CHÚA NHẬT II MÙA CHAY (C)

Bên kia Đồi Sọ đã bừng dậy ánh sáng Phục sinh.



Dẫn nhập đầu lễ :

Kính thưa ông bà anh chị em,

Như một lời mời gọi truyền thống, sứ điệp Phụng vụ Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay đốc thúc chúng ta và các anh chị em Dự tòng lên đường tiến vào Mầu nhiệm Vượt Qua bằng những nỗ lực cụ thể hơn trong hy sinh và từ bỏ, trong sám hối và đổi đời. Đó chính là “tiếng gọi của Lời Chúa hãy “lên cao” như Đức Kitô đưa các Tông đồ lên đĩnh núi Ta-bo để Ngài biến hình rạng rỡ, hãy “đi xa” như tổ phụ Áp-ra-ham bỏ quê cha đất tổ để theo tiếng gọi vô hình mà đón nhận lời giao ước của Gia-Vê.

Cuộc hành trình Mùa Chay hôm nay của Dân Chúa hay cuộc hành trình đức tin của mỗi người chúng ta, phải chăng cũng chính là cuộc nỗ lực phấn đấu để mỗi ngày “lên cao và đi xa” trước lời Chúa vẫy gọi, trước những đòi hỏi của Tin Mừng, trước những thách đố của Thập giá.

Giờ đây chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta đê xứng đáng cử hành thánh lễ.

Giảng Lời Chúa :

1. Mùa Chay : bước đi trên những cuộc hành trình mới.

Hình tượng “chú cọp và những tâm sự của mình” trong bài thơ “Nhớ rừng” của Thế Lữ một cách nào đó, đã diễn tả thái độ khinh miệt những cuộc đời sao chép nhàm chán, những thói quen ứng xử máy móc, sáo mòn, những công thức đãi bôi đầu môi chót lưỡi của thế nhân, và có lẽ, những ước lệ, những đường mòn luân lý không có tình yêu, không có trái tim:

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thu
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi
Những cảnh sửa sang tầm thường giả dối
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng cây trồng
Giải nước đen giả suối chẳng thông giòng
Len những lách những mô gò thấp kém
Dăm vừng lá hiền lành không bí hiểm
Cũng học đòi bắt chước cảnh hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả âm u…

Sứ điệp Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay cũng muốn nói với cộng đoàn chúng ta nội dung ý nghĩa nầy khi nêu bật hai nhân vật đều mang theo hình ảnh của chuyển động, ra đi, bức phá : Abraham lên đường đi khỏi thành Ur để đón nhận giao ước của Giavê (BĐ 1); Đức Kitô lên núi Tabor rồi biến đổi hình dạng nên rực rỡ sáng ngời (Trình thuật biến hình của Tin Mừng Luca). Trong khi đó, Thánh Phaolô lại gọi những người Kitô hữu là những kẻ đang ngóng đợi ngày quang lâm của Đức Kitô và luôn đưa mắt hướng về quê hương Nước trời ngược lại với những kẻ “chỉ nghĩ đến những sự thế gian” và luôn “tôn thờ cái bụng” (BĐ 2).

Dưới ánh sáng của các trích đoạn Lời Chúa vừa được công bố đó, chúng ta có thể lắng nghe lời mời gọi tha thiết của Mùa Chay đó là : định hướng lại nhịp sống đức tin có thể đang trên đà sai lệch, và làm mới lại những thực hành sống đạo có nguy cơ đang ngủ vùi trong trạng thái cũ mòn xơ cứng. Đó là cuộc gọi mời không ngừng biết vươn cao và đi xa. Vươn cao khỏi “cuộc sống tà tà ở dưới thấp” với những nếp nghĩ và cách hành xử tầm thường, cục bộ, ích kỷ, bon chen, ganh tị, tham lam; và đi xa khỏi “cái tôi ao tù vẩn đục” với trái tim và con mắt chật hẹp, méo mó, xoi mói, giận hờn, thù oán, kiêu căng…

