Con số 100 triệu nạn nhân Cộng Sản!

Hôm thứ ba 12.6.2007 vừa qua, lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm Các Nạn Nhân Cộng Sản (Victims of Communism Memorial) đã được tổ chức long trọng tại Washington DC. Đài tưởng niệm này tọa lạc ở ngả tư đại lộ Massachusetts và đại lộ New Jersey, gần Điện Capitol, tức trụ sở Quốc Hội Mỹ. Phần chính của tượng đài là mô hình một pho tượng Nữ Thần Dân Chủ bằng đồng cao 10 feet do điêu khắc gia Thomas Marsh thực hiện theo mẫu tượng mà những người biểu tình đòi tự do dân chủ ở Trung Quốc đã dựng lên trong cuộc biểu tình tại Quảng Trường Thiên An Môn năm 1989. Đây cũng là pho tượng đã được mô phỏng theo Tượng Nữ Thần Tự Do của Hoa Kỳ ở New York.

Các nhà lãnh đạo Quốc Hội Hoa Kỳ, các nhà ngoại giao, các nhà lãnh đạo quốc hội từ các quốc gia cộng sản cũ, những người còn sống sót dưới chế độ bạo tàn của Cộng Sản Trung Hoa và các nước khác, lãnh tụ các sắc tộc và những người đã góp phần vào việc xây dựng tượng đài đều đến tham dự. Khoảng 200 người Việt ở vùng lân cận như Washington DC, Virginia và Maryland, hầu hết là nạn nhân CSVN, cũng có mặt. Người Việt tỵ nạn đã đóng góp một phần vào công tác xây dựng này.

Đây là một buổi lễ rất cảm động và nhắc nhở mọi người nhớ đến một sự kiện lịch sử mà nhân loại không bao giờ quên được, đó là sự tàn bạo của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin ghi lại dưới đây một số vụ giết chốc bạo tàn chính đã xẩy ra dưới các chế độ cộng sản và những con số nạn nhân được ước lượng.

ĐI TÌM CON SỐ CHÍNH XÁC?

Bốn nhân vật chính phát biểu trong buổi lể này là Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, Sứ Thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio) tại Hoa Kỳ, ông Dana Rohrabacher, Dân Biểu liên bang của California, một trong những tác giả của dự luật xây dựng tượng đài này; Dân Biểm Tom Lantos, sinh tại Budapest, Hungary, người sống sót duy nhất của Holocaust, và Tổng Thống Bush là người thuyết trình chính,

Mở đầu, Đức TGM Pietro Sambi đã đọc lời cầu nguyện (invocation). Ngài nói: “Chúng ta có bổn phận phải nhớ đến những người đã chết vì Chủ Nghĩa Cộng Sản, mặc dầu chúng ta không thể nào biết hết danh tánh của họ, nhưng chắc chắn Chúa Jesus biết trên 100 triệu người đã chết vì chủ nghĩa phi nhân này.”

Tiếp đến, Dân Biểu Dana Rohrabacher nhắc lại: “Đúng 20 năm trước, vào ngày 12.6.1987, Tổng Thống Reagan đã nói với nhà lãnh đạo cộng sản Liên Sô Gorbachev rằng hãy phá bỏ bức tường ngăn chia Đông và Tây Đức. Hôm nay chúng ta cùng nhau tưởng nhớ 100 triệu nạn nhân cộng sản và cùng nhau nhớ đến vị tổng thống vĩ đại của Hoa Kỳ Ronald Reagan đã có công gây nên sự sụp đổ của khối cộng sản trên thế giới.”

Dân Biểu liên bang Tom Lantos tuyên bố rằng chúng ta không còn muốn thấy bất cứ nạn nhân nào của Chế Độ Cộng Sản xuất hiện trên địa cầu này. Chế Độ Cộng Sản không bao giờ có cơ hội chiếm ưu thế nữa. Ông nói ông được vinh dự làm việc để đem lại việc thừa nhận rằng làn sóng tương lai sẽ không phải là Một Nữ Thần Cộng Sản hay Hồi Giáo quá khích, nhưng là các xã hội tự do và dân chủ.

