WASHINGTON DC -Đám đông đầy nhiệt tình, trên 9000 người, hát vang bài “Happy Birthday” để chào đón ĐGH Benedict XVI hôm thứ Tư 16-4-2008. Tổng thống Bush nói chuyến viếng thăm Toà Bạch Ốc lần này sau 29 năm (từ lần thứ I của ĐGH John Paul II) là một nhắc nhớ để dân chúng Hoa kỳ biết “phân biệt những điều đơn thuần là đúng hay sai”

Trong diễn từ ngắn gọn chào đón ĐGH, tổng thống Bush nói: “Chúng ta cần lời nhắn nhủ của ĐTC để phá bỏ sự độc chiếm của chủ thuyết tương đối (relativism), để giúp chúng ta biết trân quí nền văn hoá công bằng và chân thực, trong một thế giới người ta đã nhìn nơi sự tự do, đơn thuần chỉ là quyền làm điều mình muốn. Chúng ta cần lời nhắn gửi của ĐTC để hiểu rằng một sự tự do thật, đòi chúng ta phải sống cho tự do đó, chứ không phải sống cho chính mình.”

Cũng hôm nay, thứ Tư 16-4-08, ĐTC thượng thọ 81 tuổi, là ngày đầu tiên đầy chương trình, trong chuyến công du Hoa Kỳ với tư cách một vị lãnh đạo của mọi người Công Giáo trên khắp thế giới. Chuyến viếng thăm 90 phút tại Toà Bạch Ốc được diễn ra trong hết sức tưng bừng, oai nghi, trọng thể, rất khó thấy như vậy trong chính khu vực thường quen dùng để tiếp đón các vị vua chúa hay nguyên thủ quan trọng nhất trên thế giới.

Các cột đèn phất phới với cờ quạt mang màu cờ Mỹ đỏ-trắng-xanh, và mầu cờ Toà Thánh vàng-trắng. Sân cỏ rộng phía nam đầy một biển người khiến cần có một màn ảnh TV vĩ đại để người phía sau có thể theo dõi. Các nam nữ hướng đạo sinh uy nghi trong đồng phục đại lễ. Các hiệp sĩ Kha luân bố cũng trong bộ đại lễ truyền thống, sáng rực với mũ đội gắn ngù lông đầy màu sắc. Đám đông dân chúng không thể vào phía trong Nhà Trắng, đổ tràn khắp đường phố chung quanh khu vực. Họ chơi nhạc và vẫy cờ một cách rất phấn khởi.

Xe chở ĐGH đã đến sớm hơn chương trình trong yên ắng, khi chiếc limousine tiến vào driveway của Nhà Trắng nơi Tổng thống Bush và phu nhân Laura đã chuẩn bị nghênh đón. Hai vị lãnh đạo bước đi trên thảm đỏ tiến đến bục khán đài được thiết kế trên sân cỏ, và rồi ngồi bên cạnh nhau. Dàn nhạc Hải quân chơi bản quốc ca của Tòa Thánh trong khi loạt đại bác chào mừng 21 trái đang nhả khói nâu lên nền trời, từ phía khu nhà Ellipse. Ca sĩ hát giọng soprano lừng danh Kathleen Battle ca bản “The Lord’s Prayer” (Kinh Lạy Cha). Đoàn vệ binh cổ theo nghi lễ đeo trống và mặc đồng phục thời thuộc địa, duyệt chào danh dự ngang qua hai vị.

Hiển nhiên người ta thấy rõ sự ái mộ nơi đám đông dân chúng. Một số la lớn “Viva il Papa!” (hoan hô ĐTC!). Bốn em nhỏ ngồi trên sân cỏ với nhũng bảng hiệu làm bằng tay “Chúng con yêu mến vị Giáo hoàng của niềm hy vọng” và các em khác giơ hình bánh sinh nhật chocolate trên đó có con số 81. Ngay ban đầu lễ nghi, dân chúng bộc phát hát lên bản “Happy Birthday”, và cuối cùng lễ nghi lại hát một lần nữa trong sự trang trọng và đầy nghẹn giọng

Sự yêu mến ĐGH cũng được thể hiện không kém khi xe Ngài chạy dọc đại lộ Pennsylvania lịch sử, và sau nữa khi Ngài đi từ Toà Nhà Trắng về lại tòa lãnh sự Vatican. Hằng ngàn người đổ tuôn khắp đường phố để nhìn ngắm Ngài, và ĐGH vẫy tay liên tục với đám đông khi xe ĐGH di chuyển chầm chậm dọc trên đường phố.

ĐTC cất giọng nói vững chãi, hướng về đám đông đang nhiệt tình hoan hô ngài,: “Xin Chúa chúc lành cho Hoa Kỳ!”

