Nói đến phép lạ còn xảy ra ngày nay, nhiều người sẽ không tin, hay nửa tin nửa ngờ, mặc dầu nhiều đấng chăn chiên đã khẳng định điều này. Nếu chúng ta hiểu phép lạ theo nghĩa “bình dân” một chút, nghĩa là phép lạ không cần phải là một sự kiện to lớn như khăn liệm Chúa Giê-Su có in hình Người, hoặc Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, v. v. , mà phép lạ chỉ là một sự việc mà chúng ta không thể giải thích được bằng sự hiểu biết tự nhiên, sự hiểu biết khoa học, thì quả thực phép lạ vẫn còn xảy ra trong cuộc sống của chúng ta mà chúng ta không biết, như lờI khẳng định mới nhất của một vị linh mục mà tôi mới được nghe. Riêng cá nhân tôi, tôi xin được trình bày một số kinh nghiệm mà tôi đã trải qua và không thể nào giải thích nổi bằng lý luận khoa học.

Đầu năm 1968, tôi bị động viên đi khóa Sĩ-quan Trừ-bị Thủ-đức. Mãn khóa, tôi đến thăm người anh cả của tôi trước khi lên đường ra đơn-vị tác chiến. Sau khi dặn dò tôi, anh tôi mở tủ lấy cho tôi 2 bức hình trên nền gỗ, bức hình Chúa Giêsu đội mão gai to gần bằng bàn tay người lớn, bức hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp to gần bằng lòng bàn tay người lớn, hình bằng kim loại gắn trên nền gỗ đã cáu đen. Anh tôi bảo do một linh mục Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà-nội cho ông cách đó đã hơn 20 năm, nay ông cho tôi đem theo ra đơn vị để được phù hộ, che chở. Tôi thấm nước miếng chà 2 bức hình thì thấy hình Chúa Giêsu bằng đồng và hình Đức Mẹ bằng bạc. Tôi khoan một lỗ trên nền gỗ hình Đức Mẹ và đeo vào cổ, hình Chúa Giêsu hơi lớn nên tôi cất đi. Chỉ ít ngày sau, hình Đức Mẹ sáng bóng lên do mồ hôi nơi ngực tôi chà xát. Khi đi hành quân, tôi bỏ hình Đức Mẹ vào túi áo trái, tin tưởng rằng nếu một viên đạn vô tình bay tới thì Đức Mẹ sẽ đẩy viên đạn chệch đi.

Sau hơn 2 năm ở đơn vị tác chiến, tôi được gọi về dạy học ở Trường Sinh-ngữ Quân-đội. Một năm sau, đầu năm 1972, tôi được gởi đi Mỹ thụ huấn khóa Giảng-viên Anh-ngữ. Tôi vẫn muốn đem theo bức hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nên tôi gỡ hình Đức Mẹ khỏi nền gỗ và luôn bỏ hình vào túi áo trái có cài nắp. — trường học tôi, vào mỗi cuối tuần đều có các vị làm việc tông-đồ bên người anh em Tin-lành của chúng ta đến rủ chúng tôi đi lễ Tin-lành rồi đưa chúng tôi đi chơi, xa hay gần tùy theo cuối tuần dài hay ngắn. Tôi thích những buổi đi chơi này lắm, nên tôi đi lễ Công-giáo ngày thứ 7, và Chủ-nhật thì theo một vị trung-tá Mỹ đã về hưu đi lễ Tin-lành, rồi đi chơi. Một buổi chiều ngày thứ 5, tôi ở lớp học về thì đã thấy vị trung-tá chờ sẵn ở phòng khách. Tôi mời ông vào phòng mình, mời ông một lon nước ngọt, rồi truyện vãn. Lát sau, ông ngỏ ý muốn tôi được rửa tội để theo đạo Tin-lành.
Tôi hỏi ông:
-Thưa trung-tá, đạo Tin-lành có thờ Đức Mẹ không?
-Có chứ. Đạo Tin-lành có thờ Đức Mẹ chứ.
-Thưa trung-tá, đạo Tin-lành có tin Đức Mẹ đồng trinh không?
-Có chứ. Đạo Tin-lành tin Đức Mẹ đồng trinh chứ.
Tôi nói ngay:
-Thưa trung-tá, như vậy thì không có gì khác biệt giữa Công-giáo và Tin-lành cả. Điều khác biệt, nếu có, chỉ là cách chúng ta thờ phượng Chúa mà thôi. Tôi là người Công-giáo, tôi đã được rửa tội một lần, đâu cần rửa tội lần thứ 2 nữa.
Ông trung-tá thấy tôi dứt khoát, bèn nói sang chuyện khác, rồi cáo từ
ra về sau khi hẹn tôi đi lễ rồi đi chơi ngày chủ nhật kế đó.