Lúc 10 giờ 35 phút, Tổng Thống Bush đã đến đọc một bài diển văn ngắn nhưng đầy ý nghĩa. Sau đây là một đoạn chính:

“Thế kỷ 20 sẽ dược ghi nhớ như là một thế kỷ có nhiều chết chốc nhất trong lịch sử nhân loại. Và hồ sơ của thời đại bạo tàn này được ghi nhớ tại các đài tưởng niệm ở bên kia thành phố này. Cho đến nay Thủ Đô của Quốc Gia chúng ta chưa có đài tưởng niệm các nạn nhân của Chủ Chủ Nghĩa Cộng Sản thống trị, một ý thức hệ đã lấy đi mạng sống của khoảng 100 triệu người đàn ông, đàn bà và trẻ con vô tội. Vậy việc chúng ta họp lại với nhau để tưởng nhờ những người đã chết do các bàn tay của Cộng Sản là điều thích hợp, và dành đài tưởng niệm này để trân trọng sự đau khổ và hy sinh của họ trong lương tâm của thế giới.”

Tổng Thống nhấn mạnh rằng con số chính xác các nạn nhân Cộng Sản này sẽ không bao giờ biết được. Ông nói: “Theo sự ước tính uyên bác nhất, Cộng Sản đã giết hàng chục triệu người ở Trung Quốc và Sô Viết, hàng triệu người ở Bắc Hàn, Cam-bốt, Phi Châu, Afghanistant, Việt Nam, Đông Âu và các phần khác của địa cầu.”

Như vậy, ba nhân vật chủ chốt trong buổi lễ là Đức TGM Pietro Sambi, Tổng Thống Bush và Dân biểu Dana Rohrabacher đều cùng ước tính rằng số nạn nhân của Cộng Sản trên toàn thế giới gồm khoảng 100 triệu người. Nhưng xướng ngôn viên là ông James Robert của đài Radio America có lưu ý: “Có người cho rằng một người chết, một trăm người chết thì họ là những nạn nhân; nhưng 100 triệu người chết thì đó chỉ là con số thống kê. Chúng phải luôn nhắc nhở mọi người để sao cho 100 triệu người đã chết vì Chủ Nghĩa Cộng Sản sẽ không bị quên lãng như những con số thống kê.”

Căn cứ vào đâu để các nhân vật nói trên đã đưa ra con số 100 triệu nạn nhân? Những nơi nào và dưới triều đại nào đã xẩy ra những vụ tàn sát lớn nhất? Đi vào các chi tiết này, chúng ta sẽ thấy rõ hơn phương pháp của Cộng Sản.

Tuy nhiên, trươc khi trình bày về tội ác của Cộng Sản trên thế giới, chúng tôi xin nói qua về công trình xây đài tưởng niệm nói trên.

CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TƯỢNG ĐÀI

Việc xây dựng Đài Tưởng Niệm các Nạn Nhân Cộng Sản đã được nhiều sắc tộc di dân từ các nước cộng sản đến định cư tại Hoa Kỳ đề nghị. Sau đó Dân Biểu Dana Rohrabacher, Nghị Sĩ Claiborne Pell, và Nghị Sĩ Jesse Helms đã đệ nạp dự luật Xây Dựng Tượng Đài Các Nạn Nhân Cộng Sản mang số HR 3000. Dự luật này khi được biểu quyết thành luật đã trở thành Điều 905 của Luật The Public Law 103-199, được đồng thanh thông qua 17.12.1993 và đã được Tổng Thống Clinton ký ban hành.

Đạo Luật The Public Law cho phép The National Captive Nations Committee, Inc. xây dựng, duy trì và hoạt động trong vùng Thủ Đô Wahington DC.

Vì Quốc Hội không chịu đài thọ ngân khoản cho việc xây dựng tượng đài nên “Quỹ Đài Tưỡng Niện Các Nạn Nhân Cộng Sản” (The Victims of Communism Memorial Foundation) đã được thành lập dưới hình thức một hội bất lợi (non-profit organization) và theo Đạo Luật nói trên của Quốc Hội. Tiến Sĩ Lee Edwards được bầu làm chủ tịch. Mục đích của Quỹ này là để xây một tượng đài tưởng niệm ở Washington DC để tưởng nhớ hơn 100 triệu nạn nhân cộng sản, để vinh danh những người đã kháng cự lại cộng sản có kết quả, và để giáo dục cho các thế hệ hiện tại và tương lai về tội ác của Cộng Sản đối với nhân loại.

