Cho tôi được hỏi nhà báo vài câu

Xin thú thật là từ trước đến nay tôi chưa bao giờ đọc báo Hà Nội Mới. Cũng nhờ sự việc ở Thái hà mà tôi có hân hạnh nghe đến tên quí báo. Và hôm nay, cũng nhờ một bài viết trên trang web của http://vietcatholic.net về Dòng Chúa Cứu Thế đáng kính mà tôi vào đọc trang web của quí báo, (đáng kính, là tôi nói theo cái nhìn của nhân loại nói chung, còn đối với quí báo, như trong bài viết sáng nay 10/9/08 “Vụ việc Thái Hà có lợi cho ai”, thì “không thể mang lại tiếng thơm gì cho dòng Chúa Cứu Thế” , tôi mạn phép viết lại từ Chúa Cứu Thế viết hoa, dù bài báo của vị phóng viên ký Anh Quang viết từ cao trọng ấy là chữ thường. Đối với loài người được cứu độ, thì Danh Chúa Cứu Thế cao trọng đến nỗi “khi nghe Danh Người, cả trên Trời, dưới đất và cả trong địa ngục còn phải quì xuống” (Phi.2,10), huống gì một chữ viết hoa viết thường).

Khi đọc bài báo của Anh Quang, tôi là người vốn không hiểu nhanh ý các bài viết trên báo chí, cảm thấy thắc mắc rất nhiều. Trước hết là thắc mắc bài báo viết để làm gì, để thêm thông tin cho nhà nước hay thêm thông tin cho dân chúng, nếu cho dân chúng thì là người có đạo hay người không có đạo. Nếu cho người có đạo cùng đọc thì tôi là người Công giáo, cảm thấy chưa hiểu nhiều chỗ. Tôi chỉ xin hỏi vài chỗ thôi (chứ hỏi hết thì dài lắm). Ví dụ những chỗ sau:

Thứ nhất, bài báo viết: “Bình yên trong lòng người, bình yên cho giáo xứ, bình yên cho đất nước là điều quý giá hơn bất cứ một thứ của cải, tài sản nào; và đương nhiên đó luôn luôn là điều mà mọi công dân chân chính không phân biệt dân tộc, tôn giáo nào phải có trách nhiệm gìn giữ” . Tôi trân trọng câu này, vì đây chính là Tin Mừng cho nhân loại nói chung ngày Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, giáng sinh vào trần gian vốn nhiều mưu mô và loạn lạc này. Và ngày Phục Sinh, lời Đức Kytô vẫn là “bình an cho các con”. Bình an chính là ơn phúc Chúa ban cho người tin và thực hành Lời, thực hành công lý. Như vậy tôi có thể hỏi nhà báo câu này được chứ ạ? Nhà báo định nói “mọi công dân chân chính… phải có trách nhiệm gìn giữ bình an ấy”, mà nhà báo thừa biết là người Công giáo chúng tôi khi thực thi công lý, đã mang trong tâm hồn sự bình an của Đức Kytô rồi, thế thì nhà báo định nhắc nhở ai vậy? Và nhà báo có tin là những người ấy cũng sẽ yêu mến bình an như anh chị em Thái Hà?

Cho tôi được thắc mắc điểm thứ hai. Nhà báo viết “Chúa sẽ rất đau lòng khi thấy các con chiên của Ngài bị xúi bẩy làm càn, bị cả xã hội chê trách, làm mất thanh danh của Chúa.” Tôi biết là nhà báo muốn nói là việc xảy ra ở Thái hà là bị xúi bẩy, là làm càn, là bị cả xã hội chê trách. Đọc giọng văn của nhà báo chê trách linh mục Chúa và dân Chúa, tôi nghĩ là nhà báo không tin có Chúa, đúng không ạ? Đã không có Chúa, sao Chúa lại đau lòng được? Ví dụ khi nhà báo đi học, nhà báo không thèm vô lớp và nói với bạn bè là không có thầy giáo trong lớp. Thế thì nhà báo đâu có thể nói với bạn bè là thầy giáo cô đơn trong lớp học? Còn chuyện Thái hà bị xúi bẩy, cái này khó nói à nghe. Nếu xúi mà xúi được cả ngàn người từ muôn nơi đến chỉ để ngước mắt lên cầu nguyện trong nắng trong mưa thì chắc là không ai ở trần gian này xúi nổi, như lời Cha Bề Trên Matthêu Vũ Khởi Phụng nói với một quan chức ở Hà nội đại ý rằng không ai có thể ép dân chúng đến Thái hà để “phải vạ vật chịu mưa chịu nắng, ăn ngủ thất thường” (theo cách nói của nhà báo), nếu trong lòng họ không có cái gì đó mạnh mẽ, sâu xa. Và quan chức ấy nói: “Câu này thì linh mục nói đúng”. Còn cho rằng Thái hà bị cả xã hội chê trách thì tôi cũng muốn hỏi nhà báo đó là xã hội nào, chứ tôi thấy xã hội thì chỉ chê trách những người coi khinh luân thường đạo lý, chứ ai mà chê trách các linh mục khi các ngài chẳng hề bỏ túi lấy một xu của công. Tôi nhớ có lần một nhóm anh em tặng Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng một chiếc áo sơ mi đơn giản và một hộp bánh ngọt. Áo thì chẳng thấy ngài mặc. Bánh thì ngài ăn không chúng tôi không biết. Nhưng sau đó mấy hôm thì hai món quà nhỏ ấy đã nằm trong tay anh em trong khu nuôi trẻ mồ côi câm điếc ở Tân Bình (Sàigòn), hộp bánh còn nguyên niêm phong. Chắc nhà báo nói xã hội chê trách các ngài dở hơi vì thấy lợi mà không giành, thấy bình yên mà không hưởng? Xin nhà báo viết rõ ra chứ đọc chả hiểu gì mấy.

