Người “đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử” đã tìm được Thiên Chúa Giáng Sinh

Tin đã đưa:
“NHÀ BIÊN KHẢO PHẠM XUÂN TUYỂN ĐÃ QUA ĐỜI

Chúng tôi vừa được tin Ông Vinh Sơn Phanxicô Phạm Xuân Tuyển vừa qua đời. Xin chân thành phân ưu với gia đình.

Ông Vinh Sơn-Phanxico Phạm Xuân Tuyển, sinh năm Tân Mão (1951), bút danh Huyền Diệp Tử hội viên hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Bình Thuận, chuyên khảo về Hàn Mạc Tử với các tác phẩm : “Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử” “Phan Thiết Hàn Mạc Tử” và “Qui Nhơn Hàn Mạc Tử”.
Ông được biết Chúa và tin Chúa từ tuổi 15, và sau hành trình dài, đã được
rửa tội ngày 22-12-2002 tại Nhà thờ Bến Sắn, tỉnh Bình Dương, giáo phận Phú Cường.
Tác phẩm đang biên soạn dở dang: “Chứng tích bệnh nhân phong tại Việt Nam”
Ngày 19-12-2007 ông bị tai biến mạch máu não lần thứ ba, được đưa vào bệnh viện Đa Khoa Phan Thiết nhưng không còn cứu chữa kịp. Đức Ông Xuân Ly Băng đã giải tội và ban bí tích xức dầu bệnh nhân cho ông chiều 19-12. Sáng ngày 20-12-2007, lúc 5giờ 50, ông đã qua đời tại tư gia, số 61E/13 Trưng Nhị, TP Phan Thiết.

Nghi thức tẩm liệm: 15g ngày 20-12-2007
Thánh lễ cầu nguyện tại gia đình: 10giờ ngày 21-12-2007
Thánh lễ an táng: 5 giờ ngày Chúa Nhật 23-12-2007 tại Nhà Thờ chính Tòa Phan Thiết
Và được an táng tại Nghĩa Trang Thành Phố Phan Thiết.
Xin hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Vinh Sơn Phanxicô.

Lm Trăng Thập Tự”


*Giờ phút cuối

Sau khi Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa, nhà thơ Xuân Ly Băng, ban các bí tích sau cùng, Lm. Nguyễn Thiên Cung- Giám Đốc Chủng Viện Nicolas Phan Thiết, nhà thơ công giáo Thiên Cung- đã đến thăm viếng, và chuyện trò với Anh Vinh Sơn Phanxico Phạm Xuân Tuyển, mặc dù anh chỉ còn nghe được, mà không nói được gì. Sau đó, 18g00, tôi, Pm. Cao Huy Hoàng, và Nhạc sĩ Lưu văn Trung hội Văn nghệ Bình thuận cùng đến thăm. Gấp quá, tôi đành mạo muội thay mặt cho anh em văn hữu công giáo, nói lời cảm ơn anh đã để lại cho văn học công giáo Việt Nam những tác phẩm giá trị về văn học và Đức tin. Ngay lúc nầy, Lm. Võ tá Khánh, cũng chuyện trò với ông qua điện đàm với những tâm tình mến yêu vừa của một nghĩa phụ, vừa của một mục tử văn học công giáo.

*5g50 sáng 20-12-2007 Ông Vinh sơn Phanxico Phạm Xuân Tuyển tạm biệt mọi người.

Lm. Hồ Sĩ Hữu, chánh xứ Chính Tòa Phan thiết, nữ tu các hội dòng, các đoàn thể công giáo và đông đảo bà con giáo dân GX Chánh tòa đến viếng thi hài ông, động viên, giúp đỡ, và nhất là đã mang lại cho tang quyến một niềm an ủi vì tin tưởng và hy vọng vào sự phục sinh của ông, nhờ sự Phục Sinh của Chúa Kitô.