Sau khi ông trung-tá ra về, tôi cởi áo sĩ-quan treo vào móc trong tủ lẩn vào tường, bỗng nghe tiếng keng. Theo phản ứng tự nhiên, tôi nhìn theo tiếng keng thì không thấy gì. Tôi nắn túi áo có hình Đức Mẹ bên trong thì không thấy hình đâu cả. Tủ không có khe hở, tôi bèn tìm kiếm khắp phòng, căn phòng chỉ đủ lớn để kê 2 giường nhỏ, 1 bàn và 2 ghế, 1 tủ lạnh và 1 thùng nhỏ đựng rác. Bức hình tròn, có đường kính khoảng 6 cm, lớn hơn miệng ly uống nước trà, đã biến mất. Tôi toát mồ hôi, vò đầu bứt tai, muốn khóc. Tôi lẩm bẩm: “Lạy Mẹ. Con có bỏ Mẹ đâu. Sao Mẹ bỏ con”. Tôi nghĩ nếu đây là hình phạt của Mẹ dành cho tôi thì thật là oan cho tôi. Tôi có vẻ bực bội, cái bực bội của đứa con bị mẹ phạt oan. Tôi tiếp tục tìm kiếm bức hình trong suốt thời gian còn lại của khóa học, nhưng không thấy. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện xin Mẹ tha thứ, dù tôi có lỗi hay không.

Chín năm sau, năm 1981, sau gần 6 năm tập trung cải tạo, tôi được tha về, và luôn luôn tính chuyện vượt biên, nhưng cũng luôn luôn thất bại. Trong một chuyến vượt biên, trước lúc ra đi tôi đến nhà thờ Đức Mẹ Fatima ở Bình-triệu để cầu nguyện cho chuyến đi được bình an. Trước lúc ra về, tôi ngước nhìn Đức Mẹ, mặt Đức Mẹ buồn hiu. Tôi nghĩ bụng chắc chuyến đi chẳng lành, nhưng không thể đình hoãn được vì tôi đã nhận lời làm hoa tiêu (xác định phương hướng trên biển) cho chuyến đi. Chuyến đi gần 30 người, ai cũng nôn nóng ra đi. Nếu tôi đề nghị hoãn chuyến đi chỉ vì trông thấy khuôn mặt Đức Mẹ buồn hiu, chắc chẳng ai nghe, mà còn tạo thêm sự bồn chồn lo âu. Tôi nhìn lên Đức Mẹ một lần nữa, Đức Mẹ vẫn buồn. Tôi bước đi mà hai chân cảm thấy thật nặng nề.

Chúng tôi rời Sàigòn vào một buổi chiều trên chiếc ghe dài khoảng 10 mét, rộng khoảng 2 mét rưỡi, len lỏi qua các kinh rạch, ngõ ngách của những cánh rừng nước, và đến gần bờ biển Vũng-tàu lúc gần sáng. Trời sáng rõ, chúng tôi ra khơi như những chiếc ghe đi đánh cá. Dân đánh cá phát hiện chúng tôi, nhưng họ chẳng phản ứng gì bất lợi cho chúng tôi mà còn góp ý và chúc chuyến đi bình an.

