Ngày 12.02.2008, tức ngày Mùng 6 Tết Mậu Tý, lần đầu tiên các doanh nhân Công giáo trong Giáo phận được mời về Tòa Giám mục Xã Đoài tham dự ngày họp mặt.

Để các doanh nhân Công giáo trong giáo phận không chỉ là những người tiên phong trong lĩnh vực kinh tế mà còn phải cả trong đời sống đức tin, nên Đức giám mục giáo phận Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã giao cho Ủy Ban Giáo dân tổ chức cuộc gặp gỡ các tín hữu đang hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp.

Vì là lần đầu tiên tổ chức ngày họp mặt, nên các linh mục chịu trách nhiệm cũng không nắm bắt hết được các tín hữu đang hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp để mời về tham dự. Dẫu thế, cũng đã có gần 70 doanh nhân trong cả ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình về dự ngày gặp gỡ này.

Do địa hình rộng lớn, nên mãi đến 9h30’ ngày gặp gỡ mới được bắt đầu. Sau lời kinh khai mạc, cha Phêrô Phan Văn Tập, chủ tọa cuộc họp đã giới thiệu các thành phần tham dự. Ngoài đối tượng chính là gần 70 doanh nhân, còn có sự hiện diện vị Cha chung của giáo phận - Đức cha Phaolô Maria; cha Tổng Đại Diện FX. Võ Thanh Tâm, cha Bề trên Đại chủng viện Vinh Thanh G.B Nguyễn Khắc Bá, các cha trong Ủy Ban Giáo dân, các cha tại Tòa Giám mục Xã Đoài và đặc biệt, có cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, O.P đến từ Sài Gòn.

Với tư cách là Trưởng Ban Giáo dân và là trưởng ban tổ chức ngày họp mặt, cha Giuse Nguyễn Đăng Điền đã có lời chào các đại biểu. Cha nói:

“Chào anh chị em là những tín hữu làm ăn giỏi, là những người con ưu tú về mặt kinh tế của Giáo phận Vinh. Đáp lại Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về năm Giáo Dục Kitô giáo, hôm nay chúng tôi mời anh chị em về đây để cùng suy nghĩ và bàn thảo với nhau về xã hội tính, về sự liên đới của con người với nhau, để từ đó, chúng ta có một sự đoàn kết, liên đới với nhau, nhất là liên đới với những giáo xứ, những con người cùng đinh của xã hội. Hy vọng sau cuộc họp này, chúng ta sẽ có những suy nghĩ mới, những hành động mới phù hợp với tinh thần Phúc Âm để góp phần xây dựng Giáo Hội và xã hội cách cụ thể và thiết thực hơn.”

Mặc dù cha Giuse là Trưởng ban tổ chức, nhưng người khơi mào và quan tâm nhất về ngày họp mặt này là Đức Giám mục giáo phận. Vì vậy, ngoài những lời cảm ơn về những đóng góp to lớn cách công khai hay âm thầm của các doanh nhân này cho giáo phận, các giáo xứ và những công cuộc từ thiện bác ái khác lâu nay, Đức Cha còn có những lời giáo huấn:

“Thưa anh chị em là những người quản lý của Thiên Chúa. Đã từ lâu tôi ao ước có được ngày họp mặt này. Tôi thấy xã hội đã biến đổi rất nhanh, nhưng về đời sống đức tin, về tinh thần sống Tin Mừng của người tín hữu thì nhìn chung còn tiến triển rất chậm. Vì vậy, tôi muốn có ngày họp mặt với các anh chị em, để làm thế nào đó, cùng với sự giúp đỡ vật chất, anh chị em còn có sự giúp đỡ trong đời sống đức tin đối với các anh chị em khác. Chúng ta cần phải có sự biến đổi, nếu không chúng ta sẽ không theo kịp thế giới”.

Vì đã mời cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, một chuyên viên về thần học và kinh tế tầm cỡ quốc tế về nói chuyện với các doanh nhân, nên Đức Cha chỉ vắn tắt đôi lời, còn lại dành thời gian cho ngài. Với đề tài: Sơ Thảo Về Linh Đạo Doanh Nhân, dựa trên Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân và Tông Thư Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, cha Phaolô đã cho các doanh nhân thấy họ không chỉ được mời gọi sống đạo nơi nhà thờ xóm đạo, mà còn ngay trong ngành nghề của mình; họ có trách nhiệm nên thánh và giúp đỡ người khác sống đúng tinh thần của người con cái Thiên Chúa.

