VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH TÔN GIÁO NGÀY NAY



Kỹ sư xây dựng J.B Nguyễn Hữu Vinh, giáo dân xứ Thịnh Liệt, đã từng tham gia nhiều nhà thờ, chủng viện, nhà xứ, đã viết lên mấy suy nghĩ, thao thức của mình về việc xây dựng các công trình tôn giáo ngày nay.

Công trình như nấm sau mưa

Sau một thời gian dài bị cấm đoán, khó khăn trong việc xây dựng các công trình tôn giáo như nhà thờ, nhà xứ… những năm qua, sau khi được “cởi trói”, phong trào xây dựng nhà thờ, nhà xứ và các công trình tôn giáo, nhất là Công giáo đã diễn ra rầm rộ trong nam, ngoài bắc… đặc biệt là ở các giáo phận miền Bắc.

nhà thờ chính tòa Lạng Sơn
Điều đó như là một lẽ đương nhiên: Sau mấy chục năm chiến tranh, các công trình bị hư hại nặng do thời tiết khắc nghiệt, do chiến tranh và con người góp phần phá hoại, lại không được tu sửa, nâng cấp.

Mặt khác, thời gian đã qua, những ngôi nhà thờ từ khi được xây dựng đến nay đã có thời gian ngót nghét một thế kỷ, nhiều điều kiện về sử dụng, diện tích, độ an toàn của công trình đã không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đông đảo lượng giáo dân ngày càng tăng.

Cũng có một yếu tố khác, đó là sau mấy chục năm với nền kinh tế kế hoạch bao cấp đầy rẫy những khó khăn thiếu thốn. Đến khi được “cởi trói”, đời sống nhân dân như một bản năng mãnh liệt của cuộc sống được dịp trỗi dậy và đã có những bước tiến ngoạn mục khi Việt Nam hội nhập với thế giới, nền kinh tế thị trường. Do vậy điều kiện vật chất cũng đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của việc xây cất, thờ phụng.

Một nguồn lực quan trọng khác nữa, là những người Việt hiện sống ở nước ngoài xuất thân từ các xứ họ, các giáo phận trong nước, sau một thời gian định cư ở nước ngoài xa cách với nỗi canh cánh trong lòng về quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn. Nay họ đã có cuộc sống kinh tế cao hơn đã không quên cội nguồn, đã gom góp để xây dựng quê hương, xây dựng lại những Thánh đường đàng hoàng, to đẹp hơn như những nghĩa cử của người xa xứ với cội nguồn của mình.

Do vậy, nơi nơi, các xứ họ, các giáo phận đã rầm rộ một phong trào “trăm hoa đua nở” trong việc xây dựng lại các Thánh đường, các công trình tôn giáo.

Lớn hơn, đẹp hơn hoàng tráng hơn

Nhà thờ Gò Mu
Nếu bạn đi một vòng từ Nam đến Bắc, qua những vùng đông giáo dân sẽ thấy nổi bật trên nền trời xanh là những ngọn tháp cao ngạo nghễ, những Thánh đường to, rộng đang được cấp tập xây dựng như một phong trào, làm nức lòng giáo dân sở tại, làm ấm lòng những giáo hữu tha phương.

Những Thánh đường với muôn vẻ kiến trúc như những minh chứng hùng hồn cho lòng tin mãnh liệt và phong phú của người Công giáo Việt Nam, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên khó khăn, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, của xã hội, vẫn không ngừng phát triển.

Những điều bất cập

Những Thánh đường Công giáo mọc lên như những niềm tự hào của các tín hữu với lòng tin kiên định, sắt son của mình vào Thiên Chúa. Vậy nhưng tình trạng hiện tại của việc xây dựng các Thánh đường Công giáo, các công trình tôn giáo nói chung vẫn có nhiều điều đáng để chúng ta suy nghĩ.

