GIÁO XỨ VIỆT NAM PARIS : 60 NĂM HỒNG ÂN, bài 25 : « MỤC VỤ XÃ HỘI : Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp
(La Mission Catholique Vietnamienne en France), 1952-1977 »
Ngày 01/10/1947 Giáo Xứ Việt Nam Paris đã được Giáo quyền Pháp chính thức công nhận dưới danh hiệu Liên Ðoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp. Ðến nay, 2007, Giáo xứ đã tròn 60 năm tuổi đời. Ðây là dịp để mừng vui và kỷ niệm 60 năm Hồng Ân Chúa ban cho Giáo Xứ được tồn tại. Cũng là dịp để xem xét lại sự hoà nhập của văn hoá và đức tin qua cách sống đức tin và cách hội nhập đức tin công giáo vào văn hoá Việt Nam ở Giáo xứ. Trong chiều hướng ấy, mời bạn xem bài 25 : « MỤC VỤ XÃ HỘI : Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp, (La Mission Catholique Vietnamienne en France), 1952-1977 »
MỤC VỤ XÃ HỘI
Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp
(La Mission Catholique Vietnamienne en France) 1952-1977
Thời kỳ ‘Tổ Chức Truyền Giáo’ (1952-1977) : là giai đoạn mà Giáo Xứ Việt Nam Paris được giáo quyền Pháp và Việt Nam khuyến khích và nhìn nhận theo tinh thần của tông huấn ‘Exsul Familia’ (Gia đình xa cách) do đức Piô XI ban hành vào năm 1952. Giáo quyền Việt Nam đề nghị và Giáo Quyền Pháp bổ nhiệm linh mục ‘Giám Đốc các Vị truyền giáo’ hay ‘Giám Đốc Tổ Chức Truyền Giáo’ (Directeur des Missionnaires ou de la Mission) và chỉ có một ‘Tổ Chức Truyền Giáo’ (Mission) trung ương tại Paris bao trùm cả nước Pháp.
Thời kỳ « Tổ Chức Truyền Giáo » đã kéo dài 25 năm, qua ba nhiệm kỳ của ba cha : Cha Pacifique Nguyễn Bình An 1952-1955. Cha Phanxicô Trần Thanh Giản 1955-1971. Và cha Michel Nguyễn Quang Toán 1971-1977.
1. Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp, khánh thành ngày 14.12.1952, có một vai trò, một chương trình mục vụ tổng quát rõ rệt, trong đó có một chương trình mục vụ xã hội
Báo NHẬN ÐỊNH, số 01, ngày 01 tháng 02 năm 1953, trang 6 có đăng bản tin sau đậy :
« TỔ CHỨC TRUYỀN GIÁO VIỆT NAM TẠI PHÁP
Ngày chúa nhật 14 tháng 12 năm 1952, cha Nguyễn Bình An đã dâng lễ tại nhà thờ Ðức Bà Liban, trong dịp khánh thành Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp. Ðức Ông RUPP, Giám Ðốc trách nhiệm giáo hữu ngoại bang; Ðức Ông TESTA, cố vấn Tòa Khâm Sứ Toà Thánh tại Pháp; Ðức Ông BERTIN, Giám Ðốc Hội Truyền bá Ðức Tin chủ toạ.
Hàng giáo sĩ và các anh em giáo hữu Việt kiều, cùng các bạn hữu ngoại quốc đã tới dự lễ đông đúc. Sau lễ, có buổi hội họp thân mật[1] ».
Cũng trong số báo ra đời này, báo được coi là Cơ Quan của Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp, hai bài báo quan trọng đã được phổ biến.
Bài thứ nhất, với tựa đề « RA ÐỜI[2] », ở trang 1, đã cắt nghĩa nguồn gốc và vai trò của Tổ Chức Truyền Giáo, cũng như chuẩn đích của tờ báo NHẬN ÐỊNH như sau : « Ngày 14 tháng 12 năm 1952 đã khánh thành Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp, ở thánh đường Ðức Bà Liban.
Hàng Giáo Phẩm đã sáng lập ra Tổ Chức này để chuyên lo cho giáo hữu Việt Nam sống đời sống công giáo và nhận thức trách nhiệm của mình trong cuộc Truyền bá Ðức tin giữa anh em chưa biết Chúa. Các giáo hữu ngoại quốc ở Pháp, như người Ý, người Ðức, người Balan,… đều có một tổ chức Truyền Giáo (một xứ đạo) Ý, Ðức, Balan. Từ nay, giáo hữu Việt Nam tại Pháp cũng có một Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam.
