Tệ nạn hối lộ, một căn bệnh nan trị của nhân loại



Như chúng tôi đã trinh bày qua trong bài “Xuất khẩu lao động: Những điểm tích cực và tiêu cực”, đã được đăng tải trên mạng Thống Tấn Xã Công Giáo Việt Nam “Vietcatholic” ngày 29.01.2007, hôm nay chúng tôi xin mượn phép bàn về vấn đề đã được nêu lên: Tệ nạn hối lộ, mà ở Việt Nam người ta đã đặt cho một cái tên nghe rất tình cảm: « tiền bồi dưỡng”.

Thực ra, hiện tượng hối lộ hay tham nhũng là một tệ nạn của nhân loại, chứ không chỉ xảy ra ở riêng một đất nước nào nhất định. Vì người ta đã nói: «đồng tiền liền khúc ruột”. Thấy tiền mà ai chẳng tham, có tiền mà ai chẳng muốn. Vì « có tiền mua tiên cũng được” cơ mà. Nhắc đến đây, tôi sực nhớ lại cách đây đã mấy năm, tôi có một đứa cháu ruột lên 6 lên 7 gì đó: Một hôm đi học về nó gặp tôi và nói:”Chú có muốn nghe bài thơ Tiền mà cô giáo vừa dạy cho cháu không ?” và tôi đã mĩm cười trả lời:”Ðương nhiên là muốn rồi, rất muốn là đàng khác !” Ðược hứng, đứa cháu tôi đọc một mạch cả bài thơ, không chút vấp váp, như sau:

Tiền là tiên là phật,
tiền là sức bật của lò xo,
tiền là thước đo lòng người,
tiền là nụ cười của tuổi trẻ,
tiền là sức khõe của tuổi già,
tiền là cái đà danh vọng,
tiền là cái lọng che thân,
tiền là cán cân công lý.
Có tiền là có lý.
Có tiền ai ai cũng nể,
không tiền chẳng ai kể ra chi !


Ðọc xong bài thơ, đứa cháu tôi tỏ vẻ rất hãnh diện vì nó đã đọc thuộc lòng được bài thơ và lại được tôi vỗ tay khen ngợi, còn ý nghĩa bài thơ ra sao, dĩ nhiên là nó không hiểu gì cả. Vâng, qua những lời thơ đơn sơ và cụ thể này, vị tác giả vô danh nào đó đã nêu lên được giá trị cụ thể và thực dụng của đồng tiền trong đời thường. Và cũng vì cái giá trị cụ thể và thực dụng đó của đồng tiên mà trong gia đình cũng như ngoài xã hội đã xảy ra biết bao điều thương tâm, bao điều bất công và tiêu cực, trong đó có nạn hối lộ và tham nhũng.

Ðó là một tệ nạn xã hội trầm trọng, đã xảy ra ở đâu có con người sống chung với nhau – trong các nước nghèo nàn cũng như trong các nước giàu có – nhưng đặc biệt thường dễ xảy ra ở các nước nghèo đang trên đường phát triển. Trên thế giới đã có biết bao nhiêu vị nguyên thủ quốc gia, các bộ trưởng, các quan chức nhà nước lớn nhỏ từng đã bị cách chức và phải ra đứng hầu trước vành móng ngựa công lý, cũng vì tham ô hối lộ, vì ham tiền trái phép. Vì thế, trong những dòng sau đây chúng ta thử phân tích một vài nguyên nhân hay lý do đã gây ra.

I. Các nguyên nhân:

Có rất nhiều nguyên nhân hay lý do đã gây ra tệ nạn xã hội xấu xa này, nhưng ở đây chúng tôi chỉ tạm nêu ba nguyên nhân tượng trưng mà thôi:

1. Tình trạng nghèo đói

Nói một cách khách quan, người ta phải công nhận rằng tình trạng nghèo đói là môi trường thuận lợi nhất cho “vi khuẩn” hối lộ thâm nhập và nảy nở nhanh chóng.

