dụ như Thánh Francisco Gil de Federich Tế, linh mục thừa sai 43 tuổi, tử đạo ngày 22/ 01/ 1745 đã có những vần thơ Song thất lục bát cầu nguyện với Mẹ Maria trong những năm 1733 – 1735 như sau:

“ Lạy Thánh Mẫu cao vời nhân ái,

Tấm lòng con điên dại đáng thương,

Ngày đêm nung nấu can trường,

Tình bao la Mẹ, đâu phương đáp đền.

Trong tâm tưởng con hằng mong ước,

Khắp muôn phương loan báo Tin Mừng

Giờ con gặp cảnh sầu thương,

Như thuyền neo bến, trùng dương xa vời”.

Hoặc của Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, Lý trưởng 34 tuổi, tử đạo ngày 12/ 08/ 1838. Trong khi mang gông xiềng và bị đánh đòn, vị thánh đã cảm hứng và sáng tác một bài thơ Đường luật thể thất ngôn bát cú như sau:

“Gông đóng xiềng mang, dạ nguyện kinh

Những say vì đạo, hả vì tình

Vai mang bốn điệp, tai thêm ấm

Xống xếnh ba vòng, cổ lại thanh

Phép nước đành lòng, không oán thán

Nghĩa thầy để dạ, vẫn đinh ninh

Khiến sao nên vậy, nào lo nghĩ

Phó mặc Hoàng Thiên, sự tử sinh”.

Hoặc của Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc, Linh mục 44 tuổi, ngài có năng khiếu về thi phú và được phúc tử đạo ngày 21/ 12/ 1839. Từ trong ngục tối, ngài đã ngâm mấy vần thơ gởi về Cha Thực như sau:

“Lạc rày đã rõ chốn quân quan

Bút chép thơ này gởi thở than

Lòng nhớ bạn, nỗi còn vất vả

Dạ thương khách, chạy giữa yên hàn

Đông qua tiết lại thì xuân tới

Khổ trảm mai sau hưởng phúc an

Làm kẻ anh hùng chi quản khó

Nguyện xin cùng gặp chốn Thiên Đàng”.

Nhưng mãi đến 400 năm sau, về phương diện văn học mới có một nhà thơ Công Giáo nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Đó là Hàn Mặc Tử Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/ 9/ 1912, tại Đồng Hới (Quảng Bình) và mất ngày 11 / 11/ 1940 tại nhà thương Qui Hòa, Qui Nhơn.

Hàn Mặc Tử bắt đầu nổi tiếng với bài Đường Luật thất ngôn bát cú tựa đề “Thức Khuya” đăng trên Thực nghiệp dân báo (số 11, 10-1931)

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng

Thức chỉ mình ta dạ chẳng an

Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối

Gió thu lọt cửa cọ mài chăn

Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ

Buồn khóc công danh dế dạo đàn

Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ

Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.



Và đã được Cụ Sào Nam Phan Bội Châu họa lại trên báo của “Mộng Du Thi Xã”

Chưa lợi trường danh tý chẳng màng

Sao ăn không ngọt ngủ không an?!

Trăm năm ngán đó tuồng dâu bể

Muôn họ nhờ ai bạn chiếu chăn?!

Cửa sấm gớm ghê người đánh trống

Tai trâu mệt mỏi khách đưa đàn

Lòng sen đằng đẵng tơ sen vướng

Mưa gió bao phen gộc chẳng tàn.

Nhưng bài thơ của Hàn Mặc Tử được phổ nhạc hay nhất chính là bài “Ave Maria”

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả,

Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng,

Thơm cho bay cho đến cõi Thiên Đàng,

Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.

Và Tổng lãnh Thiên Thần quỳ lạy Mẹ,

Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa,

Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa,

Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run, thần tử thấy long nhan,

Run như run hơi thở chạm tơ vàng,

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.

Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn

Giàu nhân đức, giàu muôn lộc từ bi

Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy

Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.

