ĐTC kêu gọi mỗi tín hữu hãy trở thành những nhà truyền giáo của Tin Mừng.

Cùng với Đức Thượng Phụ Bartolomeo I, Giáo Chủ Giáo Hội Chính Thống Costantinopoli, và những Đại Diện của các Giáo Hội Kitô và các Cộng Đoàn Kitô khác, ĐTC Bênêđitô XVI đã chính thức khai mạc Năm Thánh Phaolô trong giờ Kinh Chiều I ngày thứ bảy 28 tháng 6, áp Lễ Kính Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành, ở Roma. Sau đó sang ngày Chúa Nhật 29 tháng 6, trong bài huấn đức trước khi đọc kinhTruyền Tin, vào lúc kết thúc Thánh Lễ, ĐTC đã nói vài lời về ý nghĩa của Năm Thánh Phaolô và kêu gọi mọi tín hữu hãy trở thành nhà truyền giáo của Tin Mừng. ĐTC đã nói như sau:

Anh chị em thân mến,

Năm nay, lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô đúng vào ngày Chúa Nhật; và như thế toàn thể Giáo Hội, chứ không chỉ riêng giáo hội tại Roma, đều mừng lễ này cách long trọng. Sự trùng hợp này cũng là điều tốt để làm nổi bật một biến cố ngoại thường là Năm Thánh Phaolô, mà Tôi vừa khai mạc chính thức vào chiều hôm qua (tức thứ bảy áp lễ hai thánh Phêrô và Phaolô) bên phần mộ của vị Tông Đồ các dân ngoại, và là năm sẽ kéo dài cho đến ngày 29 tháng 6 năm 2009. Quả thật, các sử gia xác định Saulô, -sau này là Thánh Phaolô,- sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 7 cho đến năm 10 kỷ nguyên Kitô. Vì thế, vào lúc trọn đủ hai ngàn năm, tôi đã muốn thiết lập Lễ Mừng đặc biệt này, dĩ nhiên là tại Roma, và một cách đặc biệt tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành và tại Tre Fontane, nơi mà ngài chịu tử đạo. Nhưng Năm Thánh Phaolô mời gọi toàn thể Giáo Hội phổ quát cùng cử hành, từ thành Tarsô, nơi sinh của thánh Phaolô, và từ những nơi khác nữa có liên hệ với thánh Phaolô, những điểm hành hương nằm trong nước Thổ Nhỉ Kỳ ngày nay, cũng như tại Thánh Địa, trong Đảo Malta, nơi Thánh Tông Đồ bị dạt vào sau một trận bão và đã gieo tại đó hạt giống phong phú của Tin Mừng. Thật vậy, chiều kích của Năm Thánh Phaolô không thể không có tính cách phổ quát, bởi vì thánh Phaolô là vị tông đồ tốt nhất cho những ai mà tâm thức của người Do Thái gọi là “những kẻ ở xa”, và là những kẻ “nhờ máu thánh của Chúa Kitô mà trở nên gần gũi (x. Eph 2,13). Vì thế, trong thời đại hôm nay, trong một thế giới đã trở nên nhỏ hơn, nhưng lại còn rất nhiều người chưa gặp Chúa Kitô, Năm Thánh Phaolô mời gọi tất cả mọi người kitô hãy là những nhà truyền giáo của Tin Mừng.

Chiều kích truyền giáo này cần phải luôn đi đôi với chiều kích hiệp nhất, được đại diện bởi thánh Phêrô, viên Đá Tảng mà trên đó, Chúa Giêsu Kitô đã xây dựng Giáo Hội của Người. Như Phụng vụ nhấn mạnh, ơn đoàn sủng của hai vị Đại Tông Đồ bổ túc cho nhau để xây dựng một dân duy nhất của Thiên Chúa và những người Kitô không thể nào làm chứng hữu hiệu cho Chúa Kitô, nếu họ không hiệp nhất với nhau. Chủ đề hiệp nhất được làm nổi bật hôm nay (Chúa nhật 29 tháng 6), bởi nghi thức truyền thống trao dây choàng Pallium, mà trong Thánh Lễ tôi đã trao cho các vị Tổng Giám Mục chính toà vừa được bổ nhiệm trong năm qua. Có tất cả 40 vị lãnh nhận hôm nay, và những vị còn lại sẽ nhận dây choàng Pallium này tại địa phương nơi toà của các ngài. Một lần nữa, tôi xin gởi lời chào thân tình đến quý ngài. Ngoài ra, trong ngày lễ trọng hôm nay, vị Giám Mục Roma có được niềm vui đặc biệt, vì được đón tiếp Đức Thượng Phụ Đại Kết của toà Costantinopoli, Đức Bartolomêô I; tôi xin lặp lại nơi đây lời chào đầy tình huynh đệ, chào ngài và chào toàn thể phái đoàn của Giáo Hội Chính Thống do ngài hướng dẫn đến Roma.

Năm Thánh Phaolô, công cuộc rao giảng Phúc Âm, sự hiệp thông bên trong giáo hội và sự hiệp nhất trọn vẹn của tất cả mọi người Kitô: tất cả chúng ta hãy cầu nguyện cho những ý chỉ cao đẹp này, vừa phó thác chúng cho lời bầu cử trên trời của Mẹ Maria rất thánh, Mẹ của Giáo Hội và là Nữ Vương các thánh Tông đồ.

Sau những lời trên ĐTC xướng kinh truyền tin với cộng đoàn tín hữu hiện diện.

Tiếp liền sau lời Kinh Truyền Tin, ĐTC nói thêm vài lời chào bằng các thứ tiếng khác nhau.

Bằng tiếng Pháp, ĐTC đã nói như sau: “Anh chị em hành hương nói tiếng Pháp thân mến, trong ngày lễ trọng kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, anh chị em đã muốn đến đây quanh Đức Thánh Cha và các vị Tổng Giám Mục vừa lãnh nhận dây Pallium. Đây là dịp để xác định sự hiệp thông trong giáo hội và để củng cố sự dấn thân Kitô của anh chị em. Xin Chúa nâng đỡ đức tin của anh chị em, ngõ hầu, theo gương của hai thánh Tông Đồ được mừng kính vào Chúa Nhật hôm nay, anh chị em có thể trở thành những tông đồ loan truyền Lời Chúa. Vào lúc khởi đầu năm mừng lễ thánh Tông Đồ Phaolô, ước gì giáo huấn của vị Tông Đồ các dân tộc, chỉ cho anh chị em biết con đường phải theo.

Bằng tiếng Anh, ĐTC nói: “Tôi sung sướng chào chúc tất cả anh chị em hành hương nói tiếng Anh. Một cách đặc biệt tôi xin chào quý vị Tổng Giám Mục chính toà vừa lãnh nhận giây Pallium, với sự hiện diện của những người thân và bạn hữu, nhân dịp lễ trọng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Ước gì mẫu gương can đảm của hai vị Thánh Bổn Mạng gợi sáng cho quý vị Tổng Giám Mục trong tác vụ rao giảng Lời Chúa. Tôi vui mừng gởi lời chào đến Đức Thượng Phụ Đại kết Costantinopoli, Đức Bartolomêô I và đến các thành viên của phái đoàn do ngài hướng dẫn. Nhờ lời khẩn cầu của hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, ước gì những người kitô làm chứng rõ ràng cho sự thật và cho tình yêu có sức giải phóng chúng ta.

Kết thúc buổi đọc kinh Truyền Tin, ĐTC cầu chúc mọi người một ngày lễ đầy an lành tốt đẹp.