MACAU - Đặc khu Hành chánh Macau, một mảnh đất rất nhỏ bé chỉ bằng khoảng hơn một phần trăm diện tích thành phố Sài Gòn hiện nay, nằm ở phía Tây Nam Hồng Kông, đang được biết đến như là một trong những vùng lãnh thổ có nền kinh tế phát triển trên thế giới và có mức sống cao vào bậc nhất châu Á. Sự phồn vinh mà Macau có được chủ yếu nhờ vào các ngành dịch vụ du lịch, giải trí và kỹ nghệ sòng bạc.

Chụp hình chung với Cha Lâm Minh sau thánh lễ Mình Máu Thánh Chúa
Rõ ràng, một nền kinh tế phi sản xuất mà trong đó chất liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra hoàn toàn đều do bởi vốn sẵn có nơi con người thì hệ quả tất yếu liên quan đến con người là điều khó tránh khỏi. Ở Macau, chính sự pha trộn văn hoá Đông Tây đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng sử dụng dịch vụ khai thác mọi khía cạnh của con người theo cách của kẻ ăn bánh trả tiền; các vấn đề xã hội như nạn buôn người và kỳ thị giai cấp vì thế càng thêm phát triển.

Ngày nay, cùng với sự mở cửa ào ạt thu hút hàng loạt khách nước ngoài đến tiêu tiền và tự do tiêu khiển, Macau trở thành một cỗ máy hái tiền hấp dẫn lực lượng lao động từ các nước kém phát triển trong vùng như Philippines, Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Một lần nữa, vùng đất từng là thuộc địa đầu tiên và cuối cùng ở châu Á này được biết đến như là thiên đàng dành cho du khách và sòng bạc cuộc đời cho người lao động nhập cư.

Người Việt ở Macau, ước tính có đến hơn 10.000 người, phần đông là chị em phụ nữ đến từ các tỉnh miền Bắc Việt Nam (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Nam Định, Thái Bình). Chỉ có một số rất ít chị em là người miền Nam (Tây Ninh, Tiền Giang, Vĩnh Long) và số lao động nam thì càng hiếm hoi hơn. Với chút vốn liếng tiếng Hoa vừa đủ giao tiếp trong những tình huống thông thường, họ tạm bỏ lại quê nhà những cảm xúc buồn thương lẫn lộn để lên đường tìm kiếm một cơ hội đổi đời cho chính bản thân hoặc cho gia đình. “Quê em nghèo quá không có việc gì để làm.” “Chồng tôi uống rượu say xỉn, đốt nhà, đốt con, nay ở tù. Tôi phải đi cày để trả nợ hàng xóm.” “Tụi tui làm ô-sin nhưng lãnh lương giám đốc!”

Tập hát thánh ca và chia sẻ Lời Chúa
Thu nhập trung bình 2,500 MOP/ tháng, tức khoảng hơn 300 USD, quả là lương giám đốc ở Việt Nam thật. Thế nhưng, do không đủ năng lực cạnh tranh với các nhóm lao động khác, mức lương của họ không những là thấp nhất mà công việc của họ cũng chỉ mang tính thời vụ, không ổn định và không được chính thức nhìn nhận, bảo hộ bởi luật pháp Macau. Hỏi đời có mấy ai cam lòng sống cảnh cùng khổ, dù rằng trong một xã hội bớt khổ hơn!?

Nhiều người trong số họ đã tự giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc đạo lý truyền thống để vừa thu vén nhanh nhất có thể (tiền) lại vừa được giải toả bầu tâm sự (tình). Oan nghiệt kéo theo oan nghiệt. Bao người đã rơi vào cảnh tù tội, cả về thể xác lẫn tinh thần, hoặc “ra đi” cách đột xuất mà không rõ nguyên nhân dường như trở thành đề tài chuyện phiếm mỗi ngày ở “Công Viên Tròn” – tên người Việt đặt cho một vòng xoay giữa chợ; vì nhà ở quá chật chội, đông đúc nên dân lao động nhập cư thường ra đây thư giản và kết bạn.

Trước khó khăn chống chọi giữa một xã hội đầy dẫy những cạm bẫy và cám dỗ, một vài chị em Công Giáo nhiệt thành đã cố gắng vận động thành lập một nhóm sinh hoạt để giúp chia sẻ thông tin và nâng đỡ nhau trong đời sống tinh thần. May thay, nhờ Ơn Trên đưa đường chỉ lối, các chị em gặp được một tu sĩ đồng hương đang thực tập mục vụ tại nhà thờ thánh Antôn. Thế là mọi người tranh thủ được một địa điểm gặp gỡ, sinh hoạt có ý nghĩa hàng tuần, dù rằng còn rất tạm bợ như chính số phận của họ trên mảnh đất này.

Thánh lễ ghi dấu sự quy tụ lần đầu tiên của nhóm nhỏ khoảng 20 người Công Giáo Việt ở Macau diễn ra nhân dịp Giáng Sinh, ngày 23/12/2007, được chủ tế bởi Linh mục Phêrô Lâm Minh đến từ Hong Kong.