Vì nhu cầu sống còn cụ thể hằng ngày, vì miếng cơm manh áo, người ta sẵn sàng làm tất cả mọi sự. Ðến nỗi nguyên tắc nền tảng của luân lý: “Finis bonus non justificat media mala: Mục đích tốt không thể biện minh cho phương tiện xấu” hoàn toàn bị coi là thuần lý thuyết, là không thực tế, và lời dạy của thánh hiền: “Quân tử cố cùng, tiểu nhân cùng tư lạm hỉ: Bậc quân tử vẫn giữ vững được trong lúc khốn cùng, kẻ tiểu nhân gặp lúc cùng khốn thì làm điều xằng bậy» cũng không gây được tác động gì nữa. Bằng tất cả mọi giá, người ta phải cố đạt cho được mục đích: Có tiền và có thật nhiều tiền ! Vâng, theo quan niệm bình dân, thì khi người ta ăn sung mặc sướng, có cơm dư áo thừa, người ta dễ luận bàn về nhân đức này luân lý nọ, nhưng một khi “bụng đói thì đầu gối phải bò”, một khi bị rơi vào cảnh túng quẩn và cơ hàn, thì trước hết người ta phải lo sao cho bụng được no dạ được chắc đã. Vì thế, việc hối lộ đối với những người trong cảnh thiếu thốn eo hẹp được coi như là một điều đương nhiên, bất khả kháng. Ví dụ: Nếu một viên công chức, như chủ tịch hay công an xã, lương chính thức mỗi tháng chỉ được 4,5 trăm ngàn đồng, tương đương với khoảng 40 USD, thì làm sao có thể đủ nuôi sống gia đình: nào tiền ăn uống, tiền mua sắm áo quần, tiền học cho con cái, v.v… Trong trường hợp đó vấn đề phải « làm ngoài” hay “kiếm thêm” là một chuyện rất khó tránh.

2. Lòng tham lam của con người

Làm người ai cũng biết rằng tiền bạc và của cải vật chất chỉ là một phương tiện của cuộc sống, nhưng lại là một phương tiện cần thiết, bất khả thiếu, nếu người ta muốn có điều kiện để sống hạnh phúc, sống xứng đáng, chứ không muốn sống trong cảnh nheo nhóc và phải kiếm ăn từng bữa, nhất là không muốn bị thiên hạ coi rẽ khinh khi, vì: ”Có tiền ai ai cũng nể. Không tiền chẳng ai kể ra chi !” Từ những kinh nghiệm sống thực tiễn đó, tất cả mọi người đều bị thu hút và nhắm mắt chạy theo ma lực của đồng tiền. Từ đứa bé mới có trí khôn cho tới cụ già tóc bạc răng long, ai nấy nều ham thích tiền bạc, đều muốn có tiền, được tiền thì mừng. Vì nếu không được giàu có sang trọng, thì ít ra tương đối cũng có đủ điều kiện để tổ chức cuộc cá nhân cũng như cuộc sống gia đình theo ý muốn.

Ðàng khác, việc ham thích tiền bạc của cải vật chất, thực ra là điều rất tự nhiên. Bởi vì con người không phải là loài thần thiêng, nhưng gồm có hồn và xác. Hai mặt tâm sinh lý cần phải được quân bằng. Vâng, nếu linh hồn con người cần phải được thỏa mãn bằng những niềm vui tinh thần, thì thể xác cũng phải được đầy đủ “lương thực hằng ngày”. Và để cung ứng được”lương thực hằng ngày”đó cho cuộc sống thể xác, con người phải cần đến tiền bạc của cải. Ngoài ra một kinh nghiệm sống cụ thể khác đã được tác giả bài “Thơ Tiền”nêu lên, đó là:”Tiền là cán cân công. Có tiền là có lý”, nên càng khiến cho người ta cúi đầu chạy theo đồng tiền. Thiết tưởng vấn đề này không cần phải nói dài. Vì ai cũng ý thức rõ điều đó. Nếu để muốn nói lên sự công minh của tòa án, người Ðức đã có câu phương ngôn: “Der richter hat keinen Verwandten: Quan tòa không có bà con”. Nhưng đối với tiền bạc, cũng ít có vị quan tòa nào chê ! Ðời là thế !

