CARTHAGE -- Hiện tượng, ấn tượng, cảnh tượng,tưởng tượng, viễn tượng. Trong những từ này, từ nào cũng có chữ tượng. Nhưng chữ tượng trong những từ đó đều khác nhau. Ở đây chỉ xin bàn về chữ tượng trong hai từ hiện tượng và ấn tượng.

Hai từ này cứ lởn vởn trong đầu óc tôi từ khi dự lễ truyển chức linh mục ở Bùi Chu ngày 6.9.2007 và các thứ lễ ở Sài gòn vào cuối tháng sáu vừa qua, như lễ truyền chức, lễ khấn dòng, lễ ngân khánh, kim khánh linh mục và bây giờ những ngày tôn kính Đức Mẹ Ma-ri-a cách rất đặc biệt ở Carthage, bang Missouri, tại Dòng Đồng Công. Chính quyền thành phố gọi những ngày nay là Marian Days, nên đã cho cảnh sát gác đường, chỉ lối, giữ trật tự và coi đây là những sinh hoạt thông thường mỗi năm của thành phố.

Nhìn xem hàng trăm linh mục đồng tế và hàng ngàn giáo dân che dù, đội nón ở ngoài trời, trên các mái nhà chung quanh sân nhà thờ chánh tỏa Bùi Chu, dưới sức nóng 40 độ C, tham dự thánh lễ truyền chức, tôi vô cùng cảm kích và coi đây là một hiện tượng đầy ấn tượng. Rồi đến những lễ truyền chức ở Sài gòn tại Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đa Minh, Dòng Phan-xi-cô và Vương Cung Thánh Đường. Nếu ở Bùi Chu, trong bài giảng, Đức Cha Tiệm đã coi lễ truyền chức cho 50 ứng viên linh muc là một mùa bội thu, thì những lễ truyền chức ở Sài gòn cũng là một mùa thu hoạch không nhỏ. Tuy vậy, có người ở Mỹ lại tỏ ra hoài nghi về con số và phẩm chất của các linh mục thời đại mới, cũng như Michel de Saint Pierre đã tỏ ra lo ngại và ít có thiện cảm với các linh mục mới trong cuốn Les nouveaux prêtres của ông xuất bản tại Paris năm 1963.

Ý tưởng về hiện tượng và ấn tượng cứ theo đuổi tôi mãi cho đến chiều hôm nay (2.8.2007), khi lần đầu tiên đến dự những Ngày Thánh Mẫu diễn ra hàng năm vào dịp này, đã từ 30 năm qua. Cảnh tượng ở đây cũng giống như La vang: cũng lều, cũng bạt, cũng xe, nhưng ở đây đầy đủ phương tiện hơn và đươc chính quyên thành phố yểm trợ tối đa. Khí hậu trong những ngày này rất nóng nực. Nhiệt độ ở ngoài trời lên tới 95, 96 độ Farenheit.

Chiều hôm qua cử hành thánh lễ khai mạc. Đức Cha John J. Leibrecht, Giám mục giáo phận Springfield-Cape Girardeau chủ tế và giảng, có Đức Cha Mai Thanh Lương, Giám mục Phụ tá giáo phận Orange, Đức Cha Châu ngọc Tri, Giám mục Đà Nẵng, 126 linh mục đồng tế, đông đảo tu sĩ nam nữ thuộc các Hội Dòng khác nhau và hơn năm chục ngàn giáo dân đủ mọi lứa tuổi tham dự. Ngoài các linh mục Việt nam từ khắp nơi trên đất nước Mỹ đổ về, còn có 70 linh mục từ Việt Nam, Nhật bản, Đài loan, Pháp Ý qua và lác đác một số linh mục Âu Mỹ da trắng và da đen.