Một cách cụ thể : trong Mùa Chay nầy làm sao thiết lập cho được những cuộc hành trình yêu thương, hành trình khoan dung tha thứ, hành trình phục vụ quảng đại, hành trình sám hối đổi đời…. Đó là những cuộc hành trình của quan hệ yêu thương gia đình từ chồng đến với vợ, từ con cái đến với cha mẹ; đó là những cuộc hành trình bác ái yêu thương trong quan hệ giữa người với người, từ căn hộ nầy đến mái nhà kia; đó là những cuộc hành trình đạo đức sốt sắng từ gia đình đến nhà thờ, từ lương tâm sám hối đến với tòa giải tội, từ biếng nhác nguội lạnh bên quán nhậu hay phim ảnh truyền hình đến với những tràng hạt Mân Côi hay giờ kinh tối gia đình; đó là những cuộc hành trình thực thi liêm chính công bình khi can đảm “nói không” với những toan tính vụ lợi của bon chen mung mánh, giả dối lọc lừa, để sẵn sàng “nói có” với việc thực thi công bình chính trực; đó là những cuộc hành trình sẻ chia và bác ái phục vụ để sẵn sàng bước đến với những người yếu đau bệnh hoạn, đói khổ để ủi an, giúp đỡ phục vụ …. Xem ra những cuộc hành trình như thế thật là quá khó đối với nhiều người. Bởi chưng, bản chất của con người sau biến cố “trái cấm” gần như muốn đi theo vết xe đỗ của A-đam, E-Va, thay vì nghiêm túc trung thành giữ luật lệ của Thiên Chúa trong khổ chế hy sinh, trong trung thành chung thủy, trong quảng đại sẻ chia…thì sẵn sàng đưa tay “hái trái cấm ngọt ngào” để “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn là le lói suốt năm canh”, thà lầm lũi bước đi như Giuđa trong đêm tối với “ba mươi đồng bạc phản bội” hơn là ngồi lại với anh em trong bàn tiệc ly thân thương huynh đệ…

Trong cuộc sống đức tin giữa đời thường hôm nay, có bao nhiêu cuộc “hành trình” như thế mà chúng ta chưa làm được hoặc chúng ta cố tình lảng tránh để ở lại trong một thứ “tháp ngà” dễ chịu và quen thuộc của tính hư tật xấu, của ích kỷ nhỏ nhen, của tự hào biệt phái…

Chính vì thế, cuộc “Biến Hình” trên núi Ta-bor không bao giờ “chỉ là kỷ niệm quá khứ” để gật gù chiêm ngưỡng thán phục, mà luôn mãi là “phấn đấu nỗ lực hôm nay” để biến đổi chính mình và làm tốt xã hội chung quanh; cũng thế, những bước chân tin tưởng vững vàng của cụ tổ Abraham không chỉ là “tìm lại ảnh hình trong cuốn nhật ký cứu độ” để giẩy khuây trong chốc lát, mà mãi mãi sẽ là ngọn đuốc dẫn đường cho những người tin nối gót theo sau trên cuộc hành trình về Đất Hứa. Đức tin không bao giờ là một “đức tin thụt lùi, ở lại”, hay ũ rũ nằm im trong tiêu cực, biếng lười. Bởi vì, tôi chỉ thực sự là Kitô hữu khi tôi can đảm lột xác để trở thành “muối, men, ánh sáng cho đời”, hay khi tôi thực sự “biến hình” để trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”.

2. Bên kia Đồi Sọ đã bừng dậy ánh sáng Phục sinh.

Mấy ngày trước biến cố “Biến Hình trên núi Tabor”, tại vùng Cêsarê Philip, Chúa Kitô đã mặc khải hành trình khổ nạn (Mt 16,13-23). Các Tông đồ hoảng kinh khi thấp thoáng thấy ở cuối đường về Giêrusalem lại chính là thập giá và khổ nạn.

Tuy nhiên, tiêu đích của cuộc hành trình đức tin không dừng lại ở thập giá hay đồi Sọ. Bởi vì nếu Đức Kitô đã hấp hối thương đau nơi vườn Giết-sê-ma-ni trên núi Cây Dầu, thì Ngài cũng đã biến hình rực rỡ trên núi Ta-bo; hoặc nếu Ngài đã gục đầu tắt thở trong cái chết tủi nhục vào chiều Thứ Sáu trên Núi Sọ, thì cũng trên ngọn núi Ô-liu Ngài đã oai hùng tập họp các môn sinh để về trời trong chiến thắng vinh quang. Quả thật, bên kia sa mạc và biển Đỏ chính là Đất Hứa, bên kia đồi Sọ Thập Giá đã bừng dậy ánh sáng Phục sinh. Cuộc biến hình trên núi Ta-bo hôm nay chính là dự báo chắc chắn cho cuộc phục sinh vinh hiển của Đức Kitô sau biến cố tử nạn, và là hình ảnh báo trước viễn tượng phục sinh cho cuộc hành trình đức tin của mọi Kitô hữu, của tất cả chúng ta.