Tôi cảm động rưng rưng hai hàng lệ

Giòng thao thao bất tuyệt của nguồn thơ

Bút tôi reo như châu ngọc đền vua

Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị

Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí

Và trong tay nắm một nạm hào quang.

Tôi no rồi ơn vũ lộ hòa chan

Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ

Ngọc như ý vô tri còn biết cả

Huống chi tôi là Thánh Thể kết tinh

Tôi ưa nhìn Bắc Đẩu rạng bình minh

Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới

Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi

Thơm dường bao cho miệng lưỡi khôn khen.

Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Ga-bri-en

Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ

Người có nghe xôn xao muôn tinh tú

Người có nghe náo động cả muôn trời?

Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời

Để ca tụng – bằng hương hoa sáng láng

Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng

Một đêm xuân là rất đổi anh linh

Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh

Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,

Trượng phu lợi và tông đồ triết lý,

Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh,

Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh...

Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp

Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập

Cả Hàn giang, cả màu sắc thiên không

Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng

Cho sốt sắng cho đê mê nguyện ước...

Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước

Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm

Thơ trong trắng như một khối băng tâm

Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu.

Cho vỡ lở cả muôn nghìn tinh đẩu

Cho đêm mê âm nhạc và thanh hương

Chim bay tên ngọc, đã biết tuổi vàng

Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ

Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ

Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.

Phượng Trì, Phượng Trì,

Phượng Trì, Phượng Trì,

Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu…

Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu

Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang.

(Hàn Mặc Tử)

Đến giữa thế kỷ XX trong làng thơ đạo lại có thêm một Xuân Ly Băng Lê Xuân Hoa. Đức Ông thi sĩ sinh ngày 23/ 4/ 1926, tại giáo xứ Xuân Phong, giáo phận Vinh, tức làng Phú Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ngài đã xuất bản: Hương kinh, Hương thơ, Trầm tư, Nỗi niềm, Bài ca thương khó, Dụ ngôn Phúc âm, Như trầm hương, Kinh trong thời gian, Khúc hát ân tình, Một vùng châu lệ. Chúng ta hãy lắng nghe phút trầm nguyện của Xuân Ly Băng qua bài “Vì Ngài là tất cả”

Lạy Chúa!

Con không gọi tên Ngài vì Ngài chẳng có tên.

Nhưng con yêu Ngài vì Ngài là tất cả,

Ngài rì rào trong cánh gió ban đêm,

Ngài lao xao trên mọi cành hoa lá.. .

Lạy Chúa!

Con không gọi tên Ngài vì Ngài chẳng có tên,

Nhưng con tin Ngài vì Ngài là tất cả,

Ngài hiện hữu trong mỗi ánh trăng đêm,

Và nói năng trong mỗi hòn sỏi đá.. .

Lạy Chúa!

Con không gọi tên Ngài vì Ngài chẳng có tên.

Nhưng con tôn thờ Ngài vì Ngài là tất cả,

Ngài đẹp huy hoàng trong ánh mặt trời lên,

Và băng mình trong mọi đường chim nẻo cá.. .

Lạy Chúa!

Con không gọi tên Ngài vì Ngài chẳng có tên

Nhưng con hy vọng Ngài vì Ngài là tất cả,

Ngài nuôi dưỡng ngàn vạn giống bò chiên,

Ban sức mạnh cho thú cầm khuyển mã.. .

Lạy Chúa!

Con không gọi tên Ngài vì Ngài chẳng có tên.

Nhưng con phó thác cho Ngài vì Ngài là tất cả,

Ngài lập thành ngàn vũ trụ vô biên

Và điểm tô cho mọi loài sáng giá.. .

Lạy Chúa!

Con không gọi tên Ngài vì Ngài ở trong con,

Ở trong con với từng nhịp tim hơi thở,

Xin cho con tan biến trong Ngài luôn,

Để hưởng Ngài trong vinh quang muôn thuở.