Câu hỏi thứ ba, nhà báo viết thế này nghĩa là gì ạ? “Trong con mắt của các tầng lớp nhân dân, vụ đòi đất của Nhà thờ Thái Hà có sự tham gia của hàng ngàn giáo dân, nếu không sớm được chấm dứt, sẽ làm mai một hình ảnh tích cực của Thiên Chúa” . Hình ảnh tích cực của Thiên Chúa mà bị mai một được ư? Mà lại bị mai một do đoàn người đông đảo đến cầu nguyện? Xin lỗi nhà báo, tôi nói về giáo lý Công giáo một chút nghe. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, quyền năng và vinh quang. Trời đất này chỉ là một phản ánh nhỏ xíu của vinh quang Thiên Chúa. Người ta tìm đến cầu nguyện với Ngài là người ta muốn tôn vinh Ngài. Cho nên ý của nhà báo trong câu ấy cũng khó hiểu. Nếu nhà báo trích từ một sách thần học mới thì cũng ghi ra cho rõ, để tiện bề tham khảo.

Nhà báo kết luận bằng câu mà học sinh được học trong lối văn dạy đời (không phải văn phong báo chí): “Đó là điều mà những người có trách nhiệm trong Nhà thờ Thái Hà cần suy ngẫm nghiêm túc. Chỉ có bằng con đường đối thoại và hợp tác với chính quyền, chỉ có bằng con đường tuân theo pháp luật thì những nguyện vọng chính đáng, đề nghị phù hợp với tình hình thực tế mới được đáp ứng.” Nói thật nhà báo nghe, để làm linh mục, người ta phải đi tu ít là mười năm, thông thường mười mấy năm, mỗi ngày suy ngẫm ít là mười lăm phút hay nửa tiếng, rồi suy nghĩ, đọc sách, cầu nguyện nữa. Đó là chưa kể những kỳ tĩnh tâm chỉ để suy nghĩ và cầu nguyện. Bởi vậy nhà báo có thể dạy các linh mục tu sĩ cách viết báo kiểu riêng của nhà báo, chứ dạy các ngài suy ngẫm thì tôi e rằng các ngài sẽ … suy ngẫm về nhà báo thôi. Còn “đối thoại và hợp tác” là điều mà Đức Thánh Cha đã nhắc đi nhắc lại, và Đức Tổng Giám Mục Hà nội đã nhắc cả các Cha các thầy và nhà cầm quyền nữa. Thánh Vịnh đã dạy: “Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Người, các ngươi đừng cứng lòng nữa”.

Lời kết của bài viết này, tôi không răn dạy nhà báo như nhà báo đã răn dạy các Cha của chúng tôi, mà tôi xin cám ơn nhà báo. Nhà báo nói lung tung một hồi rồi cũng quay lại ủng hộ Thái hà (đã nói là có ai cả đời giơ chân đạp chân lý cơ chứ!). Nhà báo viết “chỉ có bằng con đường tuân theo pháp luật thì những nguyện vọng chính đáng, đề nghị phù hợp với tình hình thực tế mới được đáp ứng” . Câu này tuyệt hay. Nếu nhà báo không có ý định viết nó ra, thì tôi nghĩ là chính Thiên Chúa, Đấng mà nhà báo không tin, hoặc còn bán tín bán nghi, chính Ngài đã dùng ngòi bút của nhà báo mà nhắc nhở những ai có trách nhiệm. Khi luật lệ, cả Thiên luật và nhân luật, được thực thi, thì công lý và chân lý sẽ sáng chói, mọi tranh chấp sẽ ngưng lại ngay tức khắc, và như lời Thánh Vịnh, “sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở” (Tv.71,7).

Là những người tin yêu Thiên Chúa và Mẹ hiền của Ngài, chúng tôi cầu xin cho nhà báo và những ai nhà báo làm việc cho, luôn giữ tâm hồn bình an để phục vụ công lý hữu hiệu.