Tiến sĩ Lee Edward cho biết chi phí xây dựng tượng đài do các cộng đồng di dân tại Hoa Kỳ đóng góp, bao gồm các sắc dân vùng Baltic như Latvia, Lithuania, Estonia cũng như Trung hoa và Việt Nam. Ngoài ra, các chính phủ Đài Loan, Tiệp Khắc, Ba Lan và ba nước Baltic cũng góp phần.

Cộng đồng Người Việt tại Hoa Kỳ đã quyên góp được hơn 33.000 USD và nhờ sự yểm trợ của các cộng đồng bạn, số tiền đó đạt tới trên 66.000 USD và được chuyển ngay đến Quỹ Đài Tưởng Niệm.

Cuối năm 2005, ông Lee Edward nói rằng nếu có đủ số tiền 650.000 USD, việc khởi công có thể bắt đầu tiến hành vào mùa xuân năm 2006 và công trình này sẽ hoàn thành trong vòng 6 tháng sau đó. Nhưng rồi phải đến ngày 28.9.2006, lễ khởi công xây dựng tượng đài mới được cử hành. Số tiền đóng góp về sau lên gần một triệu đô la.

Trong lể khởi công, Tiến sĩ Lee Edwards tuyên bố đài tưởng niệm được xây dựng để nhớ đến hơn 100 triệu nạn nhân bao gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em đã chết tại 25 quốc gia trên khắp thế giới trong thế kỷ vừa qua. Ông cho biết: “Mặt trước bệ tượng đài sẽ là hàng chữ: “Cho hơn 100 triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng sản và cho tất cả những ai yêu chuộng tự do” , còn mặt sau của bệ là hàng chữ: “Cho tự do và độc lập của các quốc gia và dân tộc bị giam hãm.”

Tiến sĩ Lee Edwards nói rằng những người đóng góp xây dựng tượng đài đã nghe thấy lời kêu than của hằng hà sa số con người bị giết vì tội danh gọi là “kẻ thù của nhân dân”, lời kêu than của vợ hay chồng những người bị tống vào trại lao cải vô thời hạn chỉ vì thuộc gia đình đáng ngờ vực về chính trị. Đó cũng là tiếng kêu than của các trẻ mồ côi, của những họ hàng thân thích như cô chú, anh chị em không dám nhận mối quan hệ với nhau chỉ vì sợ sẽ bị đưa vào trại tập trung như người thân. Ông nói tiếp:

“Bằng những ngôn ngữ khác nhau và từ khắp nơi trên thế giới, họ luôn luôn kêu gào, đừng quên chúng tôi, đừng quên chúng tôi. (Vì thế mà) chúng ta không thể, chúng ta không được phép, và chúng ta quyết không quên những ai đã chết và cả những ai đang chết vì chủ nghĩa Cộng sản.”

Bà Paula Dobriansky, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói rằng cái chết của nạn nhân tại các nước Cộng sản là hậu quả trực tiếp và thường là cố tình của các quyết định mà giới lãnh đạo ban hành. Bà nhấn mạnh rằng tượng đài tưởng nhớ này sẽ tồn tại lâu hơn là đời sống của những người xây dựng nó: “Nó sẽ nói với các thế hệ sau về những lầm than mà chủ nghĩa Cộng sản đã gây nên, về những cố gắng tập thể để chống lại chủ nghĩa ấy cũng như nội lực mạnh mẽ của những người từng là nạn nhân của chủ nghĩa ấy, nhưng đã chiến thắng được nó.”

Bà Dobriansky nói thêm rằng sự sụp đổ của các nước Cộng sản Đông Âu cuối thế kỷ trước phải được coi là chiến thắng của tinh thần con người. Đó cũng là chỉ dấu cho thấy rằng tinh thần con người luôn toả sáng cho dù có bị đầy đọa và phá hủy

THẨM ĐỊNH TỘI ÁC CỘNG SẢN

Chúng ta nhớ lại, hôm 25.1.2006, Nghị Viện Âu Châu đã họp tại thành phố Strasbourg ở miền đông bắc nước Pháp, đưa ra Nghị Quyết số 1481 với đa số áp đảo, 99 phiếu thuận và 42 phiếu chống, lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại, và các chế độ toàn trị cộng sản đã vi phạm nhân quyền tập thể.

