Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Họp báo trên không

Zenit.org ngày hôm qua, 14 tháng Bẩy, thuật lại các câu hỏi của truyền thông và các câu trả lời của Đức Giáo Hoàng trên chuyến bay tới Úc.

Hỏi: Thưa Đức Thánh Cha, đây là Ngày Giới Trẻ Thế giới lần thứ hai của Đức Thánh Cha, lần đầu, chúng con dám nói, hoàn toàn là của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha sẽ sẵn sàng sống ngày ấy với tâm tình nào và đâu là sứ điệp chính Đức Thánh Cha muốn ngỏ cùng giới trẻ? Và rồi, Đức Thánh Cha có nghĩ rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới có ảnh hưởng sâu xa đối với Giáo Hội đứng ra đăng cai nó không? Và sau cùng, Đức Thánh Cha có nghĩ rằng công thức tập họp lớn lao người trẻ như thế này có còn hợp thời nữa hay không?

Đức Benedict XVI: Tôi tới Úc với tâm tình hết sức hân hoan. Tôi vốn có những kỷ niệm đẹp về Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Cologne. Đó không đơn giản chỉ là một biến cố quần chúng. Trước hết, đó là việc long trọng cử hành niềm tin, một gặp gỡ nhân bản trong hiệp thông với Chúa Kitô. Chúng tôi đã thấy đức tin mở toang các cánh cửa ra sao và thực sự có khả năng hợp nhất giữa nhiều nền văn hóa khác nhau như thế nào, và điều ấy tạo nên niềm vui.

Tôi hy vọng những sự việc như thế cũng sẽ xẩy ra tại Úc. Nên tôi rất vui được thấy nhiều người trẻ, và thấy họ hợp nhất với nhau trong niềm khát mong Thiên Chúa và có được một thế giới thực sự nhân bản. Sứ điệp chính đã được biều lộ qua các từ ngữ từng tạo nên khẩu hiệu cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này: chúng tôi muốn nói tới Chúa Thánh Thần, Đấng biến chúng ta thành chứng nhân của Chúa Kitô.

Cho nên, tôi muốn tập trung sứ điệp của tôi vào thực tại Chúa Thánh Thần này, Đấng xuất hiện dưới nhiều chiều kích khác nhau: Người là Thần Trí hoạt động trong sáng thế. Chiều kích sáng thế hiện diện hết sức rõ ràng vì Chúa Thánh Thần là đấng tạo dựng. Đối với tôi đó là một chủ đề rất quan trọng trong lúc này.

Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần cũng là Đấng Linh Hứng của Thánh Kinh: dưới ánh sáng Thánh Kinh, trong hành trình của ta, ta có thể cùng tiến bước với Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Thần Trí Chúa Kitô, do đó, Người hướng dẫn ta trong hiệp thông với Chúa Kitô và sau cùng, theo lời Thánh Phaolô, Người tự tỏ bày qua các đặc sủng, nghĩa là qua rất nhiều ơn phúc bất ngờ làm thay đổi nhiều thời đại khác nhau và ban cho Giáo Hội sức mạnh mới. Và bởi thế, các chiều kích này mời gọi chúng ta nhìn ra đường đi của Chúa Thánh Thần và làm Người hữu hình với người khác nữa.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới không đơn giản chỉ là một biến cố trong lúc này. Nó đã được chuẩn bị bằng một hành trình dài của Thánh Giá và Ảnh Đức Mẹ, một hành trình cùng với các điều khác đã được chuẩn bị [không những] theo quan điểm tổ chức mà còn theo quan điểm thiêng liêng nữa. Do đó, những ngày này chỉ là giây phút cao điểm của một hành trình dài đã có trước. Tất cả đều là hoa trái của một hành trình, một có mặt bên nhau trong cuộc hành trình tiến về Chúa Kitô.

Ngày Giới Trẻ Thế Giới như thế tạo ra cả một lịch sử, nghĩa là, tình bằng hữu đã được tạo ra, nhiều linh hứng mới đã được tạo ra: và cứ thế Ngày Giới Trẻ Thế Giới tiếp diễn. Đối với tôi, điều ấy rất quan trọng: không phải chỉ để chứng kiến ba hay bốn ngày này, mà là chứng kiến trọn cuộc hành trình có trước và đến sau nó.