Do hàng Giáo Phẩm sáng lập, tổ chức này sẽ có một giáo sĩ điều khiển, nhận trách nhiệm giúp đỡ tất cả kiều bào Việt Nam về phương diện thiêng liêng, và trong các phạm vi có can hệ mật thiết với đời sống công giáo. Tới bây giờ, anh em công giáo Việt Nam tại Pháp chỉ có một tổ chức công khai là Liên Ðoàn Công Giáo. Liên Ðoàn vẫn tiếp tục sống, sống công giáo tiến hành, tức là làm việc tông đồ trong các giới chuyên môn, như lao động, sinh viên, phụ nữ,… làm việc tông đồ theo qui củ lập thành đoàn thể. Liên Ðoàn sẽ là một đoàn thể ở trong Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam. Những anh em công giáo Việt Nam, vì hoàn cảnh hay trở ngại khác, không thể làm công giáo tiến hành trong khuôn khổ Liên Ðoàn, vẫn sống trong Tổ Chức Truyền Giáo, và có thể hoạt động về mặt thiêng liêng, từ thiện hay xã hội ».
Bài thứ hai, với tựa đề « Vài điều mong ước[3] », ở trang 2 và 6, Trần Quang Minh đã phác thảo môt chương trình hành động mục vụ chung và hành động mục vụ xã hội của tờ báo « Nhận Ðịnh » và cũng là của Tổ Chức Truyền Giáo như sau :
« Mong rằng « Nhận Ðịnh » ra đời sẽ đem đến các bạn đọc tiếng vang đời sống anh chị em công giáo ở hải ngoại. Làm cơ quan chính thức của Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp, « Nhận Ðịnh » không nên thiên vị về một người hay một nhóm người nào. Tôn chỉ và lập trường của « Nhận Ðịnh » phải là tôn chỉ và lập trường của công giáo tiến hành thuần túy.
Phần đông giáo hữu khi muốn sống đạo mình hay muốn hoạt động giữa xã hội đều nhận rõ sự cần thiết của một cuộc học hỏi sâu rộng về giáo lý. « Nhận Ðịnh » nên chú trọng về mục nầy. Nhưng chúng ta cần nhớ rằng trước tiên chúng ta không phải tin một lý thuyết giải phóng nhân loại, một luân lý tu thân hay một phương pháp cứu chuộc linh hồn. Trước tiên chúng ta tin một Ðấng, một Vị, một Chúa đã xuống cùng ta, một Chúa đã ở, đã sống với ta. Chúng ta tin một Chúa Cứu Thế. Ðạo Công Giáo là Chúa Ki-tô. Sự nhận định này rất quan trọng vì sẽ có ảnh hưởng ngay trong cách giảng giải trình bày giáo lý. Nếu đạo công gáo chỉ là một lý thuyết hay là tóm tắt các sụ thực phải tin thì cách trình bày sẽ theo lối phân tích trừu tượng. Nếu đạo công giáo là đời sống, là Chúa Cứu Thế, thì cách trình bày sẽ theo lối trình bày tổng hợp, cụ thể. Vả chăng từ khi Chúa đã xuống thế làm người thì lịch sử của nhân loại có một ý nghĩa duy nhất : trở nên thân thể hoàn thành của Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô là trung tâm điểm của lịch sử. Vì vậy, trong mục giáo lý chúng tôi mong rằng « Nhận Ðịnh » sẽ không những chú trọng về mặt thuyết lý mà còn chú trọng về mặt lịch sử, mặt sống mật thiết, siêu nhiên với Chúa.
Ðiều mong mỏi thứ hai của toàn thể giáo hữu ở hải ngoại là làm sao phát triển ra tại tổ quốc yêu quí chúng ta một văn hoá vừa có tinh thần phúc âm vừa có tính cách Việt Nam. Ðành rằng đạo công giáo không phải là một văn hoá, nhất là không phải là một văn hoá âu tây, nhưng đạo công giáo là muối làm cho thức ăn được ý vị, là men làm cho bột dậy. Vậy bổn phận chúng ta phải cố gắng làm sao cho mầm công giáo ăn sâu vào nền văn hoá Việt Nam, nền văn hoá đã thấm nhuần các lý thuyết Khổng Mạnh, Phật Lão. Hơn nữa chúng ta nên nhận rõ rằng mỗi một văn hoá dù Âu hay Á, có một sứ mệnh riêng đối với giáo hội. Mỗi văn hoá dù có phần nào khuyết điểm, sai lầm vì là công cuộc nhân loại, có thể ví như một hoa tốt đẹp. Ta phải thu góp văn hoá hoàn cầu lại như một bó hoa thơm tươi để dâng cho Chúa. Mỗi hoa có mùi sắc khác nhau. Chúng tôi mong rằng sự bành trướnh của đạo Công Giáo sẽ đi đôi với sự phục hưng, luồng tiến triển của văn hoá Việt Nam.