Từ đó đến nay, cộng đoàn nhỏ này đã quy tụ được gần cả 100 người, kể cả Công giáo và không Công giáo. Họ gặp gỡ nhau vẫn tại nhà thờ thánh Antôn, từ 2g30 đến 5g00 chiều Chúa Nhật hàng tuần. Họ cùng nhau tập hát thánh ca, cùng chia sẻ Lời Chúa và cùng nâng đỡ nhau qua hiệp thông cầu nguyện. Người Công giáo thì được dịp đỡ “khát Chúa” bằng chính ngôn ngữ và văn hoá của mình. Người không Công giáo thì như tìm được một chiếc phao để bám víu hầu khỏi “sa chước cám dỗ.”

Quây quần chia sẻ tình thương và đồ ănThánh lễ dành riêng cho cộng đoàn chỉ được cử hành mỗi khi linh mục Lâm Minh có thể thu xếp sang dâng lễ vào các dịp như Tết cổ truyền, Phục Sinh, lễ Mình Máu Thánh Chúa và sắp tới đây là ngày 13 tháng 7. Khi ấy cũng là cơ hội để người Công giáo lãnh nhận bí tích giao hoà và rước Chúa qua Bí tích Thánh thể. “Nhờ được giải tội và rước Chúa mà lòng con được ‘thanh’, dù chỉ một ngày; vì con biết rằng tâm hồn con chưa thể ‘tịnh’ trong hoàn cảnh hiện nay.” Thánh lễ còn là dịp để chị em mời nhà chủ đến tận mắt chứng kiến môi trường sinh hoạt lành mạnh của họ, và nhờ thế họ có thể thuyết phục chủ cho phép họ đến với cộng đoàn hàng tuần vì tin tưởng rằng họ không làm gì xấu để đem mầm bệnh xã hội về cho gia đình chủ. Phải chăng đây cũng là cách truyền giáo?

Nhờ chia sẻ Lời Chúa bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình mà tâm hồn mọi người như được bừng sáng và ấm dần trở lại. Họ bắt đầu thắc mắc về sự khác biệt giữa đức tin Công giáo so với những gì họ được các giáo phái khác trình bày. Thế là trong chương trình sinh hoạt, từ đầu tháng Sáu này, đã có thêm giờ học hỏi Giáo lý Hội thánh Công giáo. Đối với người Công giáo thì đây là dịp giúp họ củng cố đức tin. Người không Công giáo thì có cơ hội tìm hiểu, giải toả thắc mắc nhằm xác định cho mình một lẽ sống đúng đắn. Hiện đã có hai chị xin rửa tội gia nhập đạo nhưng còn gặp trở ngại về vấn đề hành chánh.

Mong ước lớn nhất của cộng đoàn hiện nay là được sự quan tâm của Giáo hội Mẹ giúp cho nơi chốn, nội dung và nhân sự hướng dẫn sinh hoạt ổn định. Từ khi hình thành cho đến nay đã được hơn sáu tháng, cộng đoàn vẫn chỉ là một nhóm tự phát và chưa được thật sự thừa nhận, chấp thuận ngay tại giáo xứ mà họ đang sinh hoạt. Đúng hơn, vì chưa có cơ cấu tổ chức nhân sự chịu trách nhiệm mục vụ chính thức, lâu dài mà cộng đoàn chưa thể ra mắt với giáo hội địa phương.

Ra công viên ta gặp gỡ và ăn uốngLinh mục Lâm Minh, một thừa sai Paris đang làm việc ở Đại Chủng viện Thánh Thần thuộc giáo phận Hong Kong, dù rất thương yêu mục vụ di dân người Việt, thể hiện qua việc chẳng quảng đường xa và việc cố gắng sử dụng tiếng Việt theo văn hoá tinh thần người Việt, khó có thể giảm bớt trọng trách hiện tại để đến chăm sóc trực tiếp cho cộng đoàn cách sâu rộng và thường xuyên được. Bầy chiên vẫn nhỏ, vẫn vất vưởng vì vẫn chưa có người chăn dắt. Tuy nhiên, nếu ý Chúa muốn thì nhóm nhỏ này có thể sẽ là những hạt giống đầu tiên cho một cộng đoàn Việt Nam ở Macau. Bởi trước mắt, với hơn 10,000 lao động người Việt tại đây thì nhu cầu mục vụ và phục vụ cho đồng hương chắc chắn không phải là không có. Trong một bối cảnh xã hội tự do quay cuồng và đầy hỗn tạp như Macau, con người yếu đuối mỏng giòn dường như càng khao khát lương thực thần linh.

Hàng ngày, trên đường đi chợ, các chị em thỉnh thoảng vẫn nhận được những cái bắt tay ấm áp tình người, những câu chào bập bẹ bằng tiếng Việt cách thân thiện từ các bạn trẻ Mormon người Mỹ, cùng với lời mời đến các lớp học tiếng Quảng Đông hay tiếng Anh mà họ tổ chức miễn phí nhằm giúp cho những di dân có nhu cầu. Đàng khác, các giáo phái Kitô như chứng nhân Jehovah cũng tỏ vẻ không kém phần quan tâm đến “thị trường” lao động nhập cư. Thật ngạc nhiên! Họ còn có cả những tuần báo in offset bằng tiếng Việt trông rất bắt mắt để phát cho không - một món ăn tinh thần cho kẻ tha hương.

Hàng tuần, tại giáo xứ thánh Antôn, cộng đoàn tự phát Việt Nam vẫn họp nhau chia sẻ Lời Chúa và tự gây quỹ cho hoạt động của mình bằng việc đóng góp chút phần khiêm tốn để gọi là chi phí tiền điện cho giáo xứ và photo tài liệu sinh hoạt.