HỒNG Y SCHONBORN NÓI VỀ ĐỨC GIÁO HOÀNG TRONG DỊP VIẾNG THĂM ÁO QUỐC

Vienna, Áo Quốc 6 /9/07 - Hồng Y Christoph Schonborn cho rằng Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Bêneđictô XVI là nhà thần học sau cùng trong số các thần học gia lỗi lạc nhất của Công Đồng Vaticanô đệ nhị; và lời ĐGH nói ra thì lúc nào cũng vừa quan trọng lại vừa hấp dẫn.

Nhân dịp ĐGH viếng thăm Áo Quốc, vị Tổng Giám Mục thành Vienna và cũng là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Áo Quốc đã dành cho ZENIT một buổi mạn đàm về ĐGH, về con người và về đấng kế vị thánh Phêrô.

Hỏi (H): Ai ai cũng đang bàn tán về chuyến đi thăm Áo Quốc của ĐGH. Vậy đâu là con người thật của Đức Bênêđictô XVI?

Đáp (Đ): Ngài là một con người rất đơn sơ. Vì kế nhiệm Tông Đồ Phêrô, nên Ngài là đấng kế vị Đức Kitô, đại diện cho Người nơi trần gian này trong lòng Hội Thánh hữu hình.

Đây là điều vừa không thể lãnh hội được, lại vừa bao la, nhưng đó lại chính là bí quyết thừa tác vụ của thánh Phệrô. Có rất nhiều người đến gặp ngài, dù ở quốc gia nào tới, dù nói ngôn ngữ nào chăng nữa--điều đó tuy quan trọng, nhưng vẫn còn là thứ yếu. Đối với ta, trước hết, theo niềm tin của Hội Thánh, Ngài chính là Phêrô ở giữa ta, với tất cả chiều sâu, chiều rộng và sức mạnh của điều mà Chúa Giêsu đã nói tiên tri về thánh Phêrô, về tác vụ Chúa đã trao phó cho Ngài, một tác vụ sẽ mãi mãi tồn tại vượt qua cả dung mạo lịch sử của Phêrô.

H. Các cuộc gặp gỡ của Đức Hồng Y (ĐHY) với ĐGH diễn tiến ra sao?

Đ. Rất bình thường. ĐGH là người tôi đã quen biết trên 35 năm nay; tôi đã học dưới sự hướng dẫn của Ngài; tôi đã làm việc với Ngài trong nhiều năm trời; Ngài là một con người mà trong suốt bao nhiêu năm, tôi đã cố gắng tìm hiểu, qúy mến sâu xa và ngưỡng mộ hết mình. Thế nhưng vào ngày 19 tháng 4 năm 2005, một sự kiện lớn lao đã xẩy ra, trong đời Ngài cũng như trong đời tôi: đó là việc Ngài được chọn làm đấng kế vị thánh Phêrô. Điều này biểu trưng cho một chiều kích mới một cách tự nhiên, rồi trở thành hiển nhiên mỗi lần gặp gỡ Ngài. Ngài chính là con người, là thầy dậy, là vị hồng y mà tôi rất quen biết trong suốt nhiều năm trời, nhưng cùng lúc ấy, Ngài cũng lại là chính Phêrô.

H. ĐHY đã quen biết Joseph Ratzinger, tức Đức Bênêđictô XVI từ nhiều năm nay. Thế đâu là đặc điểm của Ngài?

Đ. Có thể nói là rất nhiều. Ngài viết hồi ký đời mình với bút pháp tuy rất chừng mực nhưng thật khôn ngoan. Ngài biết kiềm chế khi phải miêu tả những vấn đề tư riêng của mình. Tuy không nói nhiều về đời mình, nhưng ta vẫn thấy được cái gốc gác Kitô hữu sâu xa của nó. Bạn có thể thấy được Ngài xuất thân từ một gia đình thấm nhuần một đức tin sâu xa, một gia đình được kết hợp trong đức tin và tình yêu thương.