Điều 2 của Nghị Quyết tuyên bố rằng những chế độ cộng sản toàn trị từng cai trị ở Trung Âu và Đông Âu trong thế kỷ qua, và hiện vẫn còn cầm quyền ở vài nước trên thế giới, tất cả không loại trừ, có đặc điểm là vi phạm nhân quyền tập thể. Những vi phạm nầy khác nhau tùy theo nền văn hóa, quốc gia và giai đoạn lịch sử, bao gồm cả những hành vi sau đây:

- Ám sát và hành quyết cá nhân hay tập thể, gây chết chốc trong các trại tập trung, để cho chết đói, đày ải, tra tấn, bắt buộc lao động nô lệ, và những hình thức khác về khủng bố thể xác tập thể,

- Ngược đãi vì chủng tộc hay tôn giáo,

- Vi phạm các quyền tự do lương tâm, tự do tư tưởng, tự do phát biểu và tự do báo chí, ngoài ra còn thiếu vắng đa nguyên về chính trị.

Điều 5 của Nghị Quyết nói đến việc cần thiết phải điều tra, truy tố và đưa những người vi phạm ra xét xử.

Trong cuốn “Death by Government” (Chết do Chính Phủ), Rudolph J. Rummel, giáo sư khoa học chính trị tại Đại Học Yale và Đại Học Hawaii, đã liệt kê những chế độ sau đây vào 10 chế độ gây chết chốc nhất (most murderous regimes) trong thế kỷ 20, đó là: Liên bang Soviet, Cộng Sản Trung Hoa, Đức Quốc Xã, chế độ Quân Phiệt Nhật, Cam-bốt dưới thời Khmer Đỏ, Thổ Nhỉ Kỳ dưới thời Young Turks, Cộng Sản Việt Nam, Cộng Sản Ba Lan và Pakistan dưới thời Yahya Khan.

Giáo sư R.J. Rummel cũng đã liệt kê số nạn nhân bị sát hại trong thế kỷ 20 như sau:

61.911.000 bị chết trong các trại tù Gulag của Liên Bang Sô Viết.

35.236.000 bị chết dưới chế độ cộng sản Trung Quốc.

20.946.000 bị chết vì chính sách diệt chủng của Đức Quốc Xã.

5.964.000 bị chết dưới thời Quân Phiệt Nhật.

2.035.000 bị chết dưới thời Khmer Đỏ.

1.883.000 bị chết dưới chề độ diệt chủng ở Thổ Nhĩ Kỳ.

1.670.000 bị chết vì cuộc chiến Việt Nam.

1.585.000 bị chết do nạn thanh lọc chủng tộc tại Ba Lan.

1.503.000 bị chết trong thời Young Turks.

1.072.000 bị chết dưới chế độ Tito.

Sau đây là phần tóm lược về tội ác của một số lãnh tụ cộng sản lớn của thế giới:

I.- SƯ TÀN ÁC CỦA LÉNIN: Trường hợp của Liên Sô được coi là trường hợp điển hình nhất của tội ác chống nhân loại của chủ nghĩa cộng sản: Sau cách mạng tháng 10 năm 1917, Vladimir Lénin lật đổ chế độ quân chủ ở Nga và thành lập Liên bang Sô Viết gồm Nga và 14 nước láng giềng. Từ đó dân Nga phải sống dưới một chế độ cùng khốn.

Sau khi chế độ cộng sản Liên Sô và các nước Đông Âu sụp đổ, các hồ sơ mật lấy từ Văn Khố Cộng Sản Sô Viết cho biết Vladimir I. Lenin là một lãnh tụ đồ tể gian ác, giết người không gớm tay.

Trong bài "Lenin paints himself black with his own words" (Lenin tự tô đen mình bằng chính ngôn ngữ của mình) đăng trên tờ New York Times, ký giả Richard Bernstein viết:

"Chính trong khoảng thời gian 1917-1922, khi Vladimir I. Lenin lưu vong trở về Trạm Finland ở St. Petersburg, ông ta bị tật nguyền vì vỡ mạch máu, ông ta đã thi hành quyền lực chuyên chế bạo ngược trên toàn Liên Sô, dẫn đầu cho những tiêu chuẩn toàn kiểm trong thế kỷ thứ 20".

