Seoul (UCAN KO04560.1487 Ngày 4-3-2008) - Tại cuộc họp toàn thể bán thường niên gần đây, các giám mục Hàn Quốc quyết định tăng cường nỗ lực xây dựng một nền "văn hóa sự sống" trong nước nhằm chống lại xu hướng phổ biến "văn hóa chống sự sống".

Các ngài quyết định nâng Ủy ban Ðạo đức sinh học, hiện đang trực thuộc Ủy ban Giáo lý đức tin (CDF), lên thành một ủy ban độc lập.

Hội đồng Giám mục Công giáo Hàn Quốc (CBCK) đã tổ chức đại hội toàn thể từ ngày 25-28/2/2008 tại Seoul.

Ðức Giám mục Francis Xavier Ahn Myong-ok của Masan, chủ tịch Ủy ban Ðạo đức sinh học, phát biểu với UCA News hôm 28-2-2008 rằng một số đạo luật và chính sách Nhà nước khiến cho người ta coi thường tính mạng con người. Ngài dẫn Luật Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em (1972), cho phép phá thai trong trường hợp xác định có bị dị tật hay tâm thần, cha hoặc mẹ mắc bệnh truyền nhiễm, hãm hiếp, loạn luân hay tính mạng người mẹ bị nguy hiểm. Giáo hội Công giáo hoàn vũ dứt khoát phản đối việc phá thai.

Ủy ban sẽ hợp tác chặt chẽ với Phong trào Sự sống 31 của CBCK và Ủy ban Sự sống của tổng giáo phận Seoul sửa lại đạo luật này, Ðức cha Ahn nói thêm. Hai ủy ban Giáo hội này đã hợp tác tổ chức một cuộc tập trung bảo vệ sự sống trong thủ đô vào tháng 9 năm ngoái (2007).

Ðức cha nói rằng nếu Giáo hội có thể yêu cầu cấm phá thai, thì vấn đề sinh suất thấp trong nước "tự nhiên sẽ được giải quyết". Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết năm 2006 Hàn Quốc có tỉ lệ sinh suất là 10.8/1,000 người, thuộc một trong các nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất trên thế giới. Giáo hội Công giáo khẳng định có khoảng 1.5 triệu ca phá thai trong nước mỗi năm.

Theo Ðức cha Ahn, ủy ban của ngài sẽ nỗ lực hết mình nâng cao nhận thức của người dân về các vấn đề đạo đức sinh học bằng cách tuyên truyền giáo huấn của Giáo hội, như thông qua sách báo và các bản tuyên bố.

CBCK thành lập Ủy ban Ðạo đức sinh học trực thuộc CDF vào tháng 9-2000 nhằm nghiên cứu các vấn đề đạo đức sinh học nổi lên do sự phát triển sinh học trong nước và chuẩn bị những chỉ dẫn thích hợp. Ủy ban có từ 7-9 thành viên gồm linh mục, chuyên gia công nghệ sinh học và luật sư, đã tổ chức các hội nghị chuyên đề định kỳ về đạo đức sinh học và phát triển trong nghiên cứu nhân bản vô tính và tế bào gốc. Ủy ban đã lên tiếng chống Ðạo luật Ðạo đức sinh học và an toàn, vốn đề ra những giới hạn về các thủ tục nghiên cứu phôi thai và các lĩnh vực sinh học khác.

Tại đại hội toàn thể, các giám mục còn quyết định mỗi giáo phận sẽ thông báo rõ cho tất cả người Công giáo biết về những cấm đoán của Giáo hội đối với bà Julia Youn. Hôm 21-1-2008, Ðức Tổng Giám mục Andreas Choi Chang-mou của Kwangju ban hành sắc lệnh tuyên bố Youn và các tín đồ nào khẳng định có cái gọi là phép lạ linh thiêng nơi bà ta là tự động mang vạ tuyệt thông.

Các lãnh đạo Giáo hội còn thông qua việc xuất bản tập đầu tiên của cuốn Giáo lý cho giới trẻ, do Ủy ban Giáo lý của CBCK biên soạn. Cuốn giáo lý dài bảy tập này nhằm giúp người Công giáo trẻ sống đức tin.

Những quyết định và kết luận của các giám mục được tóm tắt trong một thông cáo báo chí được CBCK phát hành sau cuộc họp toàn thể.

Bản tuyên bố cho biết hôm 23-1-2008 Tòa án Tối cao của Tòa Thánh đã chấp thuận đóng cửa các tòa án liên giáo phận trong Giáo hội ở Hàn Quốc. Bản tuyên bố giải thích rằng từ nay trở đi mỗi tòa án cấp giáo phận là "tòa án đệ nhất cấp", và các tòa án của ba tổng giáo phận Hàn Quốc -- Daegu, Kwangju và Seoul -- là "tòa án đệ nhị cấp", hay tòa phúc thẩm.

Một viên chức của CBCK nói với UCA News hôm 28-2-2008 rằng ba tòa án liên giáo phận được thành lập năm 1972 trong các tổng giáo phận nhằm giải quyết công việc của tổng giáo phận và của các giáo phận trực thuộc, vì lúc đó đa số các giáo phận không thể thành lập tòa án riêng. Tuy nhiên, giờ đây phần lớn trong số 16 giáo phận trong nước đã thành lập tòa án riêng, viên chức này giải thích.

Các giám mục còn quyết định gửi quà cho Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) nhân dịp hội kỷ niệm 350 năm thành lập vào ngày 8-6-2008.