HÀ NỘI - Nhà thờ tu viện Sainte Marie ở số 37 phố Hai Bà Trưng đã và đang bị chiếm dụng và xâm phạm trái phép, làm hư hỏng nghiêm trọng, xúc phạm pháp luật quốc gia và tình cảm tôn giáo của người Việt Nam.

(Xin xem hình 2 toà tu viện và hiện trạng một phần nhà thờ bị chiếm dụng làm bệnh viện)

Nhà Dòng Phaolô bị chiếm làm nhà thương
Các nữ tu Dòng Phaolô có mặt phục vụ người nghèo ở Hà Nội từ năm 1883. Các chị đã mua đất lập tu viện và trường học ở số 37 Hai Bà Trưng ngày nay.

Đầu thập niên 1960, sau khi đưa bà Bề trên Tỉnh Dòng Thánh Phaolô Hà Nội đi tù và quản chế, chính quyền Hà Nội đã cướp hai toà nhà chính của Tu viện nằm ở số 37 mặt đường Hai Bà Trưng.

Mặc dù luật pháp Việt Nam xưa nay ra rả ca bài “tự do tôn giáo” và rằng “tài sản và cơ sở thờ tự của các tôn giáo được pháp luật bảo vệ”, nhưng kết cục với cái “lương tâm vô thần” cùng với cái “đạo đức cách mạng”, được thúc đẩy bởi lòng tham vô đáy, các cán bộ cộng sản Việt Nam đã bất chấp đạo lý và luật pháp.

Trường hợp liên quan đến Tu viện và nhà thờ Sainte Marie cũng là một điển hình: Hai toà nhà dùng làm nơi ở cho các nữ tu liên thông với toà nhà ở giữa làm nhà thờ, tạo thành hình chữ T.

Thế mà chính quyền cộng sản đẩy các nữ tu phụ trách về bản quán hay đưa họ vào vòng lao lý để rồi chiếm hai toà nhà 3 tầng khá đẹp nằm ở mặt tiền đường Hai Bà Trưng tương ứng với hai cánh dài hình chữ T. Họ cũng chiếm đất đai vườn tược của các chị.

Cuối cùng họ chiếm luôn một phần nhà thờ. Ở đây bài viết này không bàn đến phần đất họ chiếm bất hợp pháp rồi xây dựng cửa hiệu, nhà ở và mở rộng bệnh viện mà chỉ có ý bàn đến việc chiếm dụng nhà thờ cách bất hợp pháp và bất công.

Ai đến bệnh viện Việt Nam-Cu Ba cũng thấy phi lý và khó hiểu: Nhà thờ Sainte Marie có ba tầng mái. Hai tầng trên che phần lòng nhà thờ kiến trúc mái chảy, lợp ngói. Tầng dưới che phần hành lang kiến trúc mái bằng.

Thế mà các cán bộ lãnh đạo bệnh viện được Đảng lãnh đạo chiếm luôn cái hành lang và tầng mái dưới cùng của nhà thờ. Phần này rộng khoảng 3,5 m. Họ ngăn bên dưới hàng lang nhà thờ thành từng phòng kéo dài cho đến gần giữa đầu đốc phía phòng thánh (xem hình). Họ đặt thùng nước và đồ đoàn lỉnh kỉnh lên trên phần mái này.

Hiện nay giáo dân và nữ tu không đi được trong hành lang nhà thờ. Không được sử dụng phần nhà thờ này. Hơn nữa, nhà thờ cũng không thể mở được cửa sổ, không thể tu sửa phần mái trên, không thể tu sửa ba góc tiếp giáp với hai toà nhà cũ vốn là tu viện và một toà nhà bệnh viện mới xây.

Không được giữ gìn trật tự
Không ai bước vào nhà thờ Sainte Marie mà lại không thấy cái vô lý, cái chướng tai gai mắt của việc chiếm dụng này! Không ai không thấy bất tiện trong việc thờ phượng khi cửa nhà mình không đựơc mở, không được sửa! Không ai không thấy bất công và bất hợp pháp.

Khi chúng tôi sang bệnh viện giải thích và chụp ảnh, một số bác sĩ cũng kêu với chúng tôi về tình trạng xuống cấp của hai toà tu viện cũ mà nhà nước chiếm làm bệnh viện và tỏ ra thông cảm với tình cảnh của các nữ tu và giáo dân. Nhưng họ nói đấy là chuyện của lãnh đạo với nhà thờ, còn họ chỉ là cấp thừa hành.

Hiện tại nhà thờ này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là phần bệnh viện Việt Nam-Cuba chiếm dụng. Ngói vỡ, mái dột, tường nứt, tường bị ngấm nước, cửa hỏng, rui mè mục. Ở phần bệnh viện chiếm dụng, họ lấy gỗ ép đóng chặn ngay phía sau cửa sổ nhà thờ, hay ngăn các khoảng không gian rộng giữa lòng nhà thờ và hành lang. Họ làm cái mái tôn xuống bên dưới phần mái bằng, làm biến dạng nhà thờ và làm cho rui mè bên trên càng mau hư hỏng. Trong khi ở phần nền phía nhà phòng thánh mà họ chiếm dụng thì bị ngập nước thải.

Các nữ tu ở đây đã trình bày ngọt nhạt với các ông giám đốc bệnh viện đồng thời gửi đơn từ lên các cấp chính quyền nhiều lần. Nhưng hầu như tất cả một cách chính thức đều rơi vào im lặng. Còn bằng miệng chỗ riêng tư thì luôn thống nhất một giọng điệu là: “Cứ bình tĩnh, cứ từ từ, rồi mọi chuyện sẽ đựơc giải quyết ổn thoả!”.

Nói xin với chính quyền cộng sản trong những vấn đề thế này theo chúng tôi nghĩ thì chẳng khác nào chuyện nạn nhân lại đi quỳ gối trước kẻ cướp và bảo kẻ cướp rằng “xin dủ lòng thương …” và mọi chuyện cứ như vậy cho đến khi các đầy tớ nhân dân “xuống chức” “đầy tớ” và một đời lãnh đạo khác lại bắt đầu bài ca cũ.