Ký giả Richard Bernstein cho biết các hồ sơ mật cho thấy lãnh tụ Bolshevik Lenin là một người hung hiểm đáng khiếp sợ. Lenin bí mật ra lệnh cho thuộc hạ tổ chức hàng loạt các cuộc thanh trừng đẫm máu và quy mô, treo cổ hàng trăm địa chủ trước nhân dân, cướp đoạt tài sản của Giáo Hội Chính Thống Nga, tàn sát giai cấp tư sản và các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Trong quyển "The Unknown Lenin", ông Richard Pipes, Giáo sư Sử Học Nga thuộc Đại Học Harvard, ghi nhận rằng yếu tố lạnh người nhất là Lenin đã ra lệnh "tạo sự kinh hoàng" trong quần chúng trên toàn quốc. Hồi đầu tháng 9.1918, Lénin viết: "Cần thiết và khẩn cấp chuẩn bị cho sự kinh hoàng, một cách bí mật". Tháng 8 năm 1918, Lénin chỉ thị cho bọn cầm quyền tỉnh Penza phải treo cổ ít nhất 100 người, một cách công khai. Lénin truyền lệnh: "Hãy thực hiện chuyện này bằng một phương cách mà người ta sẽ thấy, từ xa hàng trăm dặm, run sợ, biết đến, và gào thét. Họ bị treo cổ, và sẽ treo cổ đến chết bọn địa chủ hút máu".

II.- TỘC ÁC CỦA STALIN: Năm 1924, Lenin qua đời và Joseph Stalin lên thay thế. Stalin áp dụng triệt để chính sách tập thể hoá nông nghiệp, người nào tỏ ý chống đối liền bị giết hoặc đưa vào các trại lao động tập trung, tiếng Nga gọi là Gulag. Từ năm 1929 đến 1953, có khoảng từ 15 đến 20 triệu người Nga bị thiệt mạng, phần lớn là ở trong các trại tập trung.

Các sử gia ước tính rằng đã có khoảng 1/5 nạn nhân của Stalin chết trong các trại tập trung ở Kolyma, một vùng xa xôi hẻo lánh cách Moscow khoảng 9000 cây số. Cuộc sống trong các trại này dã man và khủng khiếp không thua gì các trại tập trung của Đức Quốc Xã ở Auschwitz, Ba Lan, trước đó, nên thường được gọi là Auschwitz của Nga.

Trước hết các tù nhân bị nhét vào những xe chở gia súc và đưa đến Vladivostok. Trên chặng đường đó, một số người đã bị chết ngạt vì cảnh chen chúc trên xe. Từ Vladivostok, tù nhân bị đưa lên tàu đến Kolyma. Cuộc hải trình dài từ 8 đến 10 ngày. Nhiều người đã chết trong cuộc hải trình này. Có một chiếc tàu chở mấy ngàn tù nhân bị kẹt trong những tảng băng 9 tháng sau mới tới Kolyma và không một tù nhân nào còn sống sót! Một chiếc tàu khác chở 3000 tù nhân tới cảng Madagan, thủ phủ Kolyma, đúng hạn nhưng không còn có tù nhân nào sống sót cả, vì các tù nhân nổi loạn trên tàu, cai tù dùng vòi nước xịt vào phòng giam, biến phòng giam thành một bể nước dưới 40 độ âm. Toàn bộ tù nhân trên tàu đều biến thành những cây nước đá!

Lúc đó ở Kolyma có hơn 100 trại tập trung. Khi vào trại, đa số tù nhân phải làm công việc đào vàng 14 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng chỉ được lãnh khẩu phần là 700 gram bánh mì và một tô xúp bắp cải. Trong trường hợp không đạt được chỉ tiêu, họ bị bớt khẩu phần.

Không phải chỉ ở Kolyma mà ở tất cả các trại tập trung trên khắp lãnh thổ Liên Sô, các tù nhân đều phải sống trong những điều kiện như thế. Hầu hết các tù nhân chỉ có thể sống được trong vòng 2 năm. Các sử gia ước tính có khoảng 90% tù nhân chết trong tù. Năm 1991, sau khi chế độ Liên Sô tan rã, Tổng thống Boris Yeltsin ra lệnh thả 10 tù nhân chính trị cuối cùng trong các trại tập trung!