Có người sẽ nói : « Bàn đến giáo lý và văn hoá rất hay cần, nhưng còn vấn đề thời cuộc thì thế nào ? Trong khi nước nhà đang ở trong vòng khói lửa lựu đạn, các giáo hữu hải ngoại sẽ thờ ơ với các vấn đề chính trị, xã hội ư » ? Ðáp lại câu hỏi đó, « Nhận Ðịnh » phải đứng ngoài và trên các đảng phái chính trị. Nếu chính trị định nghĩa là một thuật, một khoa học của sự ích lợi chung, thì chúng tôi mong « Nhận Ðịnh » cố gắng quan sát học hỏi. Muốn mến Chúa yêu người thì ngày đêm phải lo nghĩ đến vấn đề ích lợi chung. Ðiều ấy dĩ nhiên ! Nhưng nếu hiểu nghĩa chính trị bằng cách hội đoàn, đảng phái, chương trình hành động, thì công cuộc ấy chúng tôi tưởng không còn thuộc về phạm vi của « Nhận Ðịnh ». Xưa Chúa đã phán « Nước ta không ở thế gian này ». Nước Chúa không ở thế gian nầy, nhưng bắt đầu ở thế gian nầy. Người công giáo phải tự mình đảm nhận lấy trách nhiệm đối với tổ quốc để trở nên người công dân kiểu mẫu. Chính trị cũng như khoa học theo những luật nghiêm nhặt không phải có lòng nhiệt thành là đủ, là làm nên công chuyện. Người công giáo cũng như người không công giáo khi muốn làm chính trị phải tự mình học hỏi về các lý thuyết các phương pháp phần đời. Sự cần thiết là làm sao cho không một ai có thể lầm rằng đạo là một chính trị trá hình hay giáo hội là một đảng phái chính trị.
Về mặt xã hội, người công giáo có một trách nhiệm rất nặng nề. Chúa đã mang sự sống trong tình yêu, trong công bằng cho nhân loại mà bao nhiêu người còn sống như là Phúc Âm chưa có vậy ! Ta có nhiệm vụ gây dựng ra một xã hội có thể gọi là hình ảnh của Tình Yêu Chúa, một xã hội có sự công bằng trong đó mọi người được thông công với nhau để có thể đi đến chỗ thông công với Chúa. Còn gì quí hoá bằng một đời công giáo sống sát với nhân dân, sống cùng nhân dân, để làm cho nhân dân trong cuộc tiến triển của lịch sử gặp Chúa, gặp giáo hội. Ðạo công giáo là cuộc thánh hoá chung của cả toàn thể quốc gia và quốc tế. « Nhận Ðịnh » phải là tiếng vang của lý thuyết xã hội công giáo. Cố nhiên lý thuyết đây không phải là một hệ thống, một qui chế gồm đủ phương tiện thực hành, một chương trình có thể áp dụng ngay đê » cải cách xã hội. Ðịnh nghĩa như vậy thì không có thể nói rằng giáo hội có một lý thuyết xã hội vì công cuộc cải tạo trực tiếp thế gian đứng ra ngoài sở trường của giáo hội. Nhưng nếu ta hiểu rằng đối với vấn đề xã hội, giáo hội có nêu ra nhiều nguyên tắc, nhiều yếu tố căn bản, nhiều sự quyết định đại cương, mục đích bênh vực nhân vị và nhân phẩm cùng tự do và quyền lợi của cá nhân, gia đình, đoàn thể, nhất là những đoàn thể bị áp bức thì ta có thể nói rằng giáo hội có một lý thuyết xã hội, nói đúng hơn một mớ yêu sách về xã hội. Xã hội học rất liên can đến kinh tế học và chính trị học. Người công giáo muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp không tránh khỏi sự học hỏi chuyên môn nhất là trong thời buổi hiện tại, vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội mỗi nước đếu có quan hệ đến các nước khác và sẽ dần dần đi đến chỗ quốc tế ».
2. Thực tế, từ 1952 đến 1971, mục vụ xã hội đặc biệt hướng vào việc tương thân tương trợ giữa người đồng hương Việt Nam với nhau tại Pháp
Cha Pacifique Nguyễn Bình An, linh mục dòng Phanxicô, là linh mục đầu tiên được bổ nhiệm làm Giám Đốc của Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp.
Trong thư ngày 19.02.1952, gởi cho Ðức Khâm Sứ Toà Thánh Ðông Dương tại Hà nội, Ðức Ông Rupp, cha chính Tổng Giáo Phận Paris đã mong muốn có một linh mục Việt Nam được các Giám Mục Việt Nam bổ nhiệm để chuyên lo việc thiêng liêng cho người Việt Nam tại Paris.
Với Thư đề ngày 25.10.1952, Ðức Khâm sứ Toà Thánh John Dooley tại Ðông Dương trả lời cho Dức Ông Rupp hay rằng Ngài đã gặp Các Giám Mục Việt Nam và xin giới thiệu với Ðức Tổng Giám Mục Paris và xin Ngài bổ nhiệm cha Pacifique Nguyễn Bình An.
