Từ phò phá thai tới phò sự sống

Bài của Jennifer Fulwiler

Hồi còn phò phá thai, tôi đọc thấy: ở một số xã hội cổ xưa, cha mẹ có thói quen vất bỏ những đứa con mới sinh mà họ không thích, bằng cách để chúng dãi nắng dầm mưa mà chết. Tôi thấy những truyện ấy vừa gây ngỡ ngàng vừa quá khủng khiếp xiết bao. Làm thế nào những việc như thế lại có thể xẩy ra được? Tôi không bao giờ có thể hiểu được làm thế nào cả một nền văn hóa lại có thể chấp nhận được một việc tàn nhẫn hiển nhiên đến thế, làm thế nào một việc mà xã hội thời nay vốn hiểu như một tội ác tầy trời lại có thể được chấp nhận rộng rãi như thế nơi những nhóm người đông đảo kia.

Vì nỗi bất mãn sâu xa của tôi khi nghe được những tội ác chống lại nhân loại như thế, nên tôi hết sức khó chịu khi nghe phe phò sự sống gọi phá thai là “giết hài nhi”. Hiển nhiên, không ai lại ủng hộ việc giết hài nhi cả, nên nếu cho rằng những người phò phá thai chúng tôi bênh vực việc ấy thì quả là một lăng nhục đối với các hài nhi trong lịch sử từng bị các xã hội “khùng điên” kia sát hại thực sự. Chúng tôi đâu có ủng hộ việc sát hại bất cứ ai. Chúng tôi chỉ cảm thấy rằng người đàn bà có quyền ngưng diễn trình phát triển của một bào thai nếu họ phải đối diện với một cơn khủng hoảng do việc mang thai đem lại. Việc ngưng ấy có bất hạnh thật, nhưng đó là một hy sinh cần phải làm để tránh cho người đàn bà khỏi trở thành nạn nhân các vụ thai nghén mà họ không muốn có.

Hồi ấy, tôi còn vô thần và ít giao tiếp với các giới xã hội tôn giáo. Tuy nhiên, khi bắt đầu tìm kiếm Thiên Chúa và mở tâm trí ra với Kitô giáo, tôi không thể tránh né được việc càng ngày càng có dịp tiếp xúc với tư duy phò sự sống, và do đó tôi buộc phải tìm cách bênh vực quan điểm của mình. Một đêm kia, tôi thảo luận vấn đề với chồng tôi, là người lúc ấy cũng đang tái thẩm định chủ trương phò phá thai của mình. Chồng tôi đưa ra một nhận xét vừa xuất hiện trong đầu làm tôi bỡ ngỡ đến độ cũng phải xem sét lại vấn đề ấy. Chồng tôi bảo: “Anh vừa nhận ra điều này: phò sự sống là phò sự sống của người khác, trong khi ai cũng phò sự sống của chính mình”.

Càng ngày càng bất ổn

Nhận xét của chồng làm tôi hiểu ra điều này: quan điểm phò phá thai đặt tôi vào vị trí quyết đoán sự sống của ai đáng sống và cả chuyện ai mới là người. Cùng với các bác sĩ, các chính phủ và các người bênh vực phá thai, tôi quyết đoán việc phải vạch đường phân cách chủ yếu ở chỗ nào. Khi đụng tới trang mạng hay sách vở Công Giáo nào quả quyết rằng “sự sống bắt đầu lúc tượng thai”, tuy tôi đều cười chế diễu như thói quen xưa nay, nhưng càng ngày càng thấy mình bất ổn hơn trong việc chống đỡ quan điểm của mình. Tôi bắt đầu nhận ra rằng tiêu chuẩn để tôi xác định lúc nào sự sống con người bắt đầu thực ra hết sức mơ hồ, mơ hồ một cách khó chịu. Tôi cột gánh nặng chứng minh vào chính bào thai, buộc chúng phải chứng tỏ cho tôi hay chúng là người, nhưng chúng phải biết tôi là thứ quan tòa khó tính. Tôi thấy mình nhìn đi chỗ khác khi nghe thấy những chuyện như siêu âm ba chiều cho thấy hình ảnh bào thai rờ lên mặt, mỉm cười và mở mắt ngay trong giai đoạn được tôi coi là được phép phá thai. Trong khi kỹ thuật hiện đại ngày càng cho thấy bằng chứng bào thai cũng là người, thì tôi lại chỉ loay hoay với việc di chuyển cái mức phải thế nào mới được coi là người.