III.- TỘI ÁC CỦA MAO TRẠCH ĐÔNG: Trong cuốn “Mao, the unknown story” , bà Jung Chang và chồng là Jon Halliday đã viết:

“Tháng 10 năm 1950 Mao phát động một chiến dịch chống phản cách mạng toàn quốc. Mao cũng đồng thời phát động cuộc cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp ở những vùng mới chiếm. Mục tiêu của Mao là phân chia xã hội ra nhiều thành phần: phản cách mạng, kẻ thù giai cấp, gián điệp, tôn giáo, địa chủ, tư sản, phú nông, cho tới kẻ cướp. Mỗi thành phần bị đối xử khác nhau. Mao hạ lệnh mỗi tỉnh phải gay gắt hơn nữa, phải tăng con số người bị bắt theo tiêu chuẩn của Mao. Mao cũng biết người ta ưa thích bạo động, nên Mao muốn những cuộc hành quyết phải được thực hiện ở nơi công cộng, càng được nhiều người chứng kiến la ó càng tốt. Một nhân chứng cho biết ngay giữa Bắc kinh, nhân chứng đã chứng kiến một đám đông đi theo hò reo la ó bao quanh 200 người bị Công An lôi đi trên đuờng phố và bị hành quyết ngay trên viả hè. Các xác chết, mặc dù còn nhỏ máu, được kéo đi khắp đường phố. Một năm sau, khi chiến dịch kết thúc, Mao tuyên bố có khoảng 700.000 người bị giết, nhưng con số thực sự phải khoảng 3 triệu.”

Tác giả cuốn sách cho biết thêm:

“Những người không bị giết thì bị bắt đi lao động cải tạo. Họ bị đưa tới những vùng hẻo lánh và bị bắt làm cho tới khi kiệt lực mà chết, theo kiểu mẫu của những trại tù Gulag của Liên Xô. Mức độ dã man của những phương pháp hành hạ cải tạo viên khiến một nhà ngoại giao Liên Xô phải thốt lên: “Tụi Quốc Dân Đảng cũng không tàn ác tới như thế”. Trong thời gian Mao cai trị, con số người chết vì lao động khổ sai lên đến khoảng 27 triệu.”

IV.- TRƯỜNG HỢP KHMER ĐỎ: Đọc cuốn “When broken glass floats – Growing up under the Khmer Rouge” của Chanrithy Him, hay xem cuốn phim “The Killing Fields” , chúng ta có thể hình dung được vô số những tội ác rùng rợn mà Khmer Đỏ đã thực hiện trong thời gian chúng cai trị. Để truy tố các lãnh tụ Khmer Đỏ, các chuyên viên tư pháp đã đến hiện trường thu thập bằng chứng, lấy lời khai của các nhân chứng và lập biên bản, nên chúng ta có nhiều tài liệu chính xác hơn.

Các chuyên gia đã đánh dấu được hơn 20.000 địa điểm bị nghi là những ngôi mộ tập thể dưới thời Khmer Đỏ và cho đào bới để tìm hiểu những gì đã thật sự xẩy ra tại Cam-bốt trong thòi gian Khmer Đỏ cai trị, từ 14.4.1975 đến 7.1.1979.

Học giả Etcheson cho biết các bằng chứng mới nhất cho thấy đã có từ 2.200.000 cho tới 2.500.000 người đã bỏ mạng dưới thời Pol Pot.

Nên biết, sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, các chuyên gia đã ước lượng trong tổng số 7.100.000 dân Cam-bốt (số liệu 1972) có khoảng 1.700.000 người đã bị giết, Trong khi đó, nhà cầm quyền Cam-bốt cho rằng số người bị giết lên đến khoảng 3.316.000 người.

Theo học giả Etcheson, từ 1.100.000 cho tới 1.250.000 người đã bị xử tử; số còn lại chết vì đói khát, vì lao động cực khổ trong các trại lao động cưỡng bách. Các thành phần sau đây thường bị lựa chọn để tra tấn và đưa đi hành quyết:

1.- Bất cứ ai có liên hệ đến chính quyền cũ hay các chính quyền ngoại quốc.