Là người đã từng tham gia thiết kế khá nhiều công trình cho các Giáo phận, trong tôi luôn có những suy nghĩ: Đó là công việc chung của mọi tín hữu, mọi Giáo dân và các đấng bậc trong Giáo Hội đều phải chăm lo như lo lắng cho chính ngôi nhà của mình.

nhà thờ Mường Riệc
Việc xây dựng các Thánh đường và công trình tôn giáo nói chung hiện nay đang ồ ạt theo kiểu “phong trào”. Có nơi nhà thờ cũ, hỏng, phá đi xây nhà thờ mới, có nơi nhà thờ lớn, phá đi xây lại lớn hơn. Việc trùng tu, bảo tồn là ít thấy dù công trình đó có một giá trị văn hóa, lịch sử trải qua cả trăm năm, cũng như có những công trình được đúc kết bằng tinh hoa văn hóa của dân tộc, của cha ông, nhưng sau bao năm bị bào mòn bởi thời gian, bị xuống cấp không được tu sửa, nay bỗng nhiên trở thành phế thải và đập đi để xây lại.

Tôi từng đến một ngôi Thánh đường bằng gỗ, tường xây bao quanh được thiết kế thi công công phu, tỉ mỉ. Những hoa văn sơn son thếp vàng, những chi tiết kiến trúc nhuần nhuyễn, mang đậm tính nhân văn tôn giáo của từng thời kỳ lịch sử mà thời đại ngày nay và mãi mãi chắc khó lòng xây dựng được. Nhưng nó đã bị phá đi để xây lại bằng ngôi nhà thờ lớn hơn bằng bê tông cốt thép.

Rất nhiều công trình xây dựng theo ngẫu hứng, theo kinh nghiệm là chính bất chấp kỹ thuật và nghệ thuật kiến trúc. Rất nhiều Thánh đường đã được xây dựng theo ý chủ quan của Cha xứ hoặc người tài trợ mà bất chấp một thực tế là lãng phí rất nhiều tiền của một cách vô lý. Nhiều ngôi Thánh đường và công trình tôn giáo đã được giao cho những người không có chuyên môn, kỹ thuật về kiến trúc, xây dựng để thiết kế và thi công, thậm chí có nhiều Thánh đường được xây dựng theo kiểu “học mót”. Hễ thấy một chi tiết vui mắt ở đâu đó thì bê nguyên về, bất chấp tính logic và ngôn ngữ kiến trúc.

nhà thờ cũ
Rất nhiều Thánh đường được xây dựng theo kiểu tiết kiệm, không cần thiết kế, chẳng cần chuyên môn, chỉ cần giao cho một tốp thợ tự biên tự diễn theo ý Cha xứ và ban kiến thiết. Bởi chưng, thuê thiết kế, khảo sát… tốn một số chi phí nào đó. Nhưng họ đã không biết rằng, những công trình không được xây dựng theo đúng quy trình kỹ thuật một cách khoa học, thì sự lãng phí đối với công trình còn lớn hơn gấp nhiều lần chi phí đó, ngoài ra, nguy cơ nứt nẻ, hư hỏng, sụp đổ bất cứ lúc nào, chi phí sửa chữa, làm lại là một con số lớn hơn rất nhiều lần. Ngoài ra, nếu chẳng may công trình sụp đổ khi đang thi công hoặc sử dụng với đông người, hậu quả sẽ là không nhỏ.

Để có những Thánh đường to đẹp, rộng rãi làm vinh danh Thiên Chúa trong các sinh hoạt tôn giáo và văn hóa hàng ngày, người Công giáo Việt Nam đã chắt chiu từng đồng tiền, bát gạo, hi sinh rất nhiều công, của, bằng mồ hôi nước mắt khó nhọc của mình làm ra. Những người con xa xứ đã không tiếc công sức, đã gom góp tiền của để gửi về góp sức chung tay xây dựng nên những công trình đáng tự hào đó.

Nhưng trong thực tế, việc xây dựng ở nhiều nơi, nhiều chỗ đã lãng phí cách này hay cách khác.

nhà thờ băng bêtông
Chúng tôi cũng đã đến nơi xây dựng ngôi Thánh đường được người dân ở đó cho là tốn kém nhất, nhiều tiền của nhất khu vực miền Bắc… Toàn bộ công trình từ móng đến tường, mái là một khối bê tông khổng lồ. Tất cả các chi tiết thi công từ ván khuôn, dàn giáo đến quy trình thi công nhất nhất tuân theo những quy định và phương pháp “không giống ai” trong nền xây dựng Việt Nam hiện tại. Một công trình tốn kém khủng khiếp, nếu theo tư duy xây dựng Việt Nam hiện nay. Theo những phép tính đơn giản, ngôi nhà thờ này, kinh phí đắt gấp năm bảy lần những ngôi nhà thờ khác cùng diện tích sử dụng.

