Phiên tòa “giận cá chém thớt”!

Chẳng nói ra thì ai cũng biết, tám giáo dân sắp phải ra trước vành móng ngựa nay mai với hai tội danh rất ư là vớ vẩn, chỉ là cái cớ để chính quyền ‘dằn mặt’ các tu sĩ giáo phận Hà Nội, đặc biệt là đức TGM chủ chăn Ngô Quang Kiệt, LM Vũ Khởi Phụng chánh xứ Thái Hà cũng giống như việc ông chủ tịch Thảo đã từng cảnh cáo các Ngài trước đây và xa hơn nữa là toàn thể giáo hội công giáo.

Xử tội gì?

-Tội danh “phá hoại của công” rõ ràng không đủ thuyết phục bất cứ ai khi mà cái “của công” ấy chỉ là ba mét tường gạch cũ kỹ lâu đời, nếu xem là di tích cổ thì cũng chưa đủ tiêu chuẩn. Bức tường ấy, tám ‘bị cáo’ trên nếu không phải là người có đạo để phải ‘se nợ’ với nó, có lẽ Thủy thần cũng đã giúp nó trở về cùng bụi đất sau trận đại hồng thủy vừa qua.

Chỉ vì 3 triệu đồng theo định giá của bản cáo trạng mà họ phải ra tòa, thì hơn 3.000 tỷ đồng của Tp.Hà Nội thiệt hại vì ngập nước có do lỗi của cả con người, lớn hơn gấp một triệu lần, chính quyền sẽ kết tội phá hoại cho ai?

-Tội danh “gây rối nơi công cộng” nghe còn kỳ quái hơn! Sao lại gọi việc giáo dân đọc kinh cầu nguyện với những lời lẽ lành thánh như “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô là hành vi “gây rối”?

Với kiểu kết tội như vậy, chẳng nhẽ chính quyền VN không sợ sẽ làm tổn thương một cộng đồng tôn giáo chiếm 1/10 số dân, vì đã phỉ báng nghi thức cầu nguyện của họ?

Theo tôi, tội danh gây rối này lẽ ra để dành cho chính quyền quận Đống Đa, vì họ mới chính là tác giả gây nên cảnh hỗn loạn tại giáo xứ này hôm 20/8, khiến các em nhỏ nước mắt giàn dụa, các cụ già bị sặc sụa bất tỉnh vì hơi cay.

Xin các luật sư biện hộ cho tám giáo dân chớ quên việc trình ra trước tòa cái biên bản vụ việc này, cùng các hình ảnh, âm thanh của lũ ‘quần chúng tự phát’ mà lại mặc đồng phục sinh viên, lũ nghiện ngập v.v… yêu cầu họ xác định xem ai mới thực sự là kẻ gây rối?

Như vậy, gọi phiên tòa này là “giận cá chém thớt” tôi nghĩ chắc cũng không quá lời, vì mục đích thực sự của nó chỉ để nhắm tới hai việc sau:

1. Trước hết đảng CSVN muốn khẳng định ‘luật rừng xanh’ của CH-XHCN-VN vẫn là trên hết!

Mắc mứu quan trọng nhất trong vụ án Thái Hà, cũng như bao vụ xử dân oan trên cả nước lâu nay, tôi cho chính là bản nghị quyết ‘tội đồ’ mang mã số 23/QH/2003 đang được dùng để bênh vực bên kẻ cướp là các đồng chí của họ chứ không phải nạn nhân. Điều 1 của bản Nghị Quyết này là sự ‘phủi tay’ và chối bỏ mọi trách nhiệm lịch sử một cách tàn nhẫn trước các nạn nhân của chính sách tịch thu, trưng dụng tài sản, đất đai, nhà cửa trái phép xảy ra trước thời điểm 1/7/1991.

Chẳng những thế nó còn được dùng để kết án ngược lại nạn nhân nếu họ dám đòi hỏi công lý như với giáo xứ Thái Hà hôm nay, mà tám bị cáo giáo dân chính là những nạn nhân của bản Nghị Quyết này.

Quí vị nào quan tâm muốn biết thêm chi tiết nội dung bản ‘Nghị Quyết tội đồ’, xin xem ở đây http://www.quehuong.org.vn/vi/nr041215095635/nr050111144245/ns050222121540.

2. Phiên tòa là lời cảnh cáo cho những ai muốn đụng đến một trong những ‘tử huyệt’ của đảng CSVN.

“Tử huyệt” đó chính là mớ rối ren về tài sản đất đai mà chính đảng CSVN đã các định nó cũng giống như ‘khối u ác tính’ ở cơ thể người ta, không tài nào chữa khỏi. Ngay từ năm 2003 khi rục rịch chuyện khiếu kiện đất đai lan rộng, đảng đã phải ‘cắt bỏ’ nó bằng nghị quyết 23 nói trên. Bởi vậy, nay bất cứ ai còn muốn thọc tay vào ‘ngoáy’ vào vết thương ấy làm đảng đau, ắt họ sẽ phải trả giá!

Tóm lại thông điệp của phiên tòa là “ai dám chống lại những sự bất công và bao chuyện trái tai gai mắt đang diễn ra trong xã hội sẽ phải trả giá. Bởi vì chúng luôn gắn liền với sự giàu sang phú quí của các tầng lớp đảng viên cộng sản và là sự sống còn của chế độ!”

Không biết phải nên xử sao !?