2.- Những người trí thức hoặc chuyên gia, nhất là những người có đeo kính vì cho rằng họ đã đọc nhiều!

3.- Những người thuộc sắc tộc Việt Nam; những người theo Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo và các tu sĩ Phật Giáo.

4.- Những thành phần phá hoại kinh tế (nhắm vào những người giàu có trước đây sống ở thành thị, không có khả năng canh tác).

Thi thể của các nguời bị giết thường được vùi trong các mộ tập thể. Khu vực ở cách phía tây nam Phnom Penh khoảng 15 cây số được gọi là “Killing Fields of Cheung Ek” . Ở đó có khoảng 17.000 người đã bị giết và chôn trong các mộ tập thể. Đa số nạn nhân này trước đó đã từng bị giam và tra tấn trong nhà tù Toul Sleng trước khi được chuyển qua đây để hành quyết.

Các chuyên viên điều tra đã chia các mộ tập thể thành 3 loại:

- Loại 1: mộ tập thể nhỏ, thường là mộ của nguyên một gia đình như cha mẹ ông bà, một ít thân nhân và trẻ con.

- Loại 2: mộ tập thể trung bình, số người bị giết và chôn lên tới 200 người, chủ yếu là các tù nhân bị chọn lựa định kỳ tại các trung tâm giam giữ. Riêng tại trung tâm tra tấn số 21 đã có khoảng 16.000 người bị thanh lọc để bị xử tử trong 3 năm rưỡi.

- Loại 3: mộ tập thể lớn chứa tới 7.000 xác mỗi mộ.

Học giả cho biết loại mộ này được sử dụng khi nhà cầm quyền quyết định thanh toán toàn thể một quận. Chi phí cho các công tác điều tra nói trên đều do Cơ Quan Phát Triển Hoa Kỳ đài thọ thông qua Hiệp Hội Á Châu (Asia Foundation).

Những thủ phạm chính của tội ác chống nhân loại và tội diệt chủng là các nhân vật nằm trong Angka, tức cơ quan lãnh đạo tối cao của Khmer Đỏ. Sau đây là 3 nhân vật chính: (1) Pol Pot (Saloth Sar): “Anh Cả số 1”, Tổng Thư Ký Đảng Cộng Sản Cam-bốt từ 1963 cho đến khi qua đời vào năm 1998. Ông ta là người lãnh đạo phong trào. (2) Nuon Chea: “Anh Cả số 2”, Thủ Tướng, hiện còn sống. Theo Duch, Giám Đốc Sở An Ninh của Khmer Đỏ, “Nuon Chea là nhân vật chính yếu của các vụ giết chốc.” (3) Ieng Sary (anh vợ của Pol Pot): “Anh Cả số 3”, Bộ Trưởng Ngoại Giao, Phó Thủ Tướng, hiện còn sống.

V.- TRƯỜNG HỢP CSVN: Trong cuốn “Death by Government” , sau khi trình bày qua lý lịch của Hồ Chí Minh, Giáo sư R.J. Rummel đã mô tả một cách tổng quát về tội ác của Đảng CSVN trong thời kỳ đầu như như sau:

“Khi Việt Minh tranh đấu chống Pháp, họ cũng thực hiện một cuộc chiến tranh bí mật tồi bại chống lại những người quốc gia không cộng sản cạnh tranh với họ. Họ ám sát, hành quyết và tàn sát tập thể tất cả các nhóm quốc gia, kể cả những thân nhân, bạn bè và vợ con của họ. Nhưng những người quốc gia không phải là những nạn nhân duy nhất, “giai cấp thù nghịch” cũng bị “trừng phạt”. Họ cũng thanh toán cả các nhóm Trotskystes và những người khác bị coi là đi lệch chủ nghĩa (tức nhóm xét lại). Hàng ngàn người trong giới trí thức cao cấp và những người Việt sáng giá đều bị tiêu diệt trong thời gian từ 1945 đến 1947 khi cộng sản củng bố quyền hành của họ.”

Các chuyên gia ước lượng trong thời gian từ 1945 – 1947, Việt Cộng đã giết khoảng 50.000 thành phần đảng phái quốc gia và tôn giáo. Ngoài ra, hai biến cố quan trọng sau đã được đa số chú ý, đó cuộc Cải Cách Ruộng Đất năm 1956 và biến cố Tết Mậu Thân năm 1968.

