Bà Canaan biết điều gì Bà xin

Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi: con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel". Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành. (Mt 15, 21-28).

Cái danh từ được gọi là: "Đồ chó, hay cái thằng chó" này, tôi thiết nghĩ trong tất cả anh chị em chúng ta đây ai cũng hiểu là tiếng la mắng thương của người mẹ hiền trong gia đình khi mắng yêu ông xã và cái thằng chó con của mình, chứ không phải ghét bỏ gì đâu, mà ý thì phải ngầm hiểu ngược lại đấy! Gớm thương lắm mấy ông mới được nghe mấy danh từ này từ miệng của vợ hay của mẹ mình, có đúng không thưa anh chị em!? Đấy, từ cái tiếng kêu là "đồ chó hay cái thằng chó" mà sau đó cả mấy bố con liền phe đảng với nhau mà đi xin hoặc hỏi mẹ những điều mà trước đây mẹ đã bảo là không được!? Những lúc được mắng yêu như thế này thường thì có phải tâm hồn của người mẹ lúc liền bấy giờ rất là dễ thương và dễ chịu. Bố con tha hồ mà giở trò mánh mung và lợi dụng!? Và thường thì sau đó người mẹ đều phải xiêu lòng mà chiều chuộng theo ước muốn của mấy bố con thôi!?

Tình cảm của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm của tuần này tôi cũng ít nhiều cảm nhận được tình thương yêu của Chúa dành cho người đàn bà ngoại giáo Canaan này! Vì có phải Chúa giầu lòng yêu thương. Có bao giờ Chúa lại ngoảnh mặt làm ngơ trong sự đau khổ khốn cùng của con cái Chúa? Nhưng có phải Chúa xuống trần gian không ngoài mục đích để dậy dỗ con cái của Ngài? Có phải Chúa Giêsu muốn dậy chúng ta trong mọi tình huống, trong mọi vấn đề nan giải, trong mọi việc, và mọi sự đều phải ý thức được những điều mình xin? Có phải dân Do Thái xưa cứ nghĩ rằng Thiên Chúa là của riêng họ, cho họ, và thuộc về họ. Nên họ ngang nhiên ngoảnh mặt làm ngơ và khinh dể những nhu cầu của những anh chị em Dân Ngoại này!? Và đồng thời nghĩ rằng chính Chúa Giêsu cũng sẽ đối xử như thế giống họ?

Có phải Chúa Giêsu thường than trách rằng dân của Ngài là dân có một đức tin yếu kém và rất cứng lòng nên Chúa không cho họ một Dấu Chỉ nào từ trời xuống, mà phải tìm hiểu và học hỏi từ nơi chính Ngài. Ngài có mặt với họ hằng ngày bằng xương bằng thịt thì họ chẳng tin. Ngay cả Ngài đã chữa lành cho biết bao nhiêu người bại liệt được đi. Bao nhiêu người phong được sạch. Bao nhiêu người mù được trông thấy. Bao nhiêu người điếc được nghe. Bao nhiêu người bị quỷ ám được lành mạnh. Bao nhiêu người chết được sống lại. Và bao nhiêu việc Ngài thể hiện trong quyền năng của một Thiên Chúa như hóa bánh và cá ra nhiều để nuôi trên 5000 người dân của Chúa. Biến hóa cho nước trở thành rượu trong một tiệc cưới. Nhưng có phải những sự việc Chúa Giêsu đã thể hiện trước mắt tất cả mọi người mà họ còn đi tìm nơi đâu những dấu hiệu nào khác hơn thế nữa!? Chúa đã chữa lành bệnh cho nhiều người mà ngay chính họ không có mặt mà chỉ cần lòng tin tưởng của người đến xin với Chúa.

Thế mới biết rằng điều mà chúng ta xin không phải là Thiên Chúa không ban cho, nhưng đầu tiên phải là do đức tin của ta dành cho Thiên Chúa và phải tin vào sự quan phòng của Ngài. Đối với Chúa Giêsu xưa, chính chúng ta đã được biết là Ngài chữa bệnh không thiên vị, ai là con dân của Chúa và ai được gọi là dân ngoại vì họ không biết tới Chúa. Có phải Chúa đã chứng tỏ cho ta thấy rõ rằng đức tin của người Dân Ngoại còn hơn là đức tin của con chó hay không? Đọc Phúc Âm ta đã được biết thường thì Dân Ngoại họ biết mang ơn cho người gia ơn vì có phải Chúa đã chữa lành cho 9 người phong được sạch mà sao chỉ có một Dân Ngoại là biết trở lại mà cảm tạ Thiên Chúa?