*10g sáng 21-12-2007

Linh Mục Phêrô Võ Tá Khánh –nhà thơ Trăng Thập Tự, cũng là Nghĩa Phụ của ông Vinh Sơn Phanxicô Phạm Xuân Tuyển- từ Qui Nhơn đã về Phan Thiết và đến tận tư gia để cử hành thánh lễ cầu nguyện cho ông. Tham dự thánh lễ tại nhà, có Đức Ông GB. Lê Xuân Hoa, Lm. Hồ Sĩ Hữu, các nữ tu, ca đoàn Gx. Chánh tòa, cộng đoàn giáo dân và lương dân. Thánh lễ thật đầm ấm. Trong bài giảng lễ, Lm. Phêrô Võ tá Khánh đã nhắc đến khao khát tìm Chúa của thân sinh ông Phạm Xuân Tuyển, và chính ông. Ông có một niềm hy vọng gặp được Thiên Chúa và gặp lại thân sinh ông trên nước trời, vì người ta không chỉ lãnh nhận bí tích rửa tội bằng nước, mà còn bằng lửa của lòng mến, lòng khao khát. Lời chứng nầy có tác động hữu hiệu đến cả gia đình lương dân của ông Phạm Xuân Tuyển và bà con lương dân quanh xóm ông. Bà con lương dân bỗng vui lên, vì hôm nay họ được nghe tận tai, thấy tận mắt, tham dự tận cõi lòng mình một thánh lễ cầu cho một người công giáo thân thương với họ, không phải ra đi, mà là trở về trong cung lòng của Thiên Chúa.

*Thánh Lễ an táng, 5g30 sáng Chúa nhật 23-12-2007

Có thể nói, Chúa đã đến, Chúa đã Giáng Sinh sớm hơn hai ngày cho ông Vinh Sơn Phanxicô Phạm Xuân Tuyển, khi đoàn xe tang khởi đi từ nhà ông, đưa ông đến nhà thờ Chánh Tòa Phan Thiết, để nhận muôn hồng ân giáng sinh qua Thánh Lễ Chúa Nhật thứ IV mùa vọng, cùng các lễ nghi an táng trọng thể cho ông. Đức Ông Xuân Ly Băng chủ tế, cùng đồng tế có các Lm Giám đốc Chủng viện, Lm. Chánh xứ Chính tòa, Lm. Quản lý TGM Phan Thiết; tham dự có đông đảo các nữ tu, và giáo dân Chính tòa, cùng lương dân TP. Phan Thiết.

Sau phần giảng Lời Chúa Chúa nhật thứ IV mùa vọng, thật xúc động, khi Lm Giám Đốc Chủng Viện nhắc đến Hàn Mạc Tử và Thơ Hàn Mạc Tử như ngôi sao dẫn đường cho ông Phạm Xuân Tuyển tìm đến một sự thật về Thiên Chúa, một tình thương vô biên của Thiên Chúa, và nhất là một sự an nghĩ trong Thiên Chúa. Đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa qua văn học, Ông đã dành trọn một đời để nghiên cứu chiều kích vô biên của văn học và văn học Kitô Giáo, và đã tìm được Thiên Chúa. Lm giảng lễ còn mời gọi mọi người hãy tiếp tục khát khao tìm kiếm Thiên Chúa, như ông Vinh Sơn Phanxico Phạm Xuân Tuyển, để Thiên Chúa được nhập thể và giáng sinh trong lòng, và nhất là, để sự chết không còn là cuộc chia ly, hay ra đi, mà là sự trở về trong cung lòng Thiên Chúa đầy dấu ái.
Sau thánh lễ, Lm. Chánh xứ Chính tòa chủ sự nghi thức làm phép xác long trọng, có cả linh mục đoàn đồng tế xuống tận quan tài tham dự sốt sắng. Giáo dân và nhất là lương dân cảm động khôn xiết. Một dấu ấn của tình yêu Thiên Chúa, của Giáo hội chứng nhân dành cho họ hôm nay, qua cái chết của một người đơn phương theo Chúa, rất thân quen, rất dễ thương trong cùng một khu phố -có thể nói gần nhà thờ Chính tòa, mà xa ánh sáng của Tin Mừng..

