Xuất khẩu lao động: Những điểm tích cực và tiêu cực



Một trong những vấn đề thời sự sôi động và nóng bỏng nhất thuộc lãnh vực kinh tế-xã hội ở Việt Nam hiện nay, trước hết phải kể đến vấn đề “xuất khẩu lao động”, vấn đề tìm kiếm công ăn việc làm ở nước ngoài.

Vâng, từ cả thập niên nay, nhưng nhất là trong thời gian hiện tại : Sau khi nhà nước ta mở cửa hội nhập vào đời sống kinh tế hoàn cầu, Việt Nam chính thức được tiếp nhập vào Tổ Chức Thương Mai Thế Giới (WTO) và là thành viên của khối ASEAN, nhất là khi chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố muốn tuyển chọn một số công nhân Việt Nam sang làm việc tại Mỹ, và lại được chính nhà nước khuyến khích, vấn đề xuất khẩu lao động đã bùng nổ dữ dội. >Trong những ngày tháng này, tại nhiều thành phố trong cả nước, đặc biệt nhất là hai thành phố lớn Saigon và Hà Nội, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi trông thấy hàng trăm hàng ngàn thanh niên nam nữ vào lứa tuổi 19, 20 đến 30, đang ồn ào chen lấn nhau trước các văn phòng dịch vụ làm trung gian “giới thiệu việc làm”, nhất là việc làm ở nước ngoài, tức “xuất khẩu lao động”. Có nhiều người trong họ đã phải ăn chực nằm chờ suốt cả đêm hay từ sáng tinh sương trước cửa các văn phòng đó, hầu mong mình là người đầu tiên chắc chắn được lọt vào cửa các văn phòng “định mệnh” trên, và như thế hy vọng có vận may được xuất khẩu đi làm kinh tế ở nước ngoài.

Bởi vì, hầu như tất cả những thanh niên thiếu nữ “ứng cử viên” của phong trao xuất khẩu lao động này đều mang chung một hoài bảo, một mục đích là bằng mọi giá phải tìm cách xây dựng cho mình được một tương lai tươi sáng hơn cuộc sống đầy tăm tối của cha mẹ họ. Nhưng trong khi đó, cảnh sống nông nghiệp truyền thống ở nông thôn, chỉ làm nhiều mà ăn ít, chỉ vất vả mà lợi tức thu hoạch lại rất khiêm tốn, có khi chỉ vừa đủ ăn, nên không bỏ công; hơn nữa đất đai canh tác càng ngày càng thu nhỏ lại, trước hết : vì người đẻ mà đất không đẻ; thêm vào đó, các công ty lớn nhỏ đua nhau mọc lên như nấm và xây cất đủ thứ cơ sở, nên nông dân cũng thi nhau bán đất kiếm ít vốn để kéo nhau ra thành phố lập nghiệp, chứ không chịu cảnh “con trâu đi trước chiếc cày theo sau” và phải mang mãi kiếp “chân lấm tay bùn” hay “bán lưng cho trời” nữa. Còn những người sống ở thị thành cũng cảm thấy tương lai không được triển vọng hơn là bao nhiêu : Vì đời sống thì giá cả càng ngày càng leo thang vùn vụt, đắt đỏ tốn kém trăm bề; đi làm cho các công ty trong nước thì tiền công nhật hay lương tháng lại quá “bèo”. Do đó, lối thoát duy nhất là bằng mọi giá phải xuất khẩu để đi làm kinh tế ở nước ngoài. Vì ai nấy đều thâm tín rằng ở ngoại quốc, lương thướng dù có thấp bao nhiêu đi nữa, vẫn còn cao hơn ở trong nước. Chính vì thế mà các thanh niên thiếu nữ đã đổ xô đến các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm, mai mối cho họ được ra nước ngoài lao động. Nhưng qua việc nộp tiền lệ phí và nhất là tiền “bồi dưỡng” trong những bao thơ dày cộm mà họ phải trả và chu toàn thủ tục “đầu tiên” cho các cơ sở dịch vụ đó, thì chính họ lại là những người trước tiên kiếm cho các nhân viên “ngồi mát ăn bát vàng” của các cơ sở dịch vụ liên hệ những công ăn việc làm ngon lành thoải mái nhất ngay trên quê hương, chứ không cần phải vất vả chạy vạy đi xuất khẩu lao động ở đâu hết.

