Thử thắp lên một ngọn nến …
(Bài phát biểu của LM Nguyễn Thái Hợp, O.P., nhân Lễ Khai giảng chương trình: Giáo dục Nhân bản và Kỹ năng sống)
Trong thời gian vừa qua, người ta nói nhiều về tình trạng xuống cấp thê thảm của nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam. Một số người cho rằng con em chúng ta đang bị ngụp lặn trong một nền giáo dục và môi trường xã hội ô nhiễm. Các chuyên gia giáo dục đã có những đánh giá về thực trạng giáo dục VN như bất cập, lạc hậu, suy thoái đạo đức, tụt hậu v.v và v.v.
Trong lá thư gởi Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, ngày 22-7-2007, đức Hồng y GB. Phạm Minh Mẫn viết như sau: “Tôi thấy báo chí thông tin kết quả của một cuộc điều tra xã hội: 30-40% học sinh Tiểu học nhiễm thói gian lận, lừa dối, 40-50% học sinh Trung học nhiễm thói đó, lên Đại học thì tỷ lệ là 50-60%. Trong một lần sinh hoạt với giáo chức công giáo, tôi hỏi tỷ lệ mà báo chí đưa ra có đúng không? Một giáo viên trả lời rằng thực tế thì còn hơn thế. Vậy trong trường đời ngày nay tỷ lệ ăn gian, nói dối, hàng giả, thuốc giả, học giả, là bao nhiêu?”
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm trạng này. Nhưng nguyên nhân căn bản có lẽ do mô hình và quan niệm giáo dục chưa lấy con người là trung tâm và chưa đặt trên nền tảng đạo đức, văn hóa truyền thống.
Đòi hỏi thay đổi cả một hệ thống giáo dục là điều không tưởng và ở ngoài tầm tay của người nói và có lẽ của đại đa số những người nghe. Tuy nhiên, cũng không thể thụ động, khoanh tay, ngồi chờ … mà chẳng làm gì. Nếu thực sự con em chúng ta đang ngụp lặn “trong nền giáo dục ô nhiễm” thì giải pháp lý tưởng là phải làm sạch môi trường và thay đổi hệ thống giáo dục đó. Tuy nhiên, bao lâu chưa thực hiện được điều đó, phải chăng chúng ta cần phải làm một cái gì đó để con em chúng ta bớt bị tác hại bởi môi trường xấu?
Chính vì vậy, sau nhiều cuộc Tọa đàm, thảo luận, chia sẻ về đề tài giáo dục, Nhóm Đức tin & Văn hóa quyết định nhảy xuống nước: Cho chào đời Chương trình giáo dục nhân bản và kỹ năng sống.
Nội dung chương trình gồm ba phần chính:
Rất tiếc, đất nước chúng ta đã trải qua một cuộc chiến quá dài và quá bi thảm. Mọi tinh hoa, sức lực đã đổ vào cuộc chiến đó nên nhiều công việc khác tạm thời gác lại, kể cả việc học làm người và làm cha mẹ. Sau chiến tranh, thế hệ thanh niên đó lập gia đình, phần lớn chưa được chuẩn bị gì về nuôi dạy con cái ngoài tình thương tự nhiên. Suốt thời kỳ bao cấp nghèo đói liền sau chiến tranh đã lôi tuột con người vào việc tìm kiếm bát cơm, manh áo. Tất cả mọi nỗ lực đều đổ dồn vào việc giải quyết nhu cầu sinh tồn, không còn thời gian và sức lực cho việc giáo dục con cái. Hơn nữa, ở vào giai đoạn đó, tâm lý học vẫn chưa được công khai giảng dạy.
Thế nhưng, thế hệ con cái không được giáo dục tử tế đó lại cứ tiếp tục làm cha mẹ, và con cái của họ tiếp tục gánh chịu thiệt thòi. Những khiếm khuyết tự thân của mỗi gia đình, cộng thêm những hạn chế của cả nền giáo dục đã tạo ra nhiều vấn nạn về đạo đức xã hội. Do đó, nước ta có thể thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế, nhưng xã hội chúng ta đang phải đương đầu với sự khủng hoảng về nhân cách.
