Tình hình đại kết tại Hy Lạp

Phỏng vấn Đức Cha Fragkistos Papamanolis, Giám Mục Syros, Milos và Santorini, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hy Lạp, về tình hình đại kết (ZENIT 13-9-2007)

Trong các ngày từ mùng 5 đến mùng 9 tháng 9 vừa qua, hội nghị đại kết âu châu lần thứ ba đã diễn ra tại Sibiu bên Rumani. Đã có 2.500 đại biểu các Giáo Hội Kitô tham dự, trong đó có Đức Cha Fragkiskos Papamanolis, dòng Capucino, Giám Mục giáo phận Syros, Milos và Santorini, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hy Lạp. Đức Cha cũng là Giám quản tông tòa đảo Creta.

H: Thưa Đức Cha, hiện tình Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp ra sao?

Đ: Tại Hy Lạp tín hữu công giáo chỉ là một thiểu số rất nhỏ nhoi. Chúng tôi chiếm 0,5% tổng số dân, nghĩa là được khoảng 50 ngàn người. Tuy nhiên trong 15 năm qua, với biến cố chế độ cộng sản sụp đổ, cửa biên giới các nước Liên Hiệp Âu châu rộng mở và tình hình bất ổn tại Trung Đông, phong trào di cư lên cao, khiến cho số tín hữu công giáo gia tăng 700%, nghĩa tà từ 50.000 lên tới 350.000 tín hữu.

Như tôi đã trình bầy với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong dịp về Roma viếng mộ hai thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và thăm Tòa Thánh: sự kiện gia tăng nhân số này an ủi chúng tôi, nhưng đàng khác nó cũng tạo ra nhiều vấn đề, vì các nhóm tín hữu công giáo quy tụ tại những nơi không có nhà thờ, không có chỗ để làm việc phụng tự, cũng như không có các linh mục công giáo.

Chẳng hạn tại miền nam đảo Creta, trong thành phố Ierapetra có khoảng 1000 tín hữu công giáo và giáo xứ của họ lại ở mãi Heraklion, cách đó 130 cây số. Tại Ierapetra có các cặp vơ chồng trẻ và trẻ em tiểu học, nhưng không có ai dậy giáo lý cho các em. Mới đây chúng tôi đã thuê một cửa tiệm để biến thành nơi cử hành các lễ nghi phụng vụ và hội họp. Chúng tôi ước mong các Giáo Hội gốc của các anh chị em này trợ giúp chúng tôi một tay để lo lắng cho họ. Nhưng trong đa số các trường hợp đó là các Giáo Hội nghèo về nhân lực cũng như tài lực, điển hình như trường hợp của nước Albani.

H: Đâu là các lãnh vực trong đó các liên hệ giữa công giáo và chính thống được cảm nghiệm rõ ràng nhất thưa Đức Cha?

Đ: Trước hết phải nói ngay rằng tại Hy Lạp không có cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo Hội Công Giáo và Giáo Hội Chính Thống. Nhưng ở đâu có các cộng đoàn công giáo và đặc biệt tại đâu có một Giám Mục công giáo, thì cũng có các liên hệ tốt giữa các Giám Mục linh mục công giáo và các Giám Mục linh mục chính thống. Đây là một sự kiện tích cực, khích lệ các tín hữu tiến bước về sự hiệp nhất.

Riêng tại giáo phận của tôi trên đảo Syros, nơi tôi làm Giám Mục từ 33 năm qua, chúng tôi có liên hệ rất tốt với Đức Tổng Giám Mục chính thống Dorotheo II, là Giám Mục tại đây từ 5 năm qua. Chúng tôi đã đưa ra các sáng kiến chung như trong dịp lễ Giáng Sinh và Phục Sinh: cùng nhau đi thăm viếng các bệnh nhân trong nhà thương và người già trong ba nhà dưỡng lão trên đảo. Các cuộc viếng thăm ấy không chỉ có ý nghĩa thương người, mà cũng có ý nghĩa hiệp nhất và hòa giải nữa. Ngoài ra ít nhất một làn trong năm, chúng tôi dùng bữa trưa chung với nhau giữa các linh mục công giáo và chính thống. Có lần tôi đã nói với Đức Tổng Giám Mục Dorotheo là chúng ta chưa thể dự tiệc Thánh Thể chung, thì ít nhất hãy ngồi chung quanh một bàn để dùng bữa chung với nhau và thảo luận với nhau, mà không cần phải có các công thức dọn sẵn.

