ĐỪNG XÉT ĐOÁN KẺO BỊ XÉT ĐOÁN

Theo báo chí trong nước thì hiện nay nghề bói toán cũng như các cô đồng, bà cốt đang làm ăn rất khấm khá ở Việt Nam. Điều đáng nói là trong số những “tín đồ” của họ không ít người là đảng viên của đảng cộng sản vốn chủ trương vô thần.

Thời Việt Nam Cộng Hòa nghe nói có nhiều cấp lãnh đạo cũng mê tín dị đoan dữ lắm.

Ngày nay dù đang sinh sống ở Hoa Kỳ, nhiều người vẫn còn sợ những điều mà họ cho là điềm xấu, điềm gở.

Xem ra ở đâu, ở thời nào và ở giai cấp nào cũng có những người mê tín dị đoan. Khổ nỗi có nhiều việc đã xẩy ra y chang như “điềm” đã được báo trước càng khiến cho những người vốn có “máu” dị đoan có lý do để biện hộ cho sự dị đoan của họ.

Xin kể một câu chuyện được biết là có thật đã xẩy ra ngay trên đất Mỹ này. Chuyện được bắt đầu từ hai người bạn cùng làm chung ở một công ty nọ. Hai người bạn này một là người Mỹ tạm gọi là bà Melisa và một người phụ nữ Việt Nam tạm gọi là Tâm. Tuy là bạn với nhau nhưng họ không đồng trang lứa. Bà Melisa đáng tuổi cô dì của Tâm.

Bà Melisa được nghe nói về Việt Nam qua người thân của bà đã từng đi du lịch Việt Nam. Có lẽ vì có cảm tình với một đất nước có phong cảnh đẹp như Việt Nam cho nên bà đã săn đón Tâm ngay từ ngày đầu khi Tâm mới bắt đầu vào làm việc trong công ty. Trải qua thời gian làm việc chung với nhau bà Melisa càng ngày càng qúi mến Tâm hơn. Ngược lại, Tâm cũng nhận thấy bà là một người bạn chân thành.

Vào một dịp Thanksgiving, công ty tổ chức một buổi party và họ muốn làm cho không khí của buổi họp mặt thêm vui nhộn bằng cách yêu cầu công nhân tặng qùa cho nhau trước khi chia tay nhau về nghỉ lễ. Một tuần lễ trước đó người ta cho công nhân bốc thăm để biết ai sẽ tặng qùa cho ai. Và thật là một tình cờ thú vị, bà Melisa bốc được thăm sẽ tặng qùa cho Tâm.

Sau khi bốc thăm, ai nấy đều giữ bí mật về món qùa sẽ trao cho người được nhận. Hẳn bà Melisa cũng suy nghĩ nhiều về món qùa sẽ mua cho Tâm làm sao cho thật có ý nghĩa để khi nhận được, Tâm vừa ngạc nhiên vừa vui thích.

Trong giờ trao qùa, sau khi đã trao phần qùa của mình cho người đã được biết từ trước, Tâm nhận món qùa từ tay bà Melisa. Món qùa thể hiện tấm lòng. Tâm nóng lòng muốn biết tấm lòng của bà Melisa được gửi gấm trong món qùa của mình. Tâm mở vội gói qùa trong lúc bà Melisa cũng chờ đợi xem Tâm sẽ thích thú như thế nào đối với món qùa của bà.

Sau khi tháo lớp giấy gói, chiếc hôp được mở ra. Tâm tái mặt và hoảng hốt la lên khi nhìn thấy món qùa. Đó là chiếc còng số 8 đen ngòm đang nằm ở trong hộp. Tâm có thái độ hốt hoảng vì cho rằng chiếc còng có liên can đến pháp luật, đến tội phạm nghĩa là có liên can đến sự xui xẻo.

Hiểu đưọc sự quan ngại của Tâm bà Melisa trấn an Tâm rằng ở Mỹ chẳng có ai tin như vậy. Bà còn giải thích thêm rằng chủ ý của bà khi tặng cho Tâm chiếc còng là bà mong muốn hai người đựơc cột chặt lại với nhau. Bà muốn tình bạn giữa họ mãi mãi bền vững. Nhưng dù đưoơc trấn an, Tâm vẫn không an lòng với nỗi ám ảnh rằng một điều gì đó chẳng lành sẽ xẩy ra cho mình. Và rồi điều Tâm lo ngại đã thực sự xẩy đến.