Ngày 24.11.1952, Ðức Ông Rupp, cha chính Ðịa Phận Paris và thư ký của Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều Vụ đã trả lời cho Ðức Khâm Sứ : « Trong buổi hội tháng 10 vừa qua, các Hồng Y và Tổng Giám Mục đã đồng ý ‘ký thác cho cha Pacifique An Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam trên toàn lãnh thổ Pháp. Ðể chứng tỏ rằng Cha An không chỉ là tuyên úy của Liên Ðoàn mà thôi, nhưng còn là ‘Giám Ðốc Tổ Chức Truyền Giáo », thì từ nay thánh lễ tiếng Việt mỗi tháng sẽ không cử hành ở trụ sở Liên Ðoàn nữa, nhưng là ở trong một nhà thờ, nhà thờ Notre Dame de Liban ».
Cha Nguyễn Bình An đã chính thức nhận chức Giám Đốc của Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp ngày 14 tháng 12 năm 1952, như ta vừa thấy ở đầu bài này.
Theo bức thư ngày 25.10.1952 của Ðức Khâm sứ John DOOLEY, bổn phận của Cha Nguyễn Bình An, Giám Ðốc Tổ Chức Truyền Giáo, gồm 5 điểm sau đây :
· Hoàn toàn và chỉ lo mục vụ (entièrement et exclusivement pastorales), trước tiên là đối với đồng bào công giáo, nhưng cũng lo truyền giáo cho đồng bào lương, chưa biết Chúa;
· Ðể tâm đặc biệt đền mọi tín hữu tại Paris;
· Chăm lo đến mọi tổ chức công giáo tại Pháp;
· Cũng lưu ý theo dõi các báo chí bằng tiếng việt phát hành tại Paris;
· Phải trực thuộc Ðức Tổng Giám Mục Paris.
Cha Nguyễn Bình An được sự cộng tác của nhiều cha, trong đó có cha Trần Thanh Giản và cha Đinh Văn Hưởng. Sự phân công được chia như sau :
· Cha Nguyễn Bình An, trực thứ 3, thứ 7, chúa nhật, từ 16 đến 19 giờ, lo về công việc chung của Tổ Chức Truyền Giáo và các phép bí tích : rửa tội, hôn phối,..
· Cha Trần Thanh Giản, trực thứ 4 và thứ 6, từ 17 đến 20 giờ, lo về công việc tài chánh và vật chất liên can đến Tổ Chức Truyền Giáo và liên lạc với bên nhà.
· Cha Đinh Văn Hưởng, trực thứ 2 và thứ 5, từ 16 đến 19 giờ, lo về liên lạc các trường Trung Học Pháp (và tờ báo Nhận Định)[4]
Về hoạt động mục vụ xã hội, đọc hết những số « Nhận Ðịnh » còn tìm thấy dưới thời cha Nguyễn Bình An, từ số 1, ngày 01.02.1953 đến số 25, tháng 06 và.07.1955 (trừ số 2 thất lạc), dường như trọng tâm chú ý vào việc phổ biến học thuyết xã hội công giáo nhiều hơn là thực hiện những sinh hoạt xã hội cụ thể. Trong 12 số đầu, trong năm 1953, nhiều bài viết rất sâu sắc và giá trị của những cây viết uyên thâm, như Ðinh Văn Hưởng, Nguyễn Bình An, Trần Quang Minh, Nguyễn Huy Bảo, Hương Giang, Nguyễn Liên Dũng, Nguyễn Văn Quốc Như,… về những đề tài như Văn minh, Hiệp nhất, Trung thành, Nhiệm vụ, Ðau khổ, Cha thợ, Phật giáo và Công giáo, Lịch sử, Trật tự xã hội, Thánh sử, tục sử, Khoa học, Mắc xít, Nhân sinh, Biến hoá, Biến chuyển xã hội, Chiến sĩ công giáo,…
Tuy nhiên, người ta cũng đọc được những bản tin vắn nói đến những sinh hoạt xã hội cụ thể. Đại cương thì những sinh hoạt này tiếp tục đường huớng đã được thực hiện từ thời Liên Đoàn, nhưng cường độ và sự hăng hái dường như nhẹ hơn. Sau đây là một số sinh hoạt được báo Nhận Định vắn tắt ghi lại :
· Anh em Lao Ðộng ở Balê đã tổ chức một Ban Xã Hội để thu thập chăn, vải, quần áo, tiền bạc,… gởi về Việt Nam[5]
· Việt kiều ăn tết. Vui xuân là vui của Giao cảm, của Hợp quần, của Ðoàn tụ. Hiểu thế, Việt Kiều công giáo Balê đã không vị kỷ một mình cạn cốc trà riêng, mà từ hai tuần trước, đã lặng lẽ phân công, sửa soạn một chiều xuân. Chiều mồng 2 Tết, chúa nhật, anh em gặp nhau tại số 7, đường Marie-Rose. Năm giờ, kịch trường chật ních. Khán giả chừng 300, trong đó 1/3 là người ngoại quốc, đầy thiện cảm với Công Giáo Việt Nam,…[6]
· Ai tín, phân ưu và tham dự đám tang của Ông Micae Nguyễn Văn Hộ. Có cha cựu thừa sai Gagneux (cha Bằng), các đại biểu Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam, đông anh em việt kiều xa gần và lân bang cố hữu dự lễ an táng[7]. Rồi ngày lễ các thánh, 01.11.1954, một sồ đông kiều bào, nhất là anh em công nhân, đã đi viếng phần mộ các việt kiều quá cố. Một số khá đông anh em chiến binh và công binh Việt Nam sang Pháp hồi đại chiến thứ hai đã bị thiệt mạng và mai táng ở nhiều miền nước Pháp[8].