Nhưng đó lại là một vấn đề khác - và hy vọng chúng ta sẽ có dịp bàn đến trong một bài sau - ở đây chúng ta chỉ thử đưa ra một cái nhìn hoàn toàn khách quan về vấn đề đã được nêu lên, vấn đề “xuất khẩu lao động”, để xem đâu là những điểm tích cực và tiêu cực.

Nếu chúng ta không đi vào các chi tiết cụ thể của vấn đề, nhưng chỉ phân tích một cách tổng quát, thì chúng ta có thể trả lời được rằng : Vấn đề xuất khẩu lao động chứa đựng nhiều điểm vừa tích cực vừa tiêu cực !

1. Những điểm tích cực

Về vấn đề này, chắc chắn chúng ta cũng đã thường nghe những ý kiến phê bình chống đối. Những ý kiến này cho rằng xuất khẩu lao động là một hình thức bắt dân mang thân đi làm nô lệ cho ngoại quốc. Dĩ nhiên, những ý kiến này không phải hoàn toàn chủ quan và thiếu cơ sở. Thật vậy, nhìn vào hiện tình đời sống cụ thể của một số công nhân nam nữ Việt Nam ở một vài nước, như : In-dô-nê-sia-, Mã–lai, Thái-lan, Li-băng, v.v…quá thiếu thốn về đủ mọi phương diện : Thiếu sự chăm sóc sức khõe, chăm sóc tinh thần, bị mất hết mọi quyền tự do, kể cả quyền tự do đi lại tối thiểu, bị chèn ép, bị bóc lột, nhiều khi nhân vị và phẩm giá của họ còn bị chủ nhân xúc phạm trắng trợn, v.v.. người ta phải thành thật công nhận rằng tình huống thật vô cùng thương tâm.

Nhưng nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách khách quan và toàn diện hơn, chúng ta lại thấy rằng vấn đề “xuất khẩu lao động” là một diễn tiến kinh tế rất bình thường, nên không những đúng, tích cực mà còn cần thiết nữa. Còn nếu chỉ dừng lại ở chi tiết của vấn đề, người ta khó lòng tiến xa hơn được.

Vâng, bất cứ quốc gia nào đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ một “nền kinh tế bao cấp” hay một “nền kinh tế kế hoạch” độc đoán và cứng nhắc bước sang nền “kinh tế thị trường” tự do và linh động; từ nông nghiệp bước sang công nghiệp; từ cảnh ”buôn thúng bán mẹt” bước sang thị trường “siêu thị”; từ thị trường bán lẽ bước sang thị trường tập trung, v.v… người ta sẽ không thể tránh được thời gian loạng choạng và khủng hoảng buổi đầu, như : Thiếu vốn liếng; thiếu nhân lực có khả năng chuyên môn, nhưng lại thặng dư quá nhiều số nhân lực không chuyên môn; phải đối mặt với những cạnh tranh khắt khe trên thương trường quốc tế, với các công ty ngoại quốc giàu chuyên môn và kinh nghiệm, từ hình thức, mẫu mã cho tới chất lượng.

Trong khi đó hoàn cảnh cụ thể của một đất nước đang trên đường hội nhập và phát triển như Việt Nam, với trên dưới 80 triệu dân, mà quá bán là thuộc tầng lớp trẻ dưới 30 tuổi, thì việc tự đào tào và huấn nghiệp trong nước là hoàn toàn quá tải, nếu không nói là một điều bất khả. Bởi vậy, những câu hỏi khẩn trương được đặt ra là : Làm thế nào để tạo ra được nguồn vốn cho công cuộc phát triển kinh tế của nước nhà ? Phải giải quyết công ăn việc làm cho hằng triệu người lao động, nhất là tầng lớp lao động trẻ ra sao ? Làm thế nào để có thể học hỏi được những kỷ thuật chuyên môn của các nước bạn ? Và làm thế nào để giúp cho đội ngũ công nhân trẻ có dịp tiếp cận, học hỏi được những kinh nghiệm về kỷ thuật của nước ngoài ? v.v… Ðó là những bức xúc mà “xuất khẩu lao động” có thể nói được là một trong những cách giải quyết tạm thời.