Có lúc, tôi bắt đầu thấy mình thực ra chỉ cương quyết trong việc tiếp tục phò phá thai hơn là trung thực phân tích xem ai là và ai không là người. Tôi cũng thấy hiện tượng đó nơi người khác thuộc phe phò phá thai nữa. Khi tìm hiểu các vấn đề như phá những bào thai đã gần đến ngày sinh (partial-birth abortion), tôi thường cảm thấy ngỡ ngàng gần như muốn bệnh khi chứng kiến mức độ tội ác mà người bình thường có thể ủng hộ. Tôi khó tin được mắt mình khi đọc thấy những nhà chuyên nghiệp có lý trí, có giáo dục mà lại bình thản biện minh cho việc sát hại trẻ sơ sinh bằng cách gọi các nạn nhân là bào thai chứ không phải trẻ sơ sinh. Chính lúc đó tâm trí tôi bắt đầu lui bước khỏi phong trào phò phá thai. Nếu đó là phò phá thai, tôi sẽ không phò phá thai nữa.

Ấy thế nhưng, tôi vẫn chưa thể coi mình là người phò sự sống.

Tôi nhìn nhận: trước đây, cả tôi nữa có lẽ cũng đã tự lừa dối mình ngõ hầu duy trì được việc mình ủng hộ phá thai. Ấy thế nhưng, vẫn có một áp lực khủng khiếp nào đó buộc tôi phải xem sét vấn đề một cách khách quan. Một cái gì rất sâu trong tâm tư tôi gào lên bảo tôi rằng không cho phép phụ nữ phá thai, ít nhất trong tam cá nguyệt đầu tiên, là bất công theo nghĩa nghiệt ngã nhất. Ngay cả khi đã thành người tôn giáo, trong tâm tư, tôi vẫn bỏ qua một bên các ý tưởng cho rằng mọi con người nhân bản đều có một linh hồn bất tử do Chúa ban cho, có phẩm giá xứng đáng cần được kính trọng. Lúc nào ta tiếp nhận được thứ linh hồn ấy thì quả là một vấn đề rắc rối, câu trả lời hiển nhiên nhất là “lúc tượng thai”, ngược với một thời điểm võ đoán nào đó trong diễn trình mang thai (gestation). Chỉ đến lúc đánh giá lại các quan điểm xã hội về việc làm tình, từng ăn sâu vào ý thức những người cùng phe với mình, tôi mới có khả năng cởi bỏ được cái áp lực nội tâm trên mà đưa ra một cái nhìn cương quyết đối với phá thai.

Làm tình và tạo sự sống

Lớn lên trong một nước Mỹ trung lưu thế tục, tôi vốn hiểu việc làm tình như một cái gì tách biệt hẳn ý niệm tạo dựng sự sống. Suốt thời thơ ấu, tôi không hề thấy một ai có anh chị em sơ sinh; và nếu các bậc phụ huynh trong khu phố có khi nào nói tới thai nghén, thì thẩy đều cho hay họ rất vui vì đã thoát được. Trong lớp dạy về tính dục ở trường, chúng tôi không được dạy rằng làm tình tạo ra trẻ sơ sinh mà là: làm tình mà không ‘phòng ngừa’ mới tạo ra trẻ sơ sinh. Ngay cả mới đây, trước khi hôn nhân của chúng tôi được chúc lành trong Giáo Hội Công Giáo, tôi và chồng tôi có tham dự một khóa học nói về việc xây dựng một hôn nhân tốt đẹp. Trong khóa học đó, có cho chiếu một loạt video do một nhóm Kitô giáo không thuộc hệ phái nào thực hiện, nhưng mục gọi là “Làm tình tốt đẹp” (Good Sex) không hề nhắc chi đến chuyện có con, dù là một lần. Trong tất cả các bài nói về gắn bó (bonding), thoa lưng và thân mật xuồng xã cũng như giữ khuôn hình cho thân xác, loạt video này chỉ xa xôi nhắc đến mối liên kết giữa làm tình và tạo sự sống này trong một ghi chú ngắn khuyên các cặp vợ chồng nên thảo luận với nhau về chủ đề ngừa thai.

Suốt đời, sứ điệp tôi nghe được một cách to tiếng và rõ ràng là: làm tình để hưởng lạc thú và để gắn bó với nhau, còn tiềm năng tạo sự sống của nó hoàn toàn chỉ là dính thêm vào (tangential), gần như đến độ không cần ghi nhớ. Cái não trạng ấy đã trở thành nền tảng cho các quan điểm của tôi về phá thai. Vì tôi thấy việc làm tình tự nó khép kín đối với khả thể có con, nên tôi nghĩ: các vụ thai nghén không tính trước cũng giống như vô tình bị sét đánh trúng khi đang đi dạo phố vậy, một điều hoàn toàn không dự đoán và không đáng bị nhưng đã xẩy tới cho những con người sống cuộc sống bình thường.

