Đời là bể khổ hay niểm vui. Khó xác định.

Đời là bể khổ sao khi bệnh tật người ta lo chạy đôn chạy đáo để tiếp tục cuộc sống bể khổ. Không phải đi tìm cái chết, chết bệnh tật, tự nhiên. Bệnh tật giải thoát sướng hơn sống đời bể khổ.

Đời quả thực có lắm thương đau nhưng đời vẫn đẹp, vẫn đáng sống, nhiều niềm vui, lắm hy vọng. Bể khổ gắn liền với cuộc sống và niềm vui gây hy vọng có sức mạnh phá tan sầu khổ. Bể khổ đôi khi làm cho giá trị niềm vui cao trọng hơn, đẹp hơn và vui hơn. Không nên vịn vào đau khổ một cách tiêu cực để than trời, trách người. Xét một cách tích cực bể khổ có giá trị cao nếu biết dùng nó để thưởng thức niềm vui.

Đời là bể khổ nhưng tôi sống cho người khác, cho gia đình cho con cháu. Như thế tôi chấp nhận cuộc sống bể khổ để con cháu và người khác hưởng niềm vui. Cùng lí luận đó con cháu và người khác cũng chấp nhận cuộc sống bể khổ để cha mẹ, thân nhân được vui. Đây chính là giá trị tích cực của bể khổ. Cả hai cùng chấp nhận bể khổ để nâng đỡ, hỗ trợ nhau để đời bớt khổ.

Kitô hữu đặt giá trị tình yêu cao nhất trong nấc thang hy sinh. Sống cho người mình yêu thì mọi hy sinh, gian khổ không còn là gian khổ nữa mà là niềm vui, được phục vụ cho người mình yêu là một đặc ân. Bạn vui mừng được chọn trong số các bạn để làm phù rể chứ. Cảm tình ấy cho thấy bạn được thương mến đặc biệt hơn các bạn khác. Bạn được chọn làm xướng ngôn viên trong thánh lễ tạ ơn của tân linh mục, bạn cảm thấy vui vì được phục vụ. Được chọn để phục vụ là một đặc ân. Cùng công việc nếu bắt buộc phải làm công việc đó là gánh nặng, buộc phải gánh vác. Là đặc ân khi bạn làm vì yêu mến, vì tình yêu. Tình yêu có sức mạnh vượt trên mọi đau khổ. Biến đau khổ thành niềm vui sáng ngời. Thời gian gia đình mới được đoàn tụ sau nhiều năm xa cách. Tôi cùng thân hữu đi đón người thân, không may hôm ấy trời mưa tầm tã. Trời gió lạnh từng cơn tạt vào da, người lạnh co ro bước dưới mưa. Lạ lùng thay trên môi mọi người vẫn điểm nụ cười, nét mặt rực rỡ hoân hoan, tràn trề hy vọng. Đến phi trường bớt lạnh hơn, thời gian chờ đợi nhiều giờ chờ quan thuế kiểm soát hành lí, giấy tờ di trú, dẫu thế con mắt mọi người vẫn dán chặt vào phía cửa ra vào. Với người thân ruột thịt thì thế, bạn bè cùng đón cũng hân hoan không kém. Một số mỏi chân ngồi xuống, ngồi đau lưng lại đứng nhưng nét mặt vẫn vui tươi. Họ đi vì muốn chia sẻ niềm vui với thân hữu. Lấy niềm vui của thân hữu thành niềm vui cho mình.

Hy sinh trong tình yêu biến đau khổ thành niềm vui. Khi gặp nhau người ta ôm nhau thắm thiết sau lời giới thiệu. Nhờ tình yêu, tình thân hữu người lạ biến thành thân. Không có tình yêu thì đây chính là một cực hình. Nhờ tình yêu mà người ta vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, đau khổ, mệt mỏi thân xác để tình yêu vươn cao. Trong tình yêu không có đau khổ, chỉ có niềm vui tràn trề.