Trong công cuộc phát triển kinh tế, chúng ta cần đến sự trợ giúp kinh tế của nước ngoài, cần đến vốn liếng đầu tư của các công ty ngoại quốc, đó là vấn đề quan trọng và cần thiết. Nhưng một vấn đề khác cũng không kém phần quan trọng và cần thiết, đó là chính chúng ta cũng phải “tự túc tự cường” nữa, chứ không thể “ngôi chơi xơi nước” và chỉ “nằm chờ sung rụng” được. Nếu những ai đã từng sống ở các nước kỷ nghệ tân tiến, mà phải chứng kiến cảnh trong các quán cà-phê và các quán nhậu ở Hà Nội, ở Saigon hay ở các thành phố khác trong nước, vào các buổi sáng, từ 8,9 giờ đến 10,11 giờ, tức giờ làm việc cao điểm, luôn luôn đầy ắp tầng lớp thanh niên ngồi đọc báo và tán gẫu, thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi những tư tưởng bi quan cho một viễn tượng kinh tế tiến bộ và phát triển.

Không ! chúng ta cần phải làm một cái chi đó, thì mới mong nền kinh tế nước nhà có cơ may tiến lên được, hay ít ra bớt tụt hậu so với các nước khác. Trong những băn hoăn toan tính đó, phải kể đến việc cho “xuất khẩu lao động”. Và trước hết, ít là tạm thời giải quyết được phần nào “của nợ” đám thanh niên thiếu nữ vô công rồi nghề, và có thể tránh đi tình trạng “nhàn cư vi bất thiện : ở không thì dễ làm bậy» .

Ðàng khác, như đã nói trên, đó là một diễn biến kinh trế rất bình thường. Tại Âu Châu cũng đã xảy ra như thế : Sau trân Thế chiến II, tuy nước Ðức bị thua trận và bị bom đạn đồng minh phá tan tành, nhưng nhờ chương trình viện trợ kinh tế Marchal của Hoa Kỳ, nhưng nhất là nhờ có tiềm năng kinh tế sẵn có, ý chí sắt đá của người dân và có được các nhà lãnh đạo tài ba và liêm khiết, mà điển hình nhất là : thủ tướng Konrad Adenauer, bộ trưởng kinh tế Ludwig Erhard, v.v…, những người đã “làm phép lạ kinh tế” tại Ðức, và vì thế hàng triệu nhân công từ các nước nghèo khác như Ý, Tân Ban Nha, Bồ Ðào Nha, Nam Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, đã đổ xô vào Ðức kiếm công ăn việc làm. Và dĩ nhiên hoàn cảnh sống cụ thể xưa kia của những công nhân ngoại kiều này cũng không may mắn hơn. Tuy thiếu thốn vất vả, nhưng so với tình trạng đói khổ ở quê hương họ lúc bấy giờ, cảnh sống «ăn nhờ ở đợ” tại Ðức vẫn còn đầy đủ gấp bội. Và vì thế, họ đã đóng góp một phần rất lớn vào nền kinh tế thịnh vượng nước Ðức và cũng như nền kinh tế phồn thịnh của quê hương họ như chúng ta thấy ngày nay.

Vâng, giữa hai cái xấu - hoặc ở nhà để nhìn cả gia đình và quê hương đói khổ hay đi làm kinh tế ở nước ngoài với bao cơ cực, bao vất vả, nhưng ít nhất còn có chút điều kiện để cải thiện được phần nào đời sống kinh tế gia đình, và qua đó nền kinh tế quê hương - đương nhiên người ta phải chọn cái ít xấu hơn. Ðể chờ một ngày không lâu nào đó, khi nền kinh tế ở trong nước đã ổn định và tiến cao, bấy giờ lực lượng lao động không cần phải xuất khẩu nữa !

2. Những điểm tiêu cực

Tuy nhiên, nếu người ta tổ chức và khuyến khích phong trào “xuất khẩu lao động” chỉ hoàn toàn nhắm tới mục đích duy nhất là muốn tẩy “của nợ” thất nghiệp và thu nhập số ngoại tệ khổng lồ cụ thể trước mắt do những người Việt Nam đi lao động hàng tháng hay hàng năm gửi về trong nước, qua thuế lợi tức họ đóng cho nhà nước hay số tiền họ gửi về tiếp tế cho gia đình mà thôi, thì người ta sẽ vấp phải những sai lầm nghiêm trọng.

