Ông cố gắng cạy cựa hết sức mình vẫn không sao lôi được khúc gỗ lên sân từ bờ mương. Khúc gỗ không dài lắm độ non hai thước, đen mum, bao bọc bởi rong và bùn. Hồi xưởng cưa còn hoạt động máy móc làm thay người, Nay xưởng cưa đóng cửa máy bị dỡ đi, trên trần nhện giăng dưới sân cỏ mọc, sức sống như biến mất nhường chỗ cho hoang tàn. Thời còn thịnh các khúc gỗ cong queo, uốn khúc, rỗ, thẹo nhiều đầu mặt, lòi tói không thích hợp cho việc cưa xẻ đều bị loại. Bản tính cần kiệm, vất chúng đi thì tiếc, để lại chật chỗ nên ông bảo thợ dùng máy cầy ủi chúng xuống bờ mương. Bây giờ gỗ rừng khan hiếm, của lúc đó tưởng vất đi giờ biến thành của chìm. Đúng là loại vàng đen. Chúng đen đủi nhưng có giá lắm.Nhiều loại gỗ quí không bán theo thước như xưa mà cân kí. Gỗ càng quí càng nặng cân, càng bộn bạc.

Các khúc gỗ nằm lâu năm dưới mương thế mà hay. Nhờ nước và bùn gỗ vẫn tươi, sớ mềm không nứt nẻ, lại dễ cưa, xẻ, đục đẽo, hơn nữa nước bùn không biết chứa hoá chất gì, khi thấm vào gỗ mối tránh xơi loại gỗ ngâm bùn.

Trưa nay trời nắng đẹp, ông lội mương moi khúc gỗ tưởng có thời lãng quên để thực hiện việc ông toan tính trong đầu. Lúc này ông tương đối rảnh. Kể từ khi không còn làm xưởng cưa ông trở về nghề đục đẽo thuở xưa.

Không biết có bao nhiêu khúc gỗ ngâm bùn. Có thể hàng chục ngàn khúc dài ngắn khác nhau, tuỳ theo cong nhiều cong ít mà cắt bỏ. Gỗ dư bao nhiêu dùng máy cầy ủi đại xuống. khúc nọ đè khúc kia. Thời gian ủi khác nhau nên khúc nhiều năm, khúc ít. Xem chừng khúc gỗ hôm nay moi lên đã ngâm bùn khá lâu vì quanh nó đen sậm như đồng đen. Ông dùng chân mò gỗ, cứ để chân dưới bùn lần mò theo thế của gỗ nhắm khúc nào vừa ý moi lên.

Thấy ông già lội mương, tôi hơi ngạc nhiên, tính tò mò, hiếu kì khơi dậy, thắc mắc không hiểu làm gì mà ông bước thật chậm, lâu lâu lại thấy chân ông rà tới, rà lui dưới nước. Khi vỡ lẽ mới biết ông đang mò cây. Lâu lắm mới thấy khuôn mặt bớt đăm chiêu thì ra ông đã tìm được khúc gỗ vừa ý.

Dùng chân nhắm được khúc gỗ ông khom người tay nắm sợi giây thừng cuốn quanh, nhờ cần trục dựng kế bờ mương lôi nó khỏi mương. Cần trục này sót lại vì người ta chê nó cũ, không ai thấy cái lợi của nó nên nó trung thành với xưởng mộc và trung thành với chủ. Nó là nhân chứng lịch sử duy nhất còn sót lại của xưởng mộc, biết rất nhiều chuyện về xưởng mộc. Ngày nay ai dùng đến nó chỉ khẽ kêu lên tiếng ken két. Ai muốn hiểu nó muốn nói gì cũng được. Ông già cậy nhờ nó mà khúc gỗ ngoan ngoãn nằm bờ mương.

Bây giờ đến bước khó khăn, vất vả. Tìm đủ cách kéo khúc gỗ vào xưởng mộc. Vác thì quá nặng; đẩy cũng không xong, không thể lăn khúc gỗ cong vòng, làm sao lôi kéo nó vào xưởng mộc? Gọi là xưởng mộc cho sang, thực ra xưởng mộc không còn thuộc về ông. Bây giờ cả gia đình sống vào căn nhà nhỏ trước kia làm chỗ cho thợ ăn uống, nghỉ trưa. Nay chính chủ thay thế công việc của thợ. Đã thế lại không có ưu thế như thợ. Căn nhà nhỏ trước đây cất cạnh xưởng có một phòng rộng lớn từ trên xuống dưới chỗ nào cũng bằng gỗ. Giờ đây gia đình ông chia ra làm nhiều phòng nhỏ. Ông chọn chỗ thoải mái nhất biến thành phòng mộc vừa tiêu khiển thời giờ, đồng thời mượn cớ diễn tả tâm tình thầm kín của ông trên các tượng gỗ. Ông thợ mộc già nhiều kinh nghiệm, từng vang bóng một thời giờ chỉ khắc những hình thù kì dị, hay dữ dằn hay đau khổ, phản ảnh thực trạng cuộc sống. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Thắc mắc ông chỉ đáp gỏn lọn.