Khi được hỏi “Những quy định đó do ai đưa ra, người dân đều trả lời “Do người tài trợ quyết định”. “Nhưng tại sao phải theo những quyết định không giống ai đó?” thì được trả lời: “Nếu không nghe, họ cắt tài trợ cho công trình”.

Khi ra về chúng tôi không khỏi những băn khoăn. Phải chăng khi có tiền, bất cứ người nào cũng có thể xây dựng Thánh đường với những “ý tưởng” không giống ai, dù nó tốn kém như cách tiêu tiền của “Công tử Bạc Liêu” trong tiểu thuyết để rồi buộc những người dân bản địa phải chấp nhận?

Thiết nghĩ, với người tài trợ, nếu như số tiền khổng lồ kia được chia cho những nơi hiện đang mong một ngôi Thánh đường tạm để thay cho những ngôi Thánh đường bằng tranh tre nứa lá ở khu vực Tây Bắc của đất nước, thì biết bao giáo dân đã không quá vất vả khi dâng lễ trong nắng mưa, bão táp. Và số tiền ấy được dùng những mục đích có ích hơn, hẳn công lao của người làm nên những đồng tiền ấy là không nhỏ.

Nhà thờ bê tông
Còn với Cha xứ cũng như giáo dân nơi xây dựng ngôi Thánh đường đó, nếu họ nghĩ rằng: Thánh đường là của Chúa, của Giáo hội, của tất cả mọi người, không của riêng ai, nên không thể chấp nhận những sự vô lý, lãng phí quá mức khi buộc phải bằng lòng làm theo người có tiền. Chúng ta có thể vất vả hơn, làm ngôi Thánh đường nhỏ hơn, để những đồng tiền đó cho những công việc có ý nghĩa hơn trong công việc chung của Giáo hội Hoàn cầu.

Và hệ lụy

Với người Công giáo, Thánh đường là nơi trung tâm sinh hoạt tôn giáo. Thánh đường càng to, càng đẹp, thì người Công giáo càng hãnh diện và tự hào. Nhưng nhiều khi chúng ta quên mất một điều rằng: Thánh đường đẹp đẽ nhất cho Thiên Chúa ngự, chính là tâm hồn mỗi người.

Để xây dựng những Thánh đường nguy nga, lộng lẫy, trước hết cần một tinh thần. Tinh thần của người Công giáo Việt Nam với Thiên Chúa, với Giáo Hội thật là to lớn. Nhưng tất nhiên đi kèm theo tinh thần là chi phí cho vật liệu, nhân công và tiền của cũng lớn theo quy mô của nó. Trong khi những người dân Việt Nam nói chung là những người đang nằm trong một nền kinh tế nghèo đói nói chung. Việc xây dựng những công trình quá lớn, nảy sinh những điều bất cập và hệ lụy không phải không có ảnh hưởng.

Nhiều nơi, để xây dựng Thánh đường và các công trình tôn giáo, các giáo xứ, giáo phận đã phải dùng rất nhiều dự án xin tài trợ của các tổ chức và cá nhân cho việc phục vụ tha nhân, phục vụ cộng đồng… như giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội… Nhưng khi có được những đồng tiền đó, đã không sử dụng đúng mục đích của dự án đã nêu mà dùng cho việc xây dựng các Thánh đường nguy nga lộng lẫy. Phải chăng, điều đó là bình thường với người Công giáo, khi chúng ta phải nêu những tấm gương về Sự thật và làm chứng cho Sự thật. Việc biến các dự án khác cho xây dựng Thánh đường, phải chăng là không có vấn đề gì?

Ngoài ra, với phong trào chung, nơi nơi xây dựng Thánh đường, các linh mục đua nhau xây dựng nhiều, to lớn, đẹp… đó là điều tốt. Nhưng để thực hiện điều đó, có nhiều khi đã phải chấp nhận nhiều điều không bình thường.