ĐGH đã nói Ngài mong mỏi cuộc gặp gỡ “một dân tộc vĩ dại và một Giáo hội vĩ đại” trong chuyến Tông du tới Hoa kỳ này. Chuyến đi 6 ngày tới Washington, New York không chỉ trùng hợp với dịp sinh nhật của Ngài mà còn kỷ niệm 3 năm ngài được thăng lên ngôi vị cao cả nhất của Giao hội Công giáo. Chăm sóc và nuôi dưỡng đoàn chiên Giáo hội Mỹ là một sứ vụ tế nhị và quan trọng đối với GH Benedict trong lúc này, lúc mà GH Mỹ gặp phải những tai tiếng, và Ngài đang muốn phá đi chủ nghĩa tục hoá và làm sống lại đức tin trên toàn thế giới.

ĐGH nói khi Tổng thống Bush ở bên cạnh: “Tôi tin rằng việc tôi có mặt đây sẽ là một nguồn canh tân và hy vọng cho Giáo hội Mỹ, và củng cố quyết tâm của người Công giáo, đóng góp một cách đầy trách nhiệm hơn đến đời sống của quốc gia mà họ hãnh diện là người công dân.”

TT Bush đã “khoe mẽ” với vị khách quí về nước Mỹ là: “những điều ông đã nói là chính những nhân đức tốt lành nhất của nước Mỹ: một quốc gia biết cầu nguyện và có lòng nhân ái, quốc gia có tự do tôn giáo, quốc gia đón nhận vai trò niềm tin trong những lãnh vực công cộng, là quốc gia cởi mở với những gì mới lạ, quốc gia đầy sáng tạo, năng động nhất trên hành tinh, và cũng là quốc gia có lòng đạo nhất!” TT Bush nói thêm, “Trên hết, ĐTC sẽ thấy nơi dân tộc Mỹ một cõi lòng rộng mở đón nghe sứ điệp của ĐTC”

Đang khi tự hào trong tư thế một ngưòi cha của dân tộc đầy điều tốt đẹp. TT Bush cũng xin lờì chỉ dạy của ĐTC bằng những lời lẽ: “Trong một thế giới khi một số người coi đời sống như một cái gì có thể được phá đổ và ném bỏ, chúng con cần lời nhắn dậy của ĐTC để mọi đời sống con người được linh thánh và để mỗi người được yêu thương, được trở nên cần thiết” Đang khi nói những điều này, đám đông khắp sân cỏ vỗ tay vang lừng hồi lâu.

Adela Arguello, một nhân viên thuộc bộ An ninh quốc nội, từ Miami bay đến để làm việc trong những biến cố liên quan sự hiện diện của ĐGH cho ý kiến: “Chúng ta đang sống trong thời thế đáng sợ, và thông điệp của ĐTC rất quan trọng. Ngài cần phải đến!” Brenda Hawk, một giáo viên đến từ Centralville, VA nói: “Có bao lần bạn được hát mừng Sinh Nhật vị Giáo hoàng? Dù cho bạn không là Công Giáo, điều đó thật tuyệt vời!”

TT Bush đã khởi đầu một loạt những điều không có trong tiền lệ trong việc tổ chức lễ hội nghênh đón ĐGH như: hôm thứ Ba vừa qua đã thân hành đến phi trường quân sự Andrews chào đón khi máy bay ĐGH tới, điều mà ông chưa hề làm cho một vị lãnh đạo nào. Khi ĐGH đón nhận sự la hò hoan hô cuồng nhiệt như dành cho một ngôi sao âm nhạc từ đám đông học sinh Công giáo và các người khác, khi ở khu vực phi đạo, TT Bush đã lùi lại phía sau một cách bất thường như kẻ đóng một vai phụ.

Từ sân cỏ phía Nam toà Nhà Trắng, TT Bush và phu nhân Laura đã tháp tùng ĐGH vào “Phòng Xanh” (Blue Room) để giới thiệu Ngài với các thân nhân và đã phục vụ bánh mừng sinh nhật ĐGH. Hai vị lãnh đạo đã hội đàm tại phòng Bầu Dục, cuộc gặp thứ 25 giữa một Giáo hoàng và Tổng thống Mỹ. Suốt thời gian 89 năm, đã có sự gặp mặt giữa 5 Giáo hoàng và 11 vị tổng thống Mỹ.

Vào buổi chiều, gia đình TT Bush sẽ khoản đãi một bữa tiệc trọng thể tại phòng “East Room” để mừng ĐGH với theo thực đơn Bavarian, quê hương Đức của ĐGH. Nhưng vì có cuộc họp với các Giám Mục Mỹ tại vương cung thánh đương Vô Nhiễm thủ đô Washington, nên ĐTC không dùng bữa với TT Bush được.

viết theo tường thuật của Jennifer Loven