· Gần 50 anh chị em Liên Ðoàn, do anh Bửu đứng tổ chức, đã cùng nhau đi thăm các vùng Cheuvreuse, Rambouillet, Chartres, Etampes, Fontainrbleau, bằng xe ca, từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối mới trở về Balê[9].
· Trại hè của Việt Kiều, từ 20 tháng 7 đến 04 tháng 8 năm 1953, tại Loppem, gần Bruges (thành phố tục gọi là Venise ở phương bắc), Bỉ. Trại hè này tổ chức cho anh em việt kiều, không phân biệt giai cấp, tôn giáo. Ngoài những buổi hội họp, gặp gỡ có tính cách văn hoá hay xã hội, do những nhà chuyên môn điều khiển, sẽ có nhiều cuộc du ngoạn nơi các vùng thắng cảnh ở Bỉ, như Bruges, Gand, Anvers, Namur, Louvain và ở Hoà Lan, như Rotterdam, La Haye[10]. Nhiều trại hè khác cũng đã được tổ chức : tại Áo, từ 15 đến 30 tháng bảy 1954;
· Ngày 08.08.54, ở Trụ Sở Liên Đoàn, mở lại quán cơm xã hội và đặt lại bàn pingpông[11]
Sau khi cha Pacifique Nguyễn Bình An hồi hương, cha Phanxicô Trần Thanh Giản được bổ nhiệm thay thế (1955-1971). Sự nghiệp đầu tiên của cha Giám Đốc Trần Thanh Giản là cải tổ Liên Đoàn dựa trên ‘nền tảng pháp lý của Công Giáo Tiến Hành’. Bản nội quy mới được Đại Hội biểu quyết chúa nhật 08. 04. 1955 có ghi : Liên Đoàn lo huấn luyện đoàn viên về mọi phương diện : tôn giáo, văn hóa công dân, xã hội. Và Ban Trung ương gồm ba tiểu ban : Ban Tổ Chức, ban Xã Hội và ban Truyền Giáo[12]. Kể từ đây trụ sở của Tổ Chức Truyền Giáo đương nhiên cũng là ‘trung tâm sinh hoạt xã hội : thăm viếng các gia đình, giúp đỡ các sinh viên…[13]’. Hai sinh hoạt xã hội nổi bật của nhiệm kỳ cha Trần Thanh Giản là tổ chức Quán Cơm Xã Hội dành cho sinh viên và thợ thuyền (1964-1971) và hàng năm (1955-1964) tổ chức các Trại Hè dành cho sinh viên và linh mục tu sĩ, đông nhất là hè năm 1962 với 120 người tham dự[14].
3. Trong những năm 1971-1977, mục vụ xã hội phát triển mạnh mẽ và về nhiều hướng : về đồng bào ở Việt Nam, về đồng hương ở Pháp, về người tỵ nạn Ðông Dương cũ và Việt Nam
Qua nhiệm kỳ của cha Michel Nguyễn Quang Toán (1971-1977), ngay trong phương án mục vụ (Projets pastoraux) soạn thảo ngày 29 tháng 05 năm1972, đã ghi rõ : «Tổ chức một văn phòng xã hội để giúp người Việt Nam tìm phòng ở, việc làm, tổ chức các cuộc giải trí cho trẻ em … Nhưng vì thiếu điều kiện (trong phương án tài chánh niên khóa 1972-1973 không nói đến ngân qũy cho sinh hoạt xã hội), nên chỉ bắt đầu từ những thể hiện khiêm tốn, như gây một nhóm những người Việt-Pháp tình nguyện giúp dạy tiếng Việt và tiếng Pháp, tìm việc làm, chỗ ở cho người mới tới… Phương án cũng nêu lên và ấn định ngày thực hiện những sinh hoạt xã hội cụ thể sau đây :
Để đáp ứng nhu cầu giúp đỡ nạn nhân chiến tranh và nạn nhân bão lụt, đặc biệt ở miền Trung, cần phát động chiến dịch ‘Ngày Cho Việt Nam’ (Journées pour le Vietnam). Chiến dịch đầu tiên được phát động vào Chúa nhật 18. 04. 1972.
