CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN C

HÃY SỐNG KHIÊM TỐN TRUNG THỰC

(Lc 14, 7 - 14)


Thưa quý vị,

Bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng câu ca dao: “Bực mình mang lửa đốt trời, ai hay lửa cháy lửa rơi xuống đầu”. Nhưng ít ai hiểu ra ý nghĩa của nó, bết bát hơn nữa là học được bài học người sáng tác ra nó muốn nhắn gửi thiên hạ. Bài học đó là ăn ở khiêm nhường chứ đừng kiêu ngạo, hành xử bằng thái độ tự cao tự đại. Tuy nhiên, ngày nay khi nói chuyện cùng bất cứ người chưa quen biết nào, nhất là thanh niên, chúng ta thường cảm nghiệm có một “khối” kiêu căng trước mặt. Họ nổ lung tung về mọi vấn đề, xem chừng như họ biết hết, kinh nghiệm hết ngóc ngách của cuộc đời. Sau khi họ đi khỏi, chúng ta có ấn tượng họ là “ông biết hết”, “cô biết hết”, “bà biết hết”. Sự đời chung chung là như vậy, trái ngược với lời dạy bảo của Đức Kitô trong phúc âm hôm nay: “Hãy chọn chỗ rốt hết”.

Phải chăng Đức Giêsu khuyên bảo người ta khiêm tốn giả đò? Để rồi được chủ nhà đến và mời lên chỗ cao hơn? Và nếu xét theo hoàn cảnh xã hội của Ngài, thì lời khuyên còn lạc lõng hơn nữa. Trước mắt các lãnh đạo xã hội, tôn giáo lúc ấy, Đức Giêsu chẳng được ai tôn trọng, trái lại bị họ coi là tay bợm nhậu, tội lỗi, lê la với hạng bẩn thịu, như chúng ta ngày nay coi hạng đĩ điếm, xì ke, đầu trộm đuôi cướp chẳng có tư cách nào mà dạy bảo người khác khiêm nhường thật sự.

Hãy xem lời Ngài khuyên bảo chủ nhà: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em họ hàng hay và con hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đặt tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”. Như vậy thì còn đâu là địa vị xã hội? Mục tiêu của đãi tiệc là chi, nếu không phải là tiếng khen, thân hữu? Lời khuyên của Chúa cho vị chủ nhà Pharisêu trọng vọng quả là lạc lõng giữa hoàn cảnh ấy. Ngài chẳng phải là nhà mô phạm xã hội,, hoặc tư vấn lỗi lạc, kiểu người ta tư vấn hàng ngày trên báo chí, đài phát thanh, truyền hình, internet.

Nhưng xin nhớ Ngài luôn huấn luyện cho các môn đệ về lòng khiêm tốn chân thật, gạt bỏ ham hố danh vọng thế gian. Ngài làm gương sáng bằng lời nói việc làm và cái chết nhục nhã trên thập tự, chúng ta ngộ ra lời Ngài hôm nay quả là chí lý. Ong chủ mời Chúa Giêsu hôm nay là một thủ lãnh nhóm Pharisêu và bữa tiệc là quan trọng. Bữa tiệc của ngày Sabát mừng dân Do Thái thoát ách nô lệ Ai Cập và bất cứ sự nô lệ nào: “Một ngày Sabát kia, Đức Giêsu đến nhà một thủ lãnh nhóm Pharisêu để dùng bữa”. Dĩ nhiêm trong bữa tiệc này, mỗi người được sắp xếp theo đúng nghi lễ, đồ ăn, thức uống, khách được mời, vị trí và phong cách khách mời. Mọi thứ đều theo tập tục cách hoàn hảo, không để điều chi thiếu sót. Luca thêm một câu làm cho độc giả suy nghĩ về Chúa Giêsu: “Họ cố dò xét Người”. Chẳng hoá ra Chúa đã bị mang tiếng là tay “phá cách”, “ngang ngược”!

