Trào lưu chống Công giáo đang lên cao – Chúng ta phải kiên vững.



Bình luận của Phó tế Keith A Fournier

Los Angeles (Catholic Online) – Tuần lễ cuối tháng 10 năm nay, có lẽ nằm trong chiều hướng thù địch với giáo hội Công giáo ngày càng gia tăng, một viên chức Liên Hiệp Quốc đổ tội cho giáo hội Công giáo làm lây lan bện AIDS vì lập trường cương quyết chống ngừa thai và đề cao việc kiêng cữ các hành động tình dục của thanh niên nam nữ trước khi kết hôn.

Hồi đầu tháng, ngày 7 tháng 10, 2007, hai nam thành viên của nhóm “Sisters of Perpetual Indulgence” mặc quần áo phụ nữ vào dự thánh lễ và đi lên rước Mình thánh Chúa. Họ ăn bận những bộ y phục giả dạng các các nữ tu Công giáo với mục đích chế diễu. Nhóm này cũng khoa trương trên web site của mình rằng họ là một “tu hội lớn của các nữ tu kỳ cục”.

Các diễn viên hài, gần đây nhất là Kathy Griffin thường nhạo báng giáo hội Công giáo bằng những lời lẽ thiếu thận trọng, phun ra những tràng dài luận điệu chống Công giáo làm như đó là chuyện “hài hước”. Bill O’Reilly thuộc Hệ thống Tin tức Fox hôm 12-10-2007 đã trình bày một báo cáo nhan đề “Nhạo báng Giáo hội Công giáo”. Ông đã đặt đúng vấn đề. Trào lưu chống Công giáo dường như là thiên kiến duy nhất chấp nhận được trong thời đại này.

Thủ đoạn chê bai người Công giáo và biến họ thành chủ đề để chế nhạo và chọc cuời, không phải là không có tiền lệ trong lịch sử. Chuyện đó xưa như chính Giáo hội. Các nhà cầm quyền Roma thời đó kết tội những Kitô hữu đầu tiên là “odium humani generic (những kẻ bị loài người ghét bỏ) để bắt bớ họ. Điều hung hiểm này cũng tương tự như đường lối ngày nay một số kẻ tìm cách kết tội người Công giáo đang gây nên “không khí hận thù”.

Lời kết án này chĩa thẳng vào những Kitô hữu tại Roma là những kẻ đã dùng sứ điệp và lối sống để đe dọa chế độ. Một số người tại Roma thời đó đã đánh mất đi sự tôn trọng phẩm giá của mạng sống con người nhưng miệng thì vẫn nói rằng mình là kẻ sáng suốt. Họ thực hiện các hình thức thô sơ để phá thai, cũng như “đem bỏ phế” là cách giết những trẻ sơ sinh họ không muốn cho ra đời.

Thêm vào đó, hoàng đế Nero ở thế kỷ thứ I, cũng giống như nhiều người Roma thời kỳ này, là một kẻ trụy lạc, đã không thèm che đậy những hành vi đồng tính đồi trụy của mình. Một số sử gia cho biết cả việc ông ta đã lấy một người “vợ” nam giới.

Lịch sử thời Roma cổ đại dường như cho thấy có một mối liên hệ giữa mối thù nghịch ngày càng gia tăng đối với người Kitô hữu và sự suy đồi nhanh chóng về đạo đức của chế độ Cộng hoà lúc đó. Người Roma chỉ đơn giản không muốn nghe những Kitô hữu này phản đối việc phá thai và lối “bỏ mặc” để giết các trẻ sơ sinh. Chủ nghĩa hư vô và chủ nghĩa khoái lạc của họ bị đe dọa vì chứng tá và lối sống của người Kitô giáo.

Một trong những văn bản cổ xưa của Kitô giáo vào thời đại đó, viết gửi cho một người dân ngoại đang tìm học về đức tin Kitô giáo, có nhan đề là “Thư gửi cho Diognetus”. Văn bản này nói về lối sống khác biệt của người Kitô hữu: “Họ sống trong các quốc gia của mình, nhưng chỉ là những người ngoại cư. Họ tham dự vào mọi công việc như những công dân, nhưng chịu đựng mọi chuyện như là người ngoại quốc. Xứ sở ngoại quốc nào cũng đều là quê hương họ, nhưng mọi quê hương họ đều là đất đai ngoại quốc. Cũng như mọi người khác, họ kết hôn, sinh con đẻ cái nhưng không sát hại hoặc đem bỏ phế trẻ sơ sinh cho chết đi. Họ chia sẻ chỗ ăn ở cho mọi người nhưng không cho chung chạ giuờng chiếu.”

Sự kiên trì tôn trọng phẩm giá của mỗi con người nơi những Kitô hữu thời sơ khai cũng như những cuộc hôn nhân trung thành một vợ một chồng của họ đã thay đổi chế độ Roma thời cổ đại. Nhưng không phải họ đã không gặp chống đối, thù nghịch và buồn thay, cả sự bách hại. Và như thế điều đó có thể một lần nữa xảy ra cho mọi người Kitô hữu chính thống ngay trong thời đại chúng ta. Đứng tiền phong trong chính thời đại này, nói lên sự thật và chối từ không chịu tôn thờ các thần linh mới và giả trá, chính là các tín hữu, là những người Công giáo. May mắn thay nhà cầm quyền không kết tội chúng ta là những “kẻ bị loài người ghét bỏ.” Tuy nhiên dường như có một nỗ lực càng ngày càng gia tăng muốn dán cho chúng ta nhãn hiệu là “cực đoan” và “bất bao dung.”

Lá thư gửi cho Diognetus còn có những từ ngữ này: “….linh hồn hiện hữu trong thân xác cũng như người Kitô hữu hiện diện ở trên đời.” Những kẻ kiên trì muốn làm người Kitô hữu trung thành (cả người theo Tin Lành, Công giáo hoặc Chính thống giáo) không được lùi bước trước thời đại này. Chúng ta phải là linh hồn của thế giới trong chính thời đại chúng ta. Ơn gọi đó chưa bao giờ dễ dàng thoải mái cả. Chính vì lý do đó mà dấu hiệu chúng ta là một cây thập giá. Chúng ta sẽ vững vàng duy trì chân lý liên quan đến hôn nhân – và gia đình được xây dựng trên nền tảng đó – chúng ta sẽ kiên vững duy trì chân lý liên quan đến phẩm giá của mọi sinh mạng con người, từ lúc hoài thai cho đến khi cái chết tự nhiên kết thúc cuộc đời.

Lập trường của chúng ta đối nghịch với “sự ghét bỏ của loài người.” Nó phát sinh từ tình yêu phẩm giá của mọi người nam nữ nơi con người họ, trong thân xác họ và gia đình họ. Nó biểu hiện niềm hy vọng của chúng ta muốn thấy mọi người nam nữ được hưởng tự do và phát triển đích thực. Lập trường của chúng ta cũng là để phục vụ Công ích của xã hội.

Khuynh hướng chống Công giáo trong thời đại này đang một ngày một tăng. Tuy nhiên, người Công giáo không thể hèn nhát khi đối diện với những kẻ muốn bịt miệng chúng ta. Sứ điệp của chúng ta không phải là của riêng ta, mà là để phục vụ toàn thể thế giới và còn để giải thoát cho kẻ bị giam cầm.