Chúa chỉ mượn lời mắng nhẹ "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó" để xem lời đối đáp, ứng xử, và đức tin của người đàn bà Canaan này trước mặt môn đệ của Ngài mà thôi! Một là để dậy dỗ môn đệ của Ngài là khi người có nhu cầu thì không được thiên vị vì tất cả đều là con cái của Chúa. Một là để chứng tỏ cho môn đệ Ngài thấy đức tin của bà tuy bà chỉ nghe biết tiếng của Chúa Giêsu qua lời truyền miệng của nhiều người. Chúa muốn tỏ cho môn đệ Ngài biết là Ngài là tình yêu, Ngài luôn yêu thương, và hay chạnh lòng. Ngài muốn cho môn đệ của Ngài thấy rằng việc đầu tiên là ta phải có đức tin vững mạnh nơi Thiên Chúa mới là quan trọng, thiết yếu, và rất cần, để điều mình xin mới có Kết Quả. Có phải khi ta không có đức tin thì những điều ta xin không khác nào như những món đồ ta xin, được liệt kê trên một trang giấy thật dài trong mùa Lễ Giáng Sinh hay không?

Có phải trong nhiều người chúng ta khi xin còn không biết ngay cả điều mình xin cho điều gì, hay chỉ biết nhắm mắt mà xin. Thấy người ta xin được mình cũng bắt chước để xin cho được. Thấy người ta có mà mình không có thì hình như cảm thấy mình dại dột mà không một chút mảy may suy nghĩ là hành động và việc làm của mình là làm mất đi sự công bằng cho những anh chị em có nhu cầu. Nhiều anh chị em khi đã xin được và có được rồi thì sau đó cứ thế mà đến xin, tuy không cần nhưng vì không tốn tiền mà lị. Nghe nơi cơ quan nào có cho phát bất kỳ đồ gì thì ta cứ hãy đến đó xếp hàng hằng giờ để xin cho bằng được, dù đem về chẳng bao giờ đụng và dùng đến, rồi cuối cùng nhà thì chất cho đầy cho chật những thứ đồ mình xin trong khi người cần dùng và có nhu cầu thì đã bị lãnh hết rồi!

Không biết anh chị em có cùng quan niệm như tôi hay không khi con cái của mình xin những điều mà thứ nhất không có lợi cho nó, mà cũng chẳng có lợi cho ai, rồi còn tự mình sau đó biến trở thành hư hỏng, vì là ích kỷ, là tham lam, là hoang phí? Thường thì không nhà giầu nào có con nít mà thiếu đồ chơi nhưng chúng chỉ chơi có một mình? Không ai chơi với? Rồi tự nó cũng nhìn những đồ chơi trong nhà mà cảm thấy ngán ngẫm và buồn tẻ.

Thèm nhìn ra ngoài và được chơi cùng với những đứa trẻ cùng trang lứa.

Tôi và nhiều anh chị em đã từng nghe rất nhiều người than phiền là điều mình xin chả bao giờ được Chúa nghe, đoái thương, và nhậm lời? Tôi thiết nghĩ mình phải xem lại điều mình xin có thể có được trong tầm tay của mình hay không? Vì nếu có thể thì ta không cần xin. Hay những điều mình xin toàn là cho riêng mình mà chẳng những vừa có hại cho phần xác của chúng ta mà lại vừa mất linh hồn. Sau hết cái điều ta xin có lợi được cho anh chị em của ta khi ta hết lòng cầu nguyện, phó thác cho Ba Ngôi Thiên Chúa định đoạt, và chỉ mong cho anh chị em của chúng ta được vơi bớt đi nghèo đói, bệnh tật, chết chóc, và chia lìa, và mong Chúa thương ban cho họ được bình an trong tâm hồn và tình thương được chia sẻ từ những anh chị em hay chạnh lòng thương.

Cảm tạ Thiên Chúa luôn dậy dỗ chúng con yêu thương và tin tưởng mạnh mẽ vào tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, Amen.