Mầu nhiệm đó nếu áp dụng vào đời thường hôm nay, chúng ta sẽ cảm nhận rằng : mỗi một thánh lễ được sốt sắng dâng lên, sẽ nhận được muôn ơn lành đổ xuống; mỗi một nụ cười, một cử chỉ thân ái trao ban, sẽ đem về niềm vui bất tận, mỗi một nghĩa cử thứ tha, hòa giải chân tình sẽ trả lại khung trờ bình an cho tâm hồn và cuộc sống; mỗi một chiến thắng trước cám dỗ bất chính lỗi nghĩa vợ chồng, lỗi đức trong sạch, sẽ rực sáng niềm vui trong sâu thẳm trái tim; và mỗi một chút hy sinh chịu thiệt thòi mất mát để những người anh em khác được lợi được nhờ, sẽ âm vang một hạnh phúc lâu dài bền vững…Vâng, đó chính là những cái phúc thật mà Đức Kitô đã long trọng loan báo trong bài giảng đầu tiên của Ngài ngày xưa. Khi thực hành những điều đó với tất cả trái tim yêu thương và cõi lòng khiêm hạ, chúng ta tin rằng, Chúa Cha sẽ hài lòng biết mấy khi Ngài nhận ra rằng : ở dưới đất nầy vẫn còn có những con người lắng nghe và thực hành mệnh lệnh của Ngài hôm xưa : “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”.

Riêng đối với các anh chị em dự tòng, sứ điệp Lời Chúa hôm nay đã khắc họa hai hình ảnh thật rõ nét để nhắn gởi cho anh chị em về nỗ lực chọn lựa niềm tin của chính mình. Hình ảnh Áp-ra-ham lìa bỏ quê cha đất tổ với những ràng buộc và quan hệ mật thiết của quê hương, gia đình, gia tộc, tín ngưỡng…để ra đi theo tiếng gọi của Đấng Thiên Chúa vô hình và tin tưởng cùng Ngài thiết lập giao ước; và hình ảnh của Đức Kitô biến hình trên núi cao Ta-bor, lột bỏ cái xác thân bình thường nhân loại để mặc lấy cái rực rỡ chói ngời của thân xác phục sinh, phải chăng đó chính là chọn lựa “ra đi tìm kiếm đức tin” và can đảm “dấn thân cho một niềm tin mới”; đó cũng chính là cuộc lột xác, khước từ con người cũ với những nếp suy nghĩ và ứng xử mê tín ngoại giáo để mặc lấy những thái độ và ứng xử trong sáng và tự do của tin Mừng.

Tóm lại, trong khi cộng đoàn đang nỗ lực tiến bước trên con đường Mùa Chay với khổ chế và hy sinh, thì sự Biến hình của Đức Kitô hôm nay là một lời nhắn gởi, động viên để tất cả chúng ta cùng vươn cao đi tới “Bàn tiệc Nước Trời” trong tin yêu và hy vọng. Tin rằng, cho dù có những lúc phải đối diện với gian nan thử thách, với cay đắng hy sinh hay đêm tối ngục tù thì Chúa vẫn hiện diện ngay bên khi ta ngước mắt kêu cầu, để “phục sinh” tất cả trong rạng ngời ân sủng hôm nay và trong hạnh phúc viên mãn của Nước Trời mai hậu.

Đó cũng chính là lời nhắn gởi thâm thúy trong bài thơ “Con ơi, giờ đã đến” của linh mục thi sĩ Trăng Thập Tự viết tặng cho Maria Thesrèse Liễu Giang trước giờ chị lên đường tận hiến cuộc đời cho tình yêu Thiên Chúa : Xin trích :

Hãy bước theo Ngài trong thử lửa
Gian truân là cửa dẫn vào trời.
Nào ai phục sinh ngoài thập giá ?
Chết hôm nay là sống muôn đời !
Con ơi, con ơi, đương trùng trùng,
Đất đợi, trời trông mờ không trung.
Con đã xuất hành theo bảo cát,
Ngoảnh lại làm chi cho nhớ nhung.
Vạn dặm đường xa, đường mang mang,
Heo may lá rụng úa thu vàng.
Trong khói sương um Ngài vẫy gọi,
Đò chiều bỏ lại mặc trường giang.
Gió sẽ dìu con từng bước lạ,
Giáo Hội đồng hành bên con đi.
Lời ấm thì thầm cơn buốt giá,
Ngài ở bên con mà, lo gì.

(Trăng Thập Tự, Có ai về Cát Minh, tuyển tập thơ, trang 54)

Giờ đây, trong hân hoan phấn khởi trước lời vẫy gọi “biến hình” của Mùa Chay, chúng ta cùng đứng lên tuyên xưng đức tin.