CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN (Năm C 2007)

Lời Chúa đã ứng nghiệm hay còn nằm im trong sách



Trong những ngày cuối năm, hình như gia đình nào cũng đang có những lo toan tất bật trước những áp lực của nhu cầu vật chất, của những đòi hỏi “cơm áo gạo tiền”, của những nợ nần cần thanh toán, của những dở dang cần phải hoàn thành…Và hơn thế nữa, đối với một số người, thì hình như không chỉ những ngày cuối năm mới đầu tắt mặt tối, mới tất bật bon chen…mà hầu như suốt ngày suốt tháng, thời gian cuộc sống chỉ còn mỗi bận tâm duy nhất đó là tiền, là tình, là danh, là lợi…và vì thế, tâm hồn đã trở nên chai lì trước những tiếng gọi của những giá trị tinh thần, hoặc không còn đủ tỉnh táo và nhạy bén trước những gọi mời của “tiếng nối từ trên cao”, của Lời Chúa.

Để cảnh báo cho chúng ta khỏi rơi vào tình trạng “u mê” như thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay tập chú vào trọng tâm “lắng nghe Lời Chúa” và thực sự “để Lời Chúa ứng nghiệm trên cuộc sống của chính mình”.

Chúng ta dễ dàng nhận ra nội dung ý nghĩa đó qua hai bài đọc Lời Chúa :

Bài đọc 1 : Trích sách Nơ-khê-mi-a, kể lại câu chuyện sau biến cố dân It-ra-en lưu đày trở về : thầy tư tế Esdra công bố Sách Luật trong Hội đường Do Thái và dân chúng trân trọng lắng nghe.

Bài Tin Mừng : Trích đoạn Tin Mừng Luca tường thuật việc Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng bằng việc công bố Lời Chúa trong một hội đường Do Thái với đoạn sách sứ ngôn I-sa-ia và tuyên bố “Hôm nay Lời Chúa ứng nghiệm” (trên chính cuộc đời mình.)

Qua những chỉ dẫn của Lời Chúa, chúng ta có thể nhận ra 2 điều cốt yếu hướng dẫn đức tin chúng ta trong đời thường cuộc sống :

- Cuộc đời không chỉ bánh cơm mà còn Lời Chúa.

- Hôm nay Lời Chúa ứng nghiệm làm sao trên mỗi cuộc đời.

1. Cuộc đời không chỉ bánh cơm mà còn Lời Chúa.

Đó chính là lời mà Đức Kitô đã giáng trả lại cho ma quỷ trong “cuộc chiến nẩy lửa” nơi hoang mạc vào buổi mở đầu cuộc đời công khai khi Ngài vừa kết thúc 40 ngày chay tịnh Nguyên văn : ”Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4).

Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay “Cám dỗ bánh mì” không chỉ đến khi con người nhọc mệt, đói khát, nghèo nàn… ở những nơi khỉ ho cò gáy, nhưng lại ra mặt ngay trong những “trung tâm quyền lực và tài chánh” của thế giới, ngay nơi những nhà tỷ phú, triệu phú tiền dư bạc thừa, ngay nơi những con người an nhàn sung sướng và không hề kinh qua một ngày chân lấm tay bùn, vất vả nhọc mệt. Bởi vì cũng dễ hiểu thôi. “Bánh Mì của xã hội” hôm nay chính là “Tiền”. Vì “tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của người già…”. Nhưng ở đâu “tiền lên ngôi”, thì “sự thiện, chân lý có nguy cơ đội nón ra đi”. Và cũng chính vì lý do đó mà hình như trên trái đất nầy, đã bao nhiêu ngàn năm lịch sử, chẳng bao giờ thực sự có được một ngày yên vui hòa bình, mà luôn chìm trong binh đao khói lửa, chiến tranh, giành giật. Hết chiến tranh nha phiến rồi tới chiến tranh dầu lửa, hết tranh giành đất đai thuộc địa, tới tranh cướp thị trường, hết bán buôn kim cương, ma túy thì đến vũ khí, đàn bà trẻ em, hết kinh doanh thuốc lá, rượu mạnh tới kinh doanh thân xác phụ nữ…Quả thật, trên sân khấu xã hội của thế giới muôn thuở muôn nơi chẳng qua cũng chỉ là những kịch bản của “tranh ăn và kiếm ăn”, là sự biểu hiện trâng tráo của việc đua nhau sa chước cám dỗ “biến đá thành bánh mì”, cơn cám dỗ muôn nơi muôn thuở phát xuất từ cơn cám dỗ đầu tiên, cám dỗ “đưa tay hái trái cấm”.

Và nếu đã trót rơi vào “cơn cám dỗ độc hại dễ thương” nầy, thì chỉ có đường từ “chết tới bị thương !”. Giu-đa chỉ vì cái “túi tiền” và “30 đồng bạc” mà đành bán đứng Thầy để rồi “thắt cổ tự tử” trong tũi nhục thảm thương. Dân Do Thái cũng vì chỉ mơ những miếng bánh ngon nơi hoang địa trong biến cố “phép lạ hóa bánh ra nhiều”, mà khi nghe đến bài giảng “Bánh Hằng Sống” đã chán nản bỏ đi với những lời càm ràm “Lời gì mà chói tai quá!”. Quả thật, khi “miếng bánh mì đã treo lơ lững trước cánh cửa tâm hồn”, thì Lời Chúa không còn lối để chen chân vào trái tim con người được nữa. Khi căn hộ tâm hồn con người đã chật cứng nhưng “khoanh bánh mì vật chất’, thì làm sao tiếp nhận được dù chỉ một “chút xíu Lời Chúa.”

