Người Công giáo cầu nguyện cho hòa bình tại Myanmar (Miến Điện)

Yangon (Zenit) – Giáo hội tại Myanmar tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình giữa khi chính quyền đàn áp thẳng tay những cuộc biểu tình đòi dân chủ, có cả hàng ngàn tăng ni Phật giáo tham gia.

Đức Tổng giám mục Charles Maung Bo cai quản giáo phận Rangoon, và là tổng thư ký Hội đồng Giám mục Myanmar nói với đài phát thanh Vatican: “Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn này, tất cả mọi người Công giáo đã cam kết cầu nguyện và dâng những thánh lễ đặc biệt.”

Ngài nói thêm rằng “theo đúng giáo luật và học thuyết xã hội của Giáo hội, các linh mục và tu sĩ không tham gia những cuộc biểu tình phản kháng hiện nay và không thuộc vào một đảng phái chính trị nào.”

Tuy nhiên, ngài quả quyết: “người Công giáo cũng là công dân, được tự do hành động đúng theo lương tâm mình. Các linh mục và tu sĩ có thể giúp đưa ra những hướng dẫn thích hợp.”

Myanmar – tên cũ là Burma (Miến điện) – đã lôi kéo sự chú ý của quốc tế, gia tăng đáng kể vào tuần qua, khi các lực lượng chính phủ bắt đầu bắn vào những người biểu tình. Họ xuống đường sau khi giá xăng dầu được chính phủ cho tăng vọt có hiệu lực từ ngày 19 tháng 8.

Chính phủ Myanmar – là một liên minh quân đội cầm quyền tại nước này từ năm 1962 – ra lệnh giới nghiêm 60 ngày, nhưng các cuộc phản kháng và đàn áp vẫn tiếp diễn.

Đài phát thanh Vatican cho biết rằng các lời cảnh cáo của các chính phủ Tây phương xử dụng các biện pháp ôn hoà tối đa đã tỏ ra không có kết quả.

Tự do hay là trấn áp

Đài phát thanh Vatican nói chuyện với cha Piero Gheddo, thuộc Học viện Giáo hoàng về Truyền giáo Ngoại quốc và là một chuyên viên về khu vực liên hệ. Ngài nói rằng phong trào dân sự này rất mạnh vì có sự tham gia của sư sãi và đáp ứng của các công dân đi kèm theo họ.

Cha Gheddo nói: ”Tôi nghĩ rằng trong tình thế này, để giúp đỡ cho 50 triệu dân, các chính phủ tại phương Tây phải làm áp lực thêm nữa. Cuộc phản kháng sẽ là một tình huống rất tích cực nếu chấm dứt bằng tự do. Còn tiêu cực thì tạo ra đàn áp.”

“Hội đồng quân nhân Miến điện đã hủy bỏ các đảng phái chính trị, các nghiệp đoàn, tự do báo chí, các hiệp hội, ngay cả những hiệp hội phi chính trị. Những người đang cai trị Myanmar, những kẻ chi phối toàn bộ tình hình chỉ là chính phủ và những người ủng hộ chính phủ mà thôi!

“Tôi nghĩ rằng toàn thể dân chúng – gần như toàn bộ dân chúng – đang nổi loạn, bởi vì Miến điện, xin nhắc lại, sau thời kỳ hậu chiến, trong những năm 1946-1948, khi được độc lập, đã là một trong những quốc gia phát triển nhất tại Đông Nam Á và giàu tài nguyên thiên nhiên. Ngày nay, nước này là nước kém nhất về mọi phương diện.”

Năm 1988 Các cuộc biểu tình đòi dân chủ có quy mô rộng lớn đã kết thúc với ít nhất 3000 người thiệt mạng.

Trong bản Báo cáo năm 2006 về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới do cơ quan Viện trợ cho Giáo hội Nghèo soạn thảo, Myanmar nằm trong danh sách các quốc gia hạn chế tự do tôn giáo nhất, theo pháp luật và trên thực tế.