Sydney - Tờ Sunday Telegraph trong số ra ngày Chúa Nhật 4/3/2007 đã đăng một bài của Đức Hồng Y George Pell, Tổng Giám Mục Sydney, nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Công Giáo tại đại lục này, trong đó ngài bày tỏ sự bất mãn, có thể nói là cao độ, trước thái độ thiếu đối thoại của cộng đồng Hồi Giáo Úc Châu.

Đức Hồng Y George Pell
Mở đầu, Đức Hồng Y đã hướng độc giả chú ý đến tình trạng của nhiều Kitô hữu trên thế giới ngày nay vẫn tiếp tục bị bách hại, bị nô lệ và bị giết vì đức tin. Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng trong khi người Hồi Giáo tại Úc Châu được hưởng những quyền ngang hàng với những người không Hồi Giáo, ngài bày tỏ sự hồ nghi rằng những người không Hồi Giáo thiểu số tại các nước Hồi Giáo có thể được hưởng cùng một quyền lợi như những người Hồi Giáo.

Trích thuật một báo cáo về tình trạng Kitô hữu tại Sudan được đăng trên tờ The Australian, Đức Hồng Y cho biết:

“Người Kitô hữu bị ngược đãi, họ bị bách hại và ngay cả có những lúc bị bắt làm nô lệ tại Sudan”.

Ngài đặt câu hỏi:

“Tôi muốn được biết rằng những bạn bè Hồi Giáo của chúng ta nghĩ sao về chuyện này?”.

Đức Hồng Y phàn nàn rằng cộng đồng Hồi Giáo quá nhạy cảm trước những lời phê bình đến từ các nước dân chủ và những nhà lãnh đạo của cộng đồng Hồi Giáo cần phải đề ra những phản ứng thích hợp trước những lời phê bình.

“Trong một xã hội dân chủ, mọi nhóm đều bị phê bình. Thủ tướng John Howard chí lý khi năm ngoái ông nói rằng nếu người Công Giáo gây rối tại Úc mỗi khi họ bị phê bình thì tại Úc sẽ có bạo loạn thường xuyên”.

“Thật là không thích hợp khi người Hồi Giáo thường xuyên trả đũa những lời phê bình bằng những lời nhục mạ, kết án và lái sang chuyện khác trong khi lảng tránh vấn đề”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh: “và chẳng may là chúng ta đã thấy quá nhiều những chuyện đó từ các nhân vật thế giá Hồi Giáo!”.

Trong một cáo buộc có thể sẽ gây ra căm phẫn trong cộng đồng Hồi Giáo, dù điều này đã được các báo cáo của các cơ quan an ninh Úc xác nhận, Đức Hồng Y Pell tố cáo rằng có một thiểu số người Hồi Giáo tại Úc không hội nhập vào quốc gia này, những người thù nghịch với đất nước và đang “mưu toan bạo động” chống lại Úc Đại Lợi và các quốc gia Tây phương. Ngài cho biết ngài có trong tay những “bằng chứng đáng tin cậy” cho lời cáo buộc này.

Ngài ghi nhận, điều này “không xảy ra với những nhóm di dân khác”.

Theo Đức Hồng Y hội nhập là “khí cụ then chốt” cho một xã hội hài hòa theo dân chủ thế quyền.

“Bình quyền phải đi kèm với đồng trách nhiệm. Những vấn nạn nổi lên khi các nhóm thiểu số đòi được quan tâm đặc biệt là điều đặt họ bên ngoài luật pháp như áp dụng cho các công dân khác”.

“Sự du di và khả năng thích ứng được kêu gọi khi những người di dân và những người tị nạn đến đất nước chúng ta nhưng có một giới hạn trong sự chấp nhận những yêu sách của các nhóm thiểu số; vượt ra ngoài giới hạn này xã hội dân chủ tiếp nhận họ mất đi căn tính của mình”.