Trước hiện tình đất nước Việt Nam nói chung và Giáo phận Vinh nói riêng còn nhiều người nghèo, trong sự liên đới với tha nhân, cha Phaolô đã ghi nhận sự cần thiết và quan trọng những đóng góp của các doanh nhân trong công việc bác ái từ thiện. Nhưng cha nói rằng: “Bên cạnh việc bác ái trực tiếp: giúp đỡ tiền bạc, lương thực, thuốc men… ngay lúc xẩy ra hoạn nạn, khổ đau, anh chị em cần hướng đến việc bác ái gián tiếp”. Cha giải thích thêm: “Bác ái gián tiếp là khi anh chi em đầu tư công sức, trí tuệ để tạo ra nhiều công ăn việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, giá rẻ mà hạn chế khai thác thiên nhiên, không gây độc hại cho nhân loại và mang lại thu nhập cao cho các công nhân. Có thể nói, bác ái gián tiếp đó chính là thứ bác ái dành riêng cho các doanh nhân”.

Nhưng trước khi nói đến phần linh đạo cho các tín hữu hoạt động trong thương trường, vị giáo sư đa năng của Dòng Đa Minh này cũng đã cho các doanh nhân Công giáo Nghệ-Tĩnh-Bình thấy được nguyên do của sự chậm trễ về phát triển doanh nghiệp lâu nay ở Việt Nam và số phận nghiệt ngã của các doanh nhân trong dòng lịch sử nước Việt cho đến mấy năm gần đây.

Theo cha Phaolô, nguyên nhân chính làm cho đất nước chậm phát triển đó là do người Việt Nam bám quá chặt với nền văn hóa lúa nước, ảnh hưởng Nho giáo “dở chừng” cũng như sự giới hạn tầm nhìn của những người có trách nhiệm trong lĩnh vực kinh tế trong mấy thập niên vừa qua.

Sau khi nêu ra những nguyên nhân đó và đã đến thời doanh nhân được trọng dụng, cha thúc đẩy mọi người, vì trách nhiệm với việc tiếp tục công trình sáng tạo của Thiên Chúa, bước theo quy luật phát triển của xã hội và liên đới với anh chị em, mỗi người phải can đảm phá đi những não trạng cố thủ, an phận theo kiểu nho gia Việt Nam, vượt qua sự thỏa mãn với những doanh nghiệp tầm mức xã, huyện, tỉnh mà phải vươn ra thế giới.

Do giới hạn thời gian, nên cha Phaolô chỉ nói vắn tắt được 3 trong 5 phần như dự định. Sau đó cha đã trao tài liệu để mỗi doanh nhân về tham khảo và có thể sẽ hội đàm kỹ hơn trong một dịp khác.

Buổi chiều, sau bữa cơm trưa gia đình với Tòa Giám mục, các doanh nhân đã có cuộc hội đàm với nhau.

Trước hết, mọi người rất lấy làm phấn khởi vì thấy Đức giám mục và các linh mục trong giáo phận đã rất quan tâm đến đời sống tinh thần của họ. Với niềm hạnh phúc đó, mọi người đã thống nhất là nên duy trì ngày họp mặt các doanh nhân, và không chỉ một ngày mà có thể có thêm những ngày khác, để được bồi bổ thêm tinh thần sống đạo và học hỏi, hợp tác trong nghề nghiệp với nhau. Và để đi dần vào tổ chức, mọi người đã thống nhất bầu Ban liên lạc lâm thời, mỗi tỉnh gồm hai người, và hẹn sau một thời gian ngắn sẽ có một Đại Hội với đông đủ doanh nhân hơn. Sau đây là danh sách Ban liên lạc:

Tỉnh Nghệ An: Ông Dinh, ông Minh.

Tỉnh Hà Tĩnh: Ông Lân, ông Tuấn

Tỉnh Quảng Bình: Ông Lệ, bà Liên.

Việc quan tâm, lo lắng mục vụ cho những người hoạt động trong doanh nghiệp quả là một điều hết sức cần thiết. Hy vọng, với những gì ngày hôm nay các doanh nhân thu hoạch được, cũng như những lần tiếp theo sẽ làm cho họ trở thành những môn đệ của Chúa Kitô - ở giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, không chỉ trở nên người quản lý giỏi trước mặt xã hội mà còn cả trước mặt Giáo Hội và Thiên Chúa, không chỉ sống cho mình mà còn cho anh chị em khác nữa.