Tôi đọc tập thơ Hành Hương của nhà thơ Lê Đình Bảng trong dịp họp Hội nghị BISCOM lần thứ VI do Văn phòng Truyền thông Xã hội (Office of Social Communication) trực thuộc Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) tổ chức tại Đại học Assumption ở Bang Na, gần thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Lời thơ của bài “Tự tình khúc” cứ theo tôi trong suốt những ngày họp ở đất khách quê người:

“Nhiều khi, tôi hỏi riêng tôi
Bát cơm nhà Chúa, hạt vơi, hạt đầy
Hạt nào tôi giữ trong tay
Của riêng, xin để dành ngày cánh chung
Hạt nào chim chóc khe truông
Xanh um bờ bãi, cỏ lùng sinh sôi
Nhiều khi, tôi trách thân tôi
Bát cơm nhà Chúa, hạt rơi, hạt còn
Hạt nào ra nhánh trăm muôn
Đồng chiêm, đồng trũng chờ xôn xao mùa
Hạt nào theo gió xa đưa
Trôi đi tít tắp chiều mưa trắng đồng
Hạt nào bay giữa thinh không
Tôi nghe sóng ở đáy sông cồn cào…”


(x. Lê Đình Bảng, Hành Hương, NXB Tôn Giáo, tr. 143-144).

Lời thơ như gợi nhớ dụ ngôn Người gieo giống trong Tin Mừng (x. Mt 13,3-9; Mc 4,3-9; Lc 8,5-8) với những vần thơ lục bát thật dễ thương, vang vọng âm hưởng ca dao và đậm đà bản sắc văn hoá dân gian.

Bài thơ như nhắc tôi nhớ lại bao công lao khó nhọc của các bậc tiền bối, cha ông đã gầy dựng nên nền văn hoá dân tộc, từ thuở khai nguyên của nền văn hoá nông nghiệp lúa nước với nét đặc trưng: trọng tình hơn lý, trọng đức hơn tài, trọng văn hơn võ, trọng nghĩa hơn vật và trọng nữ hơn nam, cho đến nền văn hoá công nghiệp hiện đại của Tây Phương với những nét đặc trưng gần như ngược lại. Tuy nhiên, trong buổi giao thời này, nền văn hoá cũ dường như mờ nhạt và nền văn hoá mới lại chưa định hình nên nhiều người, nhất là các bạn trẻ, như quay cuồng giữa hai luồng gió Đông - Tây và không biết trôi dạt về đâu.

Người ta hối hả học đêm học ngày mong thấu đạt cái lý của vạn vật và quên mất cái tình của con người. Người ta so đo giữa mảnh bằng bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, tiến sĩ để xét đến cái tài nhưng lại bỏ quên cái đức. Người ta trọng người theo cái nhà, cái xe, cái áo, cái quần hợp “mốt” và quên hẳn chữ “nghĩa”, chữ “nhân”. Người ta trang bị mọi kỹ năng sống để chiến đấu với vạn vật, với con người như những tên giác đấu La Mã cổ xưa và không còn quan tâm đến cái “văn”, nghĩa là cái đẹp trong thiên nhiên, trong cộng đồng con người.

Vì thế, những bài thơ của Lê Đình Bảng như toả vào cộng đồng Công giáo Việt Nam mùi hương của đạo mà lâu lắm rồi người ta quên bẵng nó. Những nhà văn, nhà thơ Công giáo đã biến mất như những con khủng long sau cuộc thay đổi đột ngột của khí quyển trái đất vào cuối Kỷ Phấn (Krêta) cách đây 65 triệu năm. Trước kia, trong giai đoạn mở đạo, các vị tiền nhân đã viết nên bao tác phẩm văn chương bằng chữ Nôm, rồi bằng chữ Quốc ngữ với những lời kinh, lời Chúa viết theo thể thơ, nhất là thơ lục bát. Nhờ đó, người Công giáo Việt Nam đã giới thiệu cho đồng bào một nền văn hoá sự sống và nền văn minh tình yêu làm thay đổi cả một xã hội phong kiến, lạc hậu dựa trên những nguyên tắc của Nho giáo.

Các nhà nho có tâm huyết như Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926) đã hô hào dân chúng sống tinh thần của người Công giáo để bỏ đi cái học từ chương cổ hủ, cắt đi búi tóc, móng tay dài, xem mọi người là anh em chứ không ai có quyền sinh sát đối với người khác; bỏ chế độ đa thê, học chữ Quốc ngữ và các khoa học kỹ thuật của nền văn minh Tây Phương (x. Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên Giám 2005, tr. 197). Nền văn hoá Công giáo ấy, qua đời sống tốt đẹp của ngườu tín hữu, qua các phương tiện truyền thông như sách báo (tờ Gia Định Báo bằng chữ Việt, miền Nam, 1865) đã khai sáng cho bao thế hệ văn nghệ sĩ và khoa học gia sau này của đất nước chúng ta.

Tuy nhiên, khi chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng trong một xã hội đổi mới thì các Kitô hữu Việt Nam dường như dừng lại, không còn tiến bước trên con đường văn học nghệ thuật nữa. Người ta đếm trên đầu ngón tay những nhà thơ, nhà văn Công giáo. Tại sao người Công giáo hiện nay lại ít tham gia vào sinh hoạt văn hoá nghệ thuật như thế? Có phải vì chúng ta ngủ quên trong chiến thắng? Có phải vì chúng ta không quan tâm đến các lĩnh vực văn chương, khoa học, xã hội để chỉ lo việc Chúa với nghi lễ phụng tự hoành tráng hay nền tu đức thâm sâu? Có phải vì chúng ta thiếu đào tạo cho các linh mục, tu sĩ nam nữ về lĩnh vực này? Có phải vì thiếu sân chơi văn hoá cho các bạn trẻ sinh hoạt nên không có nhiều tác phẩm? Có phải do các vị lãnh đạo Công giáo không chú ý đến mặt làm thơ văn nghệ thuật vì đa số là những người đi du học ở nước ngoài về? Có phải các Kitô hữu Việt Nam ngại viết, ngại nói vì sợ những gì mình trình bày bị coi là rối đạo do chưa được đào tạo về thần học, giáo lý? Có phải có một sự phân biệt nào đó trong các sân chơi ngoài xã hội như các hội văn học nghệ thuật, các tờ báo, các đài truyền thanh, truyền hình, các trang web… đối với người Công giáo? Ta có thể nêu ra hàng chục lý do giải thích nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn là từng người tín hữu chưa ý thức mình cần phải sử dụng tất cả tài năng cũng như ân sủng Thánh Thần đê làm chứng cho Chúa Kitô.

Hy vọng tập thơ Hành Hương của nhà thơ Đình Bảng như một tín hiệu vui cho cộng đồng tín hữu Việt Nam về một thời đại mới để có nhiều người dấn thân hơn trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Nếu có thể được mượn ý của tác giả Truyện Kiều để liên kết việc thờ lạy ngợi khen Chúa với hoạt động sáng tác thơ văn, thì tôi xin cầu chúc anh Đình Bảng với các bạn dấn thân vào lĩnh vực này như sau:

“Chữ thờ liền với chữ thơ một vần!”