Nhà thờ cổ
Trước hết là việc “xin phép”. Cần phải nói rõ rằng: Việc xây cất các công trình tôn giáo là một nhu cầu chính đáng của cộng đồng Công giáo. Việc cấp phép là điều đương nhiên các cấp chính quyền của dân phải làm khi có lý do chính đáng, nhất là nơi tập trung đông người như Thánh đường, nhà chung… Thời đại hiện nay, mọi người sống theo Hiến Pháp và Pháp luật như hệ thống chính trị xã hội yêu cầu. Thế nhưng, nhiều nơi vẫn làm chui, làm lén khi đi làm những thủ tục cấp phép, tạo điều kiện cho những quan chức nhà nước tham nhũng, nhận hối lộ để thực thi phận sự của mình. Nhiều nơi, xin phép một đường, làm một nẻo. Như vậy, chính chúng ta đã tự trói mình bằng những việc làm sai trái. Cần phải hiểu được điều này: Việc cấp phép phù hợp với quy mô, tiêu chuẩn của những công trình văn hóa, công cộng là điều đương nhiên các cơ quan thi hành pháp luật phải thực hiện, nếu không muốn người dân tự phát vô tổ chức.

Thứ hai là vấn đề kinh phí: Rất nhiều nơi, khi xây dựng Thánh đường, đã không lường trước được quy mô và khả năng, dẫn đến công tình kéo dài hàng chục năm không thể hoàn thiện, nhiều nơi cứ luôn luôn thay đổi theo ý chủ quan, khiến cho công trình trở nên chắp vá và không theo một quy hoạch chi tiết, làm công trình này lại phá công trình kia… gây lãng phí lớn trong quá trình xây dựng.

Nhiều nơi, không có cả thiết kế và hệ thống quản lý kinh tế, kỹ thuật chặt chẽ, để đảm bảo cho công trình được an toàn, tiết kiệm. Nhiều nơi, sự minh bạch, công khai không được đảm bảo, dẫn đến những nghi kỵ trong cộng đồng đối với những người có trách vụ.

Một yếu tố quan trọng trong việc xây cất Thánh đường nữa là những vị chủ chăn. Họ là những người phục vụ vô vị lợi. Rất nhiều vị đã nêu những tấm gương tuyệt vời trong việc xây dựng những cơ sở vật chất cho Giáo Hội ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nhiều khi và nhiều nơi, việc xây dựng các công trình đã gần như một cuộc tranh đua.. Để có điều kiện vận động, đi nước ngoài xin tài trợ… nhiều vị đã chấp nhận im lặng trước những điều vô lý mà người Công giáo làm chứng cho sự thật không được phép im lặng.

Những việc làm đó đã ảnh hưởng nhiều đến việc xây dựng một ngôi Thánh đường xứng đáng với ý nghĩa của Thánh đường là nơi Chúa ngự.

Một vài kiến nghị

Nên chăng, để có thể có một trật tự cũng như tránh những hệ lụy không cần thiết, mỗi Giáo phận cần có một Ban Phụ trách về xây dựng các công trình trong Giáo phận. Ở đó, có thể tập trung những trí thức Công giáo và không công giáo, để tư vấn cho các Giáo xứ, Giáo họ làm nên những công trình văn hóa tôn giáo có giá trị cho Giáo Hội và đất nước.

Hiện nay, hàng ngũ trí thức Công Giáo không phải là ít trong các lĩnh vực của xã hội, kể cả lĩnh vực xây dựng cơ bản, cái chính là chúng ta có tập hợp họ lại hay không. Kể cả khi cần thiết, nên thành lập một Công ty tư vấn Thiết kế các công trình tôn giáo cho Giáo phận. Công ty đó bao gồm cả các Luật sư, sẽ tư vấn cho các Giáo xứ, giáo họ trong việc thực hiện các quy định, điều luật trong lĩnh vực xây dựng cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Nên chăng, mỗi giáo phận đều nên có những quy định cụ thể về việc xây cất, huy động các tiềm năng và nguồn lực cho việc xây dựng các Công trình của Giáo Hội theo những tiêu chí cụ thể, không để tiếp diễn hiện tượng mạnh ai nấy làm, manh mún và không hiệu quả như hiện nay.

Và một điều cần hơn là Giáo phận luôn nhắc nhở mọi người thấm nhuần rằng: Ngôi Thánh đường đẹp nhất cho Thiên Chúa ngự, chính là tâm hồn mình.

Hà Nội, Ngày 15 tháng 5 năm 2007