Khả năng phát hình trên Net đã là một hiện thực

Digital Video đã có mặt từ thập niên 1970. Tuy nhiên, chỉ hai ba năm trước đây, việc phát hình trên Net vẫn là một chuyện không khả thi vì 3 lý do:

1) Các tín hiệu video (hình ảnh và âm thanh) khi lưu thành hồ sơ trên computer (từ chuyên môn gọi là render) thường tạo thành những file rất lớn.

2) Những chương trình đọc những file này để hiển thị video cho người xem (từ chuyên môn gọi là playback) vận hành rất chậm làm nản lòng người xem.

3) Việc biên tập (edit) video tốn quá nhiều thời gian.

Trong hai năm trở lại đây, tình hình thay đổi. Người ta nghĩ ra được nhiều phương pháp nén các tín hiệu video (gọi là codec – code and decode) một cách hiệu quả hơn. Thành ra, khi render trên máy ta có những file nhỏ hơn trước rất nhiều. Các chương trình hiển thị video như Adobe Flash Player và mới nhất là Silverlight, cùng với khả năng download nhanh của broadband khiến cho việc xem video trên Net trở nên ngày càng phổ biến.

Kỹ thuật truyền thông mới này vừa là một cơ hội và vừa là một thách đố mà các phương tiện truyền thông đặt ra đối với Giáo Hội, một Giáo Hội mà như Đức Phaolô Đệ Lục đã nói “sẽ có lỗi trước mặt Chúa nếu không tận dụng các phương tiện mạnh mẽ này”. Thật vậy, Giáo Hội không chỉ được mời gọi để sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng hầu truyền bá Tin Mừng, nhưng hơn bao giờ hết, còn phải hội nhập thông điệp cứu độ này vào trong ”nền văn hóa mới” do những phương tiện truyền thông mạnh mẽ này tạo ra và khuếch trương lên. Giáo Hội dạy chúng ta rằng việc sử dụng những kỹ thuật và công nghệ truyền thông đương đại là một phần tích hợp trong sứ mạng của Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba.

Nhận thấy những khả năng to lớn của kỹ thuật truyền thông mới này, VietCatholic đã đầu tư kỹ thuật và xây dựng một server mới lấy tên là CatholicVideo.org. Hiện nay, VietCatholic đã hoàn toàn có khả năng phát hình giống như YouTube.

Vấn đề đặt ra là chúng ta cần nhanh chóng học hỏi kỹ thuật truyền thông mới này và tận dụng chúng một cách thích đáng.

Cần bao nhiêu thời gian để edit một video?

Khi chúng tôi đặt vấn đề về phát hình trên mạng lưới điện toán toàn cầu, nhiều người tỏ ra sợ. Một câu hỏi thường được đặt ra là “Cần bao nhiêu thời gian để edit một video?”

Không phải ngẫu nhiên mà câu hỏi này được đặt ra. Edit một video có thời lượng phát hình 1 tiếng đồng hồ là công việc kéo dài hàng tuần có khi hàng tháng. Trong quá khứ là như thế, hiện tại tình hình vẫn như vậy và có thể trong một tương lai gần cũng không có gì thay đổi. Nhưng:

- Chúng ta không phát trên Net những video kéo dài hàng giờ. Cái “internet culture” do nhiều yếu tố hình thành nên không cho phép chúng ta làm như vậy, dù đó là điều khả thi về kỹ thuật. Những video phát trên YouTube được nhiều người ưa chuộng nhất là những video kéo dài trong phạm vi từ 1 đến 3 phút.

- Thông thường khi ta edit một phần video, các chương trình video sẽ “xóa bàn làm lại” từ đầu toàn bộ video. Chúng sẽ render lại từ đầu đến cuối trước khi cho chúng ta preview những thay đổi. Hệ quả là thời gian edit không tỷ lệ thuận với thời lượng của video nhưng là theo một cấp số nhân.

Cụ thể, nếu chúng ta quay video trong phạm vi 10’ trở lại thì mất ít nhất chừng 10-20 phút để biên tập, va nếu muốn lồng tiếng và thêm các đặc điểm khác có khi cũng mất cả giờ đồng hồ... Nhưng nếu chúng ta quay trên ngưỡng 1 tiếng đồng hồ thì tuyệt vọng – Không có chương trình biên tập nào dù là những thứ dữ như Final Cut cho Mac và Ulead 11 plus, Adobe Premierre cho PC, có thể giúp hoàn thành nhanh chóng. Làm nhanh cũng mất cả ngày. Nếu chúng ta muốn đẹp mắt thì mất hàng tuần hàng tháng là chuyện bình thường.

Nghiên cứu tâm lý những người thường quay video, chúng tôi thấy đa số có khuynh hướng nghĩ rằng chúng ta cứ quay xả láng rồi bỏ lên computer cắt bỏ những phần không vừa ý. Chính tâm lý này khiến nhiều người nản lòng khi edit video. Nếu ta quay một tiếng đồng hồ thì khi bỏ vào computer, có khi chỉ chuyển vào computer thôi đã tốn hàng giờ nếu computer quá chậm hay nếu cần phải convert từ dạng codec này sang dạng codec khác. Cắt bỏ ngay từ bên ngoài rõ ràng là dễ hơn cắt bỏ trên computer rất nhiều.

Thành ra, muốn làm nhanh, đẹp mắt và dễ làm thì ta cần có “kỷ luật” khi quay video. Trong một buổi lễ hay một biến cố nếu ta thực sự muốn đưa lên Net thì ta không nên quay liên tục – chỉ quay những đoạn nào thật cần thiết và toàn bộ thời lượng quay không nên quá 10’. Làm như vậy, chúng ta chia toàn bộ video thành những video clips rất nhỏ, rất dễ biên tập.

Kết luận:

Trong Tông thư dành cho giới truyền thông nhan đề “Sự phát triển nhanh chóng”, Đức Gioan Phaolô II viết:

“Với những ai hoạt động trong ngành truyền thông, đặc biệt với những tín hữu đang dự phần trong lãnh vực quan trọng này của xã hội, tôi gởi đến anh chị em lời mời gọi, mà từ đầu sứ vụ Mục Tử Giáo Hội Hoàn Vũ, tôi đã muốn gởi đến toàn thế giới ‘Đừng sợ!’.

Đừng sợ những kỹ thuật mới! Chúng nằm ‘trong số những điều kỳ diệu’ – ‘inter mirifica’ -- mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để khám phá, sử dụng và công bố sự thật, cũng là sự thật về phẩm giá của chúng ta về vận mệnh của chúng ta như là con cái của Ngài, những người thừa tự Vương Quốc vĩnh cửu của Ngài.”

Nếu quý vị muốn dấn thân trong lãnh vực truyền thông mới này, quý vị có thể nhấn vào đây để download tài liệu hướng dẫn dùng Windows Movie Maker trên Windows Vista để làm video. Với những vị có Windows XP, chương trình Windows Movie Maker cũng tương tự như thế.