Người Công Giáo và tâm lý học của Jung

Hệ thống của Jung là một phương pháp trị liệu nhưng đồng thời cũng là một triết học về thế giới quan. Vì trong hầu hết các trường hợp, việc phục hồi sự vận hành các chức năng đã dẫn tới nhiều quán niệm (insights) qúy giá không những cho bệnh nhân mà còn cho cả nhà trị liệu nữa; các quán niệm này dẫn tới các giả thuyết rộng lớn hơn, và các giả thuyết này cuối cùng dẫn ta tới hệ thống tâm lý học.

Bởi thế, kỹ thuật sử dụng để đem lại sự phục hồi là một chuyện, mà sự giải thích của nhà trị liệu về sự thay đổi nơi bệnh nhân lại là một chuyện khác. Thực thế, lý thuyết mà nói, kỹ thuật có thể được môn đệ của bất cứ trường phái nào sử dụng và giải thích theo khuôn thước của trường phái ấy. Điều này đặc biệt đúng với các kỹ thuật trị liệu của Jung. Jung khởi sự dùng kỹ thuật liên tưởng từ ngữ, và sau đó các phương pháp khác chủ yếu dựa vào tưởng tượng tạo hình (visual imagination). Các kỹ thuật này luôn đưa lại những sản phẩm nghệ thuật hết sức lý thú và đôi lúc thật diệu kỳ. Chúng dẫn ta đi xa hơn những giải thích có tính cách tính dục. Tuy nhiên phải nói, các giải thích của ông chịu ảnh hưởng nặng của Carus và von Hartmann là những người chủ trương rằng cái phần siêu-vô-thức trong tâm thần con người là một cái gì tuyệt đối, trường cửu, nguồn gốc của mọi ý thức, là "Yếu Tố Thần Linh bên trong ta"

Quan niệm của Jung về nhân cách rộng lớn hơn quan niệm bình thường. Nhân cách ấy bao gồm cái tôi ý thức, cái con người như đang được chính anh ta nhìn thấy và đang đương đầu với thế giới bao quanh. Cái tôi ý thức ấy ngả bóng vào cõi vô thức bản ngã nơi chứa các kinh nghiệm bị lãng quên và bị ức chế; và cái cõi vô thức này liên tục với cõi vô thức tập thể, hay tâm thần khách quan (objective psyche), vốn không phân biệt với việc thai nghén ý niệm theo quan điểm của von Hartmann. Theo Jung, ý thức là mũi dùi trong sinh hoạt nhân bản, nhưng năng lực của nó được rút ra từ cõi vô thức tập thể.

Khi Jung nói đến cấu trúc nhân cách, ông vẫn còn gần với các quan sát trị liệu. Về phương diện hướng hoạt, ông phân biệt hướng ngoại, tức chiều đi ra, và hướng nội, tức chiều đi vào thế giới bên trong. Mỗi cá nhân có hướng hoạt khác nhau. Bên trong hướng hoạt đó, họ hành động theo bốn chức năng: suy nghĩ/cảm nhận, cảm giác/trực giác. Mỗi cặp đó đối nghịch nhau. Cặp đầu tiên có tính thuận lý (rational) vì chúng lượng giá sự việc: suy nghĩ căn cứ cào đúng/sai, cảm nhận căn cứ vào dễ chịu/khó chịu. Cặp sau có tính phi lý (irrational): chúng chỉ làm ta quen với những gì đang có đó. Jung gọi trực giác là " cảm thức dựa trên hiển nhiên" (perception based on self-evidence), trong khi cảm giác là cảm thức dựa trên kinh nghiệm giác quan. Dần dà, chức năng ưu thế sẽ xuất hiện đẩy chức năng đối nghịch vào cõi vô thức bản ngã, gây ảnh hưởng trên các quyết định cá nhân một cách ngạc nhiên. Sự tác động qua lại giữa ý thức và vô thức cứ thế được lập đi lập lại ở mọi bình diện.

Đối với người Công giáo, ta nên quan tâm đến hệ thống của Jung hơn là các kỹ thuật của ông. Vì ngay cả quan niệm của ông về cấu trúc nhân cách cũng trung lập về phương diện triết học. Còn vấn đề liệu bốn chức năng, hoặc các hướng hoạt hướng ngoại/hướng nội và ngay cả ý thức và vô thức có phải là những phương thế tốt nhất để phân tích nhân cách hay không chỉ là vấn đề đánh giá về phương diện tâm lý học. Nhưng quan điểm của ông cho rằng cõi vô thức bản ngã là thành phần của vô thức tập thể, và chỉ có cái "tâm thần khách quan" này mới thực sự có thực, chính nó làm cho cái tôi cũng như thế giới vật chất trồi lên, là một quan điểm triết học, khá khác biệt với quan điểm Kitô giáo.