Kitô hữu không quan niệm đời là bể khổ. Kitô hữu nhận biết cuộc sống có khó khăn, có đoạn trường, có vui buồn lẫn lộn. Để đời bớt khổ, để biến đau khổ, gian nan thành niềm vui Đức kitô dậy các Kitô hữu sống tinh thần nâng đỡ, đùm bọc, tinh thần bác ái và vị tha. Thực hiện những điều này để mang hy vọng, niềm vui cho người và an vui cho đời. Trái lại cuộc sống thực sự là bể khổ khi phải sống trong cô đơn, trong nghi kị, thù hằn, ghen ghét. Tình trạng trên đến từ lòng người vì thiếu vắng tình yêu. Tệ hơn nữa là hiểu sai ý nghĩa tình yêu. Bể khổ theo nghĩa này do con người tạo ra, gây nên. Thực tế cuộc sống có đau khổ, có bệnh tật, có già nua. Mỗi giai đoạn cuộc đời đều có ý nghĩa tích cực. Khi con người sống trong tình yêu họ sẽ hiểu được ý nghĩa của bệnh tật, của già nua.

Đời là niềm vui

Nếu đời không là bể khổ đời phải là niềm vui. Cũng không đúng vì sống trên đời phải vật lộn với đủ thứ, sầu muộn trập trùng, bệnh tật bất thình lình tìm đến trú ngụ, làm phiền thân xác đuổi hoài không ra và tin buồn đến nhanh như làn chớp.

Chào đời bằng tiếng khóc, tiếng khóc vui mừng hay tiếng khóc sầu muộn khi sanh ra. Chẳng vui cũng chẳng buồn. Tiếng khóc đầu đời là tiếng khóc tự nhiên của em bé được sinh ra. Trong em chưa phân biêt vui buồn. Cảm xúc mãi sau này mới phát triển đầy đủ vì thế tiếng khóc chào đời không mang nghĩa vui buồn vì đầu óc non trẻ chưa biết phân tích cảm xúc. Chúng ta có thể gọi đó là tiếng khóc chào đời cũng là tiếng khóc vào đời.

Trách nhiệm

Đời không là niềm vui vì càng vào đời càng thấy nhiều trách nhiệm. Nhỏ thì trách nhiệm nhỏ, lớn trách nhiệm lớn, già trách nhiệm già. Không ai tránh khỏi trách nhiệm trong cuộc sống. Bao lâu còn sống còn trách nhiệm, tuỳ tuổi tác và hoàn cảnh trách nhiệm nhiều ít khác nhau. Ra đường trách nhiệm trong công việc. Về nhà trách nhiệm gia đình. Tối sáng trách nhiệm với Thượng Đế. Đó là chưa kể đến trách nhiệm nếu nắm vai trò lãnh đạo. Trách nhiệm nếu đóng vai trò trên thương trường, cung cấp dịch vụ. Trách nhiệm với khách hàng nếu đóng vai trò thương mại, làm ăn buôn bán. Cuối cùng là trách nhiệm với dân tộc, đất nước của người dân. Lo ngày, lo đêm làm không xong trách nhiệm. Sau mỗi lần làm tròn trách nhiệm có niềm vui, dù là niềm vui tạm, niềm vui tự tạo. Không ai có thể làm tròn tốt đẹp mọi trách vụ, lo ngay ngáy ngày đêm. Như thế sao có thể nói đời là niềm vui.

Nhu cầu

Cuộc sống văn minh có lắm nhu cầu. Để thoả mãn nhu cầu cần phải lao tác nhiều hơn mới đủ chi phí cho nhu cầu. Càng lao tác nhiều càng vất vả. Đại đa số lo tìm cách thoả mãn nhu cầu cuộc sống trong khi đó lại có những bộ óc chuyên môn nghiên cứu đưa ra những nhu cầu mới cho đời. Thế hệ cha ông không có nhu cầu máy tính, trẻ em không có nhu cầu trò chơi điện tử. Ngày nay lớn nhỏ đều cần máy tính. Chúng không còn là xa xỉ phẩm nữa mà trở thành một phần của công việc làm ăn, nhu cầu cần có trên thương trường. Học sinh cần máy tính vì đó là nhu cầu cung cấp chất liệu, dữ kiện cho việc học. Nhu cầu của các em bậc cha mẹ có trách nhiệm giúp các em đạt nhu cầu học hỏi.

