VÀI NHẬN ĐỊNH SƠ KẾT CHIẾN DỊCH ĐẤU TỐ

Một hãng bảo hiểm lớn của Việt Nam vừa thua một keo đau: số là có một doanh nghiệp Nhật đã đồng ý mua bảo hiểm, hợp đồng đã thảo xong, chỉ chờ ký thôi. Đột nhiên phía Nhật đổi ý, không chịu ký nữa, và đi tìm một hãng bảo hiểm khác. Phía Việt Nam gặn hỏi mãi, cuối cùng tay đại diện người Nhật, rất thông thạo tiếng việt, rất quen thuộc với các phương tiện truyền thông, mới chịu nói ra lý do: hắn đã theo dõi kỹ vụ Giám mục Kiệt, cả những đấu tố trên báo đài lẫn các nguồn tin trên mạng. Hắn kết luận: câu nói của người ta như thế, mà các ông có thể bóp méo để biến người ta thành kẻ phản quốc được, thì lấy gì bảo đảm khi hữu sự các ông không đổi trắng thay đen hợp đồng. Phía Việt Nam cố gắng hết sức để thuyết phục rằng báo đài là báo đài, chúng tôi là chúng tôi. Rằng chúng tôi lâu nay vẫn làm ăn đàng hoàng, giữ được tín nhiệm với các đối tác quốc tế. Đối tác Nhật vẫn nằng nặc, hắn bảo doanh nghiệp hắn lớn quá, hợp đồng bảo hiểm giá trị những 50 tỷ, hắn không thể liều được. Hôm nay, tay người Nhật đã ký hợp đồng với một hãng Đài Loan.

Thế ra không phải chỉ có Giám mục Kiệt, mà còn có cả các doanh nghiệp nữa, chẳng phải đầu lại phải tai, cũng trở thành nạn nhân của chiến dịch đấu tố. Thế ra không phải chỉ mang hộ chiếu đi nước ngoài, ta mới bị người ta săm soi. Bây giờ ta còn bị người ta săm soi ngay trên đất nước mình. Mà nguyên nhân vẫn do cái máu không biết nói thật, chỉ thích nói gian. Nếu bảo người Việt Nam chuyên nói dối thì quả là xúc phạm đến dân tộc. Nhưng mà con sâu làm rầu nồi canh. Và không biết thời tiết kỳ này thế nào mà sâu nảy nở hơi nhiều.

Người Việt Nam bây giờ, trong đó có giới Công giáo đã kinh nghiệm, muốn nấu nồi canh của mình phải hết sức đề phòng sâu. Nghe nói những “con sâu” chuyên viết bài cho báo đài Hà Nội có lúc đã phải đổi số điện thoại khác, bởi vì bị nhiều người đọc báo xem đài phản ứng dữ quá. Còn ở Sài Gòn, sau khi Hồng y Phạm Minh Mẫn cho phổ biến toàn văn lời phát biểu của Giám mục Kiệt để đọc trong các nhà thờ, thì giáo dân lại photo thêm thật nhiều phân phát tứ tung. Rồi gặp công an thì phản ứng với công an, gặp mặt trận phản ứng với mặt trận, gặp chính quyền ở cấp nào thì phản ứng ở cấp nấy, dù là phường, quận hay thành phố. Ở Miền Nam, cả quan lẫn dân đều có khuynh hướng bộc trực hơn ở Miền Bắc, sự thông tin càng rộng mở hơn. Mấy ông chính quyền ở xa Hà Nội tít mù tự nhiên lại phải gánh chịu búa rìu dư luận. Chứng cớ đành rằng trên giấy trắng mực đen, không sao chối được tội vu khống. Chính quyền từ cấp quận trở lên phải tìm cách xuê xoa. Cách xuê xoa đơn giản hơn cả là tìm cách đổ hết mọi tội lên đầu các đồng cấp ở Hà Nội. Các đồng chí với nhau khi đã phê bình nhau thì cũng ác liệt lắm. Thế là đồng chí Nguyễn Thế Thảo lãnh đủ. Các đồng chí Sài Gòn chửi đồng chí Thảo là vừa hẹp hòi vừa ngu dốt, vừa độc ác vừa đê tiện, vừa lạc hậu vừa bất tài, v.v... không biết đấy là cách để nuốt cơn giận chính đáng của người dân, hay các đồng chí Sài Gòn thành thực nghĩ thế. Có thể là cả hai, một đàng phải làm dân vận, đàng khác, như người ta thường nói: “Không có lửa thì làm sao có khói”…

Giống như một vùng bảo lớn vừa đi qua, người ta có một cảm giác tan hoang, mất mát. Cái đã tan, đã mất là ước mơ về một cuộc sống hài hoà, về sự có thể tin nhau, về một giá trị chung nào đó có thể cùng nhau xây dựng được. Dân Công giáo bây giờ có thói quen tối tối tụ họp nhau thắp nến. Những vừng nến cháy, những vừng hoa lửa trong đêm sáng rực Nhà Chung Hà Nội hay giáo xứ Thái Hà, nở ra từng đám lớn ở Vinh, ở Hà Tĩnh, ở Sài Gòn. Hình như đó là một nhu cầu sưởi ấm vì đã khám phá khuôn mặt lạnh lùng vô nhân của một xã hội nào đó. Người ta đi tìm sự hàn gắn và xây dựng, vì đã thấy những kẻ thích huỷ diệt, thích tàn phá.

Nhưng những phản ứng như thế cũng nhắc ta chớ vội mừng. Đường đi còn dài, còn gian nan. Vì thế ở đây, tôi muốn chia sẻ cảm nghiệm và suy nghĩ về ba lãnh vực:

1. Những tác hại có thực của cuộc đấu tố vừa qua.
2. Có những giá trị nào trong xã hội vẫn tồn tại cho phép ta hy vọng?
3. Thái độ người Công giáo và dự cảm tương lai.

(còn tiếp)