Cộng đoàn đưa Ông về Nghĩa Trang TP. Phan Thiết. Đức Ông Xuân Ly Băng và Cha Quản lý TGM cũng ra đến tận nơi. Đức Ông chủ sự nghi thức làm phép huyệt và Ngài đã nói lời chia tay với một “người đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử, đã tìm được Thiên Chúa Giáng Sinh, và hôm nay trở về với cung lòng Thiên Chúa mà anh hằng khao khát. Một lần nữa, xin ghi nhận và tri ân anh vì những cống hiến của anh cho nền văn học công giáo và tri ân anh vì cuộc nhân chứng hùng hồn về Thiên Chúa cho một tầng lớp làm công tác văn hóa mà đầu nguồn của văn hóa, thượng đỉnh của văn hóa chính là Thiên Chúa”

Ông Vinh Sơn Phạm Xuân Tuyển đã trở về với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã giáng sinh trong lòng ông, để ông được cứu rỗi.

Chúng tôi ngậm ngùi chào ông lần cuối nơi Nghĩa Trang TP. Phan Thiết, nhưng tin rằng chứng tá của một bệnh nhân phong đi tìm Thiên Chúa nơi ông, sẽ lại là ngôi sao dẫn đường cho nhiều con người tìm đến Thiên Chúa Giáng sinh trong mùa Giáng Sinh nầy.

Xin tri ân Đức Giám Mục GP Phan Thiết đã cầu nguyện và cho phép được cử hành đồng tế thánh lễ an táng cho người anh em. Xin tri ân Đức Ông, quí Cha, và toàn thể cộng đoàn dân Chúa GX Chính tòa, quí thân hữu… đã dành cho người anh em làm công tác văn học một niềm thương sâu thẳm, từ nguồn tình yêu của Thiên Chúa.

Để hiểu hơn về “người đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử”, tôi xin gửi đến quí vị bài giảng của Linh Mục Phêrô Võ Tá Khánh, nhà thơ Trăng Thập Tự, trong lễ rửa tội nhà biên khảo PHẠM XUÂN TUYỂN, tại Bến Sắn, 22-12-2002:

“CUỐI CÙNG THIÊN CHÚA VẪN THẮNG

Thưa Anh Chị Em,
Sáng nay, dừng chân bên cạnh khu điều trị phong Bến Sắn, dự lễ rửa tội của anh Phạm Xuân Tuyển, tác giả quyển “Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử”, mà lại được chia sẻ với anh chị em về hoạt cảnh Tin Mừng Truyền Tin, tôi không thể không nghĩ tới những câu thơ của Hàn Mạc Tử:

Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabriel.
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời


Thơ mầu nhiệm. Theo ngữ cảnh thì thơ ở đây có thể hiểu là nghệ thuật thi tao của nhân loại mà cũng có thể hiểu là chính Ngôi Lời đời đời của Thiên Chúa, khi trở thành máu thịt trong lòng Đức Maria thì cũng trở thành “con khôn đẹp mặt mẹ cha”, trở thành lời ngợi khen chúc tụng Mẹ mình. Tâm điểm đoạn Tin Mừng hôm nay chính là mầu nhiệm Nhập Thể. Con Thiên Chúa ra đời làm người có tên gọi là Giêsu nghĩa là Thiên Chúa cứu độ.

Ơn cứu độ theo Ki-tô-giáo không chỉ là được cứu khỏi khổ đau/ nhưng trước hết là được diễm phúc trở thành con cái Thiên Chúa. Hiểu như thế thì ngoài chính Con Một của Thiên Chúa ra, không ai khác có thể cứu được chúng ta. Chỉ có một mình Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa là Đấng Cứu Thế/ và ai tin Ngài thì được trở thành con cái Thiên Chúa. Mà hơn nữa, trước khi con người tin vào Thiên Chúa thì chính Thiên Chúa đã mời gọi con người và ban cho họ khả năng tin vào Ngài. Dường như, hễ bất cứ ai đã khởi sự đáp lại lời mời gọi ấy/ thì Thiên Chúa sẽ theo đuổi họ đến kỳ cùng.