Loài súc sanh, hiền lành sao được.

Ông sắm đầy đủ dụng cụ cần cho tay nghề và tự chế thêm đồ nghề riêng.

Ông ướm thử nhấc khúc gỗ, định khệnh khạng ôm nó vào nhà. Khúc gỗ vừa trơn vừa nặng vì uống nước no. Cũng có thể vì ông đuối sức. Ông ướm nhấc thử đầu này lên đầu kia ghì xuống. Ông lắc đầu tự nói với mình

Không xong, nặng quá.

Đứng tần ngần một chút ông lấy thế đẩy khúc gỗ. Hai tay bám chặt một đầu khúc gỗ, lưng khom, mặt cúi gần khúc gỗ. Ngửi phải mùi bùn tanh, mũi nhăn lại, mặt hơi ngoảnh sang bên tránh cái mùi tanh tưởi của bùn. Lấy thế vào đôi chân đẩy mạnh, các bắp thịt tay nổi to. Hết sức đẩy khúc gỗ tiến về phía trước được vài tấc, mất đà, trượt thế, khúc gỗ cong lăn nhanh sang bên lại trượt xuống bờ mương. Biết không xong ông dùng một cây làm đòn bẩy khúc gỗ. Thấy có tiến triển nhưng càng lúc càng nặng vì trườn dốc bờ mương càng lên cào càng dốc gắt. Đẩy được vài bước ông hết sức ráng giữ thế lấy hơi, tay chùn, chân mỏi, khúc gỗ lại lăn về chỗ cũ. Ông chép miệng than.

Rõ hoài công.

Biết rõ một mình phải gắng sức lắm mới có thể kéo khúc gỗ vào xưởng. Cũng may nhờ trời nắng nên khúc gỗ bị rút nước dần, nhẹ hơn. Tuy thế ông không tin vào sức dẻo dai bắp thịt đôi tay. Dùng một sợi giây thừng dài, một đầu buộc vào ngang khúc cây, vòng quanh gốc gáo trên cao, đầu kia cầm trong tay. Dùng đòn bẩy, bẩy đến đâu tay kia nhanh nhẹn thu gọn sợi giây đến đó. Lúc mệt ông không phải cầm cự với khúc gỗ và đòn bẩy nhưng cầm chắc sợi giây giữ khúc gỗ khỏi lăn tụt xuống. Cứ kéo được vài ba thước ông lại cột chặt sợi giây vào khúc gỗ đi nghỉ cho bớt mệt, hoặc ăn điếu thuốc nghỉ xả hơi, uống li trà lấy sức. Công việc xem ra có tiến triển tuy lâu và chậm nhưng kết quả chắc chắn. Phải mất hơn tuần lễ ông mới kéo khúc gỗ vào xưởng mộc. Thời gian đối với người về hưu hình như không thành vấn đề. Khi nào cũng được miễn là đạt mục đích.

Khúc gỗ kéo lê hết bờ cỏ, lại lếch thếch trên đất và sềnh sệch trên nền sân gạch. Chính vì thế mà toàn thân gỗ bớt nhớt, sạch bùn, mất giảm mùi tanh rong rêu bám quanh. Hình như mùi tanh bùn và ánh nắng kị nhau. Cứ phơi mấy nắng cái mùi tanh mất sạch.