Tổ chức hai tối Văn Nghệ, 27 và 28. 05. 1972
Xin phép lạc quyên trước cửa nhà thờ các Giáo Xứ Pháp.
Tổ chức Ngày Kermesse có văn nghệ gúp vui vào cuối tuần 03-04. 06. 1972.
Xin sự giúp đỡ về tài chánh từ các tổ chức Bác Ái, như Eglise en Détresse, Secours Catholique, Caritas Internationale[15]…
Bản Báo Cáo Mục Vụ Niên Khóa 1972-1973 (Rapport sur les Activités Pastorales de l’année universitaire 1972-1973), dành mục III nói về những hoạt động Xã Hội và Văn Hóa. Về hoạt động xã hội, bản Báo Cáo cho biết : Chiến dịch ‘Ngày Cho Việt Nam’ khởi sự từ 29.05.72 đã được tòa Tổng Giám Mục cho phép và được Secours Catholique nhiệt liệt yểm trợ và giúp in bán các ‘thiếp ảnh nghệ thuật việt nam’, và thiết lập một ‘Văn phòng thường trực’ về chiến dịch này, và người trách nhiệm là cha Nguyễn Quang Toán. Kết quả chiến dịch đầu tiên này thật mỹ mãn, cha Nguyễn Quang Toán đã trao cho Secours Catholique số tiền 11 triệu tiền quan cũ (ancien franc) để Secours Catholiques chuyển về giúp các nạn nhân chiến tranh tại Việt Nam. Vào cuối năm 1972, các sinh viên thuộc Tổ Chức Truyền Giáo phát động ‘một ngày quyên giúp’ (Une journée de collecte) đã thu được 4.650ff gửi về cho các em cô nhi ở Việt Nam. Chính Giáo Sở đã giúp một sinh viên tật nguyền và một linh mục sinh viên 6.000ff trong niên khóa 72/73. Sau cùng Tổ Chức Truyền Giáo tổ chức một tuần nghỉ hè cho sinh viên tại Bretagne và một cuối tuần cho những ai muốn đi biển[16].
Đặc sắc nhất là trong bản bá cáo mục vụ niên khóa 1974-1975, có bản bá cáo riêng về những hoạt động xã hội như sau :
· Cho người Việt Nam cư ngụ tại Pháp : Giáo Xứ mở một văn phòng thường trực đón tiếp mọi người cần giúp đỡ. Nhờ sự can thiệp của Văn phòng, nhiều người đã tìm được việïc làm, tìm được chỗ ở, tìm được người thân, giải quyết vấn đề giấy tờ, hành chánh… Giáo Xứ còn xin một luật sư đến làm việc tự nguyện mỗi chiều thứ ba để chỉ dẫn pháp luật cho những ai cần.
· Cho người Việt Nam cư ngụ tại Việt Nam : Đáp lại lời kêu gọi của Hội ĐồngGiám Mục Việt Nam phổ biến ngày 12.02.1975 giúp đỡ nạn nhân chiến cuộc, các trẻ em mồ côi, và yểm trợ các tổ chức COREV và Caritas tại Việt Nam, Giáo Xứ đã phát động một chiến dịch kể từ tháng 3.1975, ‘kêu gọi lòng quảng đại của người Pháp, người ngoại quốc và của người Việt hải ngoai’. Chiến dịch này kết quả mỹ mãn. Cuối tháng 4.1975, Giáo Xứ đã chuyển về cho Đức Giám Mục Sài gòn 200.000NF. Chiến dịch này còn tiếp tục để giúp thương phế binh, các em mồ côi, những gia đình di tản vì chiến tranh… Chiến dịch này thành công một phần lớn là nhờ sự yểm trợ của Cơ quan Cứu Trợ Công Giáo (Secours Catholique) và nhờ lá thơ của Đức Cha D. Pézéril gửi đến các cha Quản Hạt Paris… Dưới sự bảo trợ của Đức Hồng Y Francois Marty, Tổng Giám Mục Paris, Giáo Xứ đã tổ chúc : -hai ngày Kermesse tại 71 đại lộ Denfert-Rochereau, Paris 14 (3 và 4.05.1975); - Thánh lễ đại trào ‘cầu cho hòa bình Việt Nam’ (4.5.75) tại nhà nguyện các nữ tu Notre Dame de Joie; - một bữa ăn liên đới tại nhà hàng La Colombe và Vientiane; - một tối văn nghệ tại số 3 rue de la Santé (do đoàn Sinh Viên Công Giáo chủ động).