Hành trình một đời của anh Phạm Xuân Tuyển là một minh hoạ sống động cho cuộc săn đuổi giữa Thiên Chúa và con người.

Năm 1965, mười lăm tuổi, Tuyển đã học giáo lý tại Bến Sắn này. Đến ngày định rửa tội, anh bị đau nặng. Lễ rửa tội phải hoãn lại để rồi sau đó Tuyển không đặt vấn đề nữa. Lòng người thiếu niên như cái vệ đường, hạt giống Lời Chúa lồ lộ ở đó, chim trời ăn mất.

Sáu năm sau, Tuyển lại được thôi thúc tìm kiếm Chúa. Lại học giáo lý, lại chuẩn bị rửa tội. Trớ trêu thay, chính kẻ lẽ ra phải là gạch nối giữa con người với Thiên Chúa, lại trở thành cớ vấp phạm. Gương xấu của một linh mục nọ đã khiến Tuyển nản lòng. Đã hai mươi mốt tuổi nhưng lòng anh chẳng khác nào đám đất sỏi, hạt giống Lời Chúa không thể bén rễ sâu, vừa mọc lên đã bị nắng thiêu cháy.

Rồi, suốt những năm và trên những chặng đường rong ruổi đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử, nỗi nhớ nhung và khát khao Thiên Chúa lại bùng lên, và Tuyển định tâm in xong quyển sách sẽ thu xếp lễ rửa tội ngay. Thế nhưng, đời không đơn giản. Sách in xong còn phải phát hành, phải nhận lời đi khắp nơi nói chuyện, trao đổi… khiến cơn sốt lại nguôi đi. Bốn mươi tám tuổi, lòng anh lại thành đám đất đầy gai góc của lời khen và lợi nhuận. Thời gian anh làm việc tại Quy Nhơn, vị giám mục già hiếu khách và yêu nghệ thuật ở đó/ đã luôn là một lời mời gọi cụ thể và sống động, giục giã anh bước cái bước quyết định. Thế nhưng chút hư danh vẫn còn kia chưa dứt được. Tuyển chia sẻ với tôi rằng anh rất áy náy, biết mình thực sự có lỗi với Chúa, bởi lẽ lần này không do ai khác cản trở mà là do chính những buông bắt của bản thân. Tôi nghĩ đoạn thơ sau đây của Phạm Phù Sa có thể diễn tả tâm trạng của lòng ta, khi gặp hạt giống Lời Chúa thì hăm hở đón nhận/ nhưng rồi lại để cho những gai góc lo lắng việc đời bóp nghẹt đi mất.

Con vẫn chưa từng biết lắng nghe
Những lời Chúa thủ thỉ say mê.
Lòng con bận bịu lo âu quá
Chúa biết rằng con chẳng khá gì !
Nhưng nay con đã thấy yêu rồi
Dù ngại ngần yêu một nửa thôi.
Một nửa con còn mê muội quá
Còn nhiều buông bắt, Chúa yêu ơi !
Chúa ơi đổ máu xuống đời con,
Dốc cạn tình yêu quá sắt son.
Rửa sạch cho con niềm sợ sệt,
Và lòng ích kỷ, thói vô ơn.