Khi còn ngoài sân khúc gỗ cứ lì ra, lăn tới lăn lui.Vào đến xưởng mộc khúc gỗ trở nên ngoan ngoãn hơn vì trong đó đủ dụng cụ hơn, kìm kẹp bắt khúc gỗ chiều theo ý ông. Dựng đứng cạnh bàn cưa ông lui xa ngắm trước ngắm sau, nhìn tới nhìn lui, trước sau. Hình như vẫn chưa hài lòng ông bác cái ghế gần đó tay bưng li trà ngắm khúc gỗ. Đầu ngảnh bên này, ngảnh bên kia, cái lưng gật gù ra chiều đắc ý. Bỏ li trà xuống bàn ông bước ra sân ngó trời, ngó mậy một lúc lại trở vào ngồi ghế ngắm khúc gỗ. tài nghệ như ông thì việc tạc tượng hay đục đẽo không phải là vấn đề lớn. Vấn đề lớn, quan trọng và khó khăn là làm thế nào phác họa trong đầu hình ảnh muốn tạc. Khi có được hình ảnh đắc ý việc tạc chỉ là thời gian.

Để khúc gỗ nằm cong trên nền đất hai ba ngày sau làm như không thèm đề ý đến nó. Thực ra đôi mắt già tinh anh kia thu hình khúc gỗ vào đầu, đi đâu ông cũng mang nó theo, tính toán, hình thù con gì, tạc, đục ra sao và ngay cả hình ảnh khúc gỗ theo ông leo giường ngủ chung. Rồi một buổi sáng sớm ông dựng khúc gỗ lại lấy các kẹp kẹp chặt khúc gỗ dùng bàn quay nâng nó lên ngang tầm người. Một tay cầm đục, tay kia cầm dùi đục gỗ thử gõ nhẹ vào khúc cây. Ông ướm đi ướm lại hai ba lần, nảy ra một miếng gỗ nhỏ đưa lên mũi ngửi, sau đó hai tay xoa vào nhau, rồi vấn điếu thuốc, một đếu hút ngay, điếu kia dắt bên kẽ tai. Sau đâu đó ông bắt đầu công việc. Đến chiều khúc gỗ đã thay hình đổi dạng, nó không còn là khúc gỗ cong giá trị theo trọng lượng. Dưới bàn tay ông mỗi nhát đục lại tăng thêm giá trị cho khúc gỗ, giá trị nằm ở đường nét.

Việc làm của ông già thợ mộc tương tự việc làm của Chúa Thánh Thần. Có lẽ Thánh Thần Chúa cũng vất vả như công việc của ông thợ mộc. Việc khó nhất là kéo lên khỏi chốn bùn lầy, vừa trơn vừa ướt vừa kéo lên dốc. Mùi tanh tưởi chốn ở không ngại bằng mùi tanh tưởi, dơ bẩn, dối trá, lừa gạt, hành động ngầm hại người nấp sâu trong tâm. Chất nhờn của rong, trọng lượng của nước đọng trong khúc gỗ và cái uốn khúc cong queo không nặng hơn tội chứa trong tâm và lối sống quanh co, dối trá, gạt trên lừa dưới, lừa thầy, phỉnh bạn và lừa cả chính mình. Ông già lo lắng không biết phải lựa thế nào cho ổn thoả để khi kéo không bị sức vật ngược có thề gây thương tích cho người kéo gỗ. Thánh Thần cũng lo lắng làm thế nào kéo người đó, dẫn, đưa, đẩy, khuyến dụ vào đường công chính mà không bị từ chối, trốn chạy, phá ngang hay phản ứng ngược lại. Thánh Thần làm công việc lôi, kéo, đòn bẩy giúp cho một người vượt thoát khỏi cuộc sống sình lầy, bụi của xã hội.Thánh Thần cũng dầy công, cũng suy nghĩ đắn đo tìm cách đưa người đó ra khỏi nơi tối tăm, ao tù nước đọng. Thánh Thần Chúa cũng mất nhiều ngày chờ đợi, nhiều tháng mong chờ hy vọng người đó tự nhận biết điều sai trái để quay về đường ngay nẻo chính. Thánh Thần Chúa cũng suy đi nghĩ lại, làm cách nào để cứu vớt và khi với được rồi làm cách nào để thay đổi con người đó thành con người có giá trị và ích lợi cho xã hội và Giáo Hội.

Khi kéo lên chỗ khô ráo rồi việc uốn nắm cũng là một trở ngại lớn, uốn nắn theo kiểu nào, phương thức nào, hình hài nào, dùng loại cưa đục nào thích hợp còn là một vấn đề lớn cần nhiều khói thuốc toả lan khắp gian phòng trước khi bắt tay vào việc uốn nắn.

Thánh Thần Đấng ban sự sống, canh tân, làm đổi bộ mặt bên ngoài, thay đổi trái tim bên trong là công việc ngoài Thánh Thần ra khó có ơn gì khác có thể hoán cải, canh tân.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html