Người ta thường nói rằng Jung là nhà tâm lý học đầu tiên nhìn thấy giá trị trong quy hướng tôn giáo. Thực ra, chính ông dẫn nhập tôn giáo vào hệ thống tâm lý học. Thêm vào đó, ông đã viết một cách tích cực về Kitô giáo, đặc biệt về đạo Công giáo và về nghi thức Thánh Lễ. Tuy thế, thế giới quan của ông quả là xa lạ đối với Kitô giáo. Thực vậy, trong vũ trụ của Jung, chỉ có "tâm thần khách quan" mới là thực tại sau cùng. Vật chất có hiện hữu, nhưng dường như nó được rút ra nếu không muốn nói là được dựng nên từ cái tâm thần khách quan ấy. Đó là lý do tại sao con người thu nhận các năng lực tâm lý và cảm nghiệm chúng như những "nguyên mẫu" (archetypes) để họ phóng chiếu ra thế giới bên ngoài. Cái hồn (the anima, cho đàn ông) và cái vía (the animus, cho đàn bà) được phóng chiếu một cách vô thức lên giới tính đối lập có thể dẫn đến hiểu lầm, thất vọng, và mọi kình chống khác. Cũng một nguyên tắc ấy áp dụng cho các nguyên mẫu của mẹ, cha, anh hùng, cứu tinh. Bóng (the shadow) là một nguyên mẫu khác mặc lấy những khuynh hướng phá hoại ngay bên trong tâm hồn ta, và được phóng chiếu ra bên ngòai thành kẻ thù, thành sự ác. Đối với Jung, những hình ảnh nguyên mẫu trên là hiện thân của các năng lực tâm lý vốn vô thức nhưng có thể đối đầu với và do đó biến thành hữu thức. Chúng hiện hữu như thực tại tâm lý trong ta và ngoài ta, như thành phần của "tâm thần chủ quan". Tuy tất cá các nguyên mẫu đều là biểu thức của các năng lực vô thức, nhưng có thứ được cảm nghiệm mạnh hơn thứ kia. Nguyên mẫu mạnh nhất chính là nguyên mẫu Chúa, đấng tuyệt đối tốt lành, bên kia là nguyên mẫu Satan, cũng mạnh mẽ không kém, nhưng tuyệt đối ác. Vì mọi hành động chỉ là sự đưa đẩy giữa hai cái đối lập, cho nên muốn sống động, các năng lực này bị khoá cứng vào thế đời đời đối lập. Jung nhấn mạnh rằng, trong diễn trình cá nhân hoá, ta phải đối đầu với các nguyên mẫu này, nhìn nhận chúng, để rồi siêu việt (transcend) chúng. Jung quan niệm đời người là một cuộc chiến đấu nhằm cá nhân hoá. Mà cá nhân hoá (individuation), trong học thuyết của ông, có nghĩa là đối đầu để rồi siêu việt hoá các nguyên mẫu, lần lượt từng cái một.

Đối với Jung, Chúa-như-hình-ảnh (God-image) là biểu tượng của tự thân toàn diện trong hành động; mà tự thân toàn diện (total self) bao gồm ý thức, vô thức bản ngã và các thành phần của vô thức tập thể. Jung cho rằng tôn giáo có nhiệm vụ quan trọng chỉ ra con đường cứu độ và do đó làm các tín hữu có thể, một cách ý thức, bước vào diễn trình cá nhân hoá. Các tôn giáo bán khai ít nhất cũng đã đem lại phương thế làm nguôi giận các thần minh và do đó giúp các tín hữu mình kiểm soát được các xung lực của họ. Các tôn giáo lớn của Phương Tây đã cung cấp cẩm nang giúp con người phát triển từ lúc mới sinh cho đến lúc trưởng thành, cũng như các biểu tượng thánh để nuôi dưỡng niềm tin của các tín hữu. Mặc dù trong quá khứ, tôn giáo có nhiều ảnh hưởng tích cực như thế, Jung tin rằng, nó vẫn giữ tín hữu bị cột cứng vào các nguyên mẫu của họ, giam mình vào cõi vô thức tập thể.

