Kinh Truyền tin lễ thánh Gioan Tiền hô

Hôm qua phụng vụ mừng lễ Sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả. Vị thánh này có vài nét độc đáo. Thứ nhất, ông được phụng vụ mừng hai lễ sinh nhật. Thông thường các thánh khác được mừng lễ vào ngày tử đạo hoặc ngày qua đời, được coi như là sinh vào cõi bất diệt: ngày tử đạo của thánh Gioan được mừng vào ngày 29 tháng 8. Ngoài ra, Người còn được mừng vào ngày mở mắt chào đời, 6 tháng trước lễ sinh nhật của Chúa Giêsu, căn cứ theo những dữ kiện của Tin mừng theo thánh Luca, khi mà thiên sứ đến truyền tin cho đức Maria 6 tháng sau khi truyền tin cho ông Dacaria. Phụng vụ mừng lễ sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả vì nhiều lý do. Thứ nhất, bởi vì thánh Luca nói rằng ông đã được chúc tụng vì được thánh hoá ngay từ lòng mẹ. Kế đến, bởi vì ông mang sứ mạng là tiền hô cho Chúa Cứu thế. Ông được xem như chiếc cầu nối kết giữa Cựu ước và Tân ước: ông được coi như ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước, loan báo sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Hơn thế nữa, ông không những đã nhìn thấy mà còn làm chứng cho Đấng Mesia, khi ông chứng kiến quang cảnh mặc khải trang trọng về căn cước của Đức Giêsu sau khi lãnh phép rửa ở sông Hoà giang. Ông làm chứng cho đức Kitô không chỉ bằng lời rao giảng thống hối mà còn bằng chính cuộc sống của mình, khi ông đã trả giá cho tính cương trực bảo vệ chân lý bằng chính mạng sống. Những điều này đã được Đức Thánh Cha nêu bật trong bài huấn dụ trước khi đọc kinh Truyền tin, trước khoảng 50 ngàn tín hữu tụ họp tại quảng trường thánh Phêrô. Sau khi ban phép lành Toà Thánh, ngài ngỏ lời cám ơn đặc biệt các tín hữu tại Italia, đã dành chúa nhựt trước lễ trọng hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô làm ngày quyên tiền giúp vị kế nhiệm thánh Phêrô có thể thực hiện công tác truyền giáo và bác ái.

Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ


Anh chị em thân mến,

Hôm nay, ngày 24 tháng 6, phụng vụ mời chúng ta mừng lễ sinh nhựt thánh Gioan Tẩy giả. Trót cuộc đời của người hướng về Chúa Kitô, cũng tựa như Đức Maria thân mẫu của Chúa vậy. Thánh Gioan là “tiền hô”, “tiếng” được phái đến để loan báo Lời Nhập thể. Vì thế, mừng lễ sinh nhựt của thánh Gioan cũng là mừng Chúa Kitô, đấng hoàn tất những lời hứa của tất cả các ngôn sứ, trong số ấy vị Tẩy giả là đấng cao trọng nhất bởi vì được gọi “dọn đường” cho đấng Mesia (xc. Mt 11,9-10).

Tất cả các sách Tin mừng đều bắt đầu kể lại cuộc đời công khai của Chúa Giêsu với trình thuật việc Người lãnh phép rửa bởi ông Gioan ở sông Giorđanô. Thánh Luca lồng sự xuất hiện của vị Tẩy giả trong một khung lịch sử trọng đại. Cuốn sách của tôi viết về Đức Giêsu Nazareth cũng mở đầu với việc đức Giêsu lãnh phép rửa ở sông Giorđanô, một biến cố đã để lại tiếng vang lớn vào thời ấy. Từ thành Giêrusalem và mọi xứ thuộc miền Giuđê, thiên hạ tuốn đến nghe ông Gioan giảng và lãnh phép rửa dưới sông, kèm theo việc xưng thú tội lỗi (x. Mc 1,5). Danh tiếng của vị tẩy giả đã tăng đến mức mà nhiều người tự hỏi phải chăng ông ta là Đấng Mesia. Nhưng như tác giả sách Tin mừng đã nêu bật, ông đã thẳng thắn phủ nhận : “tôi không phải là Đấng Mesia” (Ga 1,20). Tuy nhiên, ông là “người chứng” số một của đức Giêsu, bởi vì ông đã được Trời cao chỉ dẫn rằng: “kẻ nào mà ông thấy Thần khí xuống và ngự ở trên mình, là kẻ rửa trong Thần khí” (Ga 1,33). Điều này đã diễn ra khi đức Giêsu ra khỏi nước sau khi lãnh phép rửa: ông Gioan thấy đáp xuống trên Người Thần khí như là chim bồ câu. Lúc ấy, ông nhận biết chân tướng đích thực của đức Giêsu Nazareth, và bắt đầu giới thiệu cho dân Israel được biết (Ga 1,31), giới thiệu Người như là Con Thiên Chúa và đấng cứu chuộc nhân loại: “Đây là Thiên Chúa, đấng cất đi tội lỗi của thế gian” (Ga 1,29).

Ông Gioan là một ngôn sứ chân chính, ông làm chứng tá cho sự thật chứ không nhân nhượng. Ông tố giác những sự lỗi phạm giới răn của Thiên Chúa, kể cả khi thủ phạm là kẻ nắm quyền hành. Vì thế, khi tố giác tội ngoại tình của vua Herođê và bà Hêrođia, ông đã trả giá bằng mạng sống của mình, lấy cuộc tử đạo để đóng ấn cho việc chứng tá cho Đức Kitô, là hiện thân của Sự thật. Chúng ta hãy nài xin thánh Gioan chuyển cầu, cùng với Mẹ Maria rất thánh, ngõ hày kể cả vào thời buổi hôm nay Giáo hội biết duy trì lòng trung thành với Chúa Kitô, và can đảm làm chứng cho sự thật và tình yêu của Người dành cho hết mọi người.