Trong bữa tiệc Đông phương làm chi có bảng hiệu tên cho mỗi thực khách, cũng chẳng có bàn nào đề chữ “reserved” (dành riêng). Ai nấy cứ theo địa vị xã hội mà ngồi vào vị trí của mình. Dĩ nhiên là có sự lộn xộn và họ dò xét thái độ của Chúa Giêsu xem Ngài hành xử như vậy không? Tức có khiêm tốn đúng với vị trí của mình, hoặc tự thổi phồng ngồi vào chỗ danh dự? Đối với họ, Ngài chỉ là tay gàn, rao giảng lang thang như các phù thuỷ thời ấy. Biết rõ bụng họ, nên Ngài đưa ra bài học luân lý, chứ không phải dạy bảo người ta giả hình. Trước hết cho những khách dự tiệc: “Khi anh được mời đi ăn tiệc cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất”. Cỗ nhất là cỗ danh dự, dành cho những người cao trọng. Ngồi chỗ đó là tự nhận mình có địa vị trong xã hội, tôn giáo. Thực tế chỉ có số rất ít có vị trí đó, đa phần thì không. Khiêm nhường là vào đúng chỗ của mình. Điều này chúng ta cũng thường hay mắc phải, tự nhận mình cao hơn giá trị thực. Hay nói cách tượng hình: phình to ra như con nhái trong câu truyện “bò và nhái con” của Esop. Thứ hai, lời khuyên cho chủ nhà: không nên đãi tiệc để được lợi lộc, tiếng khen và hệ quả sau đó. Nhiều khi chúng ta đãi tiệc để nhắm lợi lộc: thí dụ để được thăng quan tiến chức, hay kiếm chác vật chất: trúng thầu, trúng hợp đồng, viện trợ không hoàn lại, …

Chuyện kể rằng có một ông nhà giàu kia tên là Oliver. Ông là người tốt bụng, rộng rãi và thường xuyên làm việc bố thí và phân phát rất hào phóng. Ông già rồi chết đi, dân làng ai cũng khen ông nhân đức, sẽ bay lên thiên đàng thẳng băng. Đúng là ông lên thiên đàng, nhưng khi tới nơi, cửa lại đóng. Ông gõ cửa và thánh Phêrô xuất hiện. Ông xưng danh tánh và chờ đợi thánh Phêrô cho vào. Nhưng thánh nhân cản lại, chỉ vào hai đống vàng vụn, đủ mọi kích cỡ. Một đống lớn và một đống nhỏ, lấp lánh sáng ngời. Thánh nhân nói: hai đống vàng đó là công nghiệp của ông khi còn ở trần gian. Nhưng chúng phải được gạn lọc, viên nào xứng đáng tinh ròng, viên nào còn vương mùi ich kỷ, tư lợi, kiêu ngạo, tiếng tăm hão.

Rồi thánh nhân đưa ra một cái ràng, mắt ràng có thể điều chỉnh. Thánh Phêrô bắt đầu lọc vàng, từ đống nhỏ trước. Oliver ngạc nhiên hỏi: “Tại sao Ngài không bắt đầu từ đống lớn?”. Thánh nhân trả lời “không cần, vì đống to là những tặng phẩm Oliver ban cho bạn bè, thân thích bà con. Cái đó không có giá trị chi cả”. Bỗng dưng một cơn gió đến thổi tung bay tất cả, và chúng biến mất. Oliver xanh mặt thất vọng. Thánh Phêrô sàng đống nhỏ, mẻ sàng còn lại các hột vàng to, thành nhân gom lại và hắt sang một bên, chúng phút chốc thành tro bụi và biến mất. Oliver kinh ngạc hỏi tại sao vậy? Thánh nhân trả lời: “nó còn vương bụi bặm khoe khoang”. Mẻ sàng thứ hai với mắt lưới được điều chỉnh nhỏ hơn. Và thành Phêrô cũng hắt sang một nên những hạt to còn lại trên sàng, chúng cũng đều biến ra tro bụi và bay đi. Oliver thắc mắc tại sao thế? Thánh Phêrô trả lời: “còn vướng mắc lòng tự mãn, coi mình rộng rãi hơn thiên hạ”. Mẻ sàng thứ ba với mắt lưới nhỏ hơn nữa khiến những hạt vàng còn to không lọt xuống được. Thánh Phêrô lại hắt ra ngoài và chúng cũng biến đi nhanh chóng. Thánh nhân giải thích: “còn vương ẩn ý đền bù, làm êm dịu lương tâm”. Mẻ thứ tư và mẻ thứ năm thì chẳng còn gì để mà sàng. Oliver thất vọng, than khóc vì lấy chi mà vào nước Trời? Cả đời coi như toi công.