Nhiều người không có nhu cầu coi đá banh trong khi đó lại có những người không thể thiếu môn thể thao này. Nhu cầu phát sinh nhu cầu. Thoả mãn được nhu cầu có niềm vui tạm thời đồng thời làm giầu quan hệ giao tế. dù ít quan tâm đến tin tức cũng phải để ý vì khi vào hãng sợ mọi người bàn tán nên cần biết, cần tham khảo, theo dõi. Điều tưởng không cần biến thành nhu cầu, dù là nhu cầu phụ thuộc nhưng quan trọng trong giao tế, phát triển tình thân hữu, đồng nghiệp. Nhiều ngành nghề đòi theo dõi liên tục các sáng chế mới để cập nhật hoá điều đã học và theo kịp những sáng kiến mới ích lợi cho nghề nghiệp. Càng văn minh càng nhiều nhu cầu. Mấy ai thoả mãn mọi nhu cầu. Nhu cầu không thoả mãn đời mất vui. Lí luận không có các nhu cầu đâu có sao vẫn sống. Đúng vậy, vẫn sống nhưng sống thiếu niềm vui nên than đời là bể khổ. Để đời bớt khổ cần có niềm vui, càng nhiều càng bớt khổ. Thánh Phaolô xác định

‘những đau khổ chúng ta cịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta Roma 8,18’.

Sai nơi chốn

Đời không là bể khổ cũng chẳng là nguồn vui. Đau khổ và vui buồn pha trộn, xen lẫn bàn bạc trong cuộc sống. Đau khổ trên trời chẳng bao giờ cạn. Niềm vui trong đời chẳng bao giờ đầy vì niềm vui này hết; niềm vui khác lại đến. Niềm vui đến rồi đi như những đợt sóng biển đại dương khi dạt dào, khi nhẹ nhàng thoang thoảng, khi êm đềm như biển đang ngủ. Có niềm vui, lại muốn vui hơn, muốn vui hơn nữa, chẳng bao giờ cùng. Không đạt được niềm vui tuyệt hảo vì đời đâu có niềm vui tuyệt hảo để cho nên mong muốn này chẳng bao giờ thành đạt. Đi tìm niềm vui tuyệt hảo, vĩnh cửu trên đời sẽ chẳng bao giờ gặp vì trên đời không có chi vĩnh cửu.

Quê hương

Đời lắm u sầu vì chúng ta không được sanh ra để sống vĩnh cửu trên trái đất này. Sao lại uổng công đi tìm niềm vui vĩnh cửu nơi cuộc sống tạm bợ. Ai cũng biết có ngày đời ta sẽ qua đi, bác sĩ lắc đầu, bó tay. Ngay cả bác sĩ lừng danh nhất thế giới cũng có ngày vĩnh biệt trái đất. Đi tìm niềm vui vĩnh cửu cho một thân xác tan biến là làm công việc mâu thuẫn với chính mình. Biết đời chóng tàn nên dụng tâm tìm niềm vui trường cửu là việc làm khôn ngoan. Tìm niềm vui đó nơi đâu là câu hỏi cần được đặt ra. Tìm không đúng chỗ vừa mất công vừa thất bại, hại cả đời.

Có chi tồn tại

Rõ ràng không gì trên đời tồn tại, ngay cả vũ trụ này ngày nào đó cũng biến thành mây khói, thái dương hệ bao la theo tiên đoán của các khoa học gia cũng có ngày tàn lụi. Giả sử như các khoa học gia tiên đoán sai lầm, thái dương hệ tồn tại muôn đời. Liệu lần mò tìm được niềm vui vĩnh cửu chăng bởi vì thái dương hệ bao la biết tìm nơi đâu niềm vui vĩnh cửu. Không lẽ con người đầu hàng. Tìm không được niềm vui vĩnh cửu quay ra bám víu niềm vui chóng tàn. Chạy theo niềm vui tạm bợ, niềm vui này tàn, chạy theo niềm vui khác. Cuộc đời là một chuỗi ngày chạy đua, chạy hoài cho đến khi mắc bệnh ngã quị. Người may mắn hơn tiếp tục chạy cho đến tuổi bạc đầu, mắt mờ, chân mỏi chạy không được nữa, ngồi xuống u sầu chào thua. Niềm vui vĩnh cửu ơi ta chào mi. Ta chấp nhận thua ngươi. Quan niệm u sầu, yếm thế. Vào đời để chấp nhận thua thiệt, đau khổ từ lúc sanh đến lúc ngã quị và chết trong đau khổ vì không đạt điều ước mơ. Tuyệt vọng.