Các quan điểm phò phá thai của tôi (và theo tôi của nhiều người khác nữa) đã được cái lo lắng yêu thương động lực hóa: tôi không muốn phụ nữ phải chịu thiệt thòi, phải chịu mất giá trị khi phải đương đầu với các vụ thai nghén họ không muốn. Vì cái phần cố hữu trong thế giới quan của tôi vốn cho rằng mọi người, vâng, mọi người, chỉ trừ những ai bị “ức chế” (hang-ups), thế nào rồi cũng làm tình, và trong những hoàn cảnh bình thường, làm tình chỉ nói lên mối liên hệ giữa hai con người liên hệ, nên tôi đã rơi vào một trong những dối trá cổ xưa nhất, lớn nhất, quyến rũ nhất trong lịch sử con người. Sự dối trá ấy là: kẻ thù kia không phải là người. Trẻ sơ sinh đã trở thành kẻ thù do cái khuynh hướng bỗng đâu xuất hiện (pop up) của nó để rồi hủy hoại mọi sự; và cũng như xã hội quen thói hạ tính làm người của những đồng loại nhân bản đứng ở bên kia chiến tuyến đối lập với họ, tôi, cũng như chúng tôi trong tư cách xã hội, đã hạ tính làm người của những chủ thể bị chúng tôi coi là kẻ thù của làm tình.

Nhưng khi đọc được trọn cái hiểu của Giáo Hội Công Giáo về làm tình, hôn nhân và ngừa thai, mọi sự trong tôi đã thay đổi. Trước đây, tôi luôn cho rằng giáo huấn Công Giáo chống việc kiểm soát sinh đẻ chỉ là những ý niệm lỗi thời, có khi còn là một cố gắng ngụy trang sơ sài muốn đàn áp tín hữu nữa. Tuy nhiên, nay tôi đã nhận ra rằng các giáo huấn ấy nói lên một cái hiểu hoàn toàn khác về việc làm tình. Và khi đã khám ra điều ấy, tôi không bao giờ còn nhìn đời như trước nữa.

Gánh nặng hay ơn phúc?

Theo lối nhìn thường hằng trước đây của tôi, quảng đại quần chúng vẫn chủ trương: trẻ sơ sinh là gánh nặng, ngoại trừ rất hiếm lúc trên đời khi sự việc gì xem ra cũng đều tuyệt diệu cả, may ra mới có những bậc cha mẹ thấy việc có con là một điều tốt. Nay tôi đã thấy ra rằng trẻ sơ sinh là ơn phúc và dù tránh thai nghén vì các lý do nghiêm chỉnh là điều chính đáng, nhưng nếu đi quá đà đến độ chấp nhận “não trạng ngừa thai” (contraceptive mentality), nghĩa là cảm thấy mình có quyển hưởng khoái cảm của làm tình nhưng lại ghét bỏ các phẩm tính trao ban sự sống của nó, thì chẳng những ta không kính trọng hành vi hết sức thánh thiêng này, mà còn sai lầm coi sự sống mới là kẻ thù nữa.

Tôi đã thấy được rằng việc nền văn hóa của ta ưa dùng và chấp nhận rộng rãi việc ngừa thai có nghĩa là “não trạng ngừa thai” đối với việc làm tình nay đã trở thành thái độ không có phía bên kia (default attitude). Như một xã hội, ta đã tiến tới chỗ coi là đương nhiên việc chúng ta có quyền hưởng các khía cạnh khoan khoái và gắn bó của làm tình dù tìm cách ngăn cản sự sống mới mà hành vi kia có thể tạo ra. Giải pháp tự chế (abstaining) đối với hành vi có thể tạo ra trẻ sơ sinh này nếu ta thấy có con là một gánh nặng dường như đã bị loại khỏi từ vựng văn hóa của ta… Nếu điều đó đúng, nghĩa là nếu người ta được luân lý cho phép làm tình với não trạng tin rằng một trẻ sơ sinh mới sẽ hủy hoại cuộc sống họ, thì theo tôi, phải cho phép người ta phá thai.