Tôi được hân hạnh quen thân bà chị Maria của Ngài, bà mới đột ngột qua đời vào ngày 2 tháng 11 năm 1991. Ba chị em rất thân thiết nhau, điều ấy cho thấy rằng chắc hẳn ông bà cố cũng đã uốn nắn dậy dỗ các vị rất cẩn thận. Nếu dựa trên tiểu sử cá nhân, thì phải nói thế nào về ĐGH đây? Phải nói rằng Ngài là một nhà thần học đầy tài năng và thông minh. Tôi không ngại bảo rằng Ngài chính là người cuối cùng trong số các thần học gia lỗi lạc thuộc thế hệ Công Đồng--tỉ như Rahner, de Lubac, Congar, và von Balthasar. Là nhà thần học trẻ nhất trong một hàng dài các thần học gia đã gây ảnh hưởng trên Công Đồng Vaticanô đệ nhị, chắc hẳn Ngài là một trong những người nổi danh nhất do bởi khả năng thiêng liêng và thần học của mình.

H. Trong dịp hội kiến với ĐGH tại Castel Gandolfo, ĐHY đã bàn thảo chi tiết về chuyến đi sắp tới của Ngài, vậy đâu là kỳ vọng của ĐGH?

Đ. Ngài sẽ cho chúng ta biết, và tôi nghĩ đây là điều tốt đẹp. Khi ĐGH Bênêđictô nói, điều cần thiết là phải chăm chú lắng nghe, bởi vì điều Ngài nói luôn luôn rất minh bạch, quan trọng, sắc bén, tuy có vẻ cá nhân nhưng rất thu hút. Tôi chưa biết Ngài sẽ nói gì. Điều tốt đẹp phải làm là mở rộng tâm hồn. Có điều chắc chắn là chúng ta sẽ nhận được nhiều chất liệu để tiếp tục suy tư.

H. ĐGH sẽ tìm thấy một Giáo Hội như thế nào? Theo ĐHY thì tình trạng Giáo Hội Áo Quốc ra sao?

Đ. Chỉ có mình Chúa mới biết rõ tình trạng Giáo Hội Áo Quốc như thế nào, bởi lẽ chính niềm tin là điều Người nhắm đến. Theo nghĩa này, trái tim và mối liên hệ của nó với Thiên Chúa là cả một mầu nhiệm. Không có một thống kê nào có thể đo lường được điều này. Hiện nay ta đang sống trong một thời đại mà khoa xã hội tôn giáo, khoa tâm lý tôn giáo, và thống kê học đang đóng một vai trò quan trọng, và vì thế, ta cần học hỏi làm sao có thể đặt vấn đề tôn giáo cho giới trẻ, giới trưởng thành và giới cao niên nữa.

Từ thập niên 1950 đến nay, đã có rất nhiều thay đổi lớn lao, không phải chỉ trong Hội Thánh mà còn cả ngoài xã hội nữa. Ta đang sống trong một xã hội rất khác với trước đây. Xin đan cử một thí dụ: trong giáo phận của tôi, có một vùng thôn quê và một vùng thành thị, nội thành Vienna và vùng ngoại ô thuộc về Tổng Giáo Phận (TGP) Vienna. Năm mươi năm trước đây, các vùng này là những cánh đồng và nông trại; ngày nay đã trở nên vùng ngoại thành Vienna. Đây là một đổi thay lớn, ảnh hưởng đến nếp sống nghề nghiệp, xã hội và gia đình của biết bao nhiêu người. Con số các nông gia giảm sút mạnh, và điều này đã ảnh hưởng nặng nề đến vấn đề sống đạo. Thiết tưởng, giữa một xã hội tục hoá trầm trọng, thì cái thách đố của ngày hôm nay chính là làm sao để sống đạo, sống niềm tin Kitô hữu vốn đang trở thành như một chọn lựa khác, như một thứ xã hội phản văn hoá.