H: Trong hội nghị đại kết Sibiu ĐC đã có các cuộc đối thoại nào có thể tiếp tục, sau khi trở về Hy Lạp?

Đ: Để chuẩn bị cho hội nghị Sibiu Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp đã đưa ra sáng kiến tổ chức một cuộc họp với đại biểu các phái đoàn chính thống, công giáo và tin lành tại Athenes. Đây là lần đầu tiên có cuộc họp như thế và nó đã được mọi người chào mừng như là một biến cố quan trọng. Sau đó khi tới Sibiu chúng tôi đã không xa lạ với nhau, vì đã quen nhau trong phiên họp tại thủ đô Athenes trước đó. Chúng tôi đã rất vui sướng và chuyện vãn với nhau như bàn bè thân quen.

Tại Sibiu Đức Tổng Giám Mục Ignatios di Volos, Chủ tịch Ủy Ban liên lạc liên chính thống và liên kitô của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp, đã mời tất cả chúng tôi dùng bữa trưa và chúng tôi đã quyết định tiếp tục cuộc đối thoại này. Dĩ nhiên, đây chỉ là một bước tiến nho nhỏ, nó chỉ là một sáng kiến riêng của một Giám Mục, nhưng lại được Thánh Hội Đồng Chính Thống Hy Lạp tán thành. Chúng tôi bắt đầu từng bước nhỏ như thế, hầu như kín đáo không được ai biết tới. Nhưng mà nói cho cùng, khi chúng ta gieo, thì hạt giống luôn luôn ẩn kín dưới lòng đất, rồi mới nẩy mầm lớn lên và sinh bông hạt.

H: Theo Đức Cha, hội nghị đại kết các Giáo Hội Kitô Âu châu tại Sibiu bên Rumani đã mở ra các viễn tượng nào?

Đ: Tại Sibiu trước hết, các Giáo Hội Âu châu tái dấn thân tiến bước trên con đường dẫn đến sự hiệp nhất. Ngoài ra, trong sứ điệp chung kết có nhiều đề nghị khác nhau trong lãnh vực xã hội. Do đó chúng tôi hy vọng rằng sứ điệp này không bị xếp vào văn khố, nhưng luôn được để trước bàn viết của từng người. Riêng tôi, tôi có nhiều tư tưởng khác không được diễn tả trong sứ điệp. Đối với tôi, trên con đường tiến đến sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô, các sự thật thần học rất là quan trọng và cần phải tìm ra một thỏa thuận liên quan tới vài đề tài. Nhưng đây là bổn phận của các Ủy ban thần học hỗn hợp.

Nếu chúng ta và phong trào đại kết giờ đây đang cảm thấy mệt mỏi, tình trạng này phát xuất từ sự kiện chúng ta đã không coi việc hiểu biết nhau là quan trọng, và vì nhiều thành kiến trong qúa khứ vần tiếp tục tồn tại. Hai hội nghị trước đây đã góp phần xóa bỏ phần nào các thành kiến đó nhưng vẫn còn. Vì thế các hội nghị như hội nghị Sibiu phải được triệu tập thường xuyên hơn, cả trên bình diện đia phương và quốc gia. Và có lẽ không cần phải mời tới 3.000 tham dự viên.

Có một điều quan trọng khác nữa, đó là các Giám Mục công giáo phải hiểu biết Giáo Hội Chính Thống nhiều hơn, vượt ngoài những gì có thể đọc trong sách vở. Vì hiểu biết Giáo Hội Chính Thống không chỉ có nghĩa là hiểu biết các khác biệt giáo lý, mà cũng hiểu biết sự nhậy cảm của các anh em chính thống nữa. Và điều này cũng có gía trị đối với phía Chính Thống. Ít nhất tại Hy Lạp các sách tôn giáo được nhà nước sử dụng trong qúa khứ vẫn trình bầy những giáo huấn, mà Giáo Hội Công Giáo không hề dậy dỗ, trái lại thường lên án. Những thành kiến sai lầm như thế cần phải bỏ đi, và qủa thế, từ từ qua các hiểu biết và tiếp xúc cá nhân, các thành kiến này dần dần tan biến. Tại những nơi nào có các cộng đoàn chính thống và công giáo cố gắng hiểu biết nhau hơn, thì các thành kiến như thế đã từ từ biến mất từ cả hai phía.

