Hội thảo về "Đời sống Linh mục Công giáo – Một thách đố của thế giới hiện đại”

1. Cuộc Hội Thảo Quốc Tế về chủ đề “Đời sống linh mục công giáo – Một thách đố của Thế Giới hiện đại”

Cuộc hội thảo này đã được Uỷ Ban Giáo Sĩ thuộc Liên Hội Đồng Giám Mục A Châu (FABC) tổ chức từ 17 đến 23-11-2008, tại Đại Học Lên Trời (Assumption University), Suvarnabhumi Campus – Thailand. Toàn bộ khu đại học rộng 188 mẫu, do Dòng Các Sư Huynh Thánh Gabriel thành lập và điều khiển. Đại học gồm 10 phân khoa với 13.000 sinh viên. Phần cuối của khu đại học là 3 tòa nhà lớn 13 tầng: 2 tòa nhà làm lưu xá cho 1.000 sinh viên, 1 tòa nhà làm khách sạn với 266 phòng đôi, dành đón tiếp khách đến tham dự các cuộc hội thảo, được tổ chức tại đây.

2. Tham dự cuộc Hội Thảo có 83 tham dự viên và thuyết trình viên thuộc 10 quốc gia:

- 1 Tổng giám mục và 4 Giám mục:
- Đức TGM Peter Fernando, India, chủ tịch Ủy Ban Giáo Sĩ thuộc FABC;
- Đức GM Jesse Mercado, Phi luật Tân, thành viên Ủy Ban Giáo Sĩ thuộc FABC;
- Đức GM Luis Antonio Tagle, Giám Mục giáo phận Imus, Phi luật Tân;
- Đức GM Luis Broderick Pabillo, SDB, Giám mục phụ tá giáo phận Manila, Phi luật Tân;
- Đức GM Vianney Fernando, Sri Lanka
- 78 linh mục thuộc 10 quốc tịch: India, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thailand, Viet Nam,...
- Riêng Việt Nam, có 12 linh mục, thuộc 9 giáo phận tham dự.

3. Cuộc Hội Thảo đã bắt đầu bằng việc gặp gỡ thân mật của các thành viên trong bữa ăn tối thứ hai 17-11-2008.

Trong thánh lễ khai mạc sáng thứ ba 18-11-2008 nhằm ngày kỷ niệm cung hiến Vương Cung Thánh Đường thánh Phêrô và Phaolô, Đức cha Luis Tagle đã chia sẻ về ơn gọi của 2 vị tông đồ cột trụ của Giáo Hội. Các ngài đã đáp lại một cách trung thành lời mời gọi của Chúa Giêsu qua những thăng trầm, nhưng thách đố của thời đại các ngài. Các ngài trở nên gương mẫu cho đời sống linh mục giáo phận, khi phải đối diện với những thách đố của thời đại hôm nay.

Sau diễn văn chào mừng và khai mạc của Đức Cha Jesse Mercado, thành viên Ủy Ban Giáo Sĩ thuộc FABC, cha Lawrence Pinto, Thư Ký điều hành của Ủy Ban Giáo Sĩ thuộc FABC đã giới thiệu mục đích và nội dung tổng quát của cuộc Hội Thảo. Tiếp đến, Đức Ông Marek Zalewski, cố vấn thứ nhất của Đức Tổng Giám Mục Salvatore Pennachio, Sứ Thần Tòa Thánh tại Bangkok, đã đại diện đọc bức thư chuyển lời chào thăm, tỏ tình liên đới và khích lệ của Đức Thánh Cha tới toàn thể các tham dự viên đang thao thức trao đổi về một đề tài rất quan trọng đối với đời sống của Giáo Hội Á Châu: đào tạo và chăm sóc các linh mục.

4. Mục đích của cuộc Hội Thảo nhằm:

- Khám phá lại căn tính linh mục với ý niệm căn bản về Hiệp thông trong bối cảnh Á Châu;
- Dẫn các linh mục đến một sự nhận thức sâu hơn về Thiên Chúa (kinh nghiệm về Thiên Chúa) trong đời sống và sứ vụ của mình;
- Giúp các linh mục tìm được niềm vui của đời linh mục khi đối đầu với những thách đố của thế giới hiện đại.


