Điều kiện tiên quyết để phát triển giáo phận là đào tạo nhân sự"

Bài phỏng vấn của UCAN với Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục giáo phận Thanh Hóa

Đức giám mục của một giáo phận nông thôn nghèo ở miền Bắc Việt Nam đang giúp củng cố đức tin của giáo dân mình bằng cách huấn luyện họ xây dựng Giáo hội địa phương.

"Khó khăn thì rất nhiều, nhưng nổi cộm nhất là thiếu hụt nhân sự và tài chánh", Đức Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh của Thanh Hoá phát biểu với UCA News tại Toà Giám mục ở thành phố Thanh Hoá, cách Hà Nội 153 km về phía nam.

GM nguyễn Chí Linh nói: "Tôi có cảm tưởng giáo dân của chúng tôi có đức tin tinh tuyền nhất" Ngài nói thêm rằng: "mặc dù có những hạn chế, ưu tiên hàng đầu của tôi là đào tạo giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đảm nhận các hoạt động mục vụ xã hội và công tác truyền giáo".

Đức cha Linh, 58 tuổi, được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận quê hương của ngài ngày 4-8-2004. Giáo phận 75 tuổi này trông coi tỉnh Thanh Hoá. Đức cha Linh còn là giám quản tông toà giáo phận Phát Diệm kế bên, sau khi Đức Giám mục Giuse Nguyễn Văn Yến về hưu hồi tháng Tư.

Mặc dù sinh tại Thanh Hoá, nhưng Đức cha Linh chủ yếu sống ở miền Nam, do theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Ngài không có cơ hội trở về giáo phận quê nhà cho đến khi được bổ nhiệm làm giám mục.

Đức cha hoàn thành chương trình đào tạo linh mục ở Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X ở Đà Lạt năm 1977 những mãi cho tới năm 1992 ngài mới được chịu chức linh mục. Trong thời gian đó, mặc dù đã được phong phó tế, nhưng ngài không được chính quyền cho phép làm mục vụ và phải làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống.

Sau đây là cuộc phỏng vấn:

UCA NEWS: Đức cha cảm thấy thế nào khi về nhận coi sóc giáo phận quê hương mình?

ĐỨC CHA GIUSE NGUYỄN CHÍ LINH: Tôi còn nhớ ngày đầu tiên về làm giám mục giáo phận, tôi cảm thấy rất lúng túng. Lúng túng vì tuy Thanh Hoá là nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng tôi chưa hề quen biết ai tại đây. Càng lúng túng hơn nữa vì không biết phải làm thế nào để chu toàn một sứ vụ mà tôi chưa hề có kinh nghiệm. Tuy nhiên, hôm nay công việc mục vụ thành hay bại thì tôi không biết, nhưng chắc chắn rằng tôi rất yêu giáo phận Thanh Hoá vốn đã trở thành máu thịt thân thương. Trước khi làm giám mục Thanh Hoá, dường như tôi biết rất ít thông tin về giáo phận này vì tôi sống và phục vụ chủ yếu tại Giáo hội miền Nam. Tôi đang nỗ lực tiếp nối công việc của các vị tiền nhiệm và tìm mọi cách để phát triển giáo phận. Sau ba năm cai quản giáo phận, tôi chỉ có một kinh nghiệm duy nhất là cai quản giáo phận bằng tình yêu mến. Vì khi đã có sự yêu mến con người và mảnh đất quê hương được giao cho mình coi sóc, thì tôi sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn để phục vụ mọi thành phần dân Chúa. Hiện nay giáo phận có 62 linh mục kể cả 10 tân chức mới chịu chức hôm 9-8 nhưng chỉ có 46 cha thực sự làm việc. Chúng tôi cần gấp đôi số linh mục như thế nữa. Giáo phận có 188 nữ tu, 37 đại chủng sinh, 48 ứng sinh và ba thầy giảng phục vụ 130.000 giáo dân trong 46 xứ, 315 giáo họ. Chúng tôi hy vọng khoảng năm 2010 giáo phận sẽ có hơn 100 linh mục. Tôi rất hoan nghênh các dòng tu gởi tu sĩ của họ đến làm việc tại giáo phận. Giáo phận sẽ thăng tiến nhanh hơn nếu có sự hiện diện của các dòng tu. Chúng tôi cũng hơi buồn vì cho đến nay địa phận chỉ có một dòng duy nhất là dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá do Đức cha người Pháp Lambert de la Motte sáng lập, và một cộng đoàn dòng Saint Paul de Chartres phục vụ tại toà giám mục. Tôi đã mời ít nhất là 5 dòng lập cộng đoàn tại giáo phận, nhưng cho đến nay chưa có dòng nào lên kế hoạch.