Tuy nhiên nhìn vào những gì đã diễn ra kể từ lúc họ bắt bớ các giáo dân từ cuối tháng 8 đến nay, dường như đang có một sự lúng túng hoặc giằng co nhau trong chính nội bộ chính quyền về việc xét xử 8 giáo dân trên nặng hay nhẹ tay? Bởi vậy, mới có chuyện khi thì họ bảo không truy tố nữa lúc thì là “gây rối” khi khác lại là “phá hoại” và cuối cùng là cả hai tội danh luôn.

Tại sao trước một hành vi đã quá rành rọt mà luật pháp lại có thể tùy tiện kết tội, lúc thì bảo ‘bị can’ phạm phải tội này, lúc lại nói họ phạm tội khác. Thế nghĩa là sao?

Lại thêm chi tiết này nữa, tầm vóc của ‘vụ án Thái Hà’ không hề nhỏ vì cả thế giới đều biết, thế nhưng khi kết tội chính quyền lại chỉ dám đưa vụ việc ra xét xử ở một tòa án cấp quận. Cấp mà trình độ quan tòa thường chỉ được dùng để xử các những vụ án kiện cáo dân sự nhỏ. Rồi lại mới hôm qua, trong bài viết “TOÀ XỬ “TRÊN TRỜI!!!” trên VietCatholic lại có tin “Toà án Nhân dân quận Đống Đa sẽ chọn Hội trường tầng 4, UBND phường Ô Chợ Dừa, số 55 phố Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa làm địa điểm xét xử.” mà không phải tại tòa án của Quận này.

Sao lại có chuyện lạ như vậy, chẳng hẽ chính quyền muốn gây bất ngờ cho “giơ cao đánh khẽ chăng”? Dù muốn tin nhưng bản thân tôi thấy rất khó có chuyện đó xảy ra và kinh nghiệm các lần xử kiểu này đối với những người đấu tranh cho dân chủ như trường hợp nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, xử ở phường có thể đó là cảnh đấu tố chứ không còn là tòa án.

Thật ra với một thể chế mà vai trò của tòa án chỉ là công cụ bảo vệ họ, thì chuyện xử ở đâu, nặng hay nhẹ, thậm chí cho ‘chìm xuồng’ luôn là hoàn toàn nằm trong tầm tay của họ. Tuy nhiên, trước các thông tin về vụ xử này bị thay đổi “xoành xoạch” thì điều đáng để chúng ta quan tâm đến số phận của 8 giáo dân trên, chính là khả năng họ đang bị “mắc kẹt giữa hai lằn đạn”. Giữa những sự xâu xé của các thế lực khác nhau trong chính quyền, mà không còn vì sự mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo hội xung quanh bức tường và mảnh đất Thái Hà như ban đầu nữa.

Dư luận đang chờ một quyết định tỉnh táo và khôn ngoan từ chính quyền

Như đã nói trên, mấu chốt của toàn bộ vấn đề Thái Hà và TKS là các chính sách sai trái về đất đai nhưng nạn nhân lại bị vô hiệu hóa bởi Nghị Quyết 23/QH-2003. Mặc dù vậy như lời phát biểu của đức TGM Ngô Quang Kiệt trước UBND Tp.Hà Nội hôm 20/9, thì giáo phận Hà Nội hoàn toàn không có ý đòi lại gần 100 cơ sở đang bị nhà nước chiếm đoạt nếu nó tiếp tục được dùng vào mục đích công ích. Sở dĩ có vụ Thái Hà và Tòa Khâm Sứ chính là vì nó đang bị rơi vào tay tư nhân.

Lời nói của một vị chủ chăn như Đức cha Ngô Quang Kiệt chẳng lẽ chưa đáng tin?

Mối quan hệ giữa nhà nước cộng sản và các tôn giáo luôn là những mối quan hệ sóng gió không riêng gì ở VN. Vì vậy, sau mấy mươi năm bất đắc dĩ phải chung sống, chúng ta đã quá hiểu nhau không cần phải ‘đóng kịch’ hoặc lấy giáo dân, tín đồ ra để răn đe nhau làm gì nữa. Những tồn tại khúc mắc về tài sản đất đai giữa đôi bên, nếu chính quyền muốn nhắn gởi lời ‘răn đe’ đến giáo hội, thiết nghĩ cách tốt nhất là chính quyền chớ có làm sai trước đã. Chớ có sang nhượng những tài sản của giáo hội mà hiện nay đang sử dụng. Không còn lửa thì lấy đâu ra khói?

Sau vụ TKS và Thái Hà, trước bao ngổn ngang và đổ vỡ mới gây nên, tôi tin nếu khả năng dự đoán trước của nhà nước tốt hơn để họ có thể hình dung ra sự việc sẽ đưa đến cái kết cuộc ra đời hai cái công viên, nhìn bề ngoài thì đẹp đẽ nhưng bên trong là bao điều tai tiếng bất lợi về dư luận cả trong lẫn ngoài nước, chắc chắn chính quyền đã phải chọn cách xử lý khác, có tình lý hơn ngay từ đầu.

Dẫu sao bài học Thái Hà và Tòa Khâm Sứ cũng đã được rút ra, các giáo dân rõ ràng là vô tội và vô can, nên việc trả tự do cho họ ngay sau phiên tòa là điều cần thiết và là lẽ phải.

Bởi lẽ, nếu họ còn phải ngồi tù chắc chắn các Cha DCCT sẽ còn đấu tranh, nghị quyết 23/QH-2003 sẽ còn bị đem ra phân tích mổ xẻ, mớ giấy tờ nhập nhằng của UBND Tp.Hà Nội trưng ra còn bị xăm soi v.v… toàn những chuyện bất lợi cho chính nhà nước chứ không phải giáo hội.

Sàigòn, 26/11/2008