Còn có một con đường khác nữa giúp tiến tới hiệp nhất, đó là việc thanh tẩy các cơ cấu trong Giáo Hội Công Giáo cũng như trong Giáo Hội Chính Thống. Trên thực tế, giáo hội học phải đau khổ rất nhiều. Có các cơ cấu cần được sửa đổi. Cả hai Giáo Hội đều phải bước đi trên con đường hoán cải và thanh tẩy đó. Đây không phải là việc sám hối một tội hay một đều ác đã phạm, nhưng trong nghĩa tin mừng, trong đó từ ”metanoia” có nghĩa là thay đổi tâm thức, thay đổi não trạng. Khi người ta thay đổi tinh thần, thì sẽ có nhiều điều được thay đổi.

H: Thưa Đức Cha, Đức Cha có muốn đưa ra lời kêu gọi nào đối với các kitô hữu hay không?

Đ: Phái đoàn Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp chúng tôi đã đệ trình lên chủ tịch đoàn hội nghị đại kết Sibiu một thỉnh nguyện: đó là yêu cầu chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng tước hiệu ”đại kết” của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Constantinopoli. Tôi đã trao thỉnh nguyện của chúng tôi cho nhiều Giám Mục chính thống như vị trưởng phái đoàn Tòa Thượng Phụ, Đức Tổng Giám Mục Michele nước Áo.

Lời kêu gọi thứ hai tôi muốn đưa ra đó là xin tất cả mọi tín hữu kitô loại bỏ các lập trường cứng nhắc đi, để chấp nhận cử hành lễ Phục Sinh trong cùng một ngày như nhau. Tôi đã đệ trình thỉnh nguyện này lên Hội nghị và nhấn mạnh là cần phải tìm ra một ngày chung để tất cả mọi kitô hữu đều mừng lễ Chúa phục sinh trong một ngày như nhau, khắp nơi trên toàn thế giới. Đây là đều rất quan trọng. Nếu chúng ta không làm thì sẽ có một ông Ciro làm. Ciro đã là vua Ba Tư, với sắc lệnh năm 538 trước công nguyên ông đã cho phép người Do thái hồi hương và tái thiết Đền Thánh Giêrusalem, vì tự họ người Do thái đã không tìm ra sự đồng thuận với nhau. Nếu chúng ta không tìm ra một ngày chung để cử hành lễ Phục Sinh, thì sẽ có các chính quyền vô thần nói với chúng ra rằng hoặc là qúy vị tìm cho ra một ngày chung để mừng lễ, hoặc là chúng tôi sẽ không biết tới ngày lễ của qúy vị, như đã xảy ra tại Pháp.

Điều này tạo ra nhiều vấn đề cho chúng ta như là Giáo Hội, nhưng nó cũng tạo ra nhiều vấn đề đồi với xã hội. Đơn sơ như thử nghĩ tới các nhà băng chẳng hạn. Bên Hy Lạp trong Tuần Thánh, các nhà băng đều đóng cửa hết; hay cứ nghĩ tới các gia đình tôn giáo hỗn hợp trong đó cha hay mẹ là công giáo hay chính thống. Lễ Phục Sinh năm tới đây hai Giáo Hội sẽ cử hành cách nhau 5 tuần lễ. Tín hữu công giáp theo lịch Gregoriano cử hành lễ Phục Sinh ngày 23 tháng 3 năm 2008, trong khi tín hữu chính thống theo lịch Giuliano cử hành lễ Phục Sinh ngày 27 tháng 4.

Do phép của ĐGH Phaolo VI từ năm 1968 tới nay Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp cử hành lễ Phục Sinh cùng ngày với Giáo Hội Chính Thống, nhưng giải pháp này cũng tạo ra nhiều vấn đề. Vì thế tôi cầu mong và kêu gọi làm sao để mọi kitô hữu đều mừng lễ Phục Sinh trong cùng một ngày, để tất cả có thể nó rằng: Chúa Kitô đã sống lại. Chứ không phải là một sự phục sinh từng chặng.