(Xuân Ly Băng)

Đến cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, giai đoạn cuộc sống đạo gặp nhiều thử thách, trong làng thơ Việt Nam lại có nhiều nhà thơ Công Giáo mà có thể đơn cử hai khuôn mặt tiêu biểu là Trăng Thập Tự với những thể thơ mới và Nguyễn Xuân Văn với thể thơ Lục bát cổ điển Việt Nam.

Trăng Thập Tự tên thật là Phêrô Võ Tá Khánh, sinh năm 1947, tại An Nhiên, Thạch Hạ, Thạch Hà, Hà Tĩnh, thuộc giáo xứ An Nhiên, giáo phận Vinh. Rửa tội khi nhỏ, học Tiểu-chủng-viện Làng Sông Qui Nhơn và Đại-chủng-viện Pi-ô X Đà Lạt. Thụ-phong linh mục ngày 20-11-1975. Trong sự nghiệp thơ văn, thi sĩ đã xuất bản Tâm tình tu viện (thơ, 1969), Điệu buồn học trò (thơ, 1971) và tuyển tập Có ai về Cát Minh (thơ, 2005). Chúng ta có thể cảm nghiệm được phần nào sự hiệp nguyện của vị Linh mục dòng Cát Minh về nguồn qua bài thơ “Xuống núi” như sau:

“Chiều giã từ ẩn cốc,

Nắng như là nhớ nhung,

Gió sao mà luyến lưu!

Thế thì, Người Yêu Dấu,

Em về, Người có theo?

Em hòa Người với gió,

Người tan theo trong trăng.

Tóc em đã bủa giăng,

Vây Người vào ở đó,

Người còn trốn em chăng?

Những giờ ta bắt bướm,

Những lần cùng ngắm hoa,

Những đường đã đi qua,

Những khi bên dòng chảy,

Người và em, đôi ta.

Sao ta không dựng trại,

Xung quanh nào ai đâu?

Hai người trên đồi cao,

Nuôi tình ta trẻ mãi,

Quên cả thuở bạc đầu.

Trả rừng cho ẩn cốc,

Gió vờn, ta sóng đôi,

Nắng tắt cuối chân đồi,

Lúa vàng tha thướt gọi,

Về xuôi, ta về thôi”.

(Trăng Thập Tự)

2. Mục tiêu nghiên cứu

Nhưng chỉ với một tác phẩm “Sứ điệp tình thương”, Linh mục thi sĩ Nguyễn Xuân Văn đã làm xao động thơ Công Giáo với thể thơ cổ truyền Lục bát đặc thù của Việt nam, làm khơi dậy và khích lệ niềm thi hứng khôn cùng của các thế hệ trẻ khát khao sống Lời Chúa và muốn diễn đạt sự cảm nghiệm ấy qua thi ca, như chính tác giả đã tiên cảm trong lời phi lộ của tác phẩm Sứ điệp tình thương : “Ngân vang muôn thuở, vấn vương muôn lòng”

Tại sao “Sứ điệp tình thương” lại có khả năng đó?

Phải chăng tác phẩm này không chỉ đơn thuần là một sự chuyển dịch Kinh Thánh từ văn xuôi sang văn vần?

Hay nó là một tác phẩm văn học chuyển thể cuộc đời Chúa Cứu Thế từ bốn sách Tin Mừng trong Tân ước tương tự như Truyện Kiều của Nguyễn Du được chuyển thể từ cuộc đời của Thúy Kiều?

Hoặc tác phẩm còn một giá trị nào khác?

3. Phương cách nghiên cứu

Để có thể trả lời cho những câu hỏi trên, bước đầu chúng tôi tiến hành:

Phân tích ngôn từ của tác phẩm “Sứ điệp tình thương”

So sánh “Sứ điệp tình thương” với một số tác phẩm khác với cùng một thể thơ Lục bát kinh điển.

Và khi trả lời được những câu hỏi trên, chúng ta đã xác định phần nào giá trị của tác phẩm trong đời sống văn học và đời sống đạo của người Kitô hữu.

Giacôbê Đoàn Xuân Dũng

Giáo xứ Phước Hải, Giáo phận Nha Trang



(còn tiếp)