Trời bỗng nổi gió lớn. Sao thế kìa? Dự báo thi tiết nói biển êm mà? Chúng tôi nhìn qua hai bên thì thấy các ghe đánh cá vẫn tiếp tục đi làm ăn nên có phần an tâm. Thế rồi những ngọn sóng lớn dần, nối tiếp nhau. Ghe chúng tôi nặng không cỡi nổi sóng nên bị nước tràn lên và bắt đầu ngập. Chúng tôi nỗ lực tát nước nhưng không xuể, Chúng tôi buộc lòng quyết định bỏ ghe, đổ hết dầu chạy máy đựng trong các thùng plastic xuống biển, rồi mỗi người ôm một thùng và bước xuống biển. Tôi không biết bơi, nhưng nhờ có chiếc áo nổi tự chế và cái thùng dầu nên có thể đứng nước được, mặc dầu sóng biển nhồi lên nhồi xuống, và nước biển đập vào mặt, nhấm nháp mặn chát. Một lát sau, tôi thấy một cặp vợ chồng đang dìu nhau, người vợ chắc không biết bơi và người chồng có vẻ đuối sức, nên tôi ném chiếc thùng cho họ. Thế là tôi bị mất thăng bằng, đành thả ngửa, nước biển tạt qua mặt nhiều hơn, hai chân thõng sâu xuống nước nên rất mỏi. Ngửa mặt nhìn trời, tôi đọc kinh kính mừng và bắt đầu cầu nguyện ăn năn tội với ý phó dâng. Lạ thay! Gió bắt đầu dịu dần và sóng biển thấp dần. Tôi khẽ kêu lên: “Xin Mẹ cứu giúp chúng con”. Như một phép lạ, chỉ ít phút sau, một chiếc ca nô khá lớn xình xịch chạy tới. Trên ca nô là những người da trắng. Họ vớt chúng tôi lên không sót một người, rồi đưa chúng tôi về tàu của họ đang thả neo gần đó. Thì ra họ là người Nga, tàu của họ đang chuẩn bị rời Việt Nam về nước. Chúng tôi trao đổi với viên thuyền trưởng bằng tiếng Anh và được biết rằng tình cờ ông ta bước lên boong tàu cầm ống nhòm quan sát và trông thấy chúng tôi nên cho thả ca nô xuống vớt. Chúng tôi đề nghị ông ta đưa chúng tôi đến bất cứ nước nào nhưng ông ta lịch sự từ chối.

Không biết có phải nhà cầm quyền địa phương thông cảm với chúng tôi là những kẻ đắm tàu mà sau khi gạn lọc, họ cho đàn bà con nít về. Riêng tôi, họ chỉ kêu án 12 tháng cải tạo, mặc dầu khi lên tàu Nga để lãnh chúng tôi về, công-an địa phương bước thẳng tới tôi và hỏi: “Anh là sĩ-quan Ngụy?” Chẳng còn gì hơn để mất, tôi trả lời anh ta: “Tôi là sĩ-quan chế độ cũ”. Có lẽ viên thuyền trưởng người Nga đã báo cáo với họ về tôi.

Trong vụ việc này, có người sẽ cho rằng chỉ là do tình cờ, như viên thuyền trưởng người Nga nói, nên chúng tôi được cứu sống. Tôi thì luôn luôn tin rằng chính Mẹ Hằng Cứu Giúp đã cứu sống chúng tôi, chính Mẹ đã tạo ra cái sự tình cờ cho viên thuyền trưởng bước lên boong tàu và trông thấy chúng tôi. Thử hỏi thêm: Nếu gió lớn nổi lên khi chúng tôi đã ra xa bờ hơn?

Chúng ta thờ phượng Chúa và Mẹ Maria, nhưng thân thương hơn khi nói về Mẹ, chúng ta hay nói là yêu mến Mẹ. Khi còn ở Việt Nam, có lần tôi hứa với Mẹ là sẽ chừa rượu nhưng sau đó thấy không chừa được. Trước khi uống lại, tôi phải cầu nguyện xin Mẹ tha thứ để tôi rút lại lời hứa. Một lời hứa khác, tôi đã thực hiện được: Nếu con có một căn nhà, con sẽ dành một phòng cho Mẹ. Từ đó đến nay, trước khi đi làm hay đi đâu xa, tôi đều vào phòng Mẹ để: “Thưa Mẹ con đi”. Chỉ cần vậy thôi, Mẹ đã hiểu rằng tôi muốn xin Mẹ ban bình an, Và thân thương hơn, Mẹ cũng hiểu rằng tôi muốn “Xin Mẹ coi chừng nhà cho chúng con”. Và khi trở về thì việc đầu tiên là tôi vào phòng Mẹ để: “Thưa Mẹ con đã về đây”.