Muốn cho giới trẻ Việt Nam ngang tầm với những người trẻ khác trên thế giới, phải làm sao truyền đạt cho họ những kiến thức khoa học và chuyên nghiệp. Đây là nhu cầu cấp bách và khẩn thiết, do tình trạng xuống cấp và tụt hậu của các Đại học Việt Nam. Tuy nhiên, không thể dạy kiến thức rồi mới giáo dục đạo đức, mà phải làm song song: đào tạo cái tâm và cái trí phải song hành. Giáo dục ý thức công dân, giá trị nhân bản, đạo đức, tâm linh … phải nằm trong chương trình giáo dục toàn diện.
Khóa học này muốn tạo cơ hội để chúng ta cùng nhau suy nghĩ về những vấn đề đó. Liệu chúng có thể làm được gì trong điều kiện và cơ cấu hiện tại? Phải chăng là công dã tràng hay chỉ là một mơ ước hão huyền?
Tôi hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi bức xúc đó, vì phần lớn tùy thuộc vào sự cộng tác và dấn thân của quý vị. Tuy nhiên, ít nhất thử cùng nhau nhập cuộc, cùng nhau đốt lên một ngọn nến, vì thà thắp lên một ngọn nến leo lắt, còn hơn là ngồi nguyền rủa đêm đen. Đã hẳn, một ngọn nến chẳng đủ sức xua đuổi đêm đen. Nhưng ít nhất cũng làm cho bóng tối quanh ta bớt tối hơn. Và, nếu cứ tiếp tục nhân rộng thành nhiều ngọn nến, nhiều ngọn nến hơn nữa … thì sẽ ra sao?
Trong viễn tượng đó, tôi xin phép được cùng với quý linh mục, tu sĩ, quý thầy cô giáo và tất cả quý tham dự viên … thử thắp lên một ngọn nến. Và hân hạnh tuyên bố khai giảng khóa học này.
(Bài phát biểu của LM Nguyễn Thái Hợp, O.P., nhân Lễ Khai giảng chương trình: Giáo dục Nhân bản và Kỹ năng sống)
Trong thời gian vừa qua, người ta nói nhiều về tình trạng xuống cấp thê thảm của nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam. Một số người cho rằng con em chúng ta đang bị ngụp lặn trong một nền giáo dục và môi trường xã hội ô nhiễm. Các chuyên gia giáo dục đã có những đánh giá về thực trạng giáo dục VN như bất cập, lạc hậu, suy thoái đạo đức, tụt hậu v.v và v.v.
LM Trần Thái Hợp |
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm trạng này. Nhưng nguyên nhân căn bản có lẽ do mô hình và quan niệm giáo dục chưa lấy con người là trung tâm và chưa đặt trên nền tảng đạo đức, văn hóa truyền thống.
Đòi hỏi thay đổi cả một hệ thống giáo dục là điều không tưởng và ở ngoài tầm tay của người nói và có lẽ của đại đa số những người nghe. Tuy nhiên, cũng không thể thụ động, khoanh tay, ngồi chờ … mà chẳng làm gì. Nếu thực sự con em chúng ta đang ngụp lặn “trong nền giáo dục ô nhiễm” thì giải pháp lý tưởng là phải làm sạch môi trường và thay đổi hệ thống giáo dục đó. Tuy nhiên, bao lâu chưa thực hiện được điều đó, phải chăng chúng ta cần phải làm một cái gì đó để con em chúng ta bớt bị tác hại bởi môi trường xấu?
Chính vì vậy, sau nhiều cuộc Tọa đàm, thảo luận, chia sẻ về đề tài giáo dục, Nhóm Đức tin & Văn hóa quyết định nhảy xuống nước: Cho chào đời Chương trình giáo dục nhân bản và kỹ năng sống.