Đáp lại chút lòng yêu một nửa ấy, chính Thiên Chúa đã ra tay tiếp cứu. Chính Thiên Chúa đã đích thân tước đoạt hết tất cả những gì có thể ngăn cản kẻ Ngài yêu dấu/ để lôi nó về với Ngài cho bằng được. Thiên Chúa thực hiện cho Tuyển điều mà Gioan Thánh Giá, vị thánh nhà thơ Tây Ban Nha thế kỷ XVI, gọi là cuộc thanh tẩy thụ động. Tuyển bị tai biến mạch máu não, một lần, hai lần rồi ba lần. Lần thứ ba, sau chín ngày hôn mê, Tuyển được tỉnh dậy ngay ngày lễ Giáng Sinh năm 2001. Thế nhưng, như Giacóp vật lộn với Thiên Chúa, Tuyển vẫn chưa chịu để cho Thiên Chúa thắng. Mãi cho đến lần thứ tư, đầu năm 2002 này thì chính Thiên Chúa không còn chịu thua nữa. Thiên Chúa quyết biến lòng anh thành thửa đất tốt của Lời Ngài. Mãi lúc này Tuyển mới đầu hàng Thiên Chúa. Anh về Phan Thiết nhưng điều kiện ở quê nhà không thuận lợi cho anh. Anh là con trai trưởng trong một gia đình chín người con. Mặc dù, theo Chúa rồi, anh sẽ không một chút lơ là việc cúng lễ gia tiên, trái lại có lẽ còn thiết tha hơn là khác, thế nhưng anh thật khó mà được gia đình thông cảm. Nên chi, anh đã quyết định về ở luôn tại Bến Sắn để có thể trọn tình trọn nghĩa với Đấng mà anh biết là rất yêu thương anh. Năm mươi hai tuổi, có quá muộn màng chăng? Thiết tưởng là không, bởi vì ngay cả Đức Khổng Tử cũng còn phải ngũ thập mới tri thiên mạng, năm mươi tuổi mới biết rõ mệnh trời.

Tôi hỏi tại sao anh tin nhận Thiên Chúa của Ki-tô-giáo. Anh cho biết, khi đọc sách vở các tôn giáo và đối chiếu, anh xác tín rằng chính Thiên Chúa của Kinh Thánh mới là Thiên Chúa của tình thương. Tại sao anh quyết định theo Chúa trong Hội Thánh Công Giáo? Để trả lời câu hỏi này, anh nhắc đến tình thương của các nữ tử bác ái dòng thánh Vinh Sơn Phaolô. Chính là để ghi khắc tình thương này mà anh chọn tên thánh thứ nhất là Vinh Sơn và đã dự tính xin rửa tội vào này lễ của vị thánh này, nhằm 27-9 trước đây. Đồng thời, anh còn chọn thêm một tên thánh thứ hai là Phanxicô để tưởng nhớ Hàn Mạc Tử, Phanxicô Nguyễn Trọng Trí. Chính khi anh đi tìm chân dung Hàn/ thì Hàn lại đồng hành với anh, hơn nữa, có lẽ chính Hàn đã hướng dẫn anh trên hành trình Đức Tin để đáp lại những gì anh đã làm cho Hàn. Thật vậy, thật khó mà hình dung cho hết những công lao vất vả anh Tuyển đã phải trải qua để có được nội dung quyển “Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử”. Đôi khi tôi đãtự hỏi: Làm sao trên đời lại có người có lòng với Hàn Mạc Tử đến thế? Thế nhưng khi bầu cử cho Tuyển có được đức tin, Hàn đã đền ơn cho Tuyển gấp bội, bởi vì đức tin là một ơn vô giá. Nhân đây, để cùng biết ơn với Tuyển, có lẽ tôi cũng nên nhắc lại rằng ngày 22 tháng 9 vừa qua là chẵn 90 năm ngày sinh Hàn Mạc Tử.

Anh Tuyển! Thế là cuối cùng Thiên Chúa đã thắng. Thiên Chúa gần như đã ép buộc anh đón nhận món quà Ngài cho không. Lần này anh đã mau mắn thưa vâng với Ngài như Mẹ Maria trong câu chuyện Tin Mừng. Nếu có lúc nào anh cảm thấy có chút âu lo nao núng, hãy học với Mẹ Maria mà đến với Chúa Thánh Thần để Ngài soi sáng và ban sức mạnh. Cũng hãy đến với Mẹ Maria, Ngài là Mẹ của anh. Ngài sẽ giúp anh ngày càng thêm yêu mến Chúa Giêsu, Đấng chính Ngài luôn nồng nàn yêu mến.