Lý tưởng là: đáng lý ra, tôi phải xem sét khách quan để biết lúc nào sự sống con người bắt đầu để chỉ đặt quan điểm của mình trên căn bản đó mà thôi, nhưng vì sự dối trá kia quyến rũ quá. Tôi không muốn nghe nói quá nhiều về những nhịp tim hay linh hồn hay sinh hoạt não bộ. Chấm dứt thai nghén phải được chấp nhận, có thế thôi, vì cưu mang một bào thai cho đến mãn kỳ và trở thành bà mẹ là một thương lượng quá lớn, trong khi xã hội từng minh xác rằng làm tình đâu phải là một thương lượng quá lớn. Bao lâu tôi còn chấp nhận tiền đề cho rằng can dự vào việc làm tình với não trạng ngừa thai là điều chấp nhận được về luân lý, thì tôi không thể tiến tới chỗ coi phá thai là việc không thể chấp nhận được. Không gì bất nhân bằng bắt người đàn bà phải đương đầu với các hậu quả thay đổi cả cuộc sống mình từ một hành vi mà đáng lý ra không bắt buộc phải mang tới các hậu quả như thế.

Đối với hậu cảnh kinh nghiệm của tôi, ý niệm Công Giáo cho rằng ta phải luôn kính sợ và kính trọng hành vi làm tình, đến độ nên tự chế không làm hành vi ấy nếu ta chống lại tiềm năng trao ban sự sống của nó, quả là một sứ điệp cách mạng. Có khả năng xem sét cách trung thực lúc nào sự sống bắt đầu, biết mở rộng tâm trí đón nhận sự kỳ diệu và phẩm giá nơi những hữu thể nhỏ bé nhất trong hàng ngũ đồng loại nhân bản của mình, chỉ là điều tôi có thể làm được một cách đầy đủ khi trước nhất tôi hiểu được bản chất của hành vi vốn tạo ra các sự sống bé nhỏ ấy.

Tất cả các tư tưởng trên hiện đã thấm dần vào đầu óc tôi ít lâu nay, và càng ngày tôi càng thấy mình nhất trí với các quan điểm phò sự sống. Rồi một đêm kia, tôi bỗng trở thành phò sự sống một cách chính thức, chẳng cần đến ai phải “hộ giáo”. Tôi có dịp đọc được một trình thuật khác về các xã hội Hy Lạp trong đó người ta bỏ rơi mặc tình cho các trẻ sơ sinh chết yểu mà tự hỏi làm thế nào những con người bình thường lại có thể làm một điều như thế được, và tôi rùng mình khi khám phá ra: à mình biết biết tại sao họ làm như vậy.

Lúc ấy, tôi bỗng hiểu ra rằng những con người hoàn toàn lành mạnh, có ý hướng tốt, những con người như tôi, vẫn có thể ủng hộ những điều cực kỳ xấu xa chỉ vì sức mạnh dối trá. Căn cứ vào kinh nghiệm của chính mình, tôi biết tại sao những người Hy Lạp, những người La Mã và những người thuộc mọi quốc gia khác lại có thể du mình vào một trạng thái tâm trí trong đó họ để mặc tình cho các trẻ sơ sinh chết yểu. Chính những áp lực thực sự của cuộc sống: “chúng tôi không có khả năng có thêm đứa nữa”, “chúng tôi không thể có thêm bất cứ đứa con gái nào nữa”, “nó sẽ không thể có được cuộc sống tốt hơn”, khiến họ rơi vào cơn cám dỗ đành phải hạ tính làm người nơi những hữu thể nhân bản khác. Dù các hoàn cảnh có khác, cùng một diễn trình đã xẩy tới với tôi, với phong trào phò phá thai và với bất cứ ai khác từng bị cám dỗ phải hạ tính người nơi những hữu thể gây bất tiện cho mình.

Tôi hoài nghi rằng khi trao trẻ sơ sinh của họ cho người ta đem đi, các cha mẹ người Hy Lạp kia hẳn đã nhận xét về sự khác biệt giữa những đứa con bé nhỏ đó với những đứa con khác của họ: chúng không biết nói, chúng không biết ngồi, và chắc chắn những cái ngáp, những cái mỉm cười của chúng chỉ là những phản ứng ngoài ý muốn. Tôi cam đoan họ nói về những đứa con sơ sinh đó bằng những từ ngữ khác với những từ ngữ họ dùng để nói về những đứa con họ giữ lại. Có lẽ họ gọi chúng là những “bào thai” chăng!

Jennifer Fulwiler là một người khai triển các trang mạng, hiện sống ở Austin, Tex. với chồng và ba con. Bà từ vô thần trở lại Công Giáo năm 2007. Bài trên được đăng trên tuần san America của các cha Dòng Tên ở Mỹ, số đầu tháng Bẩy, năm 2008.