Nội dung chương trình gồm ba phần chính:
- Truyền đạt kỹ năng sống cho các bậc cha mẹ, giúp cha mẹ hiểu con qua các lứa tuổi, có khả năng đối thoại, biết cách hướng dẫn con trưởng thành và thành công trên trường đời.
- Truyền đạt giá trị nhân bản, ý thức công dân, đạo đức Kitô giáo, kiến thức và thái độ sống lành mạnh cho người trẻ.
- Kỹ năng sống cho người trẻ và Dự phòng về y tế, tệ nạn xã hội, đặc biệt xì ke, ma túy, HIV/AIDS.
Rất tiếc, đất nước chúng ta đã trải qua một cuộc chiến quá dài và quá bi thảm. Mọi tinh hoa, sức lực đã đổ vào cuộc chiến đó nên nhiều công việc khác tạm thời gác lại, kể cả việc học làm người và làm cha mẹ. Sau chiến tranh, thế hệ thanh niên đó lập gia đình, phần lớn chưa được chuẩn bị gì về nuôi dạy con cái ngoài tình thương tự nhiên. Suốt thời kỳ bao cấp nghèo đói liền sau chiến tranh đã lôi tuột con người vào việc tìm kiếm bát cơm, manh áo. Tất cả mọi nỗ lực đều đổ dồn vào việc giải quyết nhu cầu sinh tồn, không còn thời gian và sức lực cho việc giáo dục con cái. Hơn nữa, ở vào giai đoạn đó, tâm lý học vẫn chưa được công khai giảng dạy.
Thế nhưng, thế hệ con cái không được giáo dục tử tế đó lại cứ tiếp tục làm cha mẹ, và con cái của họ tiếp tục gánh chịu thiệt thòi. Những khiếm khuyết tự thân của mỗi gia đình, cộng thêm những hạn chế của cả nền giáo dục đã tạo ra nhiều vấn nạn về đạo đức xã hội. Do đó, nước ta có thể thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế, nhưng xã hội chúng ta đang phải đương đầu với sự khủng hoảng về nhân cách.
Muốn cho giới trẻ Việt Nam ngang tầm với những người trẻ khác trên thế giới, phải làm sao truyền đạt cho họ những kiến thức khoa học và chuyên nghiệp. Đây là nhu cầu cấp bách và khẩn thiết, do tình trạng xuống cấp và tụt hậu của các Đại học Việt Nam. Tuy nhiên, không thể dạy kiến thức rồi mới giáo dục đạo đức, mà phải làm song song: đào tạo cái tâm và cái trí phải song hành. Giáo dục ý thức công dân, giá trị nhân bản, đạo đức, tâm linh … phải nằm trong chương trình giáo dục toàn diện.
Khóa học này muốn tạo cơ hội để chúng ta cùng nhau suy nghĩ về những vấn đề đó. Liệu chúng có thể làm được gì trong điều kiện và cơ cấu hiện tại? Phải chăng là công dã tràng hay chỉ là một mơ ước hão huyền?
Tôi hoàn toàn không thể trả lời được câu hỏi bức xúc đó, vì phần lớn tùy thuộc vào sự cộng tác và dấn thân của quý vị. Tuy nhiên, ít nhất thử cùng nhau nhập cuộc, cùng nhau đốt lên một ngọn nến, vì thà thắp lên một ngọn nến leo lắt, còn hơn là ngồi nguyền rủa đêm đen. Đã hẳn, một ngọn nến chẳng đủ sức xua đuổi đêm đen. Nhưng ít nhất cũng làm cho bóng tối quanh ta bớt tối hơn. Và, nếu cứ tiếp tục nhân rộng thành nhiều ngọn nến, nhiều ngọn nến hơn nữa … thì sẽ ra sao?
Trong viễn tượng đó, tôi xin phép được cùng với quý linh mục, tu sĩ, quý thầy cô giáo và tất cả quý tham dự viên … thử thắp lên một ngọn nến. Và hân hạnh tuyên bố khai giảng khóa học này.