3. Quan niệm xã hội

Cả hai lý do vừa nêu trên còn được hậu thuẩn bởi lý do tập quán và quan niệm xã hội: Lòng biết ơn qua việc biếu xén quà cáp, lễ lạc. Thực ra, lòng biết ơn là một điều tốt và bó buộc, vì “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Ăn quả thì đương nhiên phải nhớ kẻ trồng cây, kẻ thụ ân thì phải biết ơn người thi ân. Chính Thiên Chúa cũng đòi hỏi sự biết ơn và cám ơn (x. Lc 17,17-18). Hơn nữa, mối giao lưu và sự tương quan giữa con người với nhau cần phải được cụ thể hóa bằng món quà và những đồ kỷ niệm thực tiễn. Dĩ nhiên, đứng trước những món quà biếu xén, người thi ân bao giờ cũng khiêm tốn: ”Ông bà/anh chị cứ bày vẽ ra làm gì” hay: ”Tôi có làm được gì đâu … !” , v.v… Nhưng đó là cái luật bất thành văn của đời thường, nó đã ăn sâu vào quan niệm dân gian và đã trở thành một truyền thống bất di dịch. Bởi thế, mới có những câu thành ngữ: ”Có lễ mới dễ thưa” hay còn thâm thúy hơn: ”Miếng trầu là đầu câu chuyện !” Thế nhưng chính cái tập quán tốt đó, tức lòng biết ơn, đã mở đường và trở thành cớ cho lòng tham lam vô đáy của con người lợi dụng. Từ chỗ quà cáp của lòng biết ơn cho tới sự hối lộ tham nhũng chỉ là một bước rất ngắn.

Lòng biết ơn được thể hiện qua các món quà là một điều tốt, là một nhân đức luân lý xã hội. Nhưng sự tham ô hối lộ lại là một tệ đoan xã hội, một trọng tội đối với xã hội, làm lũng đoạn nền kinh tế đất nước, chặn ngang bước tiến của dân tộc. Nhưng ở đây một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào người ta có thể phân biệt được đâu là tặng phẩm của lòng biết ơn và đâu là sự tham nhũng ?

Trước câu hỏi này, có người đã trả lời cách đơn sơ rằng được gọi là lòng biết ơn và tạ ơn thì số quà cáp biếu tặng phải tự nguyện và xảy ra sau khi đã được thụ ân, còn sự hối lộ là đòi hỏi “tiền bồi dưỡng” trước khi công việc nhờ cậy được hoàn thành, theo nguyên tắc sòng phẳng: ”Tiền trao cháo múc”. Nhưng nếu lý luận như thế, thì sợ rằng còn quá nông cạn và thiếu kinh nghiệm thực tế. Vâng, theo kinh nghiệm thực tế, muốn được việc và muốn được việc một cách nhanh chóng và chắc chắn, thì phải”có gì” trước đã, vì: ”Ðồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” mà !

Ðể dễ nắm bắt được vấn đề, chúng ta thử nhìn qua quan niệm của người ngoại quốc về quà cáp của sự xã giao lịch sự và lòng biết ơn như thế nào. Người Ðức gọi số tiền nho nhỏ của lòng biết ơn đó là “Trinkgeld”, còn người Pháp gọi là “Pourboire”, và cả hai trường hợp đều có nghĩa là tiền uống nước. Còn ở Việt Nam, có lẽ đã rút ngắn các vần chữ “Pourboire”, nên gọi tiền nước là “tiền bo”. Số tiền biếu tặng này giữ nguyên ý nghĩa của nó, tức là đủ để uống ly nước, ly cà-phê hay một bữa ăn qua loa nào đó. Và số lượng bao nhiêu không hề được ấn định rõ ràng, ở Âu-Mỹ theo giá sinh hoạt của họ, có thể từ 10,20… hay 100 USD, tất cả hoàn toàn tùy thuộc hoàn cảnh và lòng quảng đại của người cho. Trong khi đó, tiền hối lộ và tham nhũng của các cơ quan công quyền là một sự đòi hỏi bó buộc người dân khi đến nhờ cậy họ can thiệp chuyện này chuyện kia, thì ngoài khoản tiền thuế mà thủ tục hành chánh đòi hỏi, còn phải đưa tận tay trước một khoản tiền nào đó cho người cán bộ; nếu không, đơn hay hồ sơ của người dân vẫn muôn đời nằm yên trên bàn cơ quan. Còn số lượng bao nhiêu là tùy người, tùy hoàn cảnh và tùy sự việc; có thể 10, 20, 100 ngàn USD, hay có khi chỉ một vài trăm thôi. Còn việc đưa trước hay đưa sau không quan trọng. Và đây không còn là “một chút để uống nước”nữa, nhưng là sự bóc lột dân và làm thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đất nước.