Tuy nhiên thánh Phêrô an ủi: “Hãy còn tin vui”. Oliver sáng mắt hy vọng: “Thưa Ngài tin vui gì?”. Thánh nhân trả lời: “Bây giờ anh nghèo quá, vì chẳng còn lại gì. Nhưng đó là giấy thông cho anh được vào chầu Chúa”.

Câu truyện không phải là để khuyên chúng ta ươn hèn lười biếng, nhưng cho thấy những việc bác ái không phải để lãnh công Nước Trời, mà là huấn luyện chúng ta nên tốt, nên thánh thiện. Thiên Chúa giàu có vô biên, cần gì “công lênh” của phàm nhân? Một là chúng ta thương yêu nhau vô vị lợi, không dính bén, vị kỷ, tiếng tắm, hay vì một mối liên hệ xác thịt mào đó. Thiên Đàng của mọi người thì Chúa Giêsu đả lập công rồi, bằng giá máu châu báu của Người, phần thưởng thì đã có sẵn. Chỉ cần chúng ta ăn ở tốt lành để chiếm lấy. Vì vậy Đức Giêsu có lý khi Người khuyên ông chủ nhà, đừng mời khách sang trọng, nhưng là những người đui mù, què quặt, lang thang khắp đó đây. Họ chẳng có chi để trả, lúc ấy việc đãi tiệc mới không hề vướng mùi vị kỷ. Kiêu ngạo hết khả năng len lỏi vào các công việc như thế. Các thầy Rabbi Do Thái nói: bố thí đúng nghĩa nhất, là khi người ta không biết mình cho ai, và người nhận cũng không biết tặng phẩm từ đâu đến. Au cũng là thái độ của chúnng ta ngày nay. Xin Chúa cho chúng ta lòng khiêm tốn đích thực.

Nói cho đúng, Thiên Đàng không phải là hàng hoá để người ta mua bán. Ngay cả mọi công nghiệp của thế gian này góp lại cũng không thể “tậu” nổi Nước Trời. Thiên Chúa không như chúng ta. Người là Đấng ban phát nhưng không vĩ đại nhất. Tại sao chúng ta lại cậy lập công để chiếm được Thiên Đàng? Thật vô lý, mà có vì công nghiệp đi nữa, thì có bao nhiêu vượt qua được thử thách thanh lọc của Thánh Phêrô? Chẳng có chi cả, vì việc làm của chúng ta luôn nhuốm mùi vị kỷ, tiếng khen, lời cảm ơn. Chẳng bao giờ chúng ta vô vị lợi hy sinh cho người khác, ngược lại thu vén cho mình trên lưng trên cổ thiên hạ. Chuyện này quá rõ trong sinh hoạt hằng ngày. Duy một mình Đức Kitô dám hy sinh mạng sống vì kẻ khác một cách hoàn toàn bất vụ lợi. Ngài trộn lẫn công nghiệp của mình với nhân loại, và ban cho những ai tay trắng, mà chẳng đòi hỏi họ điều chi, ngoài việc họ phải tuân hành thánh ý Thiên Chúa, để cha Người được vinh quang trên trái đất này. Nếu cần tìm một con chiên bị thất lạc, Người sẵn lòng bỏ lại chín mươi chín con khác và chịu cực nhọc để tìm con chiên lạc. Người chỉ lo đến đàn chiên, không hề lo cho thân mình. Xin đọc kỹ Phúc âm để nghiệm ra chân lý này.

