Người dân thường chưa bao giờ được mời tham dự tiệc cưới hoàng gia. Ngoại trừ thân thích trong hoàng tộc, số còn lại là giới trưởng giả, quí phái, người có chức tước với triều đình là khách quan.

Gọi là khách quan vì họ làm quan và là khách của nhà vua. Từ khách quan dần dần trở nên phổ thông trong đại chúng. Người Việt thường chào mừng quan khách. Trong khi đó người Hoa lại thích dùng từ khách quan. Cách dùng từ khác nhau hẳn có dụng ý khác nhau khi xử thế.

Theo tôi dự đoán người Việt chào là quan khách vì coi người khách đó là người quan trọng, người đặc biệt. Khách đặc biệt có thể là thân nhân, thân hữu, thân chủ hoặc khách hàng. Sinh hoạt bình thường, làm ăn chung ngành nghề họ không chào nhau là quan khách. Khi mời dự tiệc họ lại vồn vã chào nhau là quan khách, thượng khách.

Trong khi đó người Hoa dùng từ khách quan trong mọi giao dịch thương mại giữa thân chủ và khách hàng. Là khách quan vì những người này giúp phát triển thương mại. Vị khách này quan trọng vì họ mang lại lợi nhuận cho quán. Càng chi nhiều tiền người khách đó càng quan trọng và càng được hậu đãi cẩn trọng, chu đáo. Nếu nhận xét này đúng thì việc dùng từ khách quan đặt nặng vấn đề giao tế thương mại, dịch vụ hơn là tìm cảm dành cho nhau. Trong khi người Việt lại phân biệt rõ ràng thương mại là thương mại, tình cảm là tình cảm. Từ quan khách dùng trong các dịp hội họp, tiệc tùng để biểu lộ tình cảm tình người.

Tinh thần Phúc Âm

Coi trọng, bảo vệ, đề cao phẩm giá con người, quí trọng mạng sống mình và mạng sống người là ưu tiên hàng đầu trong giáo huấn Thiên Chúa giáo. Không giới răn nào quan trọng hơn giới răn mến Chúa, yêu người. Vật chất, lợi nhuận kể cả chủ thuyết đều nhằm mục đích phục vụ con người, nâng cao phẩm giá và bảo vệ mạng sống con người. Nhân danh bất cứ điều gì để tàn sát, làm khổ, bách hại nhau đều trái giáo lí của Chúa.

Khách nước trời

Dụ ngôn tiệc cưới nước trời cũng dành riêng cho khách quan. Họ không nhất thiết phải là người có quan chức mà là người dân thường, làm công việc bình thường được nhà vua mời. Họ làm nhiều ngành nghề khác nhau, ở các lứa tuổi khác nhau. Phúc Âm thuật lại kẻ là nông nghiệp, kẻ chăn nuôi, kẻ làm thương mại, kẻ mới lập gia đình. Từ chối tiệc cưới nhà vua khoản đãi vì lí do bận rộn, vất vả, mải mê kiếm sống không còn giờ cho tình người. Một số lạm dụng chức quyền, nóng nảy và quá khích. Đã không dự tiệc vua mời còn bắt kẻ vô tội, đầy tớ vua đem đầy đoạ, đánh đập, sỉ nhục và giết đi.

Khách quan hay quan khách không phải do khả năng người đó tự kiếm mà chính là do ơn lộc vua ban. Bất cứ người nào đáp lại lời vua mời gọi đều trở thành quan khách, người khách quan trọng. Ngược lại dù ở bất cứ giai cấp nào mà từ chối lời vua mời đều chấp nhận sống tình trạng hiện có.

Khách thập phương

Khách quan từ chối dự tiệc vì thế nhà vua ra lệnh mời khách thập phương. Gọi là khách thập phương vì họ đến từ các ngã ba đường, từ muôn phương, từ các thôn làng xa xăm, hẻo lánh. Gặp ai cũng mời vào, bất luận tốt xấu, nên phòng tiệc cưới đầy thực khách.

Khách thập phương chẳng bao giờ mơ tưởng có ngày được vua mời vì thế khi được mời họ sốt sắng, mau mắn vào dự tiệc. Nhóm này thuộc đủ mọi thành phần, tầng lớp.

Tiệc cưới nước trời nhà vua tổ chức khoản đãi đại chúng, cho mọi thành phần trong dân, không phân biệt giai cấp, ngành nghề và điều kiện sống. Bất cứ ai mau mắn, vui vẻ đáp lại lời vua mời đều được đón tiếp, cho vào dự tiệc. Khi dự tiệc cần theo quy củ bữa tiệc. Quy củ đó thể hiện qua việc mặc áo cưới. Thay áo là biểu tượng thay đổi lối sống, vị thế xã hội và cách xử thế theo lối mới. Gia nhập tiệc cưới nước trời mà từ chối chấp nhận mặc áo cưới tức là từ chối thay đổi. Không thay đổi đừng mong nhập tiệc.

Nâng cấp

Dự tiệc cưới nước trời khách thập phương được nâng cấp thành khách quan. Thực ra không phải họ được nâng cấp mà chính là họ tìm sống lại những gì đã bị mất. Thức tỉnh những gì đang ngủ quên trong họ. Để lấy lại những gì đã mất khách thập phương phải chấp nhận thay đổi. Không phải thay đổi để làm mất cá tính của mình. Không phải thế.

Thay đổi để xứng đáng con vua tình yêu Jêsu. Thay đổi trở nên giống mình hơn, về với con người thật của mình, về với chính mình, tìm về con người nguyên thuỷ của mình. Con người đó xưa ngây thơ, thành thật, hiền lành, thánh thiện.

Vào đời con người đó bị vật chất, danh vọng, tham vọng bao trùm làm lu mờ hình ảnh con vua lúc ban đầu.

Bị chủ thuyết mê hoặc, ru ngủ chối bỏ Thượng Đế là nguồn gốc sự sống nên họ sống trong lo sợ, bất an cho ngày mai.

Bị hoàn cảnh và các xu hướng xã hội thúc bách lao tác không còn giờ cho chính mình, nói ch đến tha nhân, không còn giờ dự tiệc cưới vua mời gọi.

Nâng cấp thành khách quan trong nước trời chính là mời gọi trở về tình trạng tốt lành, sống xứng ngôi vị con vua tình yêu trong nước trời. Mọi người trong nước trời đều là con vua tình yêu Jêsu.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html