Không thể có một định nghĩa chung cho công bằng. Nếu có cũng không được mọi người chấp thuận và thực thi. Kẻ mạnh, nhiều tiền, lắm quyền thế thường có nhiều công bằng hơn đại đa số quần chúng thấp cổ, bé miệng. Có nhiều lí do dẫn đến giải thích khác nhau về công bằng. Phong tục, tập quán, niềm tin tôn giáo, giáo dục, nơi chốn, xu hướng chính trị và xã hội chiếm một vị trí khá quan trọng trong việc hiểu và giải thích công bằng. Đại đa số quan niệm có vay tất có trả, đánh mất phải bồi thường. Mất răng đền răng, mắt đền mắt. Mất mạng trả mạng và nợ máu trả bằng máu.

Vỏ không phải là ruột

Thoáng nghe bề ngoài có vẻ công bằng. Thực tế bên trong sự việc không đơn giản nhưng phức tạp, khó khăn hơn nhiều.

Công bằng sao được một người gây thương tích cần năm bảy bác sĩ mổ, xẻ, chữa trị. Trong phút giây đủ tạo vết thương nhưng cần tháng, năm cho vết thương lành.

Một thoáng tàn phá khu vườn nhưng chủ nó mất công chăm sóc hàng năm.

Vài ba phút hăng máu, bạo động có hậu quả ngồi tù nhiều năm.

Đứa trẻ cũng tàn phá được công trình kiến trúc của người lớn.

Phái tính, tuổi tác ảnh hưởng nhiều đến đối xử công bằng. Đui què, thui chột lúc trẻ đau khổ kéo dài hơn cao tuổi. Sắc đẹp bị tàn phá thường phái nam ít đau khổ hơn phái nữ. Mức độ chịu đựng đau khổ cũng khác nhau. Người chấp nhận, kẻ đầu hàng. Cùng câu nói, kẻ đau nhiều, người đau ít. Cùng vết thương, kẻ nhịn được nhục, kẻ không thể bỏ qua.

Đối xử công bằng khó hơn khi bất công liên quan đến tự do ngôn luận. Thay vì khuyến khích, nâng đỡ lại phê phán, chê bai khiến tài năng trẻ bị thui chột. Lời bình phẩm vô trách nhiệm làm nản lòng kẻ nhiệt tâm phục vụ tha nhân. Những trường hợp như thế thiệt thòi nhất là kẻ cùng khổ, người nghèo, lớp người cần nâng đỡ hơn cả.

Không giải pháp

Công bằng là vấn đề phức tạp, nan giải, không thể đền bù. Một khi đã đối xử bất công thành bất công vĩnh viễn. Không thể đền đáp thoả đáng so với những gì đã mất. Thiệt hại còn lan rộng ảnh hưởng trên cộng đoàn hoặc dân tộc nếu người đó là một nhân tài.

Trên căn bản mạng người ngang nhau. Tài nghệ trời ban khác nhau. Giết hại một nhà lãnh đạo yêu dân, yêu nước làm hại một dân tộc. Giết hại người giầu óc sáng tạo ảnh hưởng trên tập thể. Một tu sĩ hướng dẫn sai lầm làm hại đức tin. Kết quả chia bè phái trong đạo đưa đến cảnh trước là bạn nay biến thành thù, làm hại đức tin, gây tiếng xấu cho tôn giáo. Tu sĩ này xây; tu sĩ kia phá bỏ giáo dân nai lưng đóng góp. Làm sao đền bù bất công này cho giáo hội, cho cộng đoàn.

Hình phạt

Tù và tiền là hai cách thường được dùng nhiều nhất để nói lên công lí của con người. Tù tội coi như hình phạt đền bù tội lỗi và tiền bạc được dùng như là cách an ủi phần nào thiệt hại cho nạn nhân. Đền bù phần nào có nghĩa là phần mất kia không thể đền bù như thế sao gọi là công bằng vì vẫn còn phần không thể đền bù. Làm sai chịu trách nhiệm trước cộng đoàn. Đơn giản thôi, định cư vùng khác. Tuyên bố chịu trách nhiệm trước lịch sử. Bao mạng người chết oan, đau khổ, lầm than, tang tóc bủa xuống trên đầu hàng vạn sinh linh làm sao một người có thể trả công bằng cho hàng vạn ngoài những trang sách lịch sử phê phán.

Đường lối Chúa

Công bằng trong Kitô giáo xem ra còn khó giải thích hơn nữa bởi vì công bằng của Thiên Chúa đặt nền tảng trên tình yêu.

Chúa là Đấng giầu lòng từ bi, nhân hậu. Chậm bất bình và hay tha thứ.

Tất cả những yếu tố trên đến từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Một tình yêu vượt lên trên mọi hiểu biết của con người. Đường lối Chúa là dùng tình yêu mà đối xử với nhau. Tình yêu ban sức sống và sống cho tình yêu là điều Thiên Chúa mời gọi. Dấu chỉ chúng ta là anh em chung một Cha là hãy yêu thương nhau như Chúa yêu chúng ta.

Đường lối Chúa mời gọi sống hoà thuận, rộng lượng và khoan dung. Đường lối này nghịch với một số phong tục, tập quán địa phương. Vì bất toàn nên sáng kiến có mục đích tốt mấy cũng có kẽ hở. Có kẽ hở sẽ có kẻ lợi dụng để thủ lợi. Phong tục, tập quán và danh tiếng là nguyên nhân chính gây hiểu lầm, tạo rắc rối cho cuộc sống.

Ghen tương

Một trong những hiểu lầm, rắc rối đó là ghen tương. Ghen vì nghĩ về mình, quên người. Cái tôi ích kỉ vùng lên ghen với người tài, giỏi, may mắn hơn mình.

Ghen ghét là thiếu yêu thương. Đây là một cám dỗ lớn khó nhận ra. Thiếu yêu thương lời nói và hành động đều là giả tạo. Trong tình yêu không có chỗ cho ghen ghét, trái lại có nhiều hy sinh và tha thứ. Ghen ghét người chính là ghen ghét Chúa. Tình yêu thường là nghĩ cho người, hy sinh cho người, sống cho người, thấy người hạnh phúc thì vui, thấy người gặp nạn thì đau buồn. Vui cùng người vui, khóc với người khóc đó là dấu chỉ chia sẻ yêu thương. Càng nghĩ về mình nhiều lòng ghen càng cao.

‘chẳng lẽ tôi không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? Mt 20,16a

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html