5. Nhằm đạt mục đích trên, chương trình của cuộc Hội Thảo đã được khai triển dựa trên 8 đề tài thuyết trình:

(1) Viễn tượng và Căn Tính linh mục trong bối cảnh Á Châu (Đức cha Luis Tagle, Giám mục giáo phận Imus, Phi luật Tân),
(2) Linh mục, người “xây dựng” Cộng đoàn – Một chiều kích đầy ý nghĩa của việc chăm sóc mục vụ (Đức cha Broderick Pabillo, Giám mục phụ tá giáo phận Manila, Phi luật Tân),
(3) Kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa như là nền tảng cho nền linh đạo đích thực của linh mục (cha Gino Henriques, Dòng Chúa Cứu Thế, Singapore),
(4) Tình huynh đệ linh mục, thành phần cốt yếu của linh đạo và đời sống linh mục giáo phận (cha Emmanuel Asi, Pakistan),
(5) Những vấn đề nhân bản đang thách đố đời sống và sứ vụ của linh mục trong thế giới hiện đại (cha Lawrence Pinto, msij, India),
(6) Những tranh luận và những vấn đề liên quan đến các mối tương quan của linh mục hôm nay (Đức giám mục Vianney Fernando, Sri Lanka),
(7) Những kỹ năng tương quan giúp sống đời sống linh mục lành mạnh về mặt tâm linh và tâm lý (Đức tổng giám mục Peter Fernando, India),
(8) Việc thường huấn và những biện pháp hỗ trợ cho đời sống lành mạnh của linh mục tại giáo xứ (Đức tổng giám mục O. Quevedo, Phi luật Tân).


6. Ý chủ đạo xuyên suốt các đề tài thuyết trình, chính là suy nghĩ về người linh mục với những thách đố của thời đại hôm nay trong hình ảnh “Giáo Hội là hiệp thông”.

(1) Trước hết với đề tài “Viễn tượng và Căn Tính linh mục trong bối cảnh Á Châu”, Đức cha Luis Tagle đã trình bày cách hấp dẫn ơn gọi linh mục là một hồng ân Thiên Chúa ban qua Giáo Hội, trong Giáo Hội và cho Giáo Hội. Và Giáo Hội chính là hình ảnh của Chúa Ba Ngôi (Icon of Trinity) với đặc tính nổi bật là “hiệp thông”. Như vậy, người ứng sinh đón nhận chức linh mục trong một Giáo Hội với những hoàn cảnh lịch sử văn hóa cụ thể. Và cũng chính trong Giáo Hội địa phương này (Giáo Hội tại Á Châu), người linh mục sẽ sống và thi thành sứ vụ linh mục của mình (rao giảng, thánh hóa và lãnh đạo cộng đoàn) với những đặc tính và điều kiện văn hóa, chính trị, kinh tế… tại Á Châu.

(2) Tiếp đến với đề tài “Linh mục, người “xây dựng” Cộng đoàn – Một chiều kích đầy ý nghĩa của việc chăm sóc mục vụ”, Đức cha Broderick Pabillo, đã trình bày sứ vụ linh mục qua hình người mục tử xây dựng cộng đoàn “hiệp thông” dựa trên 5 yếu tố của cộng đoàn Giáo hội cơ bản (BEC: Basic ecclesial community): Lời giảng dạy của các tông đồ, tình huynh đệ hiệp thông, việc bẻ bánh, việc cầu nguyện và chia sẻ của cải. Và Đức Cha Pabillo đã đề nghị 4 gợi ý áp dụng cụ thể để xây dựng một cộng đoàn “hiệp thông”:

- trước hết là xác tín dựa trên nền linh đạo “linh đạo hiệp thông” với 4 điểm nhấn: cảm nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn hiệp thông, đang hiện diện trong mỗi người; xác tín mình là thành phần của “Thân Thể Mầu Nhiệm Chúa Kitô”; cảm nhận mỗi thành viên trong cộng đoàn là một món quà cho nhau; chia sẽ những gánh nặng của nhau và tha thứ cho nhau;
- tiếp đến, cần có một chương trình chung để mọi người có thể tham gia xây dựng cộng đoàn;
- sau đó, sự hiệp thông chỉ hình thành được khi người linh mục biết lắng nghe giáo dân và cởi mở đối thoại với mọi người;
- cuối cùng, người linh mục cần phải quan tâm đến những con chiên yếu đau, lo lắng tìm những con chiên lạc.