Ðúng vậy, vì nạn tham những mà hằng năm ngân sách mỗi quốc gia đã bị hao hụt và thâm thủng hàng tỷ US dollars. Nếu ở một nước văn minh và có luật lệ nghiêm nhặt như CHLB Ðức mà mỗi năm tệ nạn hối lộ dưới đủ hình thức còn lên tới hàng tỷ Euro, thì ở một nước đang trên đường phát triển như Việt Nam, ngân sách nhà nước còn bị thiệt hại biết chừng nào!

Vì ý thức rõ được rằng tệ nạn tham nhũng quá nguy hiểm như thế và đồng thời cũng là một trong các điều kiện quan trọng để thu hút tiền đầu tư ngoại quốc, nên nhà nước Việt Nam từ mấy năm nay đã phát động phong trào chống tham nhũng, diệt trừ tham nhũng; Ðặc biệt vào ngày 02.20.2007 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành lập Ủy Ban Trung Ương Chống Tham Nhũng, mà mỗi thành viên của Ủy Ban phải tâm niệm ba nguyên tắc: Tự mình không tham những; không bao che tham nhũng; cương quyết thẳng tay bài trừ tham nhũng !

Nhưng liệu một ý chí cương quyết chống tham nhũng như thế của nhà nước Việt Nam có đưa tới thành công hay không, thì câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Bởi vì, trên con đường diệt trừ tham nhũng còn chứa đầy nhiều rào cản và nhiều gian nan khó khăn. Ngoài ba khó khăn khách quan như đã nói trên cũng như lý do quá ”thâm niên”của tệ nạn này, chính phủ Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn chủ quan khác.

II. Những khó khăn:

Sau đây chúng tôi xin trích dẫn ba kho khăn tiêu biểu trong việc bài trừ nạn tham nhũng ở Việt Nam:

1. Luật pháp lỏng lẻo

Tuy từ năm 1946 tới nay, nhà nước CHXHCN Việt Nam đã tu chỉnh và sửa đổi 3,4 lần Hiến Pháp, nhưng đối với thời đại hội nhập vào kinh tế thị trường và hội nhập vào đời sống thế giới ngày nay, luật pháp hiện hành của Việt Nam hãy còn nhiều lỗ hổng và kẻ hở khiến những cán bộ thoái hóa có thể lợi dụng để”đục nước thả câu”. Ở đây, chúng ta thử đưa ra một vài ví dụ nhỏ, chẳng hạn:

  • Luật thuế khóa: Vì thiếu rõ ràng giá biểu, nên nhân viên Quan thuế dễ bề hạch sách và làm khó dễ với các công ty hay tiệm buôn bán. Nhưng nếu gặp phải trường hợp các chủ công ty hay tiệm buôn thuộc loại ”thứ dữ” thì các anh chị nhân viên Quan thuế lại hạ giọng và mặc cả.
  • Sự tăng giá thiếu kiểm soát: Vì thiếu luật kiểm soát chặt chẽ, nên đã dẫn tới hiện tượng”trống đánh xuôi kèn thổi ngược”trong việc hoạt động chung giữa ngành du lịch và các khách sạn lớn nhỏ trong nước. Đúng vậy, trong khi ngành du lịch nhà nước in thiệp gửi đi quảng cáo khắp thế giới để giới thiệu các khách sạn Việt Nam, từ tiêu chuẩn đến giá cả. Thế nhưng khi các công ty và các sở du lịch chở khách ngoại quốc tới các khách sạn, thì giá biểu ở đó đã được tự động tăng lên từ lâu rồi, đặc biệt vào các mùa du lịch cao điểm. Trong hoàn cảnh đó, chỉ còn hai cách lựa chọn: Hoặc bắt khách trả thêm và như thế đánh mất lòng tin tưởng của họ, hoặc các công ty du lịch đành chịu lỗ và bỏ tiền bù trừ để giữ khách. Ðây chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu.
2. Chế độ độc đảng

Dĩ nhiên, ở đây chúng tôi chỉ bàn về lãnh vực kinh tế thuần túy, chứ không dám mạn bàn về lãnh vực chính trị.

Tuy trong chế độ độc đảng ở các nước theo XHCN như Việt Nam, nhà nước sẽ hoàn toàn được tự do đặt kế hoạch và thi hành kế hoạch theo ý mình muốn. Ðược thì ăn thua thì chịu, chứ không bị ai dòm ngó, hạch sách hay phê bình, bắt bẻ gì cả. Nhưng cũng chính sự ”tự do thoải mái” đó là một điểm tiêu cực và dễ dàng dẫn tới thất bại. Bằng chứng điển hình và cụ thể của sự thất bại đó là nền kinh tế Liên Sô cũ và các nước cộng sản Ðông Âu. Ngoài hàng vạn kho chứa đầy khí giới đạn dược đủ cỡ đủ loại ra, các nước đó đã phải sống quằn quại trên dưới 70 năm trong nghèo đói và lạc hậu. Còn nay, từ khi toàn khối các nước Ðông Âu nhờ được gia nhập vào thị trường tự do của Liên Hiệp Âu Châu (EU), nên nền kinh tế của họ đã phát triển mạnh mẽ, dân chúng được ấm no thoải mái hơn.

Vâng, trong một chế độ độc đảng, nếu chính chúng ta tự đặt kế hoạch kinh tế, tự thi hành các kế hoạch đó và tự kiểm soát lấy chính mình, thì chắc chắn chúng ta sẽ rất khó lòng tránh được chủ quan, khó lòng nhìn thấy được tất cả những bất cập, những khiếm khuyết và sơ hở của mình. Đó là chưa nói đến bệnh ”thành tích” và tệ nạn bao che cho nhau. Vì cùng một đảng với nhau, nên các cơ quan ban ngành dễ thông cảm và dễ bỏ qua cho nhau, vì được lợi hay bị thiệt thì đều cùng hưởng hay cùng chịu với nhau; và chỉ dựa theo các báo cáo mà khen thưởng lẫn cho nhau, dẫu rằng nhiều khi chỉ là khai man. Nhưng điểm nguy hiểm nhất là việc bao che cho nhau. Vì là cùng”đồng chí” với nhau trong cùng một đảng, nên nhiều khi không dám tố cáo những hành vi tham ô hối lộ của nhau, lý do đơn giãn là sợ: “Chặt cây động rừng” hay: ”Vuốt mặt phải nể lỗ mũi”. Vâng, cấp dưới nể mặt cấp trên và cấp trên lại nể mặt cấp cao hơn nữa. Và cứ thế, mọi sự đâu lại vào đó, trước sau như một, không có gì thay đổi ! Hối lộ vẫn hoành hành, tham nhũng vẫn tiếp tục và đất nước vẫn kiệt quệ vẫn nghèo nàn !