Chủ nghiã cá nhân của Phong trào Thệ Phản đã phá đổ các biểu tượng tập thể; vì không có gì thay thế các biểu tượng ấy, con người hiện đại thấy mình như không gốc rễ, bất an và sợ sệt. Jung thấy chỉ còn một phương thuốc: phải nhận ra Chúa như một năng lực nguyên mẫu mà ta cảm nghiệm trong kính sợ. Đối với người Công giáo, và hầu hết các Kitô hữu, một thế giới quan như thế xem ra có hơi lệch lạc. Vì chính Thiên Chúa chuyển động và làm ta hiện hữu, chứ không phải "thực tại tâm lý" trong đó ta sống. Các sinh hoạt của ta không tùy thuộc vào sự đẩy kéo của các năng lực đối lập: Chúa là trung điểm mọi sinh hoạt, Ngài ban phát sinh hoạt này cho các tạo vật. Satan không phải là kẻ ngang hàng và đối thủ vô địch với Chúa, vì cũng như mọi sinh vật khác, hắn cũng là tạo vật của Chúa; chỉ khác là hắn đã tự ý quay lưng và tự chọn lấy cái số phận hẩm hiu của hắn. Vì Satan là tạo vật phản nghịch, sự toàn thắng của Chúa vào thời chung cục là điều chắc chắn. Con đường cứu độ không đòi phải siêu việt hoá hết nguyên mẫu này đến nguyên mẫu kia nhưng là dần dần nhận biết Chúa, yêu mến và phụng sự Ngài.

Ý niệm của Jung về tâm thần tập thể và các nguyên mẫu vô địch của chúng là một điển hình giúp ta hiểu lối giải thích kỳ lạ của ông về các dữ kiện bệnh lý. Cảm thức của một đứa trẻ về cha hoặc mẹ quả có bao gồm không những chính con người của người cha hoặc người mẹ mà còn gồm rất nhiều các niềm hoài mong, xuy đoán và hy vọng đã được xây đắp từ bao lâu nay về họ nữa. Một cảm thức như thế có thể gọi là "những nguyên mẫu" theo kiểu nói của Jung. Nhưng mặt khác, nó có thể chỉ cho thấy sự kiện là con người ta ai cũng giống nhau trong cảm nghiệm về cha mẹ. Đứa trẻ nào cũng kính trọng những người chăm sóc chúng và muốn yêu thương chúng. Đó chính là cái nhân quanh đó các hoài mong bản thân và văn hóa được bồi đắp, là cấu trúc cảm nghiệm nhân bản tồn tại qua không gian và thời gian. Điều đó cũng đúng đối với các nguyên mẫu khác. Hiển nhiên, việc tập trung tư tưởng vào một vài hình ảnh có ý nghĩa, như khoa trị liệu vốn áp dụng, gây nên một sức mạnh phi thường và một thúc đẩy lớn lao để thay đổi. Nhưng điều đó không nhất thiết phải là một năng lực nguyên mẫu phát sinh từ vô thức tập thể. Nó có thể chỉ là dấu chỉ cho thấy khuynh hướng tổng quát của con người hướng về việc tự làm cho mình tốt hơn, và khunh hướng này được thúc đẩy bởi một quán niệm nào đó vào sinh hoạt nội tâm do trí tưởng tượng đem lại. Chúa-như-hình-ảnh là một trong những nguyên mẫu khó lồng nhất vào hệ thống của Jung. Nếu hình ảnh này là biểu tượng của tự thân toàn diện, thì đó chính là loại bản sắc, theo Jung, có thể dẫn đến tự thổi phồng nguy hiểm: vì cá nhân ta nay đã chiếm được cho mình cái năng lực của nguyên mẫu, nên có thể coi mình như một thứ thần minh con (godling) thực sự. Jung hiểu ra cái nguy hiểm ấy, nhưng ông không đưa ra được giải pháp nào mà chỉ nhận xét rằng: "ngay cả những con người đã giác ngộ cũng vẫn tiếp tục là chính anh ta, và không bao giờ hơn được chính cái tôi giới hạn của anh ta trước Đấng đang cư ngụ trong anh ta... là Đấng bao phủ anh ta mọi phía, không dò thấu được như vực thẳm trái đất và bao la như bầu trời." (1954, tr.180). Nói cách khác, con người không thể thoát ra ngoài các giới hạn của mình. Anh ta vẫn là con người với sự tự thổi phồng mình mà thôi. Chắc chắn là sau sự phóng chiếu vô thức của mẹ và của cha, cái bóng và cái hồn được nhận ra và thoái lui, thì bước hợp lý sau đó sẽ là việc thoái lui của sự phóng chiếu cuối cùng, tức sự phóng chiếu về Chúa-như-hình-ảnh. Nhưng điều này đòi phải nhận rằng Chúa hiện hữu, như cha và mẹ đã hiện hữu, ngay cả khi sự phóng chiếu nguyên mẫu đã được rút lui. Jung không bao giờ chủ trương bước đó cả vì làm như vậy là thừa nhận rằng Chúa ở bên ngoài và bên trên tâm thần khách quan. Bởi thế, người Công giáo không thể chấp nhận hệ thống của Jung. Nhưng điều đó không có nghĩa ta không nhìn nhận những tiến bộ do các kỹ thuật của ông đem lại. Các giải thích của ta phải khác nhưng trong tư cách là những nhà tâm lý học, ta biết ơn thiên tài của ông đã phát triển ra các kỹ thuật ấy.

Theo Magna B. Arnold, Catholicism and Jungian Psychology, Falcon Press 1988