(3) Với xác tín về “căn tính của linh mục trong Giáo Hội là hiệp thông” và nhìn về sứ vụ “xây dựng một cộng đoàn hiệp thông” của linh mục, cha Gino Henriques đã trình bày đề tài “Kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa như là nền tảng cho nền linh đạo đích thực của linh mục”. Chúa Giêsu, vị linh mục thượng phẩm, đã luôn cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa là Cha và về Vương Quốc của Thiên Chúa. Chính cảm nghiệm sâu xa này đã trở nên nguồn động lực giúp Ngài chu toàn nhiệm vụ Chúa Cha trao phó. Như thế, cảm nghiệm sâu đậm về Thiên Chúa sẽ giúp hình ảnh “linh mục là người của Thiên Chúa” càng ngày càng rõ nét nơi người linh mục, đồng thời cũng giúp người linh mục sống và chu toàn sứ vụ linh mục, đặc biệt khi phải đương đầu với khó khăn, thập giá.

(4) Sau 3 đề tài đầu, những đề tài còn lại khai triển để đáp ứng mục đích 3 của cuọc Hội Thảo: “Giúp các linh mục tìm được niềm vui của đời linh mục”. Trước hết, niềm vui của linh mục được cha Emmanuel Asi quảng diễn trong đề tài: “Tình huynh đệ linh mục, thành phần cốt yếu của linh đạo và đời sống linh mục giáo phận”. Nền tảng kinh thánh và thần học của tình huynh đệ của người linh mục nằm ngay trong bản chất của ơn gọi linh mục. Linh mục được Chúa kêu gọi để “ở với Chúa và ở trong cộng đoàn các tông đồ”: “Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng” (Mc 3,13-14). Tình huynh đệ giữa cộng đoàn linh mục dựa trên tình huynh đệ thắm thiết mà người linh mục sống với Chúa Giêsu: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,15). Công đồng Vatican II trong sắc lệnh Đời Sống và Chức Vụ Linh Mục đã gọi tình huynh đệ linh mục là “tình huynh đệ do bí tích” (PO 8). Một cách cụ thể, tình huynh đệ linh mục được diễn tả qua: việc sống chung và làm việc chung, nâng đỡ nhau qua cầu nguyện đặc biệt trong những ngày tĩnh tâm, chia sẽ và nâng đỡ nhau khi gặp những khó khăn về vật chất cũng như tinh thần.

(5) Với đề tài “Những vấn đề nhân bản đang thách đố đời sống và sứ vụ của linh mục trong thế giới hiện đại”, cha Lawrence Pinto đã phân tích sâu xa về mặt tâm lý những khó khăn mà linh mục đang phải đương đầu trong cuộc sống tự nhiên của một con người (những căng thẳng lo lắng vì công việc, nỗi cô đơn và khó khăn trong đời sống độc thân linh mục, những đụng chạm trong tương quan...); từ đó dẫn đến một số những biểu hiện tiêu cực trong đời linh mục: uống rượu, nóng giận, những lo lắng thái quá, những bù trừ tình cảm và một số lệch lạc trong đời sống phái tính … Đây là một vấn đề quan trọng mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh đến trong tông huấn về đào tạo linh mục Pastores Dabo Vobis, đó là “sự trưởng thành tình cảm” mà ngài gọi là “kết quả của một nền giáo dục về tình yêu đích thực và có trách nhiệm” (PDV 43). Ánh sáng để giải quyết vấn đề khởi đi từ chính Đức Giêsu, tình yêu của Thiên Chúa nhập thể nơi con người Đức Giêsu Nagiarét với một thân xác đích thực. Cũng vậy, tình yêu mà người linh mục đang sống là tình yêu trong một thân xác bị ảnh hưởng bởi bối cảnh lịch sử văn hóa hôm nay. Như thế ngoài những phương thế thiêng liêng, những phương hiện đại khác, đặc biệt là khoa tâm lý hiện đại, sẽ hỗ trợ người linh mục nhận thức được về chính mình trong tương quan cụ thể với mọi người chung quanh.

(6) Tiếp đến, Đức Cha Vianney Fernando, với kinh nghiệm cụ thể của 24 năm giám mục, đã khởi đi từ những trường hợp cụ thể của một số linh mục trong giáo phận của ngài, để phân tích và quảng diễn đề tài: “Những tranh luận và những vấn đề về các mối tương quan của linh mục hôm nay”. Những trục trặc trong tương quan với giám mục, với anh em linh mục, với giáo dân làm cho người linh mục mất bình an và niềm vui trong cuộc sống. Và Đức Cha Vianney đã kết thúc khi nhấn mạnh đến 2 điểm trong tương quan của người linh mục: trước hết đó là tương quan với những con người cụ thể toàn diện (cuộc sống, gia đình, khó khăn..), chứ không phải chỉ là tương quan với những con người trong công việc; tiếp đến, là con người, như Chúa Giêsu, người linh mục cũng cần có những tình bạn cụ thể dựa trên “sự trưởng thành tình cảm đích thực”.