Nên chúng ta phải dùng hết mọi tài năng, thời giờ, tiền bạc phục vụ các linh hồn. Thi hành bác ái, bố thí tiền bạc, của cải không phải là xa xỉ hay nhiệm ý của người Kitô giáo. Nó là bổn phận không cần bàn cãi. Người tín hữu chân thật là người yêu tha nhân hết tình, coi họ như anh chị em mình, mà không mong được đền đáp. Chúng ta thi hành bổn phận chia sẻ cuộc sống với tha nhân, không phải là được nổi tiếng hay lợi lộc, nhưng chỉ vì phải đứng dậy để kẻ khác cùng trỗi dậy với chúng ta trong đời sống mới mà Đức Kitô đã mang xuống trần gian.

Tôi chắc rằng Đức Giêsu không khuyên chúng ta đừng mời mọc thân nhân đến nhà mình dùng bữa, nhất là trong những ngày lễ đặc biệt. Đó không phải là điều Ngài ám chỉ trong Phúc âm hôm nay khi khuyên ông Pharisêu. Người chỉ muôn nhấn mạnh về lòng khiêm tốn khi làm việc bác ái. Ngoài ra, nếu chúng ta làm đúng như Chúa chỉ dẫn, chúng ta được nhiều cái lợi. Thí dụ có những bạn bè mới, tương quan mới, nhất là tìm thấy Chúa Giêsu trong những người nghèo khổ, vì Người thường đồng hoá mình với họ. Người nghèo cần giúp đỡ, nhất là cần nhân phẩm, điều mà xã hội giàu có không muốn cho họ.

Vậy Đức Giêsu không thay đổi quan điểm, ngược lại, nhất quán triệt để ngay cả trước mặt Pharisêu. Ngài không xúi ngầm chúng ta dùng mánh lới để leo lên bậc thang xã hội. Giả vờ ngồi chỗ rốt hết để được cất nhắc lên cao. Ngài chỉ muốn chúng ta có lòng khiêm nhường đích thực, không hậu ý để được khen hay lời cảm ơn. Đồng thời vươn tới những người nghèo khổ, chia sẻ nhân phẩm, của cải vật chất với họ. Có những tương giao mới hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Thánh lễ hôm nay cũng là một bữa tiệc. Chúng ta đối xử với nhau ra sao? Tuy rằng cùng một gia đình Thánh Thể, nhưng trong giáo xứ, hội đoàn, tu viện có rất nhiều những khác biệt, cấp bậc. Liệu chúng ta có ở đúng vị trí, hay đòi “cầm nọc” thiên hạ, cố vấn lung tung, bắt kẻ khác phục tùng ý kiến của mình, ngoi lên địa vị độc tôn rồi chia bè kéo đảng? Bài đọc một và hai cũng cho những lời khuyên thấm thía: “Con ơi hãy hoàn thành việc của con cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng. Càng làm lớn con càng phải tự hạ, như thế con sẽ được đep lòng Thiên Chúa”. “Anh em đã tới núi Sion, tới thành đô Thiên Chúa là Giêrusalen trên trời với con số muôn vàn thiên sứ. Anh em đã tới dự hội vui, đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa”. Như vậy thái độ hống hách trịch thượng là không hợp lý. Chúng ta khiêm tốn phục vụ nhau và chú tâm vào Lời Chúa còn rất mới mẻ hôm nay. Mặc dầu thế giới còn rất nhiều khác biệt. Nhưng trước Thánh Thể, chúng ta chỉ là một gia đình, chúng ta có quan hệ với nhau trong Thần Khí Đức Kitô. Cho nên không có lý do để giữ thái độ kiêu căng, kẻ cả. Trái lại hãy nghe lời Chúa mà sống khiêm nhường vô vị lợi. Amen.