Ðúng vậy, nếu “xuất khẩu lao động” là một điều quan trọng, cần thiết và rất hữu ích, thì có thể nói rằng đó không còn là một phong trào tùy tiện nữa, nhưng phải là một quốc sách. Nói cách khác, vấn đề phải được nhà nước và các bộ ngành của nhà nước công khai đưa ra bàn thảo, phân tích và đặt thành kế hoạch hẳn hoi. Nói một cách cụ thể, chính các cơ quan nhà nước phải đứng ra điều hợp vấn đề một cách nghiêm chỉnh, đúng đắn và công bằng, ngay trong khâu tuyển chọn người cho xuất khẩu cho tới việc chăm sóc lo lắng cho các công nhân trong suốt thời gian lao động ở ngoại quốc, nhất là bênh vực cho người công nhân trước những áp bức, chèn ép và bóc lột sức lao động một cách bất công từ phía các chủ nhân người sở tại, hầu người công nhân có thể vui vẻ, khõe mạnh và an tâm làm việc.

Ðó là điều mà hiện tại chúng ta hầu như chưa thực hiện. Thật vậy, qua hoàn cảnh sống và làm việc thực tiễn của người lao động Việt Nam hiện nay ở nước ngoài, người ta có cảm giác là những cơ sở dịch vụ làm môi giới việc làm - ở trong cũng như ngoài nước - chỉ là những cơ sở “đưa con bỏ chợ”; nói cách khác, họ chỉ nhắm tới cái lợi vật chất trước mắt cho chính họ - từ việc thu lệ phí, tiền bồi dưỡng, tiền thế chân của người lao động, tiền thuế người lao động phải đóng; nguyên tiền bồi dưỡng và thế chân có người đã phải trả tới cả chục ngàn USD - chứ số phận người lao động ở ngoại quốc trong suốt thời gian làm việc ra sao, họ không cần quan tâm. Vì thế, những người được xuất khẩu lao động muốn sống là họ phải dựa vào nhau, chứ họ không còn biết nương nhờ vào ai được nữa. Họ cảm thấy bị bỏ rơi. Nếu như thế thì việc cho xuất khẩu lao động là một việc làm hoàn toàn tiêu cực và vô trách nhiệm.

Mỗi người công nhân xuất khẩu lao động là một nhân vị với đầy đủ nhân phẩm và mọi giá trị mà Thượng Ðế đã ban cho họ, nên chẳng những bất khả xâm phạm mà còn đòi chúng ta phải tôn trọng và bảo vệ nữa ! Vã lại họ còn là những người công dân, những người đồng bào của chúng ta. Vì thế, không ai có quyền lợi dụng sức lao động của người khác nói chung và của những người anh em đồng bào mình nói riêng, để trục lợi, để thu vén lợi ích cho riêng mình. Nhất là thái độ vô trách nhiệm “chết sống mặc bay” hiện nay của một số cơ quan, ban ngành liên hệ đối với tầng lớp công nhân được gửi đi lao động ở nước ngoài là một điều không thể chấp nhận được.

Sau cùng, nếu như đã nói trên là chúng ta xuất khẩu lao động không chỉ nhắm tới số lợi tức bằng ngoại tế do các công nhân chúng ta mang lại như là mục đích chính, nhưng là nhắm tới việc phát huy sự hiểu biết và các tài năng của người công nhân – theo kinh nghiệm: “Ði một ngày đàng học một tràng khôn” -, cũng như việc đào tạo những công nhân có được kinh nghiệm về kỹ thuật tân tiến, có tay nghề cao cho tương lai của nền kinh tế nước nhà, thì chúng ta chỉ nên gửi các công nhân đi làm việc tại các công ty và các cơ sở kỹ nghệ chuyên môn. Còn những công nhân nữ đi xuất khẩu chỉ để “giúp việc nhà” trong các tư gia thì tuyệt đối phải tránh, vì thực tế cụ thể chứng mình cho thấy rằng đó là một vấn đề quá phức tạp : Phẩm giá của những người công nhân nữ đó thường bị xúc phạm nặng nề. Nhưng vì hoàn cảnh éo le «tiến thoái lưỡng nan”, nên họ đành “chịu đấm ăn xôi” một cách tủi nhục.