Đức cha ưu tiên cho những vấn đề gì?

Điều kiện tiên quyết để phát triển giáo phận là đào tạo nhân sự. Vì thế tôi ưu tiên đào tạo nhân sự linh mục, tu sĩ và giáo dân vì giáo phận thiếu nhân sự chuyên môn đảm nhận các họat động mục vụ và xã hội và truyền giáo. Hồi tháng Ba, giáo phận đã tổ chức thường huấn linh mục hàng năm lần đầu tiên kể từ năm 1954. Giáo phận thường xuyên tổ chức đào tạo huấn luyện đội ngũ giáo lý viên, cũng như lãnh đạo giáo dân để họ phục vụ giáo xứ tốt hơn. Các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thanh Hoá có được cơ hội và khuyến khích học những ngành chuyên môn về y tế, giáo dục, thánh nhạc để phục vụ giáo phận. Chúng tôi đã gởi 19 linh mục, tu sĩ và giáo dân đi du học nước ngoài, và trong tương lai sẽ gởi thêm một số nữa đi du học. Tôi cũng ưu tiên hiệp nhất mọi người, vì hiệp nhất là phương châm giám mục của tôi [Ut Unum Sint, xin cho họ nên một]. Mọi người được kêu gọi một lòng một dạ xây dựng và phát triển giáo phận. Họ có thể tham gia các họat động truyền giáo, cấp học bổng cho học sinh nghèo, thăm viếng người nghèo, bệnh nhân phong và giúp xây nhà gạch thay cho nhà tranh vách lá cho dân nghèo. Tôi khuyến khích mọi người sử dụng mô hình nhóm công tác đa thành phần dân Chúa. Linh mục, nữ tu, chủng sinh, ứng sinh và giáo dân đều tham gia sinh hoạt mục vụ và tông đồ. Sau một bữa ăn, tất cả mọi người đều dọn bàn. Những ngày tĩnh tâm, các linh mục tự rửa bát, giám mục cũng rửa bát như bất kỳ ai. Tôi cũng khuyến khích dùng những bữa ăn tự chọn để mọi người có thể nói chuyện với bất kỳ ai không phân biệt đẳng cấp, thành phần.

Giáo phận gặp khó khăn gì?