· Cho những người tị nạn đến từ Việt Nam, Cambốt và Lào : Kể từ tháng 5.1975, Văn phòng Xã hội của Giáo Xứ lại bận rộn tiếp đón nhiều gia đình tị nạn đến từ Việt Nam, Cambốt và từ Lào, họ đến Giáo Xứ xin ‘giúp đỡ những cái cần thiết ban đầu’… Đặc biệt Giáo Xứ nhận được rất nhiều thư ‘cầu cứu’ từ các trại tị nạn Guam, Singapore, Hongkong, Thailande, Philippinnes[17]…
· Đặc biệt cho đồng bào tị nạn Việt Nam : Như vừa nói ở trên, trước 30.04.1975, Giáo Xứ đã có nhiều hoạt động xã hội nhằm giúp đồng bào nạn nhân chiến cuộc, nạn nhân bão lụt (nhất là tại giáo phận Huế). Số tiền chuyển về Việt Nam lên tới 300.000NF. Nhưng kể từ sau 30.04.1975, hoạt động của Văn phòng Xã Hội lại đặïc biệt hướng về các trại tị nạn tại Pháp :
- Tình trạng của đồng bào tị nạn Việt Nam tại Pháp : Các trại tiếp đón đồng bào tị nạn được thiết lập trên khắp nước Pháp, cách riêng tại vùng Paris (ile-de-France) được chia ra thành hai loại : a) Các trung tâm chuyển tiếp (Transit), có sáu trại, đón những người vừa đến, ở tối đa trong 4 tuần. Sau đó, những người chưa có việc làm và nhà ở sẽ được chuyển đến một trại ‘tạm cư’ (centres provisoires d’hébergement), được chính phủ cho cơm ăn, tiền túi, giúp giấy tờ, giúp tìm nhà, tìm việc làm. Thời hạn ở đây, thường chỉ trong sáu tháng. b) Có tới 60 trại tạm cư đón nhận chừng 5.000 dân tị nạn. Trước sau có trên dưới 30.000 người tị nạn Việt Nam tới Pháp, trong số đó 40% tìm được việc làm sớm
- Giáo Xứ giúp đỡ đồng bào tị nạn : Bằng nhiều hình thức hoạt động, Giáo Xứ đã giúp người tị nạn : a) xin thẻ cư trú (carte d’hébergement). b) tiếp người mới tới ngay tại văn phòng. c) Tìm việc làm và nhà ở. d) Giúp trẻ em, tìm ‘gia đình’ bảo trợ cho các em. e) Tiếp tế thực phẩm. g) Cho quần áo. h) Tổ chức lớp học tiếng Pháp. i) Giúp tiền (vé xe, giấy thư, tem thư…)
· Phạm vi mục vụ: a) Thăm viếng các trại Bonneville, Sevran, Noisy le Grand, Sarcelles, Créteil, Herblay, Osoir… b) Dạy giáo lý cho trẻ em, dâng thánh lễ mỗi thứ bảy hay chủ nhật… c) Cung cấp tràng hạt, sách kinh, sách giáo lý, sách Tân Ước[18]…
Trong Báo Cáo Mục Vụ niên khóa 1975-7976 và niên khóa 1976-1977, cha Michel Nguyễn Quang Toán đã cho biết những hoạt động xã hội thật đa dạng của Giáo Xứ, đặc biệt đối với đồng bào Việt Nam mới tị nạn qua Pháp. Nhân lực lo sinh hoạt xã hội rất hùng hậu và được chia thành hai ban rõ ràng :
Ban ‘Giúp Đồng bào Tị nạn’ (Assistance aux Réfugiés) : Cha Hồng Phúc, cha Trần Hữu Phước, cha Lương Tấn Hoàng. Các ngài đi đến tận các trại tiếp đón (centres d’acceuil), trại chuyển tiếp (centres transit) và trại tạm cư (centres d’hébergement provisoire). Những công việc chính yếu phải làm là đến các trại thăm viếng đồng bào, giúp họ liên hệ với gia đình, cho họ những nhu yếu buổi ban đầu (thuốc men, quần áo, giấy viết thơ, tem…), dạy giáo lý cho trẻ em, dâng thánh lễ cuối tuần, cử hành bí tích, chỉ dẫn giấy tờ…
Ban túc trực ‘Văn phòng Xã hội’ (Service Social) tại Sở Truyền Giáo gồm Nữ tu Têrêsa, cha Hoàng Quang Lượng, nữ tu Mỹ Phước : Trong tuần lo tiếp đón, giúp tìm nhà ở, tìm việc làm, dẫn đi lo giấy tờ hay đi bệnh viện, dạy tiếng Pháp, cuối tuần đi thăm các trại, dâng Thánh Lễ và dạy giáo lý[19]…
Báo cáo Mục Vụ 1976-1977 còn cho biết : Lễ Giáng Sinh 1976, Sở Truyền Giáo đã tổ chức lễ Giáng Sinh đầu tiên cho các trẻ em tị nạn : Sáu xe ca đã đến các trại đón chừng 400 em về Sở Truyền Giáo Paris, dùng cơm chung, xem phim, lãnh quà và dự Thánh Lễ do Đức Cha Nguyễn Văn Thiện, cựu giám mục Vĩnh Long chủ tọa.