Trong sự liên kết ấy, đối với tôi, Ngày Giới Trẻ Thế Giới, ít nhất cũng trog một tương lai gần, vẫn là một công thức giá trị để chuẩn bị cho chúng ta hiểu rằng từ các quan điểm khác nhau và từ các địa điểm khác nhau trên thế giới, chúng ta cùng nhau tiến bước hướng về Chúa Kitô và sự hiệp thông. Như thế, chúng ta mới đánh giá đúng cuộc hành trình mới mẻ với nhau này. Trong chiều hướng ấy, tôi hy vọng nó vẫn còn là công thức cho tương lại.

Hỏi: Kính thưa Đức Thánh Cha, đại diện Báo The Australian, con muốn hỏi một câu bằng tiếng Anh: Úc là một đất nước hết sức thế tục, ít người thực hành tôn giáo và nhiều người dửng dưng với tôn giáo. Con muốn hỏi liệu Đức Thánh Cha có lạc quan về tương lai của Giáo Hội tại Úc, hay ưu tư lo lắng Giáo Hội này có thể bước chân theo Âu Châu mà xuống dốc hay không? Đức Thánh Cha có sứ điệp gì để Úc vượt qua tính dửng dưng tôn giáo của họ?

Đức Benedict XVI: Tôi sẽ ráng nói thứ tiếng Anh tốt nhất của tôi, nhưng xin qúy vị thứ lỗi cho các thiếu sót về tiếng Anh của tôi.

Tôi nghĩ Úc trong hình tượng lịch sử hiện nay là một phần thuộc “thế giới Tây Phương”, cả về kinh tế lẫn chính trị, và do đó rõ ràng Úc có chung các thành công và các vấn nạn của thế giới Tây Phương ấy.

Trong 50 năm qua, thế giới Tây Phương đạt được nhiều thành công lớn lao: thành công kinh tế, thành công kỹ thuật; ấy thế nhưng tôn giáo, đức tin Kitô giáo, theo một nghĩa nào đó lại đang bị khủng hoảng. Điều này khá rõ ràng vì hiện người ta đang có cảm tưởng là ta không cần tới Thiên Chúa nữa, mà tự mình có thể làm được mọi chuyện, ta chẳng cần Thiên Chúa để được hạnh phúc, chẳng cần tới Chúa để tạo được một thế giới tốt hơn, Thiên Chúa không cần thiết, mình có thể làm mọi chuyện tự sức mình.

Mặt khác, ta thấy tôn giáo lại luôn hiện diện trên thế giới và sẽ luôn hiện diện trong đó vì Thiên Chúa luôn hiện diện trong tâm hồn con người nhân bản và không bao giờ có thể khuất dạng. Ta thấy tôn giáo thực sự là một sức mạnh trong thế giới này và trong mọi quốc gia. Tôi sẽ không đơn giản nói tới sự xuống dốc tôn giáo tại Âu Châu: chắc chắn có khủng hoảng tại Âu Châu, không tệ lắm ở Mỹ nhưng vẫn có ở đó, và cả ở Úc nữa.

Tuy nhiên, vẫn luôn có sự hiện diện của đức tin dưới các hình thức mới, dưới những cách thế mới; có lẽ nơi các cộng đồng thiểu số, nhưng luôn có đó để cả xã hội nhìn thấy. Và giờ đây, trong giây phút lịch sử này, ta bắt đầu nhận ra mình cần Thiên Chúa. Ta có thể làm được nhiều chuyện, nhưng ta không tạo ra được khí hậu.

Ta nghĩ ta có thể tạo ra khí hậu, nhưng thực ra, ta không thể tạo ra nó. Ta cần quà phúc Trái Đất, quà phúc nước uống, ta cần Đấng Tạo Hóa; Đấng Tạo Hóa đang tái xuất hiện trong sáng thế của Người. Và như thế, ta cũng đạt tới chỗ hiểu ra rằng ta thật sự không thể hạnh phúc, không thể thực sự cổ vũ công lý cho mọi người trên thế giới, nếu không có các tiêu chuẩn hiện hành trong chính các ý tưởng của mình, mà không cần tới Thiên Chúa, Đấng vốn công chính, hằng ban cho ta ánh sáng soi đường và sự sống. Bởi thế, tôi nghĩ rằng theo một nghĩa nào đó, trong thế giới Tây Phương này sẽ xẩy một cơn khủng hoảng trong đức tin của ta, nhưng ta cũng luôn có sự cải sinh niềm tin, vì niềm tin Kitô giáo có chân lý, và chân lý là điều luôn hiện diện trong thế giới nhân bản, và Thiên Chúa sẽ luôn là chân lý. Theo nghĩa này, tôi lạc quan đến cùng.