Trong khi đó, tiếng nói của phe phái đối lập, tuy làm cho chính quyền phải nhức đầu khó chịu, nhưng chính đó lại là điểm tích tích cực đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế đất nước một cách đúng đắn, nhanh chóng và có hiệu quả hơn. Bởi lẽ, trong trường hợp có đối lập, nếu đảng cầm quyền muốn được lòng dân, muốn được dân tiếp tục ủng hộ bỏ phiếu cho trong lần bầu cử sắp tới, thì họ luôn bị bó buộc phải phấn đấu và nổ lực làm tốt công việc của mình, nhất là thẳng tay loại trừ mọi thành phần thoái hóa, tham ô hối lộ trong bộ máy công quyền. Nếu không, nhân dân quay về phía đối lập. Nhưng để lợi dụng được tiếng nói của những phe phái đối lập như một lợi điểm cần thiết trong công cuộc xây dựng đất nước và phát triển nền kinh tế, thì chúng ta cần phải biết phân biệt giữa kẻ thù và người đối lập, giữa những lời phê bình có tính cách xây dựng và những lời nói phản động. Chứ chúng ta không được phép phê phán và kết án một cách quá đơn thuần tất cả những ai không đồng ý với chúng ta, không cùng chung một chính kiến với chúng ta hay phê bình chỉ trích chúng ta đều là kẻ thù, đều là bọn phản động nguy hiểm. Ðúng vậy, chỉ được coi là kẻ thù khi một người tranh đấu bằng con đường bạo động và vũ lực, nhắm hủy hoại và tiêu diệt chúng ta; còn người đối lập là người tranh đấu bằng con đường chính trị bất bạo động, như qua: Ngôn luận, báo chí, mít-ting, biểu tình, đình công, v.v…để phê bình và phản đối các kế hoạch hay phương thức làm việc của chúng ta. Trái lại, đường lối tranh đấu hài hòa như thế là một điều chẳng những hoàn toàn hợp pháp và dân chủ chân chính, nhưng còn rất hữu ích và cần thiết cho chúng ta trong công cuộc kiện toàn các kế hoạch kinh tế của mình một cách hữu hiệu hơn!

3. Quá đặt cao ý thức hệ

Chúng ta biết rằng một trong những lý do chính yếu đã gây nên thất bại cho nền kinh tế của các nước theo chế độ XHCN nói chung và của Liên Sô cũ cũng như của các nước Ðông Âu nói riêng là sự quá đề cao, quá đặt nặng ý thức hệ. Cụ thể, vì quá đề cao chủ nghĩa xã hội và ý thức hệ cộng sản của mình, nên các chế độ ở các nước đó hằng năm đã dành những ngân khoản khổng lồ vào việc tuyên truyền và duy trì ý thức hệ của mình và vào việc sản xuất hàng loạt khí giới để đề phòng và tiêu diệt những ai chống lại ý thức hệ đó, thay vì đem đầu tư vào công cuộc phát triển nền kinh tế đất nước. Ví dụ: năm 1981, khi cả 17 triệu dân Ðông Ðức sống trong nghèo nàn thiếu thốn, thì nhà nước Ðông Ðức lại bỏ ra hàng tỷ đức kim DM để xây bức tường Bá-linh dài 165 km, ngăn cách hẳn hai miền Ðông và Tây của thành phố này. hầu chận đứng không cho người dân của hai miền giao thông gặp gỡ nhau nữa.
Ngoài ra, để loại trừ mọi khả năng chống đối trong dân, các nhà nước XHCN đã quốc hữu hóa toàn bộ mọi nguồn lợi kinnh tế và loại bỏ hoàn toàn quyền tư hữu của người dân. Hàng triệu dân chúng chỉ còn là những con số sản xuất của các hợp tác xã nhà nước, với tiêu chuẩn: “Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu”. Do đó, nhân dân trở nên thụ động, thiếu sáng tạo, thiếu cố gắng và hậu quả tất yếu sau cùng là sự nghèo đói. Ðó quả thực là cả một sự lầm lẫn nguy hiểm cho chính chế độ, vì một khi nền kinh tế không phát triển, dân chúng phải sống cảnh lầm than đói khổ, thì chế độ hay ý thức hệ cũng không còn đất đứng, cũng khó lòng níu kéo giữ vững được. Bằng chứng cụ thể về điều đó: Năm 1989 hàng triệu dân chúng Ðông Ðức đã rầm rộ đứng lên đòi loại bỏ chế độ, bất chấp mọi đe dọa và mọi nguy hiểm. Và cuối cùng, “tiếng dân là tiếng trời” nên cả bộ máy cai trị của nhà nước Ðông Ðức đành phải tự giải tán.
Trong khi đó các nước tư bản, lại hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề ý thức hệ. Trọng tâm của họ là nền kinh tế, là tư bản, là tiền bạc. Hay nói cách khác, tư bản là chủ nghĩa và ý thức hệ của họ. Vì thế, họ đã thành công: Dân của họ giàu, nước của họ mạnh.