LỜI KẾT
Để kết luận sinh hoạt mục vụ xã hội trong thời gian Tổ Chức Truyền Giáo Việt Nam tại Pháp 1952-1977 này, chúng ta có thể bảo rằng, trong thời gian đầu, từ 1952 đến 1971, các sinh hoạt mục vụ tiếp tục chương trình đã được thực hiện thời Liên đoàn, và đặc biệt lưu tâm đến chiều hướng thứ hai, tức là việc tương thân tương trợ giữa người đồng hương Việt Nam với nhau tại Pháp.
Trong thời gian kế tiếp, từ 1971 đến 1977, tức là thời cha Nguyễn Quang Toán, mục vụ xã hội phát triển mạnh mẽ và về nhiều hướng khác nhau. Phát triển mạnh mẽ, vì một văn phòng xã hội đã được thiết kế, tổ chức và sinh hoạt thực sự. Phát triển về nhiều hướng khác nhau, vì ít nhất, những sinh hoạt của Phòng Xã Hội nhắm vào ba hướng :
· Ðối với người việt nam đã ở Pháp, Phòng Xã Hội giúp họ tìm nhà ở, việc làm, tổ chức giải trí cho trẻ em, tổ chức du lịch, hành hương cho người lớn.
· Ðối với người việt nam đang ở Việt Nam, Phòng Xã Hội đã tổ chức những cuộc lạc quyên để lấy tiền gợi về giúp đỡ những nạn nhân chiến cuộc, những trại mồ côi,… Ðặc biệt cho những người muốn có giấy bảo lãnh để sang Pháp, Văn Phòng Xã Hội đã lo giúp đỡ.
· Ðối với những người việt nam tỵ nạn vừa vào Pháp, Phòng Xã Hội tổ chức thăm viếng, giúp đỡ về quần áo, về nhà cửa, về việc làm, về học tiếng pháp, về nghỉ hè, về thủ tục hành chánh,…
‘Kỷ Yếu 50 năm, 1947-1997’ coi ‘hoạt động xã hội trong nhiệm kỳ Cha Michel Nguyễn Quang Toán (1971-1977) là một trong những sinh hoạt nổi bật’..…Khi mãn nhiệm, cha Nguyễn Quang Toán để lại một ngân quĩ khá lớn cho cha kế vị. Trong tờ bàn giao công vụ (passation de service) vào năm 1997, mang chữ ký của cha Michel Nguyễn Quang Toán, cựu giám đốc, của cha Samuel Trương Đình Hòe, tân giám đốc, của cha J.B. Etcharren, đặc trách đồng bào Đông Nam Á, của cha Bernard le Franc (Siti) và cha Robert Gilbert (chưởng ấn) ngày 01.10.1977, số tiền còn lại cho Cộng Đoàn là 218.931FF, và số tiền của quỹ xã hội là 255.721FF[20].
Mai Đức Vinh, Nguyễn Thị Kim Thoa, Trần Văn Cảnh
CHÚ THÍCH
[1] Nhận Ðịnh, số 1, ngày 01.02.1953, tr. 6
[2] Nhận Ðịnh, số 1, ngày 01.02.1953, tr. 1
[3] Trần Quang Minh, « Vài điều mong ước », trong « Nhận Ðịnh », số 1, ngày 01.02.1953, tr. 2 và 6.
[4] Nhận Định, số 18, tháng 11.1954, tr. 12
[5] Nhận Ðịnh, số 1, ngày 01.02.1953, tr. 6
[6] Nhận Ðịnh, số 3, ngày 01.03.1953, tr. 6
[7] Nhận Ðịnh, số 5, ngày 01.04.1953, tr. 10
[8] Nhãn Định, số 18, tháng 11, 1954, tr. 12
[9] Nhận Ðịnh, số 6, ngày 15.04.53, tr. 8
[10] Nhận Ðịnh, số 8, ngày 15.05.53, tr. 7
[11] Nhận Định, số 16, tháng 9, 1954, tr. 8
[12] Kỷ Yếu 50, tr. 25-26
[13] Kỷ Yếu 50, tr. 27
[14] Văn Khố Giáo Xứ (VKGX)‘Rapports Pastoraux’ 1971-1983 tr.27
[15] Ibid.
[16] VKGX ‘Rapports Pastoraux’ 1971-1983, tr.30
[17] VKGX Rapports Pastoraux 71-83, tr. 55-56
[18] VKGX, Rapports Pastoraux 71-83, tr. 74-76; 83-85
[19] Kỷ Yếu 50, tr. 28
[20] Kỷ Yếu 50, tr. 28