Anh Tuyển! Và anh đã nói đúng, chính Thiên Chúa Tình Thương đã thu hút anh, đã lôi cuốn anh. Anh hãy tiếp tục để cho Ngài lôi cuốn. Chính Thiên Chúa đã gieo vào lòng anh nỗi khao khát và chỉ một mình Ngài có thể lấp đầy nỗi khao khát ấy. Đúng như lời của thánh Gioan Thánh Giá trong bài thơ “Ngọn Lửa Tình Nồng”:

Ôi ngọn lửa tình nồng
Thì ra Người đã
Đốt giữa lòng em
Vết phỏng thật êm ái!
Ôi ngọn lửa tình nồng
Ngủ quên sao chớ?
Hãy xé nốt giùm em
Tấm thân này lụa đào.


Có thể người đời thường xót xa cho những nỗi đau thương của đồng loại, nhưng đối với kẻ đang khao khát nài van Thánh Thần xé rách giải lụa đào là tấm thân nhục thể, cách ngăn cuộc gặp gỡ giữa mình với Thiên Chúa, thì những đớn đau ấy chỉ là điều cần thiết để giải lụa đào được xé ra.

Phép rửa tội mà hôm nay anh nhận lãnh/ không nhằm thanh tẩy vài ba sự yếu đuối hay khuyết điểm vặt vãnh của con người/ nhưng chính là một cuộc chết đi sống lại. Anh đang cùng chết với Đức Kitô và cùng sống lại với Ngài trong phẩm vị làm con cái Thiên Chúa. Anh cũng sẽ lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong bí tích Thêm Sức. Có nghĩa là phép rửa bằng nước được hoàn tất ngay ngày hôm nay nhưng cuộc thanh tẩy trong Thánh Thần sẽ vẫn tiếp tục cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt. Nhiều trường hợp, cuộc thanh tẩy trong Thánh Thần vẫn còn phải tiếp tục một thời gian bên kia cái chết. Nơi cuộc thanh tẩy của Chúa Thánh Thần, những đau thương thể lý chỉ là một chút nhỏ. Chính nỗi quay quắt vì yêu trong cõi lòng mới hành hạ ta dở sống dở chết; ta cứ muốn ra khỏi mọi giới hạn của cuộc đời này để yêu cho no cho đã, nhưng còn phải đợi mãi đến bao giờ? Thế cho nên linh hồn yêu Chúa mới thiết tha van vỉ hãy toạc tấm lụa đào ấy đi, xé toạc đi chứ không phải chỉ cắt đứt dần dần hay chỉ làm mòn từng chút. Và rồi khi Thánh Thần chạm đến lòng ta như thanh sắt nung đỏ dí thẳng vào vết thương tình/ thì nó mới êm đềm thú vị làm sao.

Ôi cái ấn lửa thật êm đềm !
Ôi vết thương răng mà thú vị !
Ôi bàn tay chi mà mềm !
Chỉ một cái chạm nhẹ
Mà nếm được cõi đời đời
Hoàn lại mọi món nợ !
Ôi, Người vừa giết em vừa đổi chết thành sống kìa!
(Thánh Gioan Thánh Giá, Ngọn Lửa Tình Nồng).

Anh Tuyển, đã biết thế, anh đừng bao giờ tiếc với Thiên Chúa của chúng ta bất cứ một điều gì, dù lớn hay nhỏ.
Và cả anh chị em nữa, anh chị em có định tiếc với Thiên Chúa một điều gì không? Tôi hy vọng là không! Tôi hy vọng rằng ai trong anh chị em cũng đều s8ãn lòng trước mọi gợi ý của Chúa!

Vâng, thưa anh chị em, thế đấy, xưa kia Thiên Chúa đã sai thiên sứ Gabriel đến báo tin Đấng Cứu Thế sinh ra trên cõi đời này. Giờ đây, chúng ta có thể xin vị thiên sứ này về báo lại với Thiên Chúa rằng: Không những Đấng Cứu Thế đã sinh ra trên cõi đời mà còn sinh ra trong cõi lòng, cõi lòng mỗi người chúng ta và cõi lòng của người anh em Vinh Sơn Phanxicô Phạm Xuân Tuyển.

Xin muôn đời ngợi khen tôn vinh chúc tụng Thiên Chúa”.