Vào một buổi chiều bỗng dưng có chiếc xe police đến đậu trước nhà Tâm. Hai người cảnh sát tiến vào nhà Tâm với dáng vẻ nghiêm trọng. Sau khi xác nhận tên tuổi của Tâm, họ đưa trát tòa ra và còng tay Tâm trước sự ngỡ ngàng của cả nhà. Chính Tâm cũng sửng sốt và không hiểu gì cả. Tâm yêu cầu cho biết lý do nhưng cả hai người cảnh sát đều nói sorry vì chính họ cũng không biết. Họ nói họ chỉ biết thi hành lệnh của tòa án chứ không biết gì hơn.

Trong tiến trình làm rõ trắng đen Tâm mới được biết nguyên nhân của sự việc. Chiếc xe của Tâm được ghi nhận đã vi phạm giao thông và bị ghi số xe. Từ số xe, nhân viên công lực tìm ra tên chủ nhân và rồi từ đó họ dò tìm ra đưọc nơi cư ngụ của Tâm. Nhưng cuối cùng sau khi sự việc được xác minh thì Tâm không có lỗi gì cả vì người vi phạm giao thông lần đó là một người khác chứ không phải là Tâm. Tâm được trả tự do.

Kể lại câu chuyện này tôi không có ý cổ võ cho sự mê tín hay bào chữa cho những người hay tin dị đoan. Nhưng tôi muốn nhìn sự việc này dưới một khía cạnh khác để rút ra một bài học. Bài học đó là đừng nên nóng vội kết luận một điều gì qua cái nhìn bề ngoài. Khi Tâm bị cảnh sát dẫn ra xe và đưa đi, ai nhìn thấy cảnh này chắc chắn cũng nghĩ rằng Tâm đã phạm pháp. Không phạm pháp sao cảnh sát lại đến tận nhà bắt đi. Nhưng ở đời có nhiều việc thấy vậy mà không phải vậy. Phán đoán một sự việc chỉ bằng cái nhìn bề ngoài dễ bị sai lầm. Tốt nhất đừng xét đoán lỗi lầm của người khác khi chưa biết tường tận tình huống bên trong của sực việc. Tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ, Chúa Giêsu còn dạy không nên lên án người khác cho dù người đó thực sự lầm lỗi.

Phúc âm thánh Gioan thuật lại rằng có lần các kinh sư và người Pharisiêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ ngoại tình bị bắt qủa tang. Theo luật lúc bấy giờ thì người ngoại tình sẽ bị ném đá cho tới chết. Họ hỏi Chúa Giêsu phải xử trí ra sao đối với người phụ nữ phạm pháp này. Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ. Người bảo “ ‘Ai trong các ông sạch tội thì cứ lấy đá mà ném trước đi’. Nghe Chúa Giêsu nói họ lần lượt bỏ đi vì chẳng có ai là không có tội”.

Viết đến đây tôi nhớ lại một mẩu chuyện như sau: Trong một thánh lễ có Tổng thống đến dự. Từ bục giảng, linh mục chủ tế mở đầu bài giảng của ngài bằng cách hướng về phía vị tổng thống và dõng dạc nói: “Thưa tổng thống. . . ngài là người tội lỗi”. Nói xong vị linh mục im bặt mặc cho mọi người ngơ ngác và có lẽ chính vị tổng thống cũng đang bối rối. Một lát sau linh mục để tay lên ngực chậm rãi nói tiếp: “Tôi cũng là kẻ tội lỗi” và rồi nhìn xuống hàng ghế giáo dân, linh mục tiếp: “Tất cả chúng ta đều là kẻ tội lỗi”. Cho đến lúc này mọi người mới hiểu ý của vị linh mục.

“Nhân vô thập toàn” chẳng có ai là không có lỗi lầm, chẳng có ai mà không có khuyết điểm. Nhưng theo thói thường người ta chỉ nghiêm khắc với lỗi lầm của người khác mà lại dễ dãi với lầm lỗi của chính mình. Người ta hay lên án người khác về một lầm lỗi nào đó nhưng lại không đếm xỉa gì đến lầm lỗi của mình mà nhiều khi còn nặng nề hơn nhiều lần. Tục ngữ Việt Nam có câu “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Quáng ở đây không phải là không nhìn thấy nhưng là cố tình làm ngơ, cố tình bỏ qua cho mình mà lại xét nét với người khác.

Hơn bao giờ hết, mùa chay là lúc cần tự vấn lương tâm để nhận ra những xúc phạm đối với Chúa và những thiếu sót đối với anh em. Mùa chay cũng là mùa sám hối, là lúc cần phải sửa lại những sai phạm đối với Chúa và những lỗi lầm đối với người chung quanh. Trong mùa chay này xin Chúa giúp sức để con có thể làm được đến nơi đến chốn ít nhất một việc là tránh xa thái độ thích lên án như điều Chúa muốn dạy qua đoạn phúc âm của thánh Gioan kể trên.

Mùa Chay 2007