(7) Và để vượt qua những khó khăn trong những mối tương quan, Đức tổng giám mục Peter Fernando đã khai triển đề tài: “Những kỹ năng tương quan giúp sống đời sống linh mục lành mạnh về mặt tâm linh và tâm lý”. Sau khi đã trình bày thế nào là sự trưởng thành về mặt thể lý, tâm lý và tâm linh, Đức Cha Peter đã đề nghị một số những phương thế giúp sống phong phú tương quan với Chúa, tương quan với những người chung quanh và tương quan với chính bản thân.

(8) Về đề tài cuối cùng “Việc thường huấn và những biện pháp hỗ trợ cho đời sống lành mạnh của linh mục tại giáo xứ”, Đức tổng giám mục O. Quevedo vì lý do mục vụ không thể đến được, đã gởi bài và nhờ Đức Cha Jesse Mercado trình bày. Bài thuyết trình khai triển 2 điểm cụ thể như là phương thế để giúp các linh mục sống phong phú và vui tươi trong đời sống linh mục: chương trình thường huấn cho các linh mục và những phương thế cụ thể giúp các linh mục gặp khó khăn. Một minh họa là kinh nghiệm cụ thể của Giáo Hội Phi Luật Tân với chương trình thường huấn dành cho các linh mục thuộc những thế hệ khác nhau: các linh mục từ 1-5 năm linh mục; các linh mục từ 6-10 năm linh mục; các linh mục từ 11-24 năm linh mục; các linh mục cao tuổi được phân làm 2 nhóm: từ 25-33 năm linh mục và trên 33 năm linh mục cho đến khi về hưu. Đồng thời Giáo Hội Phi Luật Tân cũng đã bắt đầu một chương trình đặc biệt “chữa trị” cho các linh mục gặp khó khăn.

7. Xen kẽ giữa các bài thuyết trình là hai buổi họp nhóm

Có 7 nhóm, chia theo các quốc gia tham dự, giúp khai triển và cụ thể hóa những lý thuyết được trình bày, nhờ những suy tư và kinh nghiệm của các tham dự viên. Ngoài ra, những gặp gỡ trao đổi riêng trong những giờ giải lao, trong những giờ giải trí “happy hours” vào buổi tối, giúp tạo nên mối tương quan huynh đệ giữa các linh mục tham dự viên.

8. Ngày cuối cùng (thứ bảy 23-11-08), buổi sáng dành để thảo luận về “Bản Tuyên Bố cuối cùng”.

Các tham dự viên đã sôi nổi trao đổi, góp ý về bản văn. Ban soạn thảo bản văn đã ghi nhận những góp ý để hoàn thành Bản Tuyên Bố cuối cùng và sẽ gởi tới cho các tham viên trong những ngày tới. Buổi chiều, sau cuộc tham quan thành phố Bangkok, cuộc Hội Thảo đã kết thúc với thánh lễ bế mạc do Đức Tổng Giám Mục Peter Fernando chủ sự. Sau thánh lễ, là cuộc gặp gỡ cám ơn với bữa cơm tối thân mật với quí Sư Huynh và ban Giám Đốc điều hành của Assumption University.

9. Tóm lại, cuộc Hội Thảo Quốc Tế về chủ đề “Đời sống linh mục công giáo - Một thách đố của Thế Giới hiện đại” đã diễn ra trong bầu khí hiệp thông của Giáo Hội

Dưới sự hướng và tác động của Chúa Thánh Thần, các giám mục Á Châu, qua Ủy Ban Giáo Sĩ củaFABC đã tạo điều kiện để các thành viên của các Giáo Hội tại Á Châu có dịp gặp gỡ, học hỏi và trao đổi về một vấn đề quan trọng trong đời sống Giáo Hội: việc đào tạo và chăm sóc các linh mục. Sự hiệp thông này được thể hiện trong bầu khí đón tiếp thân tình của Giáo Hội Thái Lan và qua Sứ Thần của Tòa Thánh tại Thái Lan, cuộc Hội Thảo cũng được hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu qua sự nâng đỡ và khích lệ của Đức Thánh Cha.

Ước mong những thành quả của cuộc Hội Thảo sẽ góp phần vào việc đào tạo và chăm sóc cho các linh mục tại Á Châu.

Ngày 23-11-2008

Lm. Giuse Đỗ Mạnh Hùng