Hôm ấy, vợ chồng tôi đi xa về. Vừa mở cửa vào nhà, chúng tôi ngửi mùi khét như có ai nướng cua bị cháy. Tôi mở đèn, có bóng sáng, bóng không sáng. Chúng tôi nghĩ ngay là có trục trặc về điện, nên cả hai đi mở các đồ gia dụng trong nhà: hư 2 computer, 2 màn hình, 2 máy in, 1 máy fax, 2 TV, 2 đầu máy, 3 điện thoại, 1 máy đánh chữ, 1 microwave, 9 bóng đèn loại tốt. Chúng tôi đi tìm chỗ phát ra mùi khét: trong phòng Đức Mẹ, cái ổn áp điện (surge protector) bị cháy, còn để lại vết nám đen trên nền nhà không trải thảm. Tôi gọi thợ điện và họ xác nhận là sét đã gây ra cớ sự mặc dầu hôm ấy trời không mưa. Họ giải thích thêm rằng sét thường đi một vòng và sẽ nổ vào chặng chót.

Trường hợp nhà tôi, sét đã đi một vòng và chặng chót nổ ở phòng Đức Mẹ không thải thảm. Tôi nghĩ nếu ở chặng chót sét nổ ở phòng có trải thảm thì chuyện gì đã xảy ra? Tại sao còn 3 TV và tủ lạnh không hư? Sau đó, tôi nói những ý nghĩ có vẻ phép lạ của tôi với bà dại diện hãng bảo hiểm. Bà cười cười nhìn tôi và cho tôi thêm 150 đô la để sửa chỗ nám đen trên nền nhà (tôi chỉ cần lau đi là hết) và 36 đô la để mua 9 bóng đèn, mặc dầu tôi không đòi hỏi 2 món tiền này.

Tôi là kẻ tội lỗi, không xứng đáng để được thấy phép lạ. Thế nhưng khi tôi quỳ trước bàn thờ Mẹ, ngước lên nhìn Mẹ, tôi có thể cảm nhận được có lúc Mẹ vui, có lúc Mẹ buồn, có lúc Mẹ bình thường. Có một lần, và chỉ một lần mà thôi cho tới ngày hôm nay, vợ chồng tôi quỳ trước bàn thờ Mẹ, tôi ngước nhìn Mẹ và khẽ la lên: “Em ơi, Đức Mẹ cười”. Vợ tôi không thấy gì, cũng không nói gì. Tôi chắc vợ tôi, cũng như nhiều người, đều cho rằng chỉ vì tôi quá tập trung cầu nguyện Mẹ nên thấy hiện tượng Mẹ cười. Mà cho dù chỉ vì chúng ta quá tập trung tư tưởng để cầu nguyện Mẹ nên thấy khuôn mặt Mẹ thay đổi như mình tưởng tượng, tôi nghĩ đó cũng là điều nên làm. Riêng tôi, tôi không hề nói dối, nụ cười của Đức Mẹ hôm ấy, tôi sẽ chẳng bao giờ quên được.

Thế rồi vào một buổi tối sau đó ít lâu, vợ tôi cầu nguyện một mình trong phòng Đức Mẹ ra, bảo tôi: “Anh ạ, em thấy Đức Mẹ khóc”. Lần này thì chính tôi lại thắc mắc: Đức Mẹ có khóc thật không, hay chỉ vì vợ tôi quá tập trung cầu nguyện nên thấy khuôn mặt Đức Mẹ thay đổi như vậy. Vợ tôi tiếp: “Chiều nay, bạn em có chuyện buồn, kể cho em nghe và khóc, nên em cầu nguyện cho bạn em”.