Có lẽ suốt bao nhiêu năm lưu đầy, nô lệ, sống bầy hầy nơi đất khách quê người chỉ biết cặm cụi với bon chen vật chất, vật lộn với những miếng bánh mì trần tục và hoàn toàn lãng quên Lề Luật, lìa xa Lời Chúa, mà hôm nay, Dân Do Thái đã khóc ròng khi được nghe Thầy Esdra công bố Sách luật. Thái độ của Dân Ít-ra-en trước Lời Chúa trong chuyện kể của sách Nơ-khê-mia hôm nay phải chăng là để cảnh tỉnh mỗi người chúng ta hãy quay về với Lời Chúa, hãy trân trọng Lời Chúa, hãy lắng nghe Lời Chúa bằng tất cả tấm lòng khát khao, mong đợi. Và chỉ riêng thái độ và việc làm của Chúa Giêsu trong Tin mừng Lu-ca hôm nay cũng là một bài học để đời cho những ai thuộc về Ngài khi được “Thánh Thần xức dầu tấn phong qua nhiệm tích Thánh Tẩy và Thêm sức”. Đó là thái độ trung tín đọc Lời Chúa và thực sự để “Lời Chúa ứng nghiệm trên chính cuộc sống của mình”.

2. Lời Chúa đã ứng nghiệm hay còn nằm im trong sách !

Khi Chúa Giêsu tuyên bố “cứng” rằng : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, thì chúng ta biết chắc, Lời Chúa đã “ứng nghiệm thật” trên chính cuộc sống ngài. Có nghĩa là Ngài đã thực sự “để quyền năng Thánh Thần hướng dẫn ra đi công bố Tin Mừng’ chứ chẳng phải là một sự ”bốc đồng” của cái tôi kiêu căng hợm hĩnh; là Ngài đã thực sự đem Tin mừng cho người nghèo chứ không là một sự mị dân láo khóet khi ban ngày thì ba hoa chích chòe với đám dân đen rồi ban đêm đũng đĩnh chè chén phủ phê với những bọn quyền cao chức trọng; là Ngài đã thực sự giải thoát những kẻ đã sống tối tăm mê muội trong cái tù ngục của tội lỗi như Gia-kê, như Maria Mađalêna, Lêvi…được sám hối và làm lại cuộc đời trong tươi vui thánh thiện; là Ngài đã đem ánh sáng cho những kẻ mùa lòa, phục hồi đôi chân cho những kẻ què, tiếng nói cho người câm, âm thanh cho những người điếc…mà không chỉ với cơn bệnh mù, què, điếc, câm thể lý mà nhất là những thứ mù, què, điếc, câm tâm hồn. Vì thế, tiếng nói của Chúa mãi mãi là “lời dạy có uy quyền”, là đường, sự thật và sự sống.

Trong khi đó, với chúng ta hôm nay, đã bao nhiêu lần sau khi đọc và nghe Lời Chúa, thì hình như “Lời Chúa vẫn còn nằm im ở đó, trong những trang sách Thánh kinh”. Làm sao chúng ta có thể dám nói như Chúa Giêsu “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh”, khi đôi chân chúng ta vẫn chôn chặt trong cái tháp ngà ích kỷ mà chưa sẵn sàng “tức tốc chạy thẳng về Giêrusalem để loan báo Chúa đã phục sinh cho anh em” như hai tông đồ Emmau khi xưa, khi đã “ứng nghiệm Lời của Chúa” (Lc 24,33-35). Làm sao chúng ta có thể dám nói với mọi người chung quanh rằng “hôm nay đã ứng nghiệm Lời Chúa”, khi chúng ta chưa làm được như Gia-kê mau mắn đứng lên tuyên bố cứng rằng : “Nếu làm hại ai điều gì, con sẽ đền gấp bốn, và san sẻ nửa gia tài cho người nghèo” (Lc 19,8), cũng chưa đủ can đảm để “bỏ bàn thu thuế đứng dậy theo Chúa tức thì như Lê-vi, hay sẵn sàng “đập bể bình dầu thơm cam tòng xức chân Chúa như Maria Bêtania…

Điều đó có quá khó không ? Lịch sử Hội Thánh suốt 2000 nay đã chứng tỏ trong suốt chiều dài lịch sử đã có không biết bao nhiêu người đã lắng nghe, đã trân trọng và đã để “Lời Chúa ứng nghiệm” trên cuộc đời của mình. (Antôn, Phanxicô Assisi, Phanxicô Xaviê, Maria Gôretti, Têrêsa Hài đồng Giêsu, Á Thánh Anrê Phú yên… : Kẻ thì ứng nghiệm “Lời khó nghèo”, kẻ thì ứng nghiệm “Lời truyền giáo”, kẻ thì giác ngộ “Lời tình yêu”, kẻ khác thể hiện “Lời khoan dung tha thứ…”.

Và Lời Chúa hôm nay cũng đang khơi dậy “sự ứng nghiệm” như thế nơi mỗi người chúng ta, để những gì chúng ta nghe hôm nay không bị “bỏ lại mốc meo trong những trang sách” nhưng sẽ theo chúng ta trên những nẻo đường cuộc sống. Amen.