Học được kinh nghiệm đó, các nước theo XHCN ngày nay như Trung Quốc và Việt Nam đã bắt đầu thay đổi chính sách: Mở cửa hội nhập với thế giới, nới rộng mọi tự do hoạt động kinh tế cho dân và kêu mời các nhà đầu tư ngoại quốc. Và hiệu quả cụ thể là nền kinh tế của Trung quốc và Việt Nam đã đạt được những bước tiến đột phá. Sự tăng trưởng kinh tế hằng năm của Trung Quốc từ 14 đến 16%, còn ở Việt Nam nền kinh tế tăng trưởng cũng rất đáng hãnh diện và khích lệ: từ 8 đến 10%.

Nhưng một điểm quan trọng cũng nằm trong lãnh vực kinh tế mà các nước Trung Quốc và Việt Nam chưa nhìn thấy hay chưa muốn nhìn thấy, đó là: Sự phát triển kinh tế phải nằm trong sự phát triển toàn bộ xã hội. Bởi vì nền kinh tế lệ thuộc và gắn bó chặt chẽ với tất cả các lãnh vực khác trong đời sống xã hội, như: Chính trị, văn hóa, tôn giáo, nhân văn, v.v… chứ người ta không thể tách rời kinh tế ra khỏi các lãnh vực xã hội đó được. Nếu không, sự phát triển kinh tế của chúng ta sẽ không tránh được tình trạng “khẩp khiễng” và những ”lổ hỗng xã hội” nguy hiểm. Một cách cụ thể: Chúng ta không chỉ niềm nở mời mọc, đón tiếp và dành cho các nhà kinh tế những ưu đãi, còn các tầng lớp ưu tú thuộc các lãnh vực khác, như xã hội, chính trị hay tôn giáo đành phải ”kiếm chỗ khác chơi”. Không, một nền kinh tế phát triển đúng đắn phải được phát triển đồng bộ với các lãnh vực khác của xã hội. Muốn thế, chúng ta cần mở cửa đón tiếp và giao lưu với thế giới trong mọi lãnh vực: Kinh tế, chính trị, tôn giáo, xã hội, văn hóa, v.v… Bởi vậy, hành động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du các nước Âu Châu vừa rồi đã đến thăm Tòa thánh Vatican vào ngày 25.01.2007, đã được cả thế giới ca ngợi và đánh giá cao, nhất là thu hút được cảm tình và sự tin tưởng của cả thế giới, của các nhà đại tư bản Âu-Mỹ. Vì Tòa thánh Vatican vẫn luôn là biểu tượng khả tín nhất của luân lý, của đạo đức cho cả nhân loại.

Mọi người Việt Nam trong cũng như ngoài nước đều mong muốn cho nền kinh tế nước nhà được phát triển mạnh mẽ và phát triển một cách đúng đắn trong toàn bộ xã hội, hầu cho mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt sắc tộc hay tôn giáo được sống trong hạnh phúc, ấm no và đoàn kết. Cũng vậy, tất cả đồng bào cả nước đều mong muốn nhà nước thành công trong cuộc cuộc loại bỏ được hoàn toàn tệ nạn hối lộ, căn bệnh nan trị của xã hội, đang gặm mòn nền kinh tế quốc gia và ăn hớt công khó thấm đầy mồ hôi và nước mắt của nhân dân !