Khó khăn thì rất nhiều, nhưng nổi cộm nhất là thiếu hụt nhân sự và tài chính. Trong thời chiến tranh lạnh trước đây, chủng viện và các cơ sở đào tạo của các giáo phận miền Bắc ngưng hoạt động, dẫn đến tình trạng giảm thiểu nhân sự. Tình hình tuy đang từng bước cải thiện nhưng trước mắt rất nhiều hoạt động của giáo phận vẫn không thể thực hiện được. Chẳng hạn, giáo phận ước muốn xây dựng một trung tâm hành hương ở giáo xứ Ba Làng-- các tu sĩ dòng Tên hải ngoại đã đến đây năm 1627 -- và mở rộng Tòa Giám mục để có chỗ tổ chức các sinh họat mục vụ và đào tạo. Còn nhiều nhà thờ dột nát cần được xây dựng lại. Giáo phận cũng muốn tạo công ăn việc làm cho người nghèo và đưa nhiều dân chài lên bờ để sống. Tất cả những việc này đều cần phải có tiền và nhân lực, nhưng giáo phận nghèo không thể thực hiện những ước mơ này. Giáo dân không có thói quen xin lễ, mà họ thường đem biếu cha sở vài ba ngàn đồng, lon gạo, con cá. Giáo phận không có một nguồn thu nhập nào, mọi sự đều phải trông vào lòng hảo tâm của ân nhân xa gần. Khó khăn tài chính cũng là chuyện đương nhiên vì Thanh Hoá cho đến nay vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất. Có đến 90% trong số bốn triệu dân sống bằng nghề làm ruộng nước với thu nhập dưới 100.000 đồng một tháng một người, dưới chuẩn nghèo 200.000 đồng một tháng một người mà nhà nước quy định. Thu nhập không đủ cung ứng nhu cầu hằng ngày nên một số đông giới trẻ đi kiếm công ăn việc làm ở các tỉnh phía nam. Từ năm 2005, chúng tôi tổ chức cuộc họp mặt hàng năm cho những người Thanh Hoá làm ăn tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm đầu có chừng 500 người tham dự, năm thứ hai con số lên đến 1.200 và năm nay có đến 1.500 người tham dự. Chúng tôi tin rằng con số này tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Trong các cuộc họp mặt này họ chia sẻ những thách thức họ gặp phải trong công việc và trong đời sống đức tin. Chúng tôi có trụ sở trong thành phố này và trụ sở này có nhiệm vụ làm mối dây liên kết địa phận mẹ với con cái khắp nơi tại miền Nam.

Giáo phận có những điểm mạnh gì?

Giới trẻ dưới 30 tuổi chiếm khoảng 30% dân số. Tiềm năng của họ là sức mạnh của giáo phận. Nhiều người trong đó là giáo lý viên và ứng sinh của giáo phận. Họ nhiệt thành tham gia các sinh họat của Giáo hội. Chúng tôi tạo điều kiện để họ có thể thi thố tài năng, chia sẻ cuộc sống bên cạnh nhau trong những công tác giáo phận vào những cuộc họp mặt giới trẻ. Chúng tôi đào tạo họ làm giáo lý viên, ca trưởng ca đoàn cho các xứ, và khuyến khích họ theo đuổi ơn gọi tu trì và giúp đỡ các cha xứ trong công việc mục vụ. Tôi có cảm tưởng giáo dân của chúng tôi có loại đức tin tinh tuyền nhất, vì nó không lệ thuộc kiến thức thần học hay Thánh Kinh, nhưng nó xuất phát từ những người chỉ biết tin vào Thiên Chúa cách vô điều kiện. Đức tin này được biểu lộ cách hồn nhiên nhất là trong những dịp như chầu lượt, rước kiệu các thánh và dâng hoa kính Đức Mẹ, rất phổ biến tại các giáo phận miền Bắc.

Đức cha làm gì để giúp người dân cải thiện đời sống tinh thần và vật chất?

Tôi trăn trở nhiều về đời sống giáo dân. Chúng tôi mới chỉ có thể giúp đỡ giáo dân ít nhiều trong lĩnh vực đức tin xuyên qua những sinh hoạt mục vụ giáo xứ. Về giáo dục, Giáo hội Công giáo chỉ được phép mở trường mầm non mà thôi, nhưng chúng tôi cấp học bổng cho học sinh nghèo. Về sức khoẻ, chúng tôi cũng chỉ lập được một vài phòng phát thuốc tại các xứ. Chúng tôi hy vọng trong năm nay sẽ thành lập được hội y bác sỹ Công giáo để khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Chúng tôi còn có một dự án giúp vốn cho phụ nữ nghèo kiếm thu nhập và một vài kế hoạch phát triển nông nghiệp như trạm bơm, làm một số đường bê tông ở các làng quê. Chúng tôi không làm được nhiều hơn nữa vì không tìm được nguồn vốn.