Thánh lễ được cử hành bằng tiếng Mỹ và tiếng Việt. Mở đầu, cha Bề Trên Dòng Đồng Công nói mấy lời chào mừng Đức Cha chủ tế, các Đức Cha, các cha và cộng đoàn bằng tiếng Mỹ và tiếng Việt, đồng thời cám ơn mọi người đã tới tham dự. Sau đó Đức Cha làm dấu Thánh Giá cử hành thánh lễ bằng tiếng Mỹ, bộ lễ hát bằng tiếng Việt, lời nguyện nhập lễ, các bài đọc vừa tiếng Mỹ, vừa tiếng Việt. Âm thanh tốt, ca đoàn tập dượt kỹ lưỡng, cộng đoàn mấy chục ngàn người thưa kinh đáp lễ thật nghiêm trang sốt sắng. Quang cảnh này tạo thành một hiện tượng và gây ra một ấn tượng. Đó là một hiện tượng thần kỳ và một ấn tượng diệu kỳ.

Thần kỳ ở chỗ người đi xe, kẻ đi máy bay mất cả bao nhiêu tiếng đồng hồ với đủ thứ lều trại và các dụng cụ cá nhân, rồi tới nơi dựng lều la liệt giữa các lùm cây trên các bãi cỏ một cách lớp lang trật tự. Diệu kỳ ở chỗ mọi người tích cực tham dự các lễ nghi trong bầu khí tập trung yên lặng. Ngoài ra là việc tổ chức cho bấy nhiêu ngàn người tới đây sinh hoạt trong mấy ngày liền, có đủ những thứ cần thiết. Ở các Đại hội La vang, Ban Tổ chức cũng đã phải đối phó và giải quyết những vấn đề tương tự. Về điểm này, cả hai nơi đều đáng được ngợi khen và cám ơn nồng nhiệt.

Buổi tối, sau lễ, có cuộc kiệu Mình Thánh Chúa vòng quanh khuôn viên rộng lớn của tu viện. Nhìn cảnh tượng hàng hàng lớp lớp người cầm đèn nến đi rước, giữa những lời ca tiếng hát kính Mình Thánh Chúa, tôi thấy chẳng khác gì cảnh khách hành hương cầm đèn đi rước kính Đức Mẹ mỗi tối ở Lộ Đức vậy. Đây là một hiện tượng tôn giáo có sức tác động mạnh mẽ lên lòng đạo đức sốt sáng của những người tham dự.

Sáng nay, khi xuống phòng ăn, nhìn thấy các Đức Cha, cac cha, các tu sĩ nam nữ thuộc đủ các Hội Dòng cũng như các đoàn thể giáo dân, tự nhiên tôi có cảm giác như đây là tiểu Giáo hội Việt Nam ở hải ngoại, một hình ảnh thật đẹp và đầy phấn khởi. Đây cũng là một tụ điểm cho nhiều người đồng đạo mỗi năm gặp lại nhau.

Một điều nữa làm cho tôi cảm kích là sự sẵn sàng chịu cảnh nắng nôi oi bức của các khách hành hương. Đó đích thưc là hành hương theo đúng nghĩa. Thời Trung Cổ, người ta đi hành hương để hãm mình đền tội hay xin các ơn lành hồn xác. Pierre de Craon, một nhân vật trong vở kịch nổi tiếng của thi hào Paul Claudel: L’annonce faite à Marie đã hành hương từ Pháp đi Giê-ru-sa-lem vào thời đó trong tinh thần như vậy. Ngày nay người đi dự những Ngày Thánh Mẫu ở Carthage chắc cũng không nhằm gì khác hơn là ý nghĩa và mục đích nói trên, Có nhìn tận mắt cảnh nằm ngồi la liệt trong các lều trại dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt trong những lùm cây hay khoảng trống chung quanh một khu vực rộng lớn, mới thấy được sự hy sinh chịu đựng vất vả của khách hành hương. Chắc hẳn nếu không đi, ở nhà họ đã có những ngày dễ chịu và vừa ý hơn.

Tôi đã được chứng kiến một hiện tượng đầy ấn tượng ở đây trong ngày đầu tiên khai mạc những Ngày Thánh Mẫu. Ước mong rằng lòng đạo đức sốt sáng của người Công giáo Việt Nam ở hải ngoại, được duy trì và nuôi dưỡng cho thật vững bền và ý nghĩa, để làm nên một thứ giá trị tinh thần bồi đắp cho sự xói mòn lòng tin của những người chung quanh.

Carthage 03.8.2007