Quê hương ngàn đời

Quê hương chúng ta ở trên trời nơi đó chúng ta tìm được nguồn vui tuyệt hảo. chúng ta biết điều này vì Chúa Kitô xác định rõ

‘giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian yêu thích cái gì thuộc về nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian vì Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian Gioan 15,19’.

Chỉ nơi đó mới có ban cho chúng ta niềm vui miên trường, chỉ nơi đó chúng ta mới được no thoả đời đời vì Thiên Chúa là nguồn tình yêu sung mãn cho mọi người. Đây không phải là ước mơ. Đây cũng không phải là hy vọng hão huyền tin điều không có thật. Đây là một thực tại. Điều đơn giản để nhận biết thực tại này là niềm tin. Tin là chấp nhận sự giới hạn của trí óc. Khối óc đầu hàng nhường chỗ cho con tim hành động. Con tim không dùng lí luận. Con tim sống bằng tình yêu. Hoa trái của tình yêu là nâng đỡ, chia sẻ, cảm thông, tha thứ. Vì thế đời rất vui, rất quí, rất đáng sống và sống an vui, hy vọng. Vì sống bằng tình yêu nên nhận biết quê hương của chúng ta không thuộc về trần gian. Tình yêu bất tử, không lệ thuộc vào những định luật của thế giới vật chất. Tình yêu tồn tại. Thế gian không tồn tại nên tình yêu trong thế gian nhưng không thuộc về hạ giới. Tình yêu thuộc về thượng giới. Thượng giới bắt đầu từ hạ giới vươn lên cao, lên cao mãi và trú ngụ trên thượng giới. Sống trên đời có khổ đau vì chúng ta không được tạo dựng để sống muôn đời trên trái đất. Trái đất chỉ là nơi sống tạm. Sự sống thật thuộc về thượng giới. Chúng ta biết thế vì sự hiện diện của ta trên mặt đất. Chúng ta có mặt trên trái đất vì chúng ta được yêu thương và được trao phó sứ mạng. Vì thế mỗi người có trách nhiệm riêng cho mình và trách nhiệm cho người, cho đời. Mỗi người có tài năng riêng tìm cách phát triển tài năng theo sở thích riêng, theo phương pháp riêng làm giầu cho xã hội.

Chúng ta được dựng nên sống trên trái đất trong một thời gian. Sứ mạng trần gian của mỗi người là làm chứng nhân cho Vua tình yêu. Phát triển tài năng qua dụ ngôn nén bạc để mang yêu thương cho đời. Dụ ngôn nén bạc kể mỗi người được trao cho một số tài năng nhất định và riêng biệt để quản lí, làm cho tài năng trổ sinh hoa trái vừa dùng chúng kiếm thực phẩm nuôi thân vừa mang niềm vui, an ủi cho đời. Phát triển tài năng để nuôi thân, để giúp người trong tâm tình tạ ơn Đấng thương ban tài năng cho quản lí. Khi hoàn thành công việc chứng nhân niềm tin người đó hoàn thành cuộc sống dương gian để trở về quê hương vĩnh cửu nơi người đó xuất phát. Thánh Pholô nhiều lần xác định quê hương chúng ta ở trên trời.

‘Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá huỷ đi, thì chúng ta có một nơi do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người làm ra’. 2 Corinto 5,1

‘Còn chúng ta quê hương chúng ta ở trên trời’ Philipê 3,20.


TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html