H. Cuộc viếng thăm Áo Quốc của ĐGH là một cuộc hành hương đến Mariazell. Thế thì Đức Mẹ đóng vai trò nào trong đời sống Kitô hữu?

Đ. Khẩu hiệu “Hãy nhìn về Chúa Kitô” đã được linh hứng sâu đậm từ Mariazell. Nếu bạn nhìn vào bức tượng “đầy ơn phúc” tại Mariazell, bức tượng nhỏ bằng gỗ Linden đã có 850 tuổi đời, không mặc trang phục nghi lễ, không choàng lớp áo thường mặc, hẳn bạn sẽ nhìn thấy hình ảnh đơn sơ của Đấng là Thánh Mẫu Chúa Trời, tuy huyền nhiệm nhưng tươi cười độ lượng, trên đầu gối Mẹ là một bé thơ cầm trái táo trên tay, biểu tượng của thiên triều. Mẹ Maria thì rõ ràng đang hướng về bé thơ ấy, như đang nói với ta những lời Mẹ đã từng thốt lên tại Cana, “Người bảo gì thì cứ làm theo.” Đúng là Mẹ đang dậy cho ta biết hướng mắt về Chúa Kitô.

Như vậy, tuy đang nhìn ta, nhưng Mẹ lại trỏ về Chúa Kitô. Một cách nào đó, Mẹ đang kêu gọi ta: “Hãy nhìn, nhìn vào Con của Mẹ.” Thiết tưởng đây chính là câu châm ngôn mà ĐGH Gioan Phaolô II đã chọn cho cả cuộc đời, nhưng nhất là cho ngôi Giáo hoàng của mình. “Totus tuus” có nghĩa là qua Mẹ Maria để đến với Chúa Kitô. Mẹ chỉ đường cho ta. Vì vậy ta hãy bắt đầu cuộc hành hương với Đức Bênêđictô XVI, và cùng với Ngài đi đến Mariazell.

Từ ngày 8 tháng 12 năm 2006, chúng tôi đã khởi sự tuần cửu nhật mà sẽ kéo dài đến mùng 8 tháng 9 năm 2007, để chuẩn bị cho ngày lễ Mariazell cũng như cuộc viếng thăm của ĐGH.

H. Mới đây ĐHY đã đề cập đến vấn đề khan hiếm trẻ em. Vậy làm sao để xã hội biết yêu thích có thêm trẻ em nữa đây?

Đ. Đây phải coi là một vấn đề lớn cho một xã hội đang che mờ tương lai của mình bằng sự kiện không còn đủ số con trẻ tiếp nối. Ta đã quá rõ là Âu Châu đang phải đối đầu với vấn nạn suy thoái dân số, cũng may còn được bù đắp phần nào bằng việc di dân. Đây chính là quyết định mà mọi xã hội phải thực hiện khi đang đối diện với vấn đề “không còn tương lai.”

Tại sao chúng ta lại lâm vào hoàn cảnh như thế này khi tại Áo Quốc còn thấy nhiều dấu hiệu tích cực và các gia đình đang được hỗ trợ và nâng đỡ như chưa bao giờ như thế? Trong lịch sử, chưa bao giờ có tình trạng thiếu luật lệ như hôm nay. Dẫu sao chăng nữa, các gia đình đã từng có nhiều con cái hơn bấy giờ rất nhiều.

Hiển nhiên thảm trạng phá thai đóng một vai trò lớn, thế nhưng cũng phải kể đến sự kiện là người ta không còn muốn có con nữa, người ta trả lời ‘Không’ đối với con trẻ qua việc ngừa thai.

Trong vòng 40 năm qua, Âu Châu đã ba lần trả lời ‘Không’ cho tương lai của nó: lần thứ nhất là khi nó dùng thuốc viên, lần thứ hai là khi nó dùng biện pháp phá thai, và lần thứ ba là khi nó chấp nhận hôn nhân đồng tính, bất chấp tính cách vô luân thường đạo lý của hiện tượng này; như thế đúng là đang nói ‘Không’ với tương lai của mình.