Hỏi: “Thưa Đức Thánh Cha, con xin lỗi không thông thạo tiếng Ý. Nên con xin hỏi bằng tiếng Anh. Trước nay các nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục vốn yêu cầu Đức Thánh Cha đề cập đến vấn đề này và đưa ra lời xin lỗi đối với các nạn nhân trong lúc Đức Thánh Cha thăm viếng nước Úc. Đức Hồng Y Pell cũng đã cho rằng việc Đức Giáo Hoàng đề cập đến vấn đề này quả là thích hợp, và chính Đức Thánh Cha cũng đã có những cử chỉ tương tự trong chuyến công du gần đây tại Hoa Kỳ. Liệu Đức Thánh Cha có đề cập đến vấn đề lạm dụng tình dục và có lên tiếng xin lỗi hay không?

Đức Benedict XVI: Có, vấn đề chủ yếu giống như ở Hoa Kỳ. Tôi đã cảm thấy có bổn phận phải lên tiếng về nó tại Hoa Kỳ vì điều chủ yếu cho Giáo Hội là phải hòa giải, ngăn ngừa, giúp đỡ và đồng thời ân hận về các vấn đề ấy nữa, cho nên tôi sẽ chủ yếu nói cùng những điều tôi đã nói ở Hoa Kỳ.

Đức GH họp bao trên máy bay qua Sydney
Như tôi đã nói, có ba chiều kích cần minh xác: Điều thứ nhất tôi muốn nói đến giáo huấn luân lý của chúng ta. Ngay từ những thế kỷ đầu tiên, điều rõ ràng, điều luôn luôn rõ ràng là chức linh mục, muốn làm linh mục, thì tác phong kia không thích hợp, vì linh mục phục vụ Chúa chúng ta, và Chúa chúng ta chính là sự thánh thiện trong hiện thân và luôn dạy bảo chúng ta, Giáo hội luôn nhấn mạnh tới điều đó.

Ta phải suy nghĩ xem mình còn thiếu sót chi trong nền giáo dục của ta, trong giáo huấn của ta trong mấy thập niên qua: Trong các thập niên 50, 60 và 70, có ý niệm duy tỷ lệ (proportionalism) trong đạo đức học: thuyết này chủ trương rằng không có điều gì tự nó xấu cả, mà chỉ xấu trong tỷ lệ với những điều khác; với chủ nghĩa này, người ta có thể nghĩ rằng đối với một số vấn đề, như vấn đề ấu dâm chẳng hạn, đến một mức nào đó nó có thể là điều tốt.

Nay ta cần phải tuyên bố rõ ràng rằng cái thứ lý thuyết ấy không bao giờ là của Công Giáo cả. Có những điều luôn luôn xấu, và ấu dâm luôn luôn xấu. Trong nền giáo dục của ta, tại các chủng viện, trong việc đào tạo thường xuyên các linh mục, ta phải giúp các linh mục thực sự gần gũi Chúa Kitô, học hỏi nơi Chúa Kitô, và do đó thành những người giúp đỡ, chứ không phải thù địch đối với đồng loại nhân bản của mình, của người Kitô hữu.

Cho nên, chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể làm được để làm sáng tỏ giáo huấn của Giáo Hội và giúp vào việc giáo dục và chuẩn bị các linh mục, trong việc đào tạo thường xuyên, và chúng tôi sẽ làm mọi điều có thể làm được để hàn gắn và giao hòa các nạn nhân. Tôi nghĩ đây là nội dung chủ yếu của hạn từ “xin lỗi”. Tôi nghĩ điều tốt hơn, điều quan trọng hơn là phải đem lại cho công thức ấy một nội dung và theo tôi nội dung ấy phải đề cập tới điều còn thiếu sót trong tác phong của ta, ta phải làm gì trong lúc này, làm sao để ngăn ngừa và làm sao để hàn gắn và giao hòa.

