LỄ THÁNH PHAOLÔ TRỞ LẠI, ngày 25/01

Cv 9,1-22; Mc 16, 15-18

Một con người đã trung thành với Đạo Do Thái Giáo, đã rất trung tín với truyền thống cha ông. Phaolô tên thật là saolô, quê ở Tarsê xứ Cilicia, là người Do Thái thuộc chi tộc Benjamin. Gia đình của Saolô đã nhập tịch Roma nên Ngài cũng là công dân Roma. Saolô là một phần tử hăng say trong nhóm biệt phái và thù ghét các người theo Chúa. Sau khi Saolô tham dự vào việc ném đá Stêphanô cho đến chết, Ngài bắt đầu bách hại Giáo Hội của Chúa Giêsu. Với sự chấp thuận, chuẩn y của thượng tế Do Thái, Saolô xuống Đamas truy lùng những người theo Chúa. Nhưng trên đường đi, hăng say và điên tiết vì tức giận các Kitô hữu, Ngài đã bị một luồng sáng bao phủ và vật ngã. Đây là biến cố đã làm đảo lộn cuộc đời của Saolô.

MỘT BIẾN CỐ ĐÃ BIẾN ĐỔI CUỘC ĐỜI CỦA SAOLÔ :

Saolô theo như sách công vụ tông đồ 9,1-22 thuật lại rất rõ ràng rằng khi ông đang hăm hở bách hại Giáo Hội, trên con đường ông đi và đến gần Đamas, thì bỗng nhiên có một luồng ánh sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy Ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với Ông: ” Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta ? “ ( Cv 9, 3-4 ). Saolô cảm thấy choáng váng, chưa hiểu gì, Ông liền nói:” Thưa Ngài, Ngài là ai ?” Người đáp: ” Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt bớ. Nhưng ngươi hãy đứng dậy, vào thành, và người ta sẽ nói cho ngươi biết phải làm gì “ ( Cv 9, 6 ). Khanania, một môn đệ của Chúa Giêsu đã đến gặp Ngài ở Đamas. Mắt Ngài đã được sáng và Ngài lãnh nhận phép rửa tội. Với tên mới Phaolô, Ngài đã nhiệt thành rảo khắp các nơi rao giảng Chúa Kitô cho dân ngoại. Biến cố Đamas đã hoàn toàn biến đổi cuộc đời của Phaolô.

BIẾN CỐ ĐAMAS CÓ Ý NGHĨA GÌ VỚI PHALÔ ?:

Thánh Phaolô đã rất khiêm nhượng khi đề cập tới biến cố này, Ngài viết: ” …Nhưng Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Ngài, Ngài đã đoái thương mặc khải Con của Ngài cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Ngài cho các dân ngoại “ ( Galat 1, 15-16 ).

Trong một đọan khác của thư gửi tín hữu Roma, thánh Phaolô viết: ” Vì những ai Ngài đã biết từ trước thì Ngài đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Ngài, để Con của Ngài làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Ngài cũng kêu gọi, thì Ngài cũng làm cho nên công chính; những ai Ngài đã làm cho nên công chính, thì Ngài cũng làm cho hưởng phúc vinh quang.”( Rm 8, 23-30 ).Thư gửi tín hữu Corintô, thánh Phaolô viết: ” Tôi chẳng được tự do sao ? Tôi chẳng phải là tông đồ sao ? Tôi chẳng trông thấy Đức Giêsu, Chúa chúng ta sao ? “( I co 9, 1 ). Đamas đã là một thị kiến về Chúa Giêsu. Ngài viết tiếp:”Sau đó, Ngài cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào đứa trẻ sinh non. Thật vậy, tôi là kẻ hèn mọn nhất trong số các tông đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa”( I Co 15, 8-9 ). Và đây là một đoạn quan trọng nói về việc Phaolô đón nhận biến cố Đamas: ” …Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô và được kết hợp với Ngài. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do lề luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin “( Pl 3, 5-9 ). “ Quả thật, xưa Thiên Chúa đã phán: ” Ánh sáng hãy bừng lê nơi tối tăm !”. Ngài cũng làm cho ánh sáng chiếu soi lòng trí chúng tôi, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô “. Đoạn khác viết: ” Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Ngài đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Ngài. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược “. (Tm 1, 12-13 ) hoặc “ Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Ngài nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Ngài, để được sống muôn đời” ( Tm 1, 13-16). Biến cố Đamas quả thực là một biến cố vượt khỏi tầm hiểu biết của con người. Đây là một biến cố thiêng liêng, linh thánh vượt trên cả cuộc hoán cải bình thường.

BIẾN CỐ ĐAMAS NÓI GÌ CHO CHÚNG TA:

Giáo Hội tưởng niệm biến cố Đamas, biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ hiệp nhất. Thánh Phaolô đã dám vượt ra ranh giới của dân tộc, của đạo giáo của mình để làm một cuộc trở về rất ngoạn mục đối với Thiên Chúa. Thánh Phaolô tuyên bố: ” Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Hội thánh nhận ra mẫu gương của sự hiệp nhất của thánh Phaolô. Với mỗi người chúng ta hoán cải, sám hối phải trở nên điều kiện đầu tiên của người môn đệ Chúa đặt hết niềm tin nơi Thiên Chúa. Bởi vì, sám hối là khởi đầu của niềm tin và lòng tin khởi đi từ sám hối.

Xin thánh Phaolô giúp chúng ta luôn hiểu được trở về hằng ngày là điều kiện tiên quyết để chúng ta gặp được Chúa. Amen.