Ở đây, chúng ta cũng không nên bỏ qua một điểm quan trọng khác nữa, đó là theo cách thực hành hiện nay, thì một khi các công nhân đã được tuyển cho xuất khẩu thì khi đã tới nơi, người ta thu tất cả các giấy tờ tùy thân của họ, cốt tránh cảnh xé lẻ bỏ ra ngoài làm riêng và như thế nhà nước có thể quản lý được số lợi tức ngoại tệ do các công nhân mang lại, chứ không để bị tẩu tán đi, và tránh được cảnh vừa mất người vừa mất của. Ðây cũng là một chiến lược đúng đắn, không ai phủ nhận được. Thêm vào đó, hành động như thế sẽ tránh cho những người công nhân trẻ khi làm việc tại các nước Hồi Giáo không bị thâm nhiễm những ý thức hệ quá khích, và tại các nước Âu Mỹ không bị lây nhiễm những cách sống phóng đãng của một số lớn các thanh thiếu niên tại đây, hầu cho sau này nước nhà không phải gánh chịu những hậu họa nạn khủng bố như trường hợp của các nước Thái Lan, Phi Luật Tân, v.v… hiện nay. Tuy nhiên, người ta cũng không vì thế mà biến các công nhân thành những “tù nhân kinh tế” hay những bộ phận sản xuất thuần túy được. Trái lại, người ta phải tôn trọng nhân phẩm của họ và đối xử với họ một cách hợp lý.

Kết luận

Về vấn đề “xuất khẩu lao động”, nếu những người có quan điểm bất đồng đã lên tiếng phê bình và chống đối, thiết tưởng không phải hoàn toàn chủ quan và vô căn cứ. Nhưng nếu người ta nhìn vấn đề một cách khách quan và toàn diện hơn, người ta phải chấp nhận rằng, đó là một giải pháp cần thiết nhất thời.

Tiếp đến, nếu việc “xuất khẩu lao động” nhắm tới những mục đích rõ ràng, như :

Mục đích gần: Giải quyết công ăn việc làm cho tầng lớp công nhân trẻ; tránh đi cho họ cảnh “nhàn cư vi bất thiện”, không bị rơi vào các tệ đoan xã hội; và nhất là thu về cho ngân sách nước nhà một số ngoại tệ to lớn mà nước nhà đang cần để giao dịch thương mại với ngoại quốc.

Mục đích xa: Trong khi làm việc ở ngoại quốc, các công nhân Việt Nam có dịp tiếp cận và học hỏi được các kỷ thuật chuyên môn của các nước bạn. Như thế, dưới một hình thức nào đó, các công nhân xuất khẩu lao động hiện nay cũng có thể gọi được là “du học sinh” và do đó là một tiềm năng đầy triển vọng trong việc xây dựng nền kinh tế nước nhà sau này.

Người ta không được phép quên rằng mỗi người công nhân là một nhân vị có đầy phẩm giá thiêng liêng cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho họ, nên không bất cứ ai có quyền coi họ như những bộ phận thuần túy kinh tế và nhất là lợi dụng sức lao động của họ để trục lợi tư riêng. Trái lại, các cơ quan và ban ngành liên hệ có bổn phận phải săn sóc, chăm lo đời sống cụ thể của người công nhân xuất khẩu về vật chất cũng như về tinh thần, nhất là bảo vệ và bênh vực cho họ trước sự đàn áp và bóc lột của các chủ nhân cũng như của những công chức thoái hóa của các nước sở tại. Ðược như vậy, các ban ngành và các giới chức liên hệ mới tránh cho người công nhân xuất khẩu lao động cái mặc cảm “một cổ hai tròng” hay “làm tôi hai chủ”, chủ nhân của nước sở tại và các giới chức Việt Nam phụ trách họ.

Nhất là được như vậy, phong trào “xuất khẩu lao động” mới có đầy đủ lý hữu và ý nghĩa đích thực của nó.