Về nạn nhân của cải cách ruộng đất: Nhật báo Nhân Dân số ra ngày 20.7.1955 cho biết kết quả 6 đợt cải cách ruộng đất đầu tiên có 10.303.004 người bị ảnh hưởng.

Bộ “Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000” tập 2, (giai đoạn 1955-1975) do Viện Kinh Tế Việt Nam xuất bản tại Hà Nội năm 2004, cho biết có 172.008 người đã bị đấu tố, tức bị giết. Tuy nhiên, sau khi sửa sai và kiểm tra lại, Đảng và Nhà Nước nhận thấy có đến 123.266 người bị coi là oan (chiếm đến 71,6%).

Về biến cố Tết Mậu Thân: Trong cuốn “The Vietcong Massacre at Hue” xuất bản năm 1976, Bác sĩ Elje Vannema cho biết số hài cốt tìm được trong 22 mồ chôn tập thể tại Huế sau khi Cộng quân rút lui là 2.326 người. Còn trong bộ “Encyclopedia of the Viet Nam War” , David T. Zabecki nói rằng số hài cốt tìm thấy trong các mồ tập thể là 2.810 người và hàng ngàn người bị mất tích.

Có bằng chứng cho thấy tại nhiều nơi Cộng quân đã bắt các nạn nhân đào hố, sau đó trói thúc ké tay chân họ lại, ném xuống các hố do nạn nhân đào và lấp đất lại chôn sống. Đến tháng 4/1968 người ta tìm thấy mồ chốn 3 Bác Sỉ Tây Đức và bà Krainich (vợ Bác sĩ Krainich) gần khu chùa Tường Vân. Ba giáo sư này đã đến dạy cho Trường Đại Học Y Khoa Huế. Họ đã bị bắt đi sáng 31.1.1968.

Dĩ nhiên, tội ác chống nhân loại của Đảng CSVN còn nhiều, nhưng vì chúng ta chưa truy tìm đầy đủ các bằng chứng lịch sử để kết tội, nên sử liệu bị thiếu sót quá nhiều.

MỘT NHẬN XÉT TỔNG QUÁT

Để kết thúc bài này, chúng tôi xin trích một đoạn trong cuốn "Livre noir du commumisme" (Sách đen về chủ nghĩa cộng sản) của ông Stéphane Courtois, Giám Đốc Nghiên Cứu thuộc Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu về Khoa Học của Pháp, nhận xét tổng quát về sự tàn bạo của chủ nghĩa cộng sản:

“Vượt lên trên mức độ tội ác cá nhân, hoặc tàn sát cục bộ địa phương theo hoàn cảnh, các chế độ cộng sản củng cố quyền hành bằng cách nâng việc tàn sát quần chúng lên hàng chính sách cai trị... Đúng là sau một thời gian ngắn hay dài vài năm ở Đông Âu đến vài chục năm ở Liên Xô và Trung Quốc, cường độ của sự khủng bố có bớt đi, chế độ tự ổn định bằng cách quản lý sự đàn áp thường nhật, sự kiểm duyệt mọi trao đổi, kiểm soát biên giới, trục xuất người ly khai. Nhưng "ký ức về khủng bố" tiếp tục làm cho tin tưởng rằng sẽ có đàn áp, và điều này rất hiệu nghiệm. Không một trường hợp nào thoát khỏi qui luật đó: Trung Quốc, Bắc Hàn, và ngay cả Việt Nam hay Cuba...”

Chúng tôi hy vọng với một số sự kiện lịch sử mà chúng tôi đã trích dẫn trong bài này và nhận xét của ông Stéphane Courtois sẽ giúp người Việt chống cộng hiểu rõ hơn phương pháp cộng sản. Cộng Sản tin rằng sợ sệt (la peur), đói khát (la faim) và ngu dốt (l’ ignorance) sẽ làm cho con người tuân phục. Phá vở ba cái đó, Chủ Nghĩa Cộng Sản sẽ sụp đổ. Các nước Tây Phương đang làm như vậy đối với các chế độ cộng sản còn lại, nhưng không phải bằng bạo động, mà bằng “diễn biến hòa bình.” Mỗi giai đoạn lịch sử dùng một phương pháp khác nhau!