Đức Kitô tiến vào thành Giêrusalem trong vinh quang, có ngàn người chân trần, bước theo hoan hô. Vì thế Đức Kitô bị các nhà lãnh đạo tôn giáo và các luật sĩ thù ghét; trái lại đám dông dân chúng bu quanh Ngài. Họ rước Ngài vào thành miệng vang tiếng hoan ca, chân sáo nhảy múa mừng vui đón chào vị cứu tinh.

Đám đông này là những người từng thọ ơn Đức Kitô, được Chúa cứu khỏi bệnh cả xác lẫn hồn. Họ là những người trước đây có kẻ bị câm, đứa bị điếc, người cô đơn, lẻ loi. Ngoài ra còn có cả những tâm hồn đang tuyệt vọng bị xua đuổi vì bệnh tật, hất hủi vì mù loà, hà hiếp vì thế cô, sống đầu hẻm, cuối thôn, vô gia cư. Trong đó bao gồm cả kẻ vô tội bị hàm oan mang án tử hình.

Thấy Chúa tiến vào thành không ai bảo ai, không ai lãnh đạo, mời gọi. Sự việc xảy ra rất tự nhiên, nhịp nhàng, trật tự và bình an. Đám đông càng lúc càng đông, người tham gia càng lúc càng nhiều và tiếng hát càng lúc càng vang vọng. Họ cùng nhau bẻ lá cây bên đường làm cờ đón Chúa. Cùng Chúa tiến vào thành thánh Giêrusalem.

Vinh quang vào thành thánh chóng tàn. Những người đi đón rước Chúa vào thành thánh đâu ngờ những lời ca tụng nhiệt thành xuất phát từ con tim yêu mến trở thành duyên cớ kết án Chúa của những con tim sôi trào máu hận thù. Ít ngày sau những tràng pháo tay chân thành hoan hô Đức Giêsu được thay thế bằng những cánh tay nắm chặt giơ cao hét to ‘đả đảo, giết nó đi, đóng đinh nó vào thập giá’. Náo động, hỗn loạn không phát sinh từ tấm lòng son của quần chúng nhưng âm thầm vâng lệnh từ miệng sói đội lốt chiên lãnh đạo vừa xúi bẩy vừa đe doạ dân, khích động lòng nhiệt thành của quần chúng thực hành dã tâm sát nhân. Nhóm lãnh đạo đương thời coi là toà án nhân dân. Đã là dân thì làm gì có toà. Kẻ ngồi trên toà không phải dân chính hiệu mà là dân giả hình. Toà giả hình bản án là án giả. Án giả luôn bất công vì tự bản chất nó đã không tôn trọng sự thật. Như thế Đức Kitô lãnh bản án bất công.

CHIA SẺ

Đám đông vui mừng đón rước Chúa vì Chúa đến để sống với họ, cùng đồng hành với họ và cảm thông nỗi thống khổ của họ. Chúa tự nguyện biến mình trở nên con người đau khổ để cùng đồng hành, hiểu và cảm thông cảnh khổ đau với người Chúa thương.

Chúa dùng đau khổ của mình để mang niềm vui cho người.

Chúa chịu nhục mang vinh quang cho ta.

Chúa tự nhận thân phận nô lệ cho ta được tự do.

Chúa chịu treo trên thập giá để kéo ta lên với Ngài.

Chúa chịu bản án bất công để ta được nên công chính.

Chúa chịu chết để ta được sống.

Chúa sống lại để ta được sống ngàn thu.

LẶNG CÂM

Nhìn vào cuộc tử nạn của Chúa Ngài đóng trọn vai người tôi tớ hèn mọn. Trước mặt những nhà lãnh đạo tôn giáo và kẻ cầm quyền Ngài lặng câm, không được có tiếng nói. Bị xử bất công không ai dám biện hộ, bị xỉ vả, đánh đập ai giám tỏ lòng xót thương. Đám đông ngày nào vẫn đứng bên đường, lòng đầy xót thương nhưng miệng hô đả đảo, réo giết chết, hô hoán theo mệnh lệnh. Người mà mấy hôm trước đó họ hoan hô, vui mừng vỗ tay Chúa cứu sống, ban ơn cho nay cũng đứng lặng câm trước thế lực trần thế. Đám đông là gì mà dám lên tiếng. Muốn chết lây thì cứ việc tiến vào, ra tay. Chúa cũng âm thầm thương xót họ vì giờ Ngài chưa đến.

Chúa lặng câm diễn tả tình yêu cho kẻ khốn cùng bằng cách chấp nhận chết trên thập giá diễn tả trọn chữ tình. Tình yêu nào cao quý hơn là chết cho người mình yêu? Người Chúa yêu đứng rải rác dọc hai bên đường, xa xa ngó lại, không dám đến gần nhìn mặt ân nhân lần cuối.

TÁI DIỄN

Ngày nay vẫn còn bản án bất công, đơn từ khiếu nại, kêu oan ngâm nhiều năm tháng chưa được giải quyết, vẫn còn những toà án giả hình, vẫn còn kẻ nằm đường. Đầu thôn cuối ngõ nhan nhản bàn tay xoè xin miếng cơm, li nước, vẫn còn cảnh xua đuổi, phỉ báng và nhiều nơi cuộc sống người già bị coi thường, mạng con trẻ coi rẻ và thai nhi chưa được chôn cất theo cung cách một con người.

Đức Kitô đã đồng hoá mình với tất cả những thành phần đau khổ trên. Thương họ chính là diễn tả tình thương đó với chính Chúa như lời Ngài phán dậy: khi ta đói ngươi cho ta ăn; ta khát ngươi cho uống, khi ngươi làm cho một những anh chị em hèn yếu là ngươi làm cho chính Ta.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html