Câu trả lời ‘Có’cho tương lai chính là câu trả lời ‘Có’ cho con trẻ. Tôi nghĩ người Âu Châu hiện nay đang ngày càng ý thức rằng đây là một quyết định cần thiết. Trả lời “Có” cho tương lai đã là một việc làm tốt rồi, nếu như bạn cho rằng tương lai còn có cơ hội.

H. Trung Tâm dành cho các Gia Đình trong TGP Cologne đã tồn tại được một thời gian rồi. Riêng TGP Vienna thì đã có những sáng kiến đặc biệt nào để hỗ trợ các gia đình chưa, thưa ĐHY?

Đ. Đã có nhiều sáng kiến về khía cạnh này rồi chứ, tỉ như là hội các gia đình hoặc các khóa huấn luyện gia đình. Các phong trào tôn giáo khác nhau đều có các tổ chức gia đình, như phong trào Schoenstatt chẳng hạn. Các phong trào canh tân tôn giáo cũng tập chú nhiều vào các gia đình. Tôi tin còn có nhiều hơn thế nữa, vấn đề là phải chờ xem. Chính Chúa Giêsu đã chẳng bảo các môn đệ là “Hãy đến mà xem!” là gì? Ta cần phải xem; phải có khả năng chạm tay vào, nếu không chúng ta chẳng còn sống nữa.

Tôi đã có dịp đi nghỉ hè với một gia đình trẻ vừa có thêm đứa con thứ sáu. Hẳn nhiên đây là một cuộc sống đầy hy sinh, nhưng chắc chắn là sinh động hơn nhiều so với cảnh tượng chúng ta sợ cưu mang thêm một mầm sống mới. Tôi đang nghĩ đến kinh nghiệm của các gia đình đang sống trong những hoàn cảnh tương tự. Với đầy ý thức, họ sẵn sàng nói “Có” ngay cả khi gặp những chống đối dữ dội từ những người sống chung quanh. Bằng chính cuộc sống của mình, chúng ta đang làm chứng rằng thật là tốt đẹp, thật là tốt đẹp biết bao khi có con trẻ trong nhà. Dĩ nhiên là cực lắm. Nhưng cũng rất xứng đáng, rất hạnh phúc. Chính cảnh sống của các gia đình như thế đã khích lệ người khác noi theo. Nhưng thật lạ kỳ, đó không phải là vấn đề kinh tế. Nuôi dậy sáu đứa con cực lắm chứ! Nhưng tạ ơn Chúa, tại Áo Quốc, các gia đình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ. Dĩ nhiên còn có thể làm tốt hơn nữa, nhưng điều căn bản vẫn là phải sống và làm cho người khác thấy là họ cũng có thể làm được. Hãy đến mà xem!

Tôi nhìn thấy điều đó nơi nhiều gia đình có ba, bốn, năm, sáu người con, hoặc hơn thế nữa. Điều cảm kích là biết rằng tương lai đang có đây, hy vọng đang vươn lên đây, và đời sống đang triển nở đây. Đây chính là hướng đi của xã hội: liên đới, tương kính, tương trợ; đó là kinh nghiệm hợp lý ta phải trải qua để đạt tới một kết quả nào đó.

Đây là những giá trị tuyệt đối cần thiết, ngõ hầu xã hội trở nên đáng yêu và đáng sống. Chính trong xã hội mà ta tìm được và học được các giá trị ấy. Khốn cho những xã hội nào đánh mất đi các giá trị này, bởi vì nó sẽ trở thành một xã hội gian ác và rỉ sét.

H. Xin ĐHY cho biết ngài kỳ vọng điều gì nơi cuộc viếng thăm của ĐGH?

Đ. Củng cố đức tin, vui sống niềm tin và phấn khởi bước đi trên con đường đức tin, cùng với Hội Thánh và trong long Hội Thánh, chứ không phải dấn bước trên con đường do chính chúng ta tạo ra.