Hỏi: Một trong các lý luận của cuộc họp Nhóm Tám Nước ở Nhật Bản là cuộc tranh đấu chống lại thay đổi khí hậu. Úc là một nước rất nhậy cảm với chủ đề này vì nạn hạn hán thì kinh niên và các biến cố đáng ngại về khí hậu tại vùng này của thế giới. Đức Thánh Cha có nghĩ rằng các quyết định đưa ra trong phạm vi này xứng hợp với mức độ thách thức hay không? Liệu Đức Thánh Cha có đề cập tới lý luận đó trong cuộc công du này hay không?

Đức Benedict XVI: Như tôi đã đề cập trong câu trả lời thứ nhất, vấn đề này chắc chắn sẽ có mặt trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần này, vì chúng ta nói tới Chúa Thánh Thần và, do đó, nói về sáng thế và trách nhiệm của chúng ta trong các cuộc gặp gỡ với sáng thế.

Các Bạn Việt Nam từ Thụy Sĩ tham dự WYD 2008
Tôi không giả thiết đi vào các vấn đề kỹ thuật, tức các vấn đề phải được các chính trị gia và các chuyên viên giải quyết, nhưng xin đề cập đến các thúc đẩy chủ yếu để nhìn ra trách nhiệm, để có khả năng đáp ứng thách đố lớn lao này: để tái khám phá ra khuôn mặt đấng hóa công trong sáng thế, tái khám phá ra trách nhiệm của ta trước đấng hóa công này đối với sáng thế kia, một sáng thế Người đã trao phó cho ta, để đào luyện khả năng đạo đức cho một lối sống phải chấp nhận nếu muốn giải quyết các vấn đề của tình thế này và nếu muốn thực sự đạt tới các giải pháp tích cực. Do đó, để đánh thức lương tâm và để nhìn ra bối cảnh lớn lao của vấn đề, trong đó còn cần tới các giải đáp chi tiết hơn, nhưng không được đặt ra cho chúng ta mà cho các chính trị gia và các chuyên viên phải giải quyết.

Hỏi: Trong khi Đức Thánh Cha ở Úc, các giám mục Anh Giáo, một Giáo hội cũng rất phổ biến ở Úc, sẽ họp nhau tại Lâu Đài Lambeth. Một trong các lý luận là tìm ra phương thức có thể củng cố được sự hiệp thông giữa các giáo tỉnh, và một phương thức đảm bảo để không một hay nhiều giáo tỉnh nào có thể đưa ra bất cứ sáng kiến gì bị các giáo tỉnh khác coi là đi ngược lại Phúc Âm hay truyền thống. Phải chăng sẽ có nguy cơ phân mảnh trong Giáo Hội Anh Giáo và khả thể một số sẽ yêu cầu được tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo. Đức Thánh Cha có hy vọng gì cho Hội Nghị Lambeth và cho Đức Tổng giám mục Canterbury?

Đức Benedict XVI: Đóng góp chủ yếu của tôi chỉ là cầu nguyện và với lời cầu nguyện của tôi, tôi sẽ rất gần gũi với các vị giám mục Anh Giáo đang gặp nhau tại Hội Nghị Lambeth.

Chúng ta không thể và không nên can thiệp ngay lập tức vào các cuộc thảo luận của họ, chúng ta kính trọng trách nhiệm riêng của họ và chúng ta hy vọng rằng các ly giáo và các vụ rạn nứt mới có thể tránh được và một giải pháp có trách nhiệm sẽ được ban cho thời đại ta, nhưng cũng phải trung thành với Phúc Âm. Hai điều ấy phải đi song song với nhau.

Kitô giáo luôn hiện đại và sống trong trần gian ở một thời gian nhất định, nhưng trong lúc này nó làm cho sứ điệp của Chúa Giêsu Kitô hiện diện và do đó, đưa lại một đóng góp chân thực bằng cách trung thành, trung thành một cách trưởng thành và sáng tạo, nhưng phải là lòng trung thành đối với sứ điệp của Chúa Kitô.

Chúng ta hy vọng, và bản thân tôi sẽ cầu nguyện, để cùng nhau, họ có thể tìm ra đường lối của Phúc Âm dành cho thời đại ta. Đây là ước vọng của tôi đối với Đức Tổng Giám Mục Canterbury: rằng Giáo hội Anh Giáo, trong hiệp thông với Phúc Âm của Chúa Kitô và Lời Thiên Chúa, sẽ tìm ra giải đáp cho các thách đố hiện nay.