Trong ngày thứ tư, 7 tháng 3 năm 2007, cộng đồng Thánh Phanxicô kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của Cha Placido Cortese, người đã hy cuộc sống của mình như một đấng tử đạo, để giúp đỡ và cứu sống những người do thái và các chính trị gia bị chính quyền Đức Quốc Xã lùng bắt khi họ chiếm đóng nước Ý trong thời kỳ Đệ Nhị Thế Chiến.

Cha Placido sinh tại Cherso ngày 7 tháng 3 năm 1907, ngày nay thuộc xứ Croatia. Ngài gia nhập Dòng Tu Phanxicô ở Padoue lúc ngài đúng 17 tuổi.

Đến năm 1937 ngài được cử làm giám đốc “Trung Tâm Messaggero di St. Antonio”. Trong sáu năm ngài dùng tài năng đặc biệt của mình làm những giấy tờ giả mạo giúp những người chạy trốn lánh nạn Đức Quốc Xã ra khỏi nước Ý đến các nước trung lập.

Nhờ thông thạo tiếng Croatia, Đức Sứ Thần Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Francesco Boroncini Duca và Bế Trên Giám Tỉnh Dòng Phanxicô là Cha Andrea Eccher đã nhờ cậy Cha Placido giúp đỡ những người do thái bị giam giữ trong các trại tù ở gần thành phố Padoue.

Khi Đức Quốc xã đã kiểm soát toàn thể nước Ý, Cha Cortese không hề lùi bước nhưng vẫn cương quyết giúp đỡ những người mà Mật Vụ Quốc Xã đang tìm kiếm lùng bắt. Ngài giúp đỡ tiền bạc cùng làm các giấy tờ giả bằng cách dùng những hồ sơ của những người hành hương đã bỏ lại trong nhà thờ ở Padoue.

Dù biết việc làm của ngài thế nào cũng có ngày bị bại lộ, nhưng vì lòng yêu người và mến Chúa ngài đã không từ nan giúp đỡ những người do thái trốn sang nước trung lập Thụy sĩ và ở đó ngài hy vọng sẽ được các nhóm kháng chiến như Francceschi Marchesi tận tình giúp đỡ. Đức Tin luôn giúp ngài trông cậy và hy vọng tuy ngài biết rắng đây là công việc hết sức nguy hiểm đến tánh mạng.

Thay vì trốn vào trong một tu viện khác để tránh mọi hiểm nghèo, ngài xin phép Bề trên cho được tiếp công việc hòng giúp đỡ những người anh em đang bị bách hại.

Vào ngày 8 tháng 10 năm 1944, Cha Placido đã bị “phản bội và bị bán cho cơ quan Gestapo” bởi một người Croatia mà ngài quen biết và đã cọng tác với ngài. Khi người này đến gọi ngài xin giúp đỡ cho một nguời muốn trốn thoát khỏi sự ruồng bắt của Đức Quốc Xã thì ngài bị lọt bẩy của cơ quan mật vụ Đức.

Từ đó không còn ai tìm ra tung tích của ngài nữa. Và phải chờ đợi trong nhiều thập niên trôi qua mới tìm biết được những gì đã xẩy ra cho ngài. Người ta kể lại là ngài đã bị Cơ quan Mật Vụ Đức ở Oberdan tra tấn và hành hạ dã man, rồi chúng đưa ngài đến Trieste để tra khảo thêm. Có nhiều nhân chứng cho biết, là ngài đã bị tra hỏi và đánh đập tàn bạo dã man kinh khủng. Dù như thế ngài không hề khai báo cho một ai, ngài nhìn nhận chỉ một mình ngài làm công việc giả mạo để giúp đỡ các người chống chế độ và các người do thái đi trốn mà thôi.

Một tập sách của Trung Tâm Messaggero Padova vừa mới được phát hành năm nay 2007, nhan đề: “Padre Placido Cortese, il coraggio del silenzio” (Cha Placido Cortese, lòng can đảm của sự im lặng) cung cấp những chi tiết về lòng can đảm của con người anh hùng và của chức vụ người linh mục. Đây là những nhân chứng đã nhìn tận mắt, những ngày cuối cùng của Cha Placido tại nhà tù Trieste.

Kết quả của một cuộc điều tra vào năm 2004, tập sách được thực hiện vời hình bìa là tranh vẻ của họa sĩ Vico Calabro. Paolo Damosso thuộc Trung Tâm xuất bản của Dòng Phanxicô đã dàn dựng thành phim và được chiếu trên nhiều đài truyền hình.

Ivo Gregorc là một nhân viên của Hống Thập Tự Croatia là một nhân chứng đã kể lại những điều hết sức đau lòng. Chính Ivo Gregorc cũng bị Mật Vụ Gestapo bắt giam cùng với những bạn đồng nghiệp và bị gán cho tội gián điệp chống lại Đức Quốc Xã.

Ivo Gregorc kể lại trong sách này những ngày cuối cùng sống bên Cha Placido Cortese ở trại giam Oberden và Trieste. Ivo kể lại là trước khi di chuyển sang trại giam Dachau, Cha Placido đã bị tra khảo đánh đập tàn nhẫn suốt đêm và Ivo quả quyết là ngài đã “im lặng cầu nguyện và không hề tiết lộ tên một người nào.”

Ivo Gregorc, lúc bây giờ mới 20 tuổi, nhớ lại đã nói chuyện với Cha Placido mà anh ta đã quen biết nơi hành lang nhà thờ Padoue. Ngài đã nói với anh ta rất ngắn gọn là: “Hãy im lặng mà cầu nguyện.”

Khi Cha Placido Cortese chết lúc ấy ngài mới 37 tuổi. Thỉnh nguyện phong Chân Phước tử đạo vì lòng bác ái vượt bực mà mọi người thường gọi ngài là “Cha Kolbe của Padoue” đã được đệ trình lên Tòa Thánh kể từ tháng giêng năm 2002.

Cha Placido viết: “Tôn giáo là một gánh nặng mà con người phải gánh gác; nhưng nhờ đó mà linh hồn được tràn đầy yêu thương, hướng đến những hy sinh cao cả... dù bị hành hạ tra tấn đau đớn cho đến chết, nhưng chính đó